Cẩm Khê Di Hận

Chương 19: Uy danh động đến bắc phương


trước sau

Sau khi chôn cất tử sĩ. Phật-Nguyệt đánh trống, truyền các tướng sĩ vào
họp. Bà ban lệnh phủ tuất gia đình tử sĩ. Cứ như luật Lĩnh-Nam. Tử sĩ
tuẫn quốc đương nhiên được thăng lên một cấp. Lương bổng tử sĩ vẫn tiếp
tục phát cho quả phụ, cô nhi. Tử sĩ có mẹ già, lạc hầu, lạc tướng phải
cử người nuôi dưỡng, chu cấp đầy đủ.

Bà mời tướng soái vào họp, định công thăng thưởng. Cuộc họp vừa bắt đầu, có Thần-ưng ré lên trên không. Mọi người đưa mắt nhìn Cu Bò. Nó lắng
tai nghe tiếng Thần-ưng, rồi trả lời bằng cái lắc đầu:

– Không hiểu sao Thần-ưng đang tuần phòng, kêu ré lên báo hiệu có khách
tới thăm rồi mất tích. Hay chúng bị người bắn chết cũng nên.

Mọi người theo Cu Bò ra sân xem: Tất cả Thần-ưng đồn trú trên hồ
Động-đình đều cất cánh bay về phương Nam. Chúng dàn ra thành từng tốt
trăm con một, lượn vòng tròn, giống như tập trận. Chúng đồng cất tiếng
kêu, vui vẻ nhộn nhịp, hòa nhã. Các tướng soái đã được nghe chúng kêu
như vậy hai lần. Lần thứ nhất trong khi bay lượn trên bàn thờ Quốc-tổ,
hôm đại hội hồ Động-đình và hôm cử hoàng-đế Lĩnh-Nam.

Đào Phương-Dung nói với Đào vương-phi:

– Thưa bác, hồi đánh Long-biên trở về Thần-ưng thấy hai bác cùng đạo
binh Cửu-chân từ xa đến, cũng bay lượn, reo lên vui vẻ như vậy. Không lẽ bác trai còn sống trên thế gian này ư?

Tây-vu tiên tử lắc đầu:

– Không phải thế đâu cháu ơi! Thần-ưng là loài chim có linh tính ở
Tây-vu. Khi chúng thấy vị thánh nhân, hoặc chúa tướng tối cao, thì kêu
lên báo hiệu cho nhau, bay lượn chào đón. Ta đoán, dường như có nhân vật quan trọng sắp tới Trường-sa. Không phải vua Trưng, ắt Bắc-bình vương
Đào Kỳ hoặc công chúa Hồ Đề.

Sún Hô nhảy nhót mấy cái, chàng đã lên đến cành cao chót vót của cây cổ thụ, phóng mắt nhìn về hướng Nam. Chàng nói vọng xuống:

– Đúng rồi, Hoàng-đế giá lâm. Xa xa em thấy một đoàn người ngựa. Đi đầu có con voi trắng, hai cái ngà chéo nhau.

Trưng-đế dùng đức cai trị Lĩnh-Nam hơn năm qua. Dân chúng, nhà nhà đều
cảm thấy thanh nhàn. Đêm ngủ không cần đóng cửa. Của rơi không có người
nhặt. Trẻ kính già. Già dạy trẻ. Liên tiếp ba mùa đều trúng. Dân chúng
ấm no, ca ngợi công đức ngày đêm. Họ nói với nhau: Đến vua Hùng sống dậy cũng không làm họ sung sướng hơn.

Vì vậy các tướng nghe Trưng hoàng-đế giá lâm, đều nhảy nhót vui mừng.
Phật-Nguyệt truyền dàn giáp sĩ từ trong thành ra đến ngoài mười dậm chào đón hoàng-đế.

Trần Quốc-Dũng can:

– Sư tỷ! Không nên biểu lộ quân khí hùng mạnh. E hoàng-đế nghi ngờ
chăng? Sư tỷ có nhớ xưa Hàn Tín cầm quân, tranh thiên hạ cho Lưu Bang.
Lưu Bang du Vân-mộng. Hàn Tín dàn giáp sĩ, biểu lộ quân khí hùng mạnh.
Lưu Bang nghi ngờ rồi truyền bắt giam Hàn Tín, giáng tước từ Sở vương,
xuống làm Hoài-âm hầu.

Phật-Nguyệt cười:

– Sư đệ biết một mà không biết hai. Lưu Bang xuất thân từ một tên đình
trưởng. Không tài không đức. May mà được thiên hạ. Vì vậy y nghi ngờ tất cả mọi người. Còn Trưng-đế xuất thân hiệp nghĩa. Tài trí thiên hạ không ai bằng. Vì vậy hoàng-đế không nghi ngờ ai. Hàn Tín có tài dùng binh
bậc nhất thời Tây-Hán. Cho nên Lưu Bang nghi ngờ. Còn ta, tài dùng binh
thua xa Trưng Nhị, Đào Kỳ, Phương-Dung, Vĩnh-Hoa, Thánh-Thiên, Đinh Đại, Đô Dương. Làm sao Trưng-đế nghi ta được? Vả xưa, thời bình rồi, mà Hàn
Tín muốn tỏ cái tài, cố gắng luyện sĩ tốt, làm Lưu Bang nghi ngờ. Còn
đây, trong lúc chiến tranh, Trưng-đế lo sợ ta đương không nổi Hán, mới
tới vi hành. Ta cần tỏ ra mạnh, để người yên tâm.

Các tướng đều phục Phật-Nguyệt minh mẫn. Bà lên ngựa, xuất thành, dẫn
Chu Tái-Kênh, Đào vương-phi cùng các tướng đi đón. Từ xa xa, thấy bầy
voi, cùng người ngựa tiến đến. Phật-Nguyệt ra lệnh cho mọi người xuống
ngựa, đứng chờ ven đường. Chu Tái-Kênh chỉ đoàn người ngựa:

– Hoàng-đếá Lĩnh-Nam xuất chinh chưa tới hai trăm người ngựa tháp tùng.
Trong khi hoàng-đế Trung-nguyên đi đâu, phải tiền hô hậu ủng hàng ngàn,
hàng vạn giáp sĩ.

Cu Bò cười lớn:

– Hoàng-đếá Lĩnh-Nam được dân yêu, đâu sợ người ám sát, mà cần giáp sĩ? Hoàng-đế của mình có võ công cao, dễ gì ai đến gần được?

Trưng hoàng-đế tới gần, Phật-Nguyệt hô lớn:

– Các tướng sĩ Trường-sa, giáp trụ trên người, không hành đại lễ. Mong hoàng-đế miễn tội.

Hoàng-đếá nhảy vội xuống nói lớn:

– Chúng ta là sư huynh, sư muội một nhà. Không nên dùng đại lễ. Miễn lễ. Miễn lễ.

Ngài ra lệnh cho voi của Phật-Nguyệt, Tái-Kênh cùng đi ngang với voi của ngài và Trưng Nhị. Dân chúng trong thành, nhà nhà kéo nhau ra chào mừng hoàng-đế giá lâm.

Trưng hoàng-đế nói với Phật-Nguyệt:

– Ta bất thần thăm mặt trận Động-đình. Sư muội bắt dân chúng đón rước chi cho mệt mỏi?

Phật-Nguyệt chưa kịp trả lời, Cu Bò cỡi ngựa đi phía sau. Nó xen vào:

– Thưa "chị" hoàng-đế. Chị Phật-Nguyệt đâu có bảo họ đón. Họ nghe
hoàng-đế đến, tự bảo nhau, kết hoa, đốt pháo mừng, kéo nhau đi đón đấy
chứ.

Hoàng-đế nhìn Cu Bò. Người nó dơ dáy kinh khiếp. Ngài liếc nhìn Hồ Đề ý muốn hỏi lý lịch. Hồ Đề vội đáp:

– Sư tỷ! Em có Tây-vu thiên ưng lục tướng, Thập-ngưu. Nó là một trong
mười thằng trâu. Cứng đầu như trâu. Tên nó là Trâu Vàng. Vì không có
Trâu Vàng, nên gọi là Cu Bò. Nó giữ chức sư trưởng Thần-ưng đạo
Giao-chỉ, dưới trướng sư muội Đào Phương-Dung.

Vua Trưng nhìn Cu Bò, Trâu Xanh, Trâu Trắng mỉm cười nói:

– Cách đây năm, sáu năm, là thời của Tây-vu thiên ưng lục tướng. Lục Sún lớn thì có mười cu trâu kế nghiệp. Tre già, măng phải mọc.

Đào Ngũ-Gia, tức Sún Hô trình:

– Sư tỷ thứ lỗi. Thằng Cu Bò cực thông minh, lanh lợi, chỉ phải cái tội
tham ăn và ở dơ. Trận đánh vừa qua, nó lập công đầu trong các tướng lĩnh Tây-vu, thứ đến Vi Lan, Trâu Đen. Không may Trâu Đen tuẫn quốc.

Hoàng-đế cảm thán, nói với Hồ Đề:

– Bàn tay của em là bàn tay tiên, chứ không phải bàn tay người thường
nữa. Dù ta, dù Đào vương-phi, dù bất cứ người nào cũng không bằng em. Từ tiền cổ đến giờ, chỉ có Quốc-mẫu, sinh trăm con, mới hơn được em. Trẻ
mồ côi quá nhiều, em đi lượm về nuôi nấng, dạy dỗ chúng trở thành anh
hùng Lĩnh-Nam. Bề ngoài, ai cũng tưởng em đùa nghịch, phá phách. Chỉ có
thái thượng hoàng Tự-Sơn với ta biết em: Tính đùa nghịch đó, phát xuất
từ trong lòng hồn nhiên, vui vẻ. Chính tính vui vẻ của em, em đã đào tạo được nhiều thiếu niên anh hùng.

Voi đã vào trong thành. Vua Trưng thấy dân chúng đứng đón đông quá, ngài xuống voi, cùng tể tướng, tam công, triều thần, đi khắp thành, ân cần
hỏi thăm từng người một.

Lạ một điều, người già bu quanh hoàng-đế, đòn trẻ con bu quanh Hồ Đề, mỗi câu, mỗi lời bà nói. Dân chúng lại cười ầm lên.

Chính lời khen ngợi Hồ Đề của vua Trưng, mà sau này, tại các đền thờ,
đều đắp tượng bà ngồi giữa, xung quanh có bảy đứa trẻ, trong bảy tư thế
khác nhau. Một đứa đấm lưng, một đứa bắt chí, một đứa bóp vai, một đứa
đấm chân, một đứa dâng trái cây, một đứa quạt nước, và một đứa ngồi để
"cò" ra ngoài, tay ôm trái dưa. Nhiều nơi còn vẽ hình bà với bảy đứa
trẻ, làm tranh tết. Tết đến đua nhau mua tranh treo ở nhà, mong trẻ con
hay ăn, chóng lớn. Có người không biết, gọi là tranh Hồ tiên cô và bảy
đồng tử, diễn tả tài nuôi dạy người của Hồ Đề thời Lĩnh-Nam.

Ủy lạo dân chúng đến chiều, hoàng-đế lên ngựa đến bờ hồ Động-đình thăm
thương binh đang điều trị tại đây. Ngài đến từng dãy nhà của thương binh thăm hỏi, ban thưởng. Nhiều người cảm động bật lên tiếng khóc.

Từ hồ Động-đình, ngài trở về Trường-sa, họp với các tướng sĩ, định công, tưởng thưởng. Ngài truyền tất cả binh tướng dù lớn, dù nhỏ, công nhiều, công ít, đều được thăng lên một cấp. Phàm những người có chiến công
hiển hách, công chúa Phật-Nguyệt đạt giấy về trang ấp. Lạc hầu, lạc
tướng sẽ thay Trưng hoàng-đế ban thưởng cho cha mẹ, sư phụ, có công dạy
dỗ con em. Các tướng sĩ anh dũng tử trận, trang ấp quê hương của họ được đổi tên. Dùng tên của họ thay cho tên trang ấp cũ. Dùng tên đặt cho
trang ấp, chỉ Lĩnh-Nam mới có. Chứ người Trung-Hoa ngược lại, kiêng,
không được nhắc đến húy của danh nhân.

Trước 1945 khắp vùng Bắc Việt-Nam, và các tỉnh Quảng-đông, Quảng-tây,
Vân-nam bên Trung-hoa, có nhiều trang ấp mang tên danh nhân như: Xóm
Ả-Tắc, Ả-Dị, xóm ông Ba, chòm ông Mãnh v.v. đó là tên những chiến sĩ anh dũng tuẫn quốc được dùng đặt tên trang ấp từ thời Lĩnh-Nam còn sót lại.

Sau khi tuyên thưởng tất cả chiến sĩ. Ngài đứng dậy, ân cần nói với Chu Tái-Kênh:

– Thái sư thẩm lần đầu tiên tham chiến, gặp trận giặc lớn. Nếu không có
người ra tay, e Lưu Long, Tô Định, Ngô Anh đánh tan đạo quân Tam-sơn của Lĩnh-Nam. Đất Lĩnh-Nam còn phải nhờ đến uy vũ của thái sư thẩm nhiều.
Trẫm xin tôn dâng Thái-sư thẩm tước:

Thiên-đạo hoàng thái hậu.

Tam công, tể tướng, cùng các tướng sĩ đồng hành đại lễ với Chu Tái-Kênh. Bà vui vẻ, uống rượu, múa kiếm ca hát bài ca chiến thắng hồ Động-đình
do Phùng Vĩnh-Hoa sáng tác. Đám trẻ cũng hát theo. Vua Trưng bị cảm ứng, ngài cũng hát.

Từ sau trận hồ Động-đình. Chu Tái-Kênh trổ thần oai giết giặc. Nhất là
gặp đạo quân thiện chiến, liều mạng Lưu Long, bà được xử dụng hết tài
thao lược, thắng giặc. Cái uất hận từ bốn mươi năm do đó mất đi. Bà trở
lại với bản tính nhu nhã thuở nào.

Trưng hoàng-đế nói với Vi Lan:

– Nhờ mưu trí của em, mà chúng ta cướp được kho lương thảo khổng lồ, đủ
nuôi mười vạn quân trong vòng hơn một năm. Công này không nhỏ. Ta quyết
định phong cho em làm:

Chí nhu Thiên tắc công chúa.

Chu Tái-Kênh tiến lên, ghé tai Trưng hoàng-đế nói nhỏ mấy câu. Trưng hoàng-đế nhìn Trần Quốc-Dũng, ngài mỉm cười phán:

– Trong trận này, em với Vi Lan đều vào sinh ra tử. Ta thăng em lên làm
Quân-sơn hầu, lĩnh ấn Đại tướng quân. Ta truyền gả Vi Lan cho em, kể từ
hôm nay, để cả hai thành vợ chồng, cùng lo gánh vác sơn hà với chúng ta.

Hai người cùng lạy tạ. Cu Bò thấy Vi Lan lấy chồng. Nó diễu:

– Ôi! Từ nay chúng mình phải gọi là Chí nhu thiên tắc công chúa. Tên dài quá. Thôi mình gọi là Ả Tắc cho nó gọn.

Từ đấy trong bạn hữu Tây-vu gọi nàng là Ả Tắc.

Hoàng-đế truyền gọi Hắc Phong quận chúa, dạy:

– Trước em có công đánh thành Xuyên-khẩu, Bạch-đế, sau đánh thành
Trường-an, lại có công trong trận Long-biên, Luy-lâu. Ta đã phong cho
chức tước cùng trang ấp cho các em rồi. Bây giờ em lại lập công lớn
trong hồ Động-đình, em mới hai mươi tuổi, xung phá vào hàng vạn mũi tên
Hán. Em chỉ huy đội ong bầu đánh với sáu vạn thủy quân Mã Viện, gặp
cường địch không lùi, bị thương đến ba lần vẫn tiến. Trong đời sống, nêu cao tài Lĩnh-Nam. Ta phong em làm:

Chí nhu dị tài công chúa

Cu Bò nói nhỏ vào tai Trâu Xanh:

– Tên dài quá. Bọn mình cứ gọi bằng tên Ả Dị cho tiện.

Từ đấy, trong quân gọi Vi Lan bằng tước hiệu Thiên-tắc công chúa. Hắc
Phong là Dị-tài công chúa. Song bạn bè gọi nàng là Ả-Dị. Hiện nay ở
Mê-linh còn có miếu thờ Ả-Dị, Ả-Tắc.

Vua Trưng cùng cùng quần thần nghe Cu Bò nói đều cười ồ lên. Ngài lại
truyền phong cho Trâu Đen được mang họ Trưng, đặt cho tên Trưng Dũng.
Sắc phong làm:

Tam-sơn trung dũng đại tướng quân

Ngài phong cho tất cả các sư trưởng Tây-vu thuộc đạo Giao-chỉ, Hán-trung lĩnh ấn đại tướng quân, tước Liệt-hầu.

Cu Bò lắc đầu, không chịu nhận tước Liệt-hầu. Đào vương-phi hỏi:

– Con chê tước hầu nhỏ hay sao? Con mới mười lăm tuổi, làm đại tướng, tước phong hầu là lớn lắm rồi.

Nó gãi đầu nói:

– Không phải vậy. Con gọi chị Phật-Nguyệt bằng chị. Chị Phật-Nguyệt gọi
hoàng-đế bằng chị, vì vậy con cũng gọi chị hoàng-đế. Như vậy là con chỉ
dưới chị hoàng-đế chút xíu. Bây giờ phong con làm tước hầu, bé xíu xíu.
Con không chịu đâu.

Bọn Trâu Xanh, Trâu Trắng nhao nhao theo Cu Bò. Đào Phương-Dung làm chúa tướng của bọn phá trời đã quen. Bà bảo chúng:

– Hoàng-đế phong hầu cho các em, để các em có trang ấp. Có trang ấp, tha hồ mà ăn. Ăn gãy răng cũng không hết. Còn nếu các em không muốn nhận
tước hầu, thì thôi vậy, hết hành quân, đánh giặc, trở về Tây-vu vẫn phải ăn cơm lính hoài. Ăn cho đến già.

Cu Bò nói lớn:

– Ê ! Bọn Trâu chúng mình cứ nhận sắc phong, nhưng bổng lộc thì giữ lấy, đem cho người nghèo.

Cả bọn lạy tạ ơn.

Trưng hoàng-đế nghĩ một lúc rồi quay lại nói với lạc vương Lương Hồng-Châu:

– Trận hồ Động-đình diễn ra trên đất Quế-lâm. Cu Bò được phong hầu,
không lẽ cứ dùng tên Cu Bò, Trâu xanh, Trâu Trắng mãi coi không được.
Vậy trẫm phiền Lạc-vương nhận ba cháu làm con nuôi, cho chúng mang họ
Lương.

Lương Hồng-Châu bái mệnh. Ngài nói với Cu Bò:

– Cháu ngoan. Ta nhận các cháu làm con. Ta đặt cho Cu Bò là Lương Tùng.
Trâu Trắng là Lương Bạch. Trâu Xanh là Lương Thanh. Bò đã được thu làm
đệ tử Cửu-chân rồi, thì thôi. Còn Trâu Trắng, Trâu Xanh sẽ được thu làm
đệ tử phái Quế-lâm.

Bọn Trâu mừng lắm, chúng đến trước Lương Hồng-Châu lạy tám lạy, gọi ông là sư phụ.

Hai hôm sau hoàng-đế cùng quần thần nghị sự. Chỉ các tướng cấp sư trở
lên mới được dự. Bọn Cu Bò tuy ít tuổi, song chúng lĩnh ấn đại tướng
quân, tước phong hầu. Cũng được tham dự.

Công-chúa Bát-Nàn Vũ Trinh-Thục trình bày tin tức:

– Về mặt trận Thục, Công-tôn Tư đầu hàng Hán. Quang-Vũ truyền Ngô Hán
đem quân đi sau yểm trợ cho Tư. Để Tư dẫn bản bộ quân mã cùng đám Lê
Đạo-Sinh đánh với Vương Nguyên. Vương Nguyên ít quân, phải lui về cố thủ ở Hán-nguyên. Dân chúng Thục một phần theo Hán, phần còn lại một nửa
theo Công-tôn Thi, một nửa theo Vương Nguyên. Hiện Vương Nguyên vẫn cố
thủ mười quận phía Nam Ích-châu. Vương Nguyên được đạo binh Tượng-quận
của Đào Hiển-Hiệu trợ giúp. Ngô Hán, Công-tôn Thi không sao đánh được.
Song nam Ích-châu, dân chúng nghèo khó, Vương Nguyên chỉ có thể cố thủ
trong vòng một năm nữa là cùng.

Tể-tướng Phương-Dung hỏi Phùng Vĩnh-Hoa :

– Sư tỷ vốn có thâm tình với Thục. Em vẫn lo cho sư-bá Vương Nguyên. Vậy sư-tỷ đừng quản ngại, hãy đi Tượng-quận, vào Ích-châu giúp sư-bá Vương
Nguyên với sư đệ Hiển-Hiệu.

Trưng hoàng-đế hỏi Đào Kỳ:

– Sư đệ Đào Quí-Minh bị Liêu-đông tứ ma bắt đến hồ Động-đình, được Xích
Hầu, Cu Bò cứu thoát, do vậy được dự trận đánh lớn. Ta cho rằng đó là
trời định. Vậy nên cử người khác làm phó tướng cho Đào Hiển-Hiệu.

Đại tư mã, Bắc-bình vương Đào Kỳ nói:

– Nếu hoàng thượng thuận cho sư-tỷ Vĩnh-Hoa trợ chiến đất Thục, thì
không cần để Hiển-Hiệu ở đó nữa. Thần xin đề cử Đào Chiêu-Hiển thống
lĩnh đạo Tượng-quận, Đào Đô-Thống làm phó tướng. Đào Tam-Lang trấn thủ
Độ-khẩu. Sư đệ Quách Lãng tuẫn quốc, thần xin để Hiển-Hiệu thế Quách
Lãng thống lĩnh đạo Hán-trung. Đạo Hán-trung tổn thất mất một phần ba
quân số trong trận vừa qua, xin cho rút về Linh-lăng làm trừ bị, để bổ
xung, huấn luyện lại. Đạo Giao-chỉ của Đào Phương-Dung tinh lực hùng
mạnh, đưa lên trấn thủ hồ Động-đình thay thế đạo Hán-trung.

Công-chúa Bát-Nàn Vũ Trinh-Thục lại tường trình về khu Nam-hải:

– Đối diện với Nam-hải có hai đạo quân. Đạo Hạ-khẩu của Phù-Lạc hầu Lưu
Long. Đạo Thượng-ngô của Lâu-thuyền tướng quân Đoàn Chí. Đạo Lưu Long
thống lĩnh binh mã vùng Hạ-khẩu, uy hiếp Kinh-châu, Nam-hải, Quế-lâm.
Giáp sĩ trên dưới ba mươi vạn. Vừa rồi y đem quân vào hồ Động-đình. Bị
Phật-Nguyệt đánh tan rã hoàn toàn lực lượng Thủy quân. Tuy vậy y cũng
còn trên mười lăm vạn binh. Đoàn Chí thống lĩnh binh mã Thượng-ngô,
Uất-lâm. Mấy năm nay ra sức đóng chiến thuyền, tập luyện thủy quân. Mục
đích đánh xuống Nam-hải. Binh lực của y trên hai mươi vạn giáp sĩ. Tuy
vậy mặt Nam-hải chúng ta không lo sợ. Vì tài dùng binh cả Lưu Long, Đoàn Chí không phải là đối thủ của Vương Phúc, Thánh-Thiên. Về võ công,
chúng càng không phải đối thủ của Khúc-Giang ngũ hùng. Về thủy chiến,
chúng chưa đáng bậc đệ tử của Trần Quốc. Nếu chúng đánh xuống, không
khác gì tự tử.

Trưng-đế hỏi Trưng vương:

– Em nghĩ sao?

Trưng vương đáp:

– Em nghĩ nên chọc cho Đoàn Chí đánh xuống Nam-hải, để Thánh-Thiên,
Vương Phúc, Trần Quốc tiêu diệt khả năng thủy quân của chúng. Vừa rồi
chúng bị trận hồ Động-đình, Trung-nguyên rung động. Nếu xảy ra trận
Nam-hải nữa thì Thủy quân chúng mất hết tiềm lực. Ít ra phải ba năm mới
phục hồi. Bấy giờ, chúng ta không còn sợ Hán nữa.

Trưng hoàng-đế hỏi Phương-Dung:

– Sư muội biết nhiều về triều Hán, có thể nào, chúng ta chọc cho Đoàn Chí đánh xuống Nam-hải không?

Phương-Dung ngẫm nghĩ một lúc rồi tâu:

– Em nghĩ: Quang-Vũ có tài đế vương. Y biết nhận xét thời cuộc không
thua gì Thái thượng hoàng Trần Tự-Sơn. Chắc chắn sau trận hồ Động-đình y sẽ ra lệnh chiếm nốt các quận Kinh-châu, Ích-châu. Y không dại gì chọc
tay vào tổ ong bầu Nam-hải. Tuy vậy, Mã thái-hậu có thể dùng áp lực, bắt quần thần tâu với Quang-Vũ cho Đoàn Chí đánh xuống Nam-hải.

Bà ngưng lại một lúc, tiếp:

– Muốn cho Mã thái-hậu làm như vậy cũng dễ thôi. Mụ đang cần nhiều vàng
bạc châu báu, mua chuộc quần thần. Bởi vậy mụ mới sai vợ chồng Nghi-Gia
cầm đầu một đội Thị vệ xuống hồ Động-đình tìm kho tàng. Trong khi đó bản đồ kho tàng nằm trong tay chúng ta.

Phùng Vĩnh-Hoa, nổi tiếng nhiều mưu lắm mẹo. Bà góp ý:

– Vậy thì thế này. Chúng ta đem Ngọc-tỷ truyền quốc của Trung-nguyên,
cùng bản đồ kho tàng giao cho Công-chúa Vĩnh-Hòa. Công-chúa thượng biểu
về triều trước rồi sau đó mang Ngọc-tỷ dâng cho Quang-Vũ. Được Ngọc-tỷ
nhất định Quang-Vũ sẽ hài lòng. Trong khi đó, chúng ta phao ngôn khắp
triều Hán rằng bí mật bản đồ kho tàng để ở đáy hộp Ngọc-tỷ. Mã thái-hậu
nghe vậy, ắt cạy đáy hộp ra lấy bản đồ. Chúng ta phải làm một bản đồ
giả, đặt trong đáy hộp Ngọc-tỷ sẵn. Mã thái-hậu được bản đồ đó, tất ép
quần thần tâu Quang-Vũ đánh Nam-hải, để mụ cho người theo quân đào kho
tàng.

Phương-Dung đồng ý:

– Chúng ta chế tạo bản đồ cũng phải bịa ra bài thơ, bài quyết bí mật. Để bọn Mã thái-hậu khó nhọc mới đoán ra. Mặt khác, bản đồ chỉ chỗ dấu kho
tàng, phải thuận tiện cho chúng ta dùng binh. Nơi đó, làm mồ chôn quân
Hán.

Trưng hoàng-đế giao việc này cho Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa, Phương-Dung nghiên cứu làm với nhau.

Vũ Trinh-Thục trình bày tiếp:

– Tại Kinh-châu, trong khi Mã Viện đánh xuống Nam. Thì mặt Ích-châu,
Công-tôn Thi đánh ra, mặt trước Phong-châu song quái đánh lại. Công-tôn
Thiệu, Vũ Chu binh cô, thế cùng, bị đánh bại. Hai người bị bắt cầm tù.
Kinh-châu thất thủ hoàn toàn.

Sún Hô tức Đào Ngũ-Gia nước mắt đầm đìa. Chàng đến trước Trưng-đế phủ phục xuống khóc:

– Thần cả gan, dám xin Hoàng-thượng ban cho một đặc ân.

Trưng-đế phất tay một cái, kình lực nhu hòa đỡ chàng dậy. Ngài phán:

– Hiền đệ với ta tuy nghĩa vua tôi. Song tình khác chi ruột thịt. Hiền
đệ có mối thương tâm gì, cứ nói ra. Ta sẵn sàng giúp hiền đệ.

Đào Ngũ-Gia tâu:

– Trước đây Tây-vu thiên ưng lục tướng đánh nhau với Trường-sa vương
Công-tôn Thiệu, rồi kết huynh đệ, thề rằng có phúc cùng hưởng. Có họa
cùng chịu. Từ sau vụ đó, đưa đến Thục, Việt hòa hợp. Nay... Sún Cao tuẫn quốc. Ngũ Sún mỗi người trọng nhậm một nơi. Tiểu đệ trấn thủ ngay cạnh
Kinh-châu, đã qua sông giúp Công-tôn Thiệu đại ca tái chiếm ba thành.
Không ngờ quân ít, thế cô, đại ca bị giặc bắt. Lòng tiểu đệ đau như dao
cắt. Tiểu đệ dám cả gan xin Hoàng-thượng cho phép tiểu đệ vượt sông, đột nhập nhà tù cứu Công-tôn đại ca.

Trưng-đế gật đầu:

– Đào Ngũ-Gia nghĩa khí thực đáng khen. Song cần phải nghiên cứu kỹ. Lỡ
ra hỏng việc, cứu người không được, mà mình mất mạng vô ích.

Trưng hoàng-đế đưa mắt nhìn Đào Kỳ hỏi ý kiến. Đào Kỳ lắc đầu:

– Sau khi Công-tôn Thiệu, Vũ Chu bị bắt. Chúng đã giải cả gia quyến hai
người về Lạc-dương. Đợi bắt được Vương Nguyên rồi mới giết một thể. Việc đem người đến Lạc-dương cứu Công-tôn Thiệu, e rất khó.

Cu Bò dơ tay xin nói. Hoàng-đế hỏi:

– Em có ý kiến gì muốn phát biểu?

Cu Bò cười:

– Muốn cứu Công-tôn Thiệu, Vũ Chu cùng các tướng Thục bị bắt, cũng dễ
thôi. Nếu "chị" Hoàng-đế giao cho em. Cam đoan em cứu được hết. Cứu rất
dễ dàng. Em hứa đem họ về đây không bị mất một sợi tóc.

Trưng-đế biết đệ tử Tây-vu có nhiều sáng kiến. Ý nghĩ của họ không biết đâu mà lường. Bà hỏi:

– Em thử nói cho chị nghe xem có hợp lý không?

Cu Bò cười:

– Các chị bàn giao Ngọc-tỷ cho Quang-Vũ. Y vốn ích kỷ. Tự nhiên được
Ngọc-tỷ, chắc chắn y sẽ nghi ngờ. Vậy trước hết, có Công-chúa Vĩnh-Hòa
của triều Hán đây. Để Công-chúa thượng biểu về triều rằng Ngọc-tỷ hiện ở Lĩnh-Nam. Nếu Quang-Vũ thuận, Công-chúa đứng trung gian, thuyết phục
Lĩnh-Nam trả Ngọc-tỷ cho Quang-Vũ. Ngược lại Quang-Vũ phải trao hết
những tù binh của Thục. Tên tuổi do Lĩnh-Nam đưa ra.

Trưng hoàng-đế cùng quần thần kinh ngạc không ít về đề nghị của Cu Bò.

Phùng Vĩnh-Hoa ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

– Trước kia Ngô Hán phục kích bắt được Quí-Minh với Công-chúa Vĩnh-Hòa.
Chắc chắn y đã thượng biểu về triều nói xấu Công-chúa. Vậy trước khi
Công-chúa thượng biểu cho Quang-Vũ. Chúng ta phải tạo cho Công-chúa
nhiều uy tín đã. Hiện chúng ta bắt được gần mười vạn tù binh Hán. Trong
đó có ba vạn thương binh. Chúng ta phải nuôi thương binh tốn lương, tốn
thuốc. Chi bằng để Công-chúa vào nhà tù thăm họ. Người hứa xin ân xá cho họ về quê. Tất họ hoan hô. Người bảo họ muốn viết thư về cho gia đình
thì viết. Thư đó, chúng ta phái người đưa cho Binh-bộ thượng-thư. Bộ
binh chắc sẽ mở ra đọc, trước khi chuyển về gia đình. Binh-bộ đương
nhiên có sớ tâu trình lên Quang-Vũ về việc làm của Công-chúa. Tự nhiên
những lời tâu của Mã Viện không còn hiệu lực nữa.

Trưng hoàng-đế hỏi:

– Ai có ý kiến gì khác không?

Bắc-bình vương Đào Kỳ tâu:

– Trước đây Đô-đốc Thủy quân hồ Động-đình là Đinh Bạch-Nương, Đinh
Tĩnh-Nương. Nay hai sư muội đều tuẫn quốc cả rồi. Vậy xin cho Khâu-Ni
Công-chúa Quách A thay thế.

Trưng-đế thuận, ngài phán:

– Vậy ngay hôm nay, sư muội Vĩnh-Hòa lên đường đi Ích-châu. Phương-Dung ở lại Phiên-ngung cùng Bắc-bình vương điều khiển chiến trường. Trưng Nhị
trở về Lĩnh-Nam, trấn thủ Giao-chỉ. Tây-vu tiên tử ở lại thay thế Cu Bò. Để Cu Bò theo Đào vương-phi với Hoàng thái-hậu Tái-Kênh đi
Lạc-dương....

Đào vương-phi, Chu Tái-Kênh, Cu Bò cùng lấy ngựa, vượt Trường-giang đi
Lạc-dương. Ba người phải tránh né, để không bị quân Mã Viện nhận diện
được. Dọc đường qua Kinh-châu, họ bị kiểm soát gắt gao. Nhưng nhờ có
binh phù của Mã Vũ, tướng sĩ không dám kiểm soát. Vì bây giờ Đặng Vũ làm Đại tư mã, Mã Vũ đang lĩnh Binh-bộ thượng-thư.

Ba người tới Lạc-dương. Chu Tái-Kênh đã từng đến Lạc-dương tìm Khất đại
phu để trả thù. Bà thông thuộc đường lối. Bà dẫn ba người lên một tửu
lầu thực lớn. Tửu bảo thấy ba người trang phục sang trọng, nhan sắc diễm lệ, cho rằng đó là những mệnh phụ phu nhân, từ xa về kinh triều kiến
Thái-hậu, Hoàng-hậu.

Chợt Cu Bò lấy bàn tay khều Đào vương-phi:

– Sư bá dừng quay lại. Phía sau có người theo dõi mình. Dường như họ hiểu được tiếng Việt. Phải cẩn thận.

Đào vương-phi nói nhỏ:

– Những người hiểu được tiếng Việt ở Lạc-dương có ba loại. Loại Tế tác
của Bát-Nạn Công-chúa Vũ Trinh-Thục. Loại này thường đeo khăn trắng trên cổ. Loại thứ nhì của Đào Kỳ, Phương-Dung liên lạc với Hàn thái-hậu, Chu Tường-Qui, chân bao giờ cũng đi giày vải xanh. Còn lại thuộc Tế tác của Hán hoặc của đám Lê Đạo-Sinh. Con giả vờ đứng dậy, nhìn xem có thấy dấu hiệu gì khác không?

Cu Bò liếc mắt nhìn qua, rồi khẽ lắc đầu. Đào vương-phi nói;

– Như vậy y không phải người của Tế tác Hán, cũng là người của Lê Đạo-Sinh. Phải cẩn thận một chút.

Chu Tái-Kênh nói nhỏ:

– Chúng ta ăn xong, rồi xuống lầu. Vờ như không biết. Nếu y theo chúng ta. Bấy giờ mình sẽ có cách.

Bà kêu tửu bảo, trả tiền, rồi cả bốn người cùng xuống lầu. Quả nhiên bọn người vừa lên ngựa đi, đã thấy tên đó xuống lầu, ẩn phía sau một hàng
rong, nhìn theo. Cu Bò bàn:

– Bây giờ chúng ta kiếm chỗ đồng quang đãng mà đi. Hễ y theo dõi. Cháu
cho Thần-ưng nhận mặt. Đêm nay Thần-ưng sẽ dẫn chúng ta đến chỗ ở của
hắn.

Ba người đi về hướng cửa Đông thành, qua một cánh đồng. Quả nhiên xa xa
thấy ngựa của tên đó đang đi theo. Y đã thay quần áo màu khác, lại dán
lên bộ râu, nhưng Cu Bò vẫn nhận được mặt y. Nó gọi Thần-ưng từ trên
trời đáp xuống, huýt sáo ra lệnh. Thần-ưng hướng tên Tế tác bay tới. Nó
lượn trên đầu y. Y vẫn không biết gì. Đi vòng vo một lúc, ba người tìm
cách lẫn vào chỗ đông, băng qua chợ, ra roi cho ngựa chạy sang cửa Nam.
Tên Tế tác đã mất tăm.

Như đã ước hẹn. Đào vương-phi viết một bức thư, sai Thần-ưng mang vào
thành cho Chu Tường-Qui. Chỉ lát sau, Thần-ưng đem thư ra. Chu Tường-Qui cho người ra cửa Nam đón. Ba người tới cửa Nam, gặp một Thái-giám trẻ
tuổi chào hỏi. Viên Thái-giám trao cho Cu Bò bộ quần áo Thái-giám, và
trao cho Đào vương-phi hai bộ quần áo cung nga. Ba người thay quần áo,
rồi ngang nhiên nhập Hoàng-thành. Qua cửa Thanh-tỏa, đến điện Gia-đức,
rồi tới Tây-cung. Tây-cung lớn không kém gì điện Gia-đức.

Nguyên từ khi Chu Tường-Qui xuất lực dẹp tan cuộc phản loạn của đám
ngoại thích họ Mã. Quang-Vũ rất sủng ái nàng, truyền xây một ngôi lầu
năm tầng lớn, đẹp không thua gì lầu Thúy-Hoa... để tạ ơn về cuộc cứu
giá.

Thái-giám ra hiệu cho ba người ngừng lại, đến trước cửa nói vọng vào:

– Tâu Quí-phi, có cung nữ, Thái-giám tân tuyển ở Lĩnh-Nam xin cầu kiến.

Tiếng Chu Tường-Qui đáp:

– Đỗ Lý đấy phải không? Ngươi hãy về nghỉ. Còn tân cung nga với Thái-giám cho vào.

Trước mặt Cu Bò, thì Trưng hoàng-đế lớn nhất thiên hạ, đẹp nhất thiên
hạ, đạo đức, hiền hậu nhất thiên hạ. Nó còn dám gọi chị Hoàng-đế. Vì vậy nó không coi Tây-cung quí-phi triều Hán ra gì. Nó đẩy cửa bước vào. Chu Tái-Kênh vẫy Đào vương-phi, vào theo.

Chu Tường-Qui vội đóng cửa. Nàng trông thấy Đào vương-phi, lại nhớ ngày
nào ra đảo, đã gặp bà. Cử chỉ từ ái của bà làm nàng nhớ mãi. Tự nhiên
nàng bật lên tiếng khóc.

Chu Tái-Kênh hỏi:

– Tên Thái-giám vừa qua có tin được không?

Chu Tường-Qui gật đầu:

– Y là sư đệ của cháu. Hồi trước thân mẫu cháu sang Lạc-dương có mang
theo hai đệ tử nhỏ tuổi. Một tên Đỗ Lý, một tên Chiêu Trung. Cả hai đều
họ Chu. Cháu cho hai người giả làm Thái-giám. Bây giờ chúng đã lớn. Cháu cho cải sang làm Thị vệ. Võ công hai sư đệ cũng vào loại khá. Sáng nay
Chiêu Trung theo dõi các vị ngoài phố. Sau bị các vị đánh lạc mất.

Đào vương-phi giới thiệu Cu Bò với Chu Tường-Qui. Sau đó bà chỉ Chu Tái-Kênh nói:

– Người này đối với cháu có nhiều liên hệ. Thứ nhất người là phu nhân
của Thái sư phụ Khất đại phu. Thứ nhì, người là bà cô của cháu.

Đào vương-phi kể sơ lược truyện Chu Tái-Kênh cho Chu Tường-Qui nghe.
Cuối cùng bà tường thuật tỷ mỉ mọi biến cố, kế hoạch Trưng hoàng-đế
quyết định tại hồ Động-đình.

Chu Tường-Qui nghe xong, kính cẩn nói:

– Thưa sư-bá, hiện Hoàng-thượng vẫn sủng ái cháu hơn tất cả các phi tần
khác. Trước, mẹ cháu qua đời. Kế tiếp Tần vương, Hoài-nam vương bị hại.
Hoàng tộc bị ngoại thích kiềm chế. Hoàng-thượng cũng đang lo lắng. Hiện
chỉ có ba người dám chống lại Mã thái-hậu là Mã Vũ, Phùng Tuấn với Chu
Hựu. Ba người này cùng liên kết với cháu. Nếu chúng ta tìm cách tỉa vây
cánh ngoại thích, ắt Hoàng-thượng còn vui lòng hơn nữa. Còn Hàn
thái-hậu, thì người ôn nhu văn nhã, không lý đến việc triều chính. Hôm
trước Hoàng sư-tỷ với Nghiêm đại-ca có ghé Lạc-dương vấn an người, rồi
đi ngao du sơn thủy. Không rõ hiện giờ ở đâu. Bây giờ cháu được Trưng
sư-tỷ cử Tổ-cô và sư-bá, thêm Cu Bò đến giúp cháu. Cháu dễ xoay sở hơn.

Ngưng một lúc nàng tiếp:

– Cháu sẽ nói với mọi người rằng sư-bá là nhũ mẫu cháu hồi xưa. Bây giờ
cháu mời sang báo hiếu, sớm hôm gần nhau. Còn Tổ-cô, cháu vẫn nói thực.
Cháu mời người sang dậy võ công cho cháu. Cu Bò, mới mười lăm tuổi. Cháu bảo nó là Thái-giám tân tuyển. Hiện Hoàng-thượng bí mật đi Kinh-châu
xem xét tình hình. Có lẽ hơn tháng mới về.

Đinh Xuân-Hoa hỏi:

– Giữa Hàn thái-hậu với Mã thái-hậu có đụng chạm nhau không?

Chu Tường-Qui đáp ngay:

– Hàn thái-hậu vốn tính ôn nhu. Người không lý gì đến truyện triều
chính, truyện ở trong cung. Một tháng hai lần người tới cung Huệ-đức
thăm Mã thái-hậu, ở lại ăn một bữa cơm với nhau. Mã thái-hậu cũng biết
điều lắm. Sau mỗi lần Hàn thái-hậu viếng thăm. Mụ lại tới cung Tuyên-từ
thăm Hàn thái-hậu. Còn hai Thái hậu đối với cháu thực trái ngược.

Chu Tái-Kênh cười khúc khích:

– Dĩ nhiên! Hàn thái-hậu vì cảm tình với Lĩnh-Nam, với Trần Tự-Sơn,
người thương cháu hơn con đẻ. Lại nữa cháu có công cứu giá hồi bọn ngoại thích và Mao Đông-Các làm phản. Ngược lại, Mã thái-hậu thù ghét cháu.
Song mụ vẫn ớn cháu có phải thế không?

Chu Tường-Qui gật đầu:

– Tuy Hoài-nam vương, Tần vương với mẹ cháu qua đời, mà Mã thái-hậu vẫm
tưởng trong Tây-cung có nhiều cao thủ lắm. Mụ sợ cháu quá sợ cọp. Tuy
vậy một tháng hai lần, cháu vẫn tới cung Huệ-đức chầu mụ. Mỗi dịp như
vậy, mụ chiều đãi cháu lắm. Cháu càng tỏ ra mình là gái Việt. Cháu thân
vào điều khiển ngự trù, nấu các món ăn Lĩnh-Nam cho mụ ăn. Mụ thích lắm. Tuy vậy bề trong mụ vẫn ngầm lo hại cháu.

– Nghĩa là???

– Mụ kết đảng với Quách hoàng-hậu. Phe đảng Quách-hậu khá hơn. Ý mụ định cho cháu với Quách-hậu tranh dành. Mụ đứng giữa hưởng lợi. Còn
Quách-hậu, hồi xưa bị cháu ra oai một lần, mụ mất vía. Sau này chính mụ
được chứng kiến cháu đánh bại Trần Nghi-Gia. Cho nên mụ chưa dám ra mặt. Vả lại Hoàng-thượng sủng ái cháu. Mụ cũng ngại.

Cu Bò xen vào:

– Phe đảng của Quách-hậu có lớn lắm không? Nếu nhỏ thì thôi. Còn lớn,
sẵn có hai vị tiền bối với em ở đây. Chúng ta trừ phắt mụ đi cho rồi.

Chu Tường-Qui lắc đầu:

– Khổ lắm em ơi! Phe đảng mụ không tầm thường đâu. Nguyên nàng tên là
Quách Thanh-Thông, người đất Chân-định. Niên hiệu Cảnh-Thủy thứ nhì (24
sau Tây lịch). Hoàng-thượng cầm quân đánh Vương Mãng thu nạp thị. Niên
hiệu Kiến-Vũ nguyên niên (25 sau Tây lịch) thị sinh Hoàng-tử Cương. Anh
của mụ tên Quách Hương, có văn tài, võ công cao, giỏi dụng binh. Tính
tình của y cẩn trọng, khiêm cung. Hoàng-thượng tin dùng, phong làm Hoàng môn thị lang. Niên hiệu Kiến-Vũ thứ nhì, Quách-thị được phong làm
Hoàng-hậu. Hoàng-tử Cương được phong Thái-tử. Quách Hương được phong
hầu. Hương khéo chiêu hiền nạp sĩ. Trong nhà có nhiều tân khách giỏi, y
tiến cử lên Hoàng-thượng. Vì vậy tại triều vây cánh y rất nhiều. Sau khi xảy ra vụ đụng độ giữa cháu với Quách-hậu. Y tuyển mộ nhiều cao thủ.
Song cháu không rõ trong đám Thị vệ Hoàng-hậu có bao nhiêu người?

Chu Tường-Qui thở dài;

– Gần đây Mã thái-hậu thường triệu Quách Hương vào triều kiến. Hai bên
kết hợp với nhau. Mã hậu mưu đồ gì cháu không rõ. Còn Quách Hương chỉ
muốn giữ ngôi Hoàng-hậu của em. Cả hai phe đều muốn tiêu diệt Lĩnh-Nam.
Dường như Quách Hương mới chiêu mộ được sư thúc của Sầm Bành, Phùng Dị,
võ công cao không biết đâu mà kể được. Chúng định xuống Lĩnh-Nam giết
Đào tam ca phục thù.

Nàng ngưng lại, mỉm cười tiếp:

– Tuy cháu đã làm cho Mã thái-hậu, Quách hoàng-hậu một phen nghiêng
ngửa, mà họ không coi cháu là cái đinh. Họ cho rằng cháu chỉ được
Hoàng-thượng sủng ái. Họ đợi một mai nhan sắc cháu tàn phai, sẽ tìm mỹ
nhân khác đưa vào, cháu mất sủng ái ngay. Trước đây giữa Hoàng-hậu với
các phi tần tranh đấu quyết liệt vì muốn chiếm được lòng quân vương. Bây giờ, họ đều lớn tuổi rồi. Cuộc tranh đấu xoay sang vấn đề khác. Cu Bò
ngạc nhiên:

– Còn vấn đề gì nữa?

Chu Tường-Qui mỉm cười:

– Vấn đề các bà tranh dành là mong đưa con mình vào địa vị Thái-tử, để
sau này Hoàng-thượng băng hà, con các bà trở thành Thiên-tử. Cháu xuất
thân từ Lĩnh-Nam, cha là ngươì Phản Hán phục Việt không thuộc giòng dõi
trung lương. Cho đến bây giờ cũng chưa có con. Cháu lại có chồng trước
khi vào cung. Bằng ấy vấn đề, khiến các bà không muốn động chạm tới
cháu. Vì cháu không phải đối thủ của các bà. Chính Hàn thái-hậu,
Hoàng-thượng đều nói: Giữa Hoàng-hậu, phi tần, người nào cũng có ý tranh dành hết. Chỉ một mình Tây-cung là không. Tây-cung dù làm gì chăng nữa, cũng chỉ để bảo vệ triều Hán.

Chu Tái-Kênh gật đầu:

– Ta nghe Công-chúa Bát-Nạn Vũ Trinh-Thục nói: Hiện giữa Quách-hậu với
Nam cung quí-phi Âm Lệ-Hoa tranh đấu quyết liệt. Âm Lệ-Hoa xinh đẹp, nhu mì hơn. Mụ lại có đến ba con trai, một con gái. Con trai mụ rất thông
minh, mẫn tiệp. Mụ định lật Quách-hậu. Khi Quách-hậu bị lật, tất Thái-tử Cương cũng mất vị. Quách-hậu bị lật, mụ sẽ được lên làm Hoàng-hậu. Con
mụ đương nhiên thành Thái-tử. Không biết mụ đối với Lĩnh-Nam như thế
nào?

Chu Tường-Qui đáp:

– Âm thị với cháu rất thân. Hồi Hoàng-thượng đánh Tân-dã gặp Âm thị.
Cảnh-Thủy nguyên niên (23 sau Tây lịch), Hoàng-thượng nạp làm Quí-phi,
bấy giờ Âm-thị đã 19 tuổi. Vì anh em đều thuộc đại công thần, tính tình
bà nhu thuận, nên triều thần rất nể. Năm Kiến-Vũ nguyên niên (25 sau Tây lịch) sinh Hoàng-tử Trang. Hoàng-tử Trang với Thái-tử Cương cùng tuổi.
Cương sinh tháng hai lớn hơn Trang chín tháng. Năm sau bà sinh công chúa Đoan-Nhu. Từ hôm xảy ra cuộc đụng độ giữa Quách-hậu với cháu, Âm
Quí-phi kết thân với cháu. Bà gửi Hoàng-tử Trang với Công-chúa Đoan-Nhu
nhờ cháu dạy võ công. Trên luật lệ, chúng coi cháu như mẹ. Trên tình
nghĩa chúng là đệ tử của cháu.

Đinh Xuân-Hoa cười:

– Giữa hai đứa trẻ con Âm thị với cháu có tình sư mẫu, đệ tử. Chắc ý cháu cũng muốn giúp đệ tử mình tranh đoạt ngôi Thái-tử.

Chu Tái-Kênh quyết định:

– Gặp dịp thuận tiện, chúng ta giúp Âm thị. Nếu Âm thị được làm
Hoàng-hậu, Thái-tử Trang trở thành Hoàng-đế, sau này có lợi cho
Lĩnh-Nam. Song phải thực khéo léo, tránh biến đám bà con nhà Quách-hậu
thành kẻ thù. Chúng ta phải tìm một mưu kế gì tuyệt hảo, hại Quách-hậu,
cho mụ mất ngôi Hoàng-hậu, chứ đừng làm mụ chết.

Cu Bò xen vào:

– A, cháu hiểu rồi! Ý bà muốn rằng: Mình hại Quách-hậu mất ngôi
Hoàng-hậu, là làm giảm vây cánh Mã thái-hậu. Còn không làm Quách-hậu
chết, cần Quách-hậu cho Âm Quí-phi có kẻ thù. Nếu Quách-hậu chết, Âm
Quí-phi sẽ quay ra đối phó với Chu sư-tỷ. Ngược lại Quách-hậu còn sống,
chỉ mất ngôi Hoàng-hậu, Âm Quí-phi lúc nào cũng phải lụy Chu sư-tỷ, hầu
có vây cánh.

Đinh Xuân-Hoa nhìn Cu Bò mỉm cười, vì với tuổi của nó, đã kiến giải sự việc minh mẫn như vậy, thực hiếm có.

Tường-Qui gọi một cung nga thân tín đến, truyền hướng dẫn hai bà Chu, Đinh với Cu Bò lễ nghĩa triều Hán.

Tính Cu Bò cũng như các đệ tử Tây-vu khác, hiếu động, chạy nhảy suốt
ngày. Bây giờ bị bó cẳng trong cung cấm, nó khổ sở vô cùng. Chỉ một điều duy nhất, khiến nó bằng lòng, là tha hồ ăn uống. Trong Tây-cung, có hẳn một đám ngự trù, biết nấu nướng đủ mọi thức ngon vật lạ trong thiên hạ. Nó được Tường-Qui cưng chiều, muốn ăn cứ vào bếp lục, không úy kị gì
hết. Khi mặt trời lặn, thì Đào vương-phi luyện võ cho nó. Chu Tái-Kênh
luyện võ cho Tường-Qui, Chiêu Trung, Đỗ Lý.

Năm trước, khi rời Lạc-dương, Sún Rỗã để lại cho Chu Tường-Qui một cặp
Thần-ưng. Bây giờ Cu Bò mang theo hai cặp nữa. Thành ra Tây-cung có tới
ba cặp. Hàng ngày Đào vương-phi thu nhặt tin tức, sai Cu Bò nhờ Thần-ưng mang thẳng về hồ Động-đình. Tại đây Tây-vu tiên tử trình Phật-Nguyệt
đọc qua, rồi dùng Thần-ưng chuyển từ hồ Động-đình về Phiên-ngung. Tại
Phiên-ngung Đào Kỳ đọc, xong nhờ Sún Lé, sai Thần-ưng chuyển về Giao-chỉ hầu Vũ Trinh-Thục khai thác.

Một hôm Thái-giám tâu với Chu Tường-Qui biết Quang-Vũ đi Kinh-châu đã về tới Lạc-dương. Quang-Vũ báo cho nàng biết trước, đêm nay y sẽ tới ngự ở Tây-cung. Chu Tường-Qui truyền ngự trù chuẩn bị yến tiệc. Gọi nhạc
công, cung nữ sẵn sàng tấu nhạc.

Trời chập choạng tối, Quang-Vũ đến Tây-cung. Chu Tường-Qui xuống lầu rước y lên. Sau khi tung hô vạn tuế. Nàng hỏi:

– Hoàng-thượng vi hành Kinh-châu, không biết tình hình ra sao?

Quang-Vũ lắc đầu:

– Trước đây trẫm rút Đặng Vũ về, sai Mã Viện trấn thủ Nam-dương. Ý trẫm
muốn mượn tay Thục, Lĩnh-Nam trừ bớt vây cánh họ Mã. Không ngờ trời
chiều chúng. Thục xảy ra biến cố. Ông ngoại khanh giúp Công-tôn Thi giết Công-tôn Thuật, phá nát giang sơn Thục. Mã Viện nhân đó chiếm được
Kinh-châu. Y thừa thắng cùng Lưu Long đánh Lĩnh-Nam. Không ngờ bị
Phật-Nguyệt đánh một trận, tổn thất trên ba mươi vạn nhân mã. Trẫm vi
hành qua Kinh-châu, Mã Viện tâu rằng Công-chúa Vĩnh-Hòa phản trẫm, lấy
chồng phản tặc Đào Quí-Minh. Song y không có chứng cớ.

Quang-Vũ bật cười:

– Giữa lúc đó trẫm nhận được biểu của Binh-bộ thượng-thư Mã Vũ tâu rằng
hiện có khoảng ba vạn binh sĩ Hán bị thương. Lĩnh-Nam định đem giết hết. Công-chúa Vĩnh-Hòa lợi dụng quen thân với Lĩnh-Nam. Nàng vào nhà tù
thăm thương binh. Thương binh viết thư, nhờ nàng gửi về báo cho gia đình biết rằng họ còn sống. Nàng thuyết phục Trưng Trắc tha cho ba vạn tù
nhân. Trẫm được tin mừng quá. Sai sứ, cùng chiến thuyền đón về.
Công-chúa Vĩnh-Hòa nhân đó, xin yết kiến trẫm, báo cho trẫm biết một tin mừng.

Chu Tường-Qui đã biết tin mừng đó liên quan tới Ngọc-tỷ. Nàng vờ không biết, nói thêm ít lời có lợi cho Công-chúa Vĩnh-Hòa:

– Muôn đời, người ta ở đâu cũng nghĩ đến huyết tộc. Mã thái-hậu chỉ biết Mã Viện. Còn Công-chúa Vĩnh-Hòa chỉ biết có Bệ hạ, chỉ biết có triều
Hán. Dù Công-chúa lấy chồng Lĩnh-Nam đi chăng nữa, mà chỉ nói một lời,
cứu hơn ba vạn người Hán. Đủ tỏ nàng nhất tâm, nhất dạ với xã tắc. Hèn
chi Mã Viện không ghét nàng.

Tiếng Chu Tường-Qui ngọt như cam-thảo. Lần đầu tiên Đào Kỳ nghe tiếng
nàng nói, đã ngây ngất, si mê, cho đến nay Vương cũng chưa quên, huống
hồ Quang-Vũ được nàng liếc mắt tống tình, lại đem lý lẽ xác thực ra tâu. Y gật đầu liên tiếp, công nhận:

– Quí-phi nói đúng. Từ khi Vương Mãng cướp ngôi, Ngọc-tỷ truyền quốc bị
thất lạc. Bây giờ Công-chúa thấy Ngọc-tỷ ở trong tay Trưng Trắc.
Công-chúa thuyết Trưng Trắc rằng Ngọc-tỷ đó của Trung-nguyên. Lĩnh-Nam
giữ làm gì? Giữa Lĩnh-Nam với Thục có tình kết nghĩa. Vậy sao không đem
Ngọc-tỷ đổi lấy đám phản tặc Thục? Bọn Trưng Trắc tự cao mình người
nghĩa hiệp. Chúng nghe lời Công-chúa. Công-chúa xin đứng trung gian lo
việc này.

Tường-Qui gật đầu:

– Trung-nguyên lấy Ngọc-tỷ truyền quốc làm bảo vật tượng trưng uy quyền
Thiên-tử. Nếu Bệ hạ lấy lại được Ngọc-tỷ thực đại phúc vậy. Không biết
Bệ hạ định thưởng gì cho Công-chúa Vĩnh-Hòa?

Quang-Vũ cười:

– Công-chúa vốn đức độ. Người chẳng thích một thứ gì cả. Mấy hôm trước
đây, trẫm truyền đem bảy mươi hai tên phản tặc Thục cùng vợ con chúng
đến Kinh-châu, giao cho Công-chúa. Công-chúa sẽ đem Ngọc-tỷ về cho trẫm. Hừ! Công-chúa thực được việc. Từ khi nhà Đại-Hán lập ra đến giờ, mới có một vị Công-chúa gánh vác việc xã tắc như thế.

Chu Tường-Qui lo lắng:

– Không biết có ai hộ tống Ngọc-tỷ với Công-chúa không? Sợ bọn Mã Viện đón đường cướp thì sao?

Quang-Vũ cười:

– Trẫm đã liệu điều đó. Trẫm cử ông ngoại khanh thân hộ tống. Bên
Lĩnh-Nam cũng cử Trần Năng đi theo. Với bản lĩnh hai người ấy, e trên
thế gian này, không ai cướp nổi. Có lẽ nội đêm nay Ngọc-tỷ về đến đây.

Chu Tường-Qui hỏi:

– Thiếp nghe nói. Dường như trong hộp đựng Ngọc-tỷ còn cất dấu một bản đồ kho tàng lớn lắm thì phải.

Quang-Vũ gật đầu:

– Đúng thế. Để Ngọc-tỷ về đây, chúng ta sẽ lấy ra xem có đúng thế không?

Quang-Vũ truyền bày yến. Y cùng Tường-Qui vừa ăn yến, vừa nghe hát. Ăn vừa xong, Thái-giám tâu:

– Muôn tâu Bệ hạ. Có Tể-tướng xin yết kiến Bệ hạ khẩn cấp.

Quang-Vũ gật đầu:

– Mời Tể-tướng vào.

Lát sau, Giao-đông hầu Giả Phục bước vào tung hô vạn tuế. Giả Phục tâu:

– Thứ sử Giao-châu Lê Đạo-Sinh hộ tống Ngọc-tỷ đã về tới. Thần cho thiết triều, bá quan văn võ được chiêm ngưỡng Ngọc-tỷ.

Quang-Vũ gật đầu đồng ý. Các quan thứ tự lên lầu. Lầu của Tây-cung lớn
không thua điện Gia-đức. Các quan chia nhau đứng làm hai hàng văn, võ.

Một lát, Thái-giám xướng:

– Thử sử Giao-châu Lê Đạo-Sinh, và Y tiên Công-chúa Trần Năng, hộ tống
Ngọc-tỷ truyền quốc đã về tới, đang đứng ngoài chờ chỉ dụ.

Nguyên hồi Trần Năng cùng Khất đại phu đến Lạc-dương trị Huyền-âm độc
chưởng cho Quang-Vũ, Mã Vũ, Chu Hựu... Bà dùng Lĩnh-nam chỉ điều trị.
Mỗi chiêu phóng ra, thân pháp đẹp vô cùng. Quang-Vũ buột miệng khen Đúng là tay tiên. Không ngờ đất Lĩnh-Nam có một Y tiên, võ công cao như thế. Từ ngày ấy, triều Hán gọi bà là Y tiên.

Quang-Vũ truyền cho lên.

Lê Đạo-Sinh đi trước. Phía sau Trần Năng. Bà ôm một cái hộp bọc ngoài
bằng chiếc khăn gấm. Lê Đạo-Sinh, Trần Năng cùng quì xuống. Lê Đạo-Sinh
hô :

– Thần Lê Đạo-Sinh, và Trần Năng bảo giá Ngọc-tỷ về dâng Thánh hoàng.

Quang-Vũ cầm lấy hộp Ngọc-tỷ, phán:

– Cho các khanh bình thân.

Y cầm hộp mở ra: Ngọc-tỷ bằng ngọc xanh biếc. Một góc bị bể, đã được nạm vàng lại. Thái-giám dâng hộp đựng son. Quang-Vũ ấn Ngọc-tỷ vào hộp son, in thử xuống tập giấy. Trên tập giấy hiện ra chữ:

Thụ Mệnh Vu Thiên,

Thọ Ký Vĩnh Xương.

Quang-Vũ truyền cho quần thần đều được xem qua. Y nói với Trần Năng:

– Y tiên Công-chúa. Trước đây Công-chúa xuất mã giúp trẫm, trước chiếm
Xuyên-khẩu, sau đánh Bạch-đếá. Y tiên là một trong các tướng đánh tới
Bạch-đếâ. Lại nữa trong trận đồi Nghi-dương. Y tiên ra tay đánh bại bọn
Văn Thanh-Hoa, Tiêu Hồng-Hoa, giết chết bọn phản tặc Mao Đông-Các, Tạ
Thanh-Minh, Trần Lữ... ngoài ra còn đến Lạc-dương trị bệnh cho trẫm và
đại thần. Trẫm không bao giờ quên ơn. Nay Y tiên lại thân hộ tống
Ngọc-tỷ đến đây, công ấy không nhỏ.

Trần Năng cũng như Hồ Đề, tính tình vui nhộn, ngay thẳng như nam nhi.
Trên đời bà chỉ nể có ba người: Trưng Trắc, Trưng Nhị và sư phụ. Đối với sư phụ. Bà ỷ mình nhỏ tuổi, như cháu nội, cháu ngoại của ngài, nên trêu cả sư phụ. Đối với Quang-Vũ, bà phục y ở điểm: Có chí lớn, có hùng tài
như Trưng Trắc. Song bà không sợ hãi y. Bà đáp:

– Đa tạ Bệ hạ quá khen tặng. Song phàm làm người hiệp nghĩa, ân oán phải phân minh. Đánh Xuyên-khẩu, Bạch-đếá, thần cũng như anh hùng Lĩnh-Nam,
chỉ vì muốn lập công, xin phục hồi Lĩnh-Nam. Còn trận đánh Nghi-dương,
thần xuất thân thầy thuốc, muốn trừ bọn Mao Đông-Các như trừ mấy con
trùng hại người, chứ không phải vì Bệ hạ. Duy có việc đến Lạc-dương trị
Huyền-âm độc hưởng cho Bệ hạ với các đại thần thì đúng. Song y đạo
Lĩnh-Nam dạy rằng: Dù kẻ thù, dù người nghèo khó bị bệnh hoạn, cũng phải cứu chữa. Còn hôm nay, thần hộ giá Ngọc-tỷ, do chỉ dụ của Hoàng-đế
Lĩnh-Nam.

Quang-Vũ than:

– Lĩnh-Nam thực là đất linh, nảy sinh không biết bao nhiêu anh hùng.
Khắp triều Hán, trẫm không có lấy một anh hùng hào sảng, lỗi lạc như Y
tiên. Y tiên sang đây, để trẫm nhờ Tây-cung Quí-phi thù tiếp dùm.

Quang-Vũ sai cung nga dẫn Trần Năng vào Tây-cung cùng Chu Tường-Qui đàm
đạo. Y đâu ngờ, phía trong, Chu Tái-Kênh, Đào vương-phi, Tường-Qui đang
lắng nghe mọi diễn biến triều Hán.

Quang-Vũ nói với Lê Đạo-Sinh:

– Thứ sử Giao-châu thực tài giỏi. Có công lớn. Trước đã giúp trẫm đánh
Thục. Nay lại bảo giá Ngọc-tỷ về đây. Trẫm phong cho khanh tước Lĩnh-nam công, ăn lộc sáu quận vùng Lĩnh-Nam. Từ nay mỗi năm khanh chỉ phải về
triều chầu một lần mà thôi.

Lê Đạo-Sinh quì xuống tạ ơn.

Quang-Vũ phán:

– Lê quốc-công hãy gấp đi Ích-châu, gặp Ngô Hán. Y sẽ giúp Quốc-công
quân mã, đánh Lĩnh-Nam, dành lại đất của bọn phỉ đồ Trưng Trắc. Thôi
Quốc-công lui.

Trong màn, Trần Năng nhìn Chu Tái-Kênh, Đinh Xuân-Hoa, Chu Tường-Qui. Bà thở dài:

– Trưng hoàng-đế đã chỉ dụ: Người Hán ảnh hưởng bởi sách vở từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc, tự cho mình ở trung tâm thiên hạ. Dân tứ phương phải
qui phục. Họ không muốn bất cứ dân tộc nào đứng ngoài uy quyền họ. Muốn
họ nể phục, chỉ có cách tạo cho mình sức mạnh, khiến cho chồn tay mà
thôi. Cứ xét như Quang-Vũ, dù y có chết đi, sẽ có muôn ngàn Quang-Vũ
khác. Y hứa với chúng ta tại điện Vị-ương rồi nuốt lời. Trên đồi
Nghi-dương. Y ban đại cáo thiên hạ. Sau đó lại dùng Lê Đạo-Sinh cùng Tô
Định chống Lĩnh-Nam. Tô, Lê bại. Mới đây sau trận hồ Động-đình, Hán mất
ba mươi vạn quân, mà y cũng không sờn. Bây giờ Lĩnh-Nam trao Ngọc-tỷ cho y, lại thả tù binh, thế mà y vẫn chỉ dụ Lê Đạo-Sinh vào Thục với Ngô
Hán, để đánh về Lĩnh-Nam. Vì vậy, chúng ta có khuất phục, kết bạn với
tất cả triều thần nhà Hán cũng vô ích. Sư nương, cùng Chu Tường-Qui
chẳng cần kết thân với quần thần Hán chi cho mệt. Chúng ta thu lượm tin
tức cũng đủ rồi.

Nhắc lại những hồi trước để độc giả khỏi moi trí nhớ :

Trước đây ngày đêm Lê Đạo-Sinh mơ màng chức Thái thú Giao-chỉ. Ước mơ
cao sang, quyền quí, đã làm y mờ mắt. Y bỏ địa vị đạo đức, bỏ danh hiệu
Lục-trúc tiên sinh võ lâm Lĩnh-Nam tặng cho y. Y lao đầu vào khống chế
các phái võ. Đến độ bắt giam cả hai người sư điệt, lúc nào cũng kính
cẩn, cúi đầu tuân phục y là Nguyễn Thành-Công, Đặng Thi-Kế. Y dùng tiền
bạc mua chuộc, đe dọa bọn Lê Nghĩa-Nam, Hoàng Đức-Tiết, Mai Huyền-Sương, hầu khống chế phái Long-biên. Được Trần Tự-Sơn ủy nhiệm tổ chức đại hội hồ Tây, mục đích tuyển cao nhân sang Trung-nguyên cầu phong, xin hủy bỏ Ngũ pháp. Y định biến đại hội thành dịp giết anh hùng Lĩnh-Nam. Mưu kế
của y bị Đào Kỳ, Trần Tự-Sơn phá vỡ. Y bỏ sang Trung-nguyên, nhập Thục
định phế trưởng, lập thứ, kiếm chức Thái thú, cũng thất bại. Y đến
Lạc-dương theo Mã thái-hậu, được phong chức tước giả. Khi biết rõ như
vậy, y phản Mã thái-hậu, theo Hàn Tú-Anh. Y được Quang-Vũ phong chức Thứ sử Giao-châu. Trong khi khắp vùng Lĩnh-Nam không còn trong tay người
Hán. Y cùng đệ tử trở về giúp Tô Định chống Lĩnh-Nam bị thất bại. Y suýt mất mạng. Giữa lúc đó Tăng-Giả Nan-Đà xuất hiện. Y vờ sám hối theo
ngài. Được ngài truyền Thiền công. Y bỏ ngài, trở về Hán. Quang-Vũ sai y nhập Thục, xúi Công-tôn Thi giết cha, giết sư thúc, làm Thục tan nát.
Thục, Kinh-châu thuộc về Hán. Quang-Vũ không phong cho y trấn thủ
Ích-châu hay Kinh-châu, mà lại phong cho y làm Lĩnh-nam công, như ông
vua Lĩnh-Nam, với chỉ dụ y tìm Ngô Hán. Ngô sẽ cho mượn quân về đánh
Lĩnh-Nam. Quang-Vũ quả thực có bản lĩnh. Y chỉ mất một tờ giấy, mà gây
cho Lĩnh-Nam rối loạn. Lê Đạo-Sinh không biết lẽ đó. Y nghĩ: Trước đây
Nghiêm-Sơn võ công kém y. Thân cô, thế cô, thế mà một người, một ngựa,
kinh lược được Lĩnh-Nam. Huống hồ y có võ công vô địch thiên hạ, bên
cạnh thêm năm đệ tử bản lĩnh nghiêng trời... y cho rằng đoạt lại
Lĩnh-Nam không khó. Song y quên một điều, Nghiêm-Sơn được Lĩnh-Nam, vì
các Thái-thú đều là người Hán, lúc nào cũng sẵn sàng qui phục Quang-Vũ.
Còn đây Lĩnh-Nam đang độc lập. Từ Lạc công tới dân chúng, một lòng chống Hán.

Sau bức màn, ở trong trướng, Chu Tái-Kênh, Đào vương-phi Chu Tường-Qui
nhìn nhau ngán ngẩm. Chu Tường-Qui nước mắt đầm đìa. Nàng nghĩ lại mà
thương cho mẹ. Thủa bé, nàng kính trọng ông ngoại biết bao nhiêu. Bây
giờ, ông ngoại nàng như thế... hỏi nàng không đau đớn sao được.

Đào vương-phi hiểu được tâm trạng của Chu Tường-Qui. Bà an ủi:

– Lục-trúc tiên sinh suốt đời theo đuổi công danh. Thành ra, những ai
làm ngược với tiên sinh. Tiên sinh đều coi họ như kẻ thù, như đạo tặc.
Chúng ta chịu vậy. Chúng ta có khuyên tiên sinh, cũng bị tiên sinh coi
là kẻ thù.

Bên ngoài Tể-tướng Giả Phục cầm Ngọc-tỷ trao cho các đại thần coi.

Thình lình binh một tiếng. Hai người từ cửa sổ nhảy vào. Một người mặc
quần áo xám phóng chưởng tấn công Quang-Vũ. Mã Vũ quát lên một tiếng đỡ
chưởng, cứu chúa. Trong khi đó một người mặc áo xanh, chĩa hai ngón tay
vào mặt Tể-tướng Giả Phục. Giả Phục không viết võ. Ông lui lại. Người đó cướp chiếc hộp đựng Ngọc-tỷ cho vào túi. Y vung tay đỡ chưởng của Chu
Hựu đánh vào lưng. Bùng một tiếng. Chu Hựu lui lại ba bước.

Quần thần náo loạn lên. Các văn quan vội lui vào một góc.

Theo luật lệ nhà Hán, Hoàng-hậu, Quí-phi không được để quần thần thấy
mặt, ngoại trừ trường hợp đặc biệt, gọi là Thất miễn tức bảy điều
miễn:1. Khi thấy Hoàng-đế thiết triều. 2. Khi đau yếu, phải triệu Thái y vào chữa. 3.Khi phải xuất bôn. 4. Khi phải chống giặc. 5. Khi ở trong
căn nhà bị cháy. 6. Khi thuyền bị chìm. 7. Khi phải lễ ở Thái-miếu. Bây
giờ giữa lúc quần thần chầu Hoàng-đế. Võ quan chỉ có hai người, gặp
thích khách vào tập kích. Chu Tường-Qui lạng người ra đứng trước
Quang-Vũ, vận khí vào đơn điền, sẵn sàng ra tay đối phó với thích khách.

Nội giám thống lĩnh cấm quân An Đức-Huy dẫn Thị vệ bao vây Tây-cung như
thành đồng vách sắt. Đám Thị vệ riêng của Chu Tường-Qui bao vây phía
ngoài hành lang.

Đào vương-phi đứng trong rèm nhìn ra. Bà thấy lưng Mã Vũ quen quen, song nhất thời không tìm ra đã gặp y ở đâu.

Cách đây mấy năm, hồi Đào Thế-Kiệt, Đặng Thi-Sách đi Trung-nguyên. Hai
người đã gặp Mã Vũ trong trận đánh đồi Nghi-dương. Với con mắt tinh đời, kinh nghiệm của hai người. Đào Thế-Kiệt tìm thấy ở Mã Vũ như ẩn hiện
một điều gì bí mật vô cùng. Ông cùng Đặng Thi-Sách chỉ nhìn con mắt,
cũng đoán được Mã Vũ có cảm tình với Lĩnh-Nam. Đào Thế-Kiệt được Trưng
Nhị thuật cho biết võ công Mã Vũ rất kỳ lạ. Thông minh như Phương-Dung,
Trưng Nhị mà không tìm ra được nguồn gốc. Tuy cùng chiến đấu ở đạo
Kinh-châu với nhau, mà không bao giờ Mã Vũ hiển lộ võ công trước hai
người, nên hai người không biết võ công y cao đến đâu.

Phương-Dung nhận thấy, hồi Đào Kỳ, Khất đại phu, Đô Dương với nàng đại
náo điện Vị-ương, Trường-an, Mã Vũ chỉ đánh cầm chừng, bằng chiêu thức
rời rạc, không chuyên dùng một thứ võ công nào khác. Đào Thế-Kiệt đã kết luận: Thân thế Mã Vũ có điều gì rất bí mật, cho nên y tránh không xử
dụng võ công trước mặt anh hùng Lĩnh-Nam. Y là người có cảm tình với
Lĩnh-Nam giống như Hoài-nam vương.

Đào vương-phi dặn Trần Năng:

– Mã Vũ muốn che dấu võ công trước anh hùng Lĩnh-Nam chỉ có hai điều xảy ra: Một là y muốn giữ kín môn hộ, để sau này hại Lĩnh-Nam. Điều này
không phải. Vì Mã Vũ cảm tình với Lĩnh-Nam. Hai là Mã dấu môn hộ, vì võ
công của Mã, có liên quan đến Lĩnh-Nam. Điều này có thể xảy ra. Vậy ta
nhất định không xuất hiện, để biết võ công của Mã.

Từ lúc Chu Tái-Kênh thấy Mã Vũ, trong người bà nảy sinh ra một tình cảm
khó hiểu: Thương cảm cũng không phải. Buồn rầu cũng không phải. Bà thấy ở Mã có cái gì rất quen thuộc, rất thân ái với bà. Mà bà tìm không ra.

Đào vương-phi kể hết những gì liên quan đến Mã Vũ cho Chu Tái-Kênh nghe.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!