ĐẾ QUỐC THIÊN PHONG
Tác giả: Duyên Phận
Quyển 4: Huyết Hương Tế Đại Kỳ
Chương 33: Chông gai giết chóc
Người dịch: Hạo Thiên
Nguồn: sưu tầm
Ngoài ra Thiển Thủy Thanh còn sáng tạo một kỷ lục mang tính lịch sử, mà ý nghĩa của kỷ lục này vượt xa hai kỷ lục trên.
Hắn chính là vị Tướng quân đầu tiên trong thời đại dùng hàng nguội dùng cung tiễn thủ sát thương đối phương với quy mô lớn thật sự trong một trận chiến. Trận chiến Lam Thảo pha, Thiển Thủy Thanh sử dụng số cung tiễn thủ và số tên bắn ra cao đến mức kinh người.
Trận chiến ở Lam Thảo pha, ba ngàn tên xạ thủ của Vô Song phát huy tác dụng vô cùng hiệu quả. Nếu chia đều ra, mỗi tên cung tiễn thủ đã bắn khoảng một trăm hai chục mũi tên, tức là gấp khoảng mười lần số tên mà cung tiễn thủ bắn ra trong một trận chiến thông thường. Vì vậy cho nên khi trận chiến này chấm dứt, ba ngàn tên cung tiễn thủ mệt mỏi đến mức giở tay lên không nổi, thậm chí có rất nhiều tên cung tiễn thủ bị dây cung làm bị thương cả ngón tay.
Trong trận chiến ấy, ba mươi sáu vạn mũi tên đã được bắn lên không, chuyện này trong một trận chiến có quy mô dưới ba vạn người là cực kỳ hiếm thấy trong lịch sử chiến tranh trước đó.
Sử dụng cung tiễn thủ chiến đấu với quy mô lớn như vậy, tạo ra đủ các tình huống để giữ vững khoảng cách cho cung tiễn thủ thi thố tài ba, thậm chí không tiếc đánh giáp lá cà, lợi dụng ưu thế trận giáp xa để tiến hành chiến đấu, đây có thể nói là một phát minh lớn nhất của Thiển Thủy Thanh.
Ba mươi sáu vạn mũi tên, tổng cộng bắn ra một trăm hai mươi lần, mỗi lần như vậy bao phủ một diện tích là hai ngàn hai trăm thước vuông. Nếu nhân cho một trăm hai mươi lần thì tổng diện tích bao trùm là hai vạn bốn ngàn thước vuông, gần như bao trùm tất cả chiến trường, từng tấc đất nhỏ đều có tên cắm xuống.
Đám cung tiễn thủ của Trường Cung Doanh giống như nông phu gieo hạt giống mùa Xuân, không tha cho một tấc đất nào, có những nơi thậm chí phải cày tới cày lui mười mấy lượt. Theo phỏng tính, số binh sĩ Đế quốc Chỉ Thủy chết vì trúng tên có khoảng chừng một vạn rưỡi, chiếm tuyệt đại đa số thương vong của quân Đế quốc Chỉ Thủy. Chia đều ra cứ hai mươi bốn mũi tên thì giết được một tên địch, một đợt mưa tên như vậy trung bình có một trăm hai mươi bốn tên địch ngã xuống.
Mặt đất cắm đầy những mũi tên lông đuôi đen thân trắng rậm rạp, giống như những bông lúa trên cánh đồng vào mùa Thu, chúng lay động trong gió phất phơ toát ra ánh sáng lạnh lẽo sắc bén, làm kinh động lòng người.
Lần đại chiến này, kỵ binh và cung tiễn thủ của Thạch Dung Hải chết sạch không còn một mống, hơn hai vạn bộ binh sau khi hứng những đợt mưa tên điên cuồng tẩy rửa không còn lại được bao nhiêu.
Một đoạn đường ngắn ngủi chừng vài trăm thước bị các binh sĩ của Trường Cung Doanh làm cho trở thành một đoạn đường đầy chông gai chết chóc. Mỗi một binh sĩ Đế quốc Chỉ Thủy đi ngang qua đó nhất định đều bị đám chông gai này đâm trúng.
Sau cuộc chiến trên Lam Thảo pha, danh tiếng Trường Cung Doanh của Vô Song tăng lên rất nhiều. Bởi vì trên bãi chiến trường lúc ấy cắm đầy tên rậm rạp, làm cho người ta cảm thấy nơi ấy giống như một mảnh đất đầy chông gai hiểm trở, ngay cả chuyện thu các mũi tên về cũng cực kỳ tốn sức, bởi vậy lúc ấy trong Thiết Phong Kỳ có người gọi Trường Cung Doanh bằng cái tên Chông Gai Doanh.
Sau Thiển Thủy Thanh sợ rằng cái tên này còn chưa đủ nổi tiếng, nói rằng chông gai chỉ đả thương mà không giết người, Trường Cung Doanh của Vô Song phải gọi là Tử Vong Doanh mới đúng. Vì thế cái tên xạ thủ chông gai chết chóc cứ như vậy mà trở nên vang dội, dần dần truyền khắp cả đại lục.
Còn trận chiến Lam Thảo pha, về sau được người ta gọi là trận chiến chông gai chết chóc.
Trong trận chiến này Thiển Thủy Thanh đã dùng chiến thuật độc đáo của hắn dạy cho mọi người một bài học. Chính là không tiếc đạn dược, dùng hết khả năng để tiến hành phương thức bắn bao trùm, dùng hết khả năng tấn công tầm xa để sát thương đối thủ.
Bởi vì đây cũng là lần đầu tiên hắn dùng binh lực ít hơn nghênh chiến trực tiếp với quân địch có binh lực nhiều hơn, lại gần như không tổn hao gì chiến thắng đối thủ, cho nên vì vậy mà hình thành một quan điểm mới: binh chủng tấn công tầm xa có quyền quyết định thắng bại của một cuộc chiến ngang với bộ binh và kỵ binh.
Tuy nhiên Thiển Thủy Thanh chỉ cười khẩy khi nghe thấy những chuyện này, hắn không tin vào chuyện bất cứ binh chủng nào có quyền quyết định thắng bại của một cuộc chiến. Hôm đó hắn có thể dùng một số đông cung tiễn thủ bắn những trận mưa tên điên cuồng dẫn đến thắng lợi của cuộc chiến Lam Thảo pha, là nhờ hắn tạo ra đủ loại tình thế ép buộc Thạch Dung Hải phải áp dụng trạng thái chủ động tấn công.
Nhưng ở ngày khác, ở một trận chiến khác, đối diện với một tình huống khác, có cần phải sử dụng chiến pháp cung tiễn thủ bắn tên như vậy hay không lại là chuyện khác.
Thời gian địa điểm con người có thể sắp đặt, quân đội không thay đổi, nhưng chiến pháp áp dụng phải thiên biến vạn hóa. Nếu như nhất định phải nói rằng có pháp bảo gì đó để chiến thắng, như vậy ý trên có lẽ mới thật sự là pháp bảo để đi tới chiến thắng.
Đương nhiên những lời bàn luận này đều xảy ra sau trận chiến, ngay lúc ấy không nhiều người chú ý tới điểm này: vốn thân phận của số cung tiễn thủ của Trường Cung Doanh phát huy ra tác dụng khủng bố kia… chính là hàng binh của Đế quốc Chỉ Thủy.
Từ lúc này trở đi, đám hàng binh Đế quốc Chỉ Thủy sẽ trợ giúp cho Thiển Thủy Thanh rất nhiều, bọn họ đã không còn đường nào có thể đi…
Duy chỉ có đi theo Thiển Thủy Thanh chiến đấu đến cùng, bọn họ mới có hy vọng sống sót.
Càng không bao nhiêu người biết rằng vào thời điểm chỉ huy chiến đấu, thân thể của Thiển Thủy Thanh đã suy yếu đến mức ngồi không vững.
Để có thể chỉ huy chiến đấu, hắn đã phải buộc mình vào một cái giá mới có thể ngồi vững trên lưng ngựa.
Mỗi mệnh lệnh chỉ huy mà hắn truyền ra đều nhỏ như tiếng muỗi kêu, Dạ Oanh phải kề tai sát miệng của hắn lắng nghe cho thật kỹ, sau đó mới có thể truyền lại được.
Chiến đấu đến giờ phút cuối cùng, rốt cục hắn cũng hôn mê.
Hắn hôn mê khiến cho năm ngàn quân của Thạch Dung Hải thoát khỏi chiến trường, cũng là năm ngàn tên binh sĩ cuối cùng của Đế quốc Chỉ Thủy trốn thoát đại nạn. Đồng thời chuyện này cũng khiến cho chiến công tiêu diệt toàn quân địch của Thiển Thủy Thanh sắp thành lại bại, chẳng những không thể tiêu diệt hoàn toàn quân địch mà còn tổn thất một viên Đại tướng là Hồng Thiên Khải.
Trước khi hắn hôn mê từng nói qua một câu:
- Chiến sĩ, chính là giết giặc và bị giết. Là chiến sĩ, cần phải hiểu biết về chuyện tử trận. Vì các huynh đệ còn sống và sứ mạng của chiến sĩ, ta vĩnh viễn không hối hận về những chuyện đã làm, còn có những sát nghiệt về sau nữa…
Mà sau khi hắn hôn mê, cái chết của Hồng Thiên Khải trở thành một chú thích tốt nhất cho những lời này của Thiển Thủy Thanh: người chết không phải lúc nào cũng là kẻ địch…
Một Doanh Chủ đã hy sinh…
Tuy rằng đại thắng, nhưng giờ phút này trong lòng các binh sĩ Thiết Phong Kỳ lại tràn đầy đau khổ.
Thi thể của Hồng Thiên Khải được long trọng đặt trong linh đường để mọi người bái tế.
Đông Quang Chiếu đang đốt ba cây nhang thật to cắm vào lư hương, cung kính bái tế.
Phía sau ông ta là tất cả quan tướng của Thiết Sư Doanh, Hữu Tự Doanh, Hổ Báo Doanh và Trường Cung Doanh, Dạ Oanh đỡ Thiển Thủy Thanh ngồi ở một bên.
Tất cả mọi người quỳ rạp xuống trước thi thể của Hồng Thiên Khải, nguyện cầu lời chúc phúc sau cùng cho ông ta.
Đông Quang Chiếu thở dài, đau lòng cho sự ra đi của bạn già, miệng ông ta thì thào:
- Đáng tiếc, lão Hồng ôi, chúng ta thắng một trận hoành tráng, ngươi lại ra đi…
-… Ta nhớ rõ ngươi từng nói với ta, tương lai có một ngày ngươi nhất định phải chiếm được thành Đại Lương, sau đó khắc tên mình vào trên cột trong hoàng cung, đáng tiếc hiện tại, ngươi đã không thể làm chuyện này được nữa…
-… Chúng ta tham gia vào quân ngũ, cho dù là làm Tướng quân, đôi khi cũng không biết được lúc nào mình sẽ tử trận. Chiến Chưởng Kỳ đã chết, ngươi cũng ra đi, Tướng quân già ở Thiết Phong Kỳ giờ đây chỉ còn lại mỗi mình ta… có lẽ lúc nào đó ta cũng sẽ ra đi. Lão Hồng ngươi đừng vội, sớm muộn cũng sẽ có một ngày, lão Đông ta cũng sẽ đi theo ngươi mà thôi…
Tất cả mọi người nghe Đông Quang Chiếu nói những lời này mà vành mắt ửng đỏ, trong lòng chua xót.
Thiển Thủy Thanh khe khẽ thở dài.
Hồng Thiên Khải ra đi, trong lòng hắn vô cùng đau đớn…
Những người ngày trước đối xử tốt với hắn như Thích Thiên Hữu, Chiến Thiên Cuồng đã lần lượt ra đi, bây giờ Hồng Thiên Khải cũng đã không còn…
Bọn họ đều là những người quan tâm chăm sóc cho mình từ lúc mình còn là một tên tiểu tốt không có tiếng tăm gì, là cấp trên tốt nhất của mình, nhưng giờ đây, tất cả đều đã bỏ mình mà đi…
Dường như trong cõi vô minh có một đôi mắt đang theo dõi Thiển Thủy Thanh, tuy không lấy đi tính mạng của Thiển Thủy Thanh, nhưng lại lấy đi tính mạng của tất cả những người từng quan tâm chăm sóc cho hắn. Quả báo của cuộc đời này không cần phải chờ đến kiếp sau, mà đã xuất hiện trên từng người quan tâm cho hắn.
Hắn còn có thể trông cậy vào người nào đối xử tốt với hắn nữa đây?
Liệt Cuồng Diễm ư?
Nghĩ đến Liệt Cuồng Diễm, đột nhiên Thiển Thủy Thanh cảm thấy giật thót trong lòng.
Chiến sự Tây Nam giằng co cho đến bây giờ như thế nào rồi, hắn vẫn không biết được…
Hắn cảm thấy hơi lo lắng, hơi sợ hãi, nhưng cuối cùng vẫn đè nén lại những ý nghĩ vẩn vơ vừa xuất hiện trong lòng.
Cái gì mà tất cả cấp trên đối xử tốt với hắn đều phải chết? Ý nghĩ này quá buồn cười, không thể nào suy luận thành một quy luật nhất định được, chắc chắn Liệt Cuồng Diễm sẽ không có việc gì.
Hắn tự nói với mình như vậy, sau đó nói với tất cả mọi người:
- Thì ra là Hồng Doanh Chủ từng có ý muốn khắc tên mình lên cột trong hoàng cung thành Đại Lương hay sao? Được, chờ sau khi chúng ta chiếm được thành Đại Lương, sẽ giúp cho Hồng Doanh Chủ thực hiện nguyện vọng này!
Đông Quang Chiếu lắc đầu:
- Đó chỉ là nói đùa mà thôi, Dã Vương định lấy Đế quốc Chỉ Thủy làm hậu phương cho Đế quốc Thiên Phong, hoàng cung nơi đó là tài sản của Hoàng gia, chúng ta không thể làm bậy!
Thiển Thủy Thanh chậm rãi nói:
- Ta đã quyết định, sau khi đánh hạ thành Đại Lương sẽ đem tất cả tên tuổi của các tướng sĩ tử trận khắc lên trên cây cột to nhất trong hoàng cung. Ta không cần biết nó có phải là tài sản của Hoàng gia hay không, vinh quang của những binh sĩ tử trận của ta, nhất định phải có một chỗ để khắc ghi lên đó cho người người tưởng nhớ. Cột trong hoàng cung thành Đại Lương chính là tấm bia tốt nhất để kỷ niệm tất cả các tướng sĩ đã hy sinh…!
Lời tác giả:
Chiến thuật trong trận chiến chông gai chết chóc trên Lam Thảo pha chính là thoát thai từ trận chiến Anh-Pháp năm xưa. Chủ lực của người Anh là cung tiễn thủ, cũng sử dụng trường cung Tử Sam, còn binh lực của người Pháp chiếm ưu thế, chủ lực của bọn họ là trọng trang bộ binh.
Trọng trang bộ binh không chống lại cung tiễn thủ, cho dù binh lực nhiều hơn, nhưng kết cục cũng là bị tiêu diệt toàn quân.
Tôi không biết độc giả đánh giá trận chiến chông gai chết chóc như thế nào, nhưng phải nói rằng trận chiến này dưới ngòi bút của Duyên Phận tôi thật ra không YY bằng thực tế trong lịch sử. Sự thật trận chiến Anh-Pháp chính là người Pháp bại thê thảm như vậy, nhưng người Anh cũng không có trận giáp xa để phòng thủ bảo vệ cho cung tiễn thủ của mình khỏi bị trọng trang bộ binh của đối thủ tấn công, nhưng kết quả vẫn là đại thắng. Chuyện cũ tôi lấy ra viết lại như vậy, nếu nói tôi viết vô căn cứ, chỉ biết YY, là hoàn toàn sai lầm!
Lúc đó Hắc Thái tử thủ lĩnh của quân Anh nhờ vậy mà nổi tiếng khắp nơi, nhưng không ai nói rằng ông ta thắng trận không hợp lý, không thuyết phục.
Tuy rằng Trường Cung Doanh của Vô Song chỉ có được thời gian một ngày để huấn luyện, nhưng phương thức bắn bao trùm không cần chính xác, chỉ cần có kỷ luật và thống nhất đồng bộ là được. Thiển Thủy Thanh lại vì bọn họ mà bố trí hệ thống trận giáp xa để phòng ngự, nếu như vậy mà vẫn nói là không có khả năng, vậy không phải chỉ số thông minh của tôi có vấn đề, mà là các huynh đệ độc giả bắt bẻ quá đáng, ha ha!
Mặc dù sự hiểu biết của Duyên Phận tôi đối với chiến tranh có hạn, nhưng cũng đã xem qua tiểu thuyết quân sự không ít. Tất cả những chiến thuật chiến trận cơ bản mà tôi viết ra, phần nhiều đều thoát thai từ một câu chuyện lịch sử chân thật nào đó, sau đó gia công thêm thắt một ít nghệ thuật và tưởng tượng mà thành. Có lẽ có vài chỗ sẽ có tỳ vết, nhưng trên tổng thể thì vẫn có thể chấp nhận được. Đương nhiên cũng có đôi chút là hoàn toàn hư cấu, nhưng tôi vẫn chọn bút pháp chân thật mà viết ra, chứ không phải chỉ đơn thuần là YY và khí độ vương giả.
Nhân tiện nói thêm một câu, sở dĩ khí độ vương giả làm cho nhiều người không thích, là vì rất nhiều tiểu thuyết trên inte hiện nay viết về nó. Nhưng sự thật là nó có tồn tại, chỉ là khác nhau về thủ pháp viết ra cao hay thấp mà thôi.
Trong bộ truyện Đế quốc Thiên Phong này, sự giải thích của tôi đối với khí độ vương giả chính là, nó căn cứ trên cơ sở của một ít thành công hiện hữu dẫn đến một sự sùng bái danh vọng.
Bởi vậy mặc dù tôi không thừa nhận rằng tôi tả Thiển Thủy Thanh bằng khí độ vương giả, nhưng trên thực tế quả thật hắn có khí độ này, hơn nữa rất mạnh. Nếu không mọi người không thể nào đề cử Thiển Thủy Thanh lên chức Chưởng Kỳ trong trận nổi loạn tại trấn Xích Thủy, nổi loạn như vậy là hoàn toàn hợp với sĩ khí lòng quân, thuận theo lẽ thường, không phải vậy sao?