ĐẾ QUỐC THIÊN PHONG
Tác giả: Duyên Phận
Quyển 4: Huyết Hương Tế Đại Kỳ
Chương 36: Kế hoạch đuổi hưu (hạ)
Người dịch: Hạo Thiên
Nguồn: sưu tầm
Dưới cây cổ thụ, Thạch Dung Hải và Dịch Tinh Hàn đang đứng đối diện nhau.
Rốt cục Thạch Dung Hải cũng đồng ý gặp mặt Dịch Tinh Hàn, theo bản năng, hắn cũng muốn gặp qua tên tiểu tử gần như một tay hủy diệt giấc mộng bảo vệ đất nước của Đế quốc Chỉ Thủy, để xem rốt cục hắn như thế nào.
Cây cổ thụ này nằm giữa hai quân, không ai mang theo cận vệ, chỉ là thủ lãnh hai quân đơn độc gặp nhau.
Một người là Đại tướng từng lăn lộn sa trường của Đế quốc Chỉ Thủy, một kẻ là tên tiểu tốt mới vừa nổi lên khởi nghĩa, hào khí kinh người.
Trên mảnh đất từng trải qua biết bao khói lửa này, hai người từng trải qua sự quan tâm chăm sóc của Thiển Thủy Thanh. Cũng nhờ bọn họ liên thủ với nhau, đẩy Đế quốc Chỉ Thủy vào trong vực sâu không đáy.
Thế nhưng hiện tại, hai người đang đứng đối diện với nhau, trong ánh mắt nhìn nhau đều tràn ngập vẻ thù địch.
Thạch Dung Hải lạnh lùng hỏi:
- Ngươi không phải là tay sai của Thiển Thủy Thanh hay sao? Muốn tìm ta làm gì vậy?
Dịch Tinh Hàn cười lạnh lẽo:
- Nếu như nói người bảo vệ cho đập Lý Quan không bị phá hủy là tay sai của người Đế quốc Thiên Phong, vậy Thạch Tướng quân một trận chiến chôn vùi hơn hai vạn tướng sĩ anh dũng của Đế quốc Chỉ Thủy ta, làm cho Thiển Thủy Thanh từ đây về sau đại khai sát giới mà không còn kiêng nể gì cả, e rằng phải gọi là quốc tặc!
- Ngươi…
Thạch Dung Hải nổi giận:
- Mặc dù ta chiến bại, nhưng là một lòng vì nước!
Dịch Tinh Hàn ngẩng cao đầu đáp lại:
- Ta một lòng bảo vệ đập vì dân, sai ở chỗ nào?
Nhất thời Thạch Dung Hải ngây người ra, không biết trả lời như thế nào.
Dịch Tinh Hàn nói tiếp:
- Thạch Tướng quân, ý dân chính là ý trời, hôm nay, Dịch Tinh Hàn ta giúp một đại ân cho người Đế quốc Thiên Phong là không sai, nhưng không phải như vậy có nghĩa là ta bán đứng cố hương, phản chiến. Tuy Đế quốc Chỉ Thủy có hạng người sợ chết đầu hàng, nhưng cũng có chí sĩ hy sinh vì nước, nhìn khắp anh hùng thiên hạ, ai ai cũng phải trả giá mà thôi.
- Ngươi đang nói ta sao?
- Ta đang nói về Thiển Thủy Thanh!
Thạch Dung Hải khẽ giật mình nhìn thoáng Dịch Tinh Hàn, thanh niên trước mặt hắn nói chuyện hùng hồn, bầu máu nóng trong lòng xem ra không hề sút giảm.
Lẽ nào hắn thật sự nhìn lầm người rồi sao?
Hắn thản nhiên hỏi:
- Rốt cục ngươi tìm ta có chuyện gì?
Dịch Tinh Hàn cười:
- Còn có thể vì chuyện gì nữa? Thạch Tướng quân thẳng tiến về phía Bắc, cũng chỉ vì không còn chỗ nào để đi, có phải không?
Những lời này đánh đúng vào chỗ đau sâu trong tâm khảm của Thạch Dung Hải, nhưng ngay sau đó, Dịch Tinh Hàn đã nói tiếp:
- Thạch Tướng quân, Dịch Tinh Hàn ta không muốn gạt ngươi, từ sau khi khởi nghĩa ở đập Lý Quan, dân chúng các nơi kéo đến đầu quân, hiện nay nhân số Hộ dân quân của ta đã lên tới mười vạn người. Nhưng mười vạn đại quân này chỉ là con số trống rỗng mà thôi, thiếu thốn huấn luyện, thiếu thốn vũ khí trang bị, thiếu thốn một vị Tướng quân thật sự có thể lãnh đạo bọn họ. Có bài học của Triệu Băng Dương, Dịch Tinh Hàn ta cũng không dám trông cậy bằng vào mười vạn người này có thể đánh bại hơn một vạn quân tinh nhuệ của Thiển Thủy Thanh, cho nên ta mới đặc biệt tới tìm ngươi.
-… Hiện giờ Hoàng gia Đế quốc Chỉ Thủy bất tài, thiên hạ đổi chủ là lẽ tất nhiên, nhưng Đế quốc Chỉ Thủy có phải nghe theo Đế quốc Thiên Phong hay không, còn phải chờ thời gian và chiến tranh quyết định. Thiển Thủy Thanh hành quân thuận buồm xuôi gió, xem ra hắn sắp sửa đánh hạ thành Đại Lương, ngươi ta đều là con dân Đế quốc Chỉ Thủy, cũng nên làm chút gì đó vì quốc gia này!
-… Ta tìm ngươi là muốn chúng ta hợp quân lại với nhau, sau đó cùng nhau bảo vệ nước nhà, thực hiện nỗ lực sau cùng của mình!
Lời nói của Dịch Tinh Hàn không nhiều, cũng không nói được đạo lý rõ ràng như Thiển Thủy Thanh, nhưng ý tứ của hắn đã thể hiện ra rất rõ ràng.
Ta thu quân của ngươi, chúng ta cùng nhau đánh người Đế quốc Thiên Phong, đánh Thiển Thủy Thanh. Cho dù Thiển Thủy Thanh có chiếm được thành Đại Lương, còn chúng ta ở đây, Đế quốc Chỉ Thủy cũng chưa chắc đã mất nước!
Thạch Dung Hải cười khổ:
- Thành Đại Lương có mười vạn đại quân coi giữ, tuy Thiển Thủy Thanh lợi hại, nhưng hắn muốn đánh hạ chỉ sợ cũng không phải dễ dàng như vậy!
Lúc ấy, Dịch Tinh Hàn chậm rãi nói:
- Ai nói Thiển Thủy Thanh nhất định phải cường công thành Đại Lương? Người này am hiểu nhất về chuyện mượn thế dùng sức, nếu hắn không có cách chiếm được thành Đại Lương, sao lại dám khoa trương như vậy? Thạch Tướng quân, trên đường ngươi chạy lên phía Bắc, chẳng lẽ không phát hiện dọc đường có chuyện gì khác thường sao?
Thạch Dung Hải sững sờ, nghi vấn trong lòng hắn mấy hôm nay đột nhiên lóe lên, hắn kinh hãi bật thốt:
- Là dân chạy nạn sao?
Dân có thể sử dụng cho mình được, nhưng địch cũng có thể sử dụng được.
Dịch Tinh Hàn đoán được vì sao dọc đường tiến quân của Thiển Thủy Thanh, trận nào hắn cũng đốt huyết hương.
Hắn đoán đúng phân nửa, nhưng thủy chung vẫn không đoán ra nửa còn lại.
Nhưng sau trận thắng huy hoàng trên Lam Thảo pha của Thiển Thủy Thanh, rốt cục Dịch Tinh Hàn đã đoán ra hành động huyết hương tế đại kỳ còn có một ý nghĩa sâu xa khác nữa.
Sau trận chiến Lam Thảo pha, lãnh thổ của Đế quốc Chỉ Thủy gần như trống rỗng, không còn ai có thể ngăn cản bước tiến của Thiển Thủy Thanh, dân chúng nơi nơi đều kinh hoảng.
Thủ đoạn khống chế lòng người của Thiển Thủy Thanh có thể nói là độc ác tới cực điểm. Các thành chủ đối với sự giết chóc tàn sát của Thiển Thủy Thanh, bề ngoài đều tỏ ra oán giận vô cùng, nhưng sau lưng lại tranh nhau đưa tin tức đầu hàng tới Thiển Thủy Thanh. Rất nhiều quan viên trực tiếp bỏ chạy, không thèm quan tâm tới thành, chỉ lo cho gia quyến của mình.
Trong số đó cũng có nhiều thành chủ tỏ ý tử chiến đến cùng, bọn chúng ra thông cáo tử chiến vì giả vờ cũng được, thật lòng vì nước cũng không sao, rốt cục thông cáo ấy lại làm cho dân chúng địa phương sợ hãi.
Nếu Thiết Phong Kỳ đánh tới, chỉ cần không đầu hàng thì lập tức đồ thành, lúc ấy dân chúng sẽ gặp tai họa. Nếu đã là như vậy, vì sao không chạy trốn trước đi cho yên chuyện?
Những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước từ trước tới nay đều là như vậy, mỗi một lần chiến tranh gây ra đại loạn, luôn luôn cuốn rất nhiều dân chạy nạn vào trong đó. Trong thời kỳ mà anh hùng sản sinh ra nhiều như lá mùa Thu, số bá tánh bình dân bỏ nhà chạy nạn bôn tẩu tha hương lại càng nhiều hơn nữa.
Trời đất bao la như vậy, bọn họ có thể chạy đến nơi nào?
Câu trả lời chỉ có một: thành Đại Lương.
Thành Đại Lương là hậu phương cuối cùng của Đế quốc Chỉ Thủy, giáp với biển, có được mười vạn đại quân trấn thủ đã trở thành nơi tị nạn cuối cùng của dân chúng Đế quốc Chỉ Thủy.
Cũng vì vậy, trên đường Thạch Dung Hải chạy lên phía Bắc, hắn đã tận mắt thấy vô số dân chạy nạn trôi giạt khắp nơi, bọn họ mang theo gia quyến chạy về phía thành Đại Lương phía trước. Đế quốc Chỉ Thủy rộng mênh mông, nơi nào cũng thấy dân chạy nạn, bọn họ bị bắt buộc cùng chạy về một hướng, dìu dắt lẫn nhau, mang theo một nhà già trẻ lớn bé, chạy rất là vất vả. Thậm chí có nhiều người chưa chạy được đến nơi đã vĩnh viễn ngã gục ở dọc đường…
Toàn bộ bầu trời của Đế quốc Chỉ Thủy bị bao phủ bởi một vầng mây u ám nặng nề, còn thành Đại Lương cũng phải đối mặt với tình cảnh gian nan trước nay chưa từng có.
Dưới thành Đại Lương, dân chạy nạn chen chúc như sóng thủy triều đang ập tới.
Đây là đợt dân chạy nạn lớn nhất trong lịch sử của Đế quốc Chỉ Thủy từ trước tới nay.
Hàng trăm vạn dân Đế quốc Chỉ Thủy từ bốn phương tám hướng đổ xô tới, bọn họ chen chúc ở thành Đại Lương, tạo thành một biển người khổng lồ nhìn không thấy đâu là bờ…
Mà trong khoảng thời gian này, bản thân quân Đế quốc Thiên Phong cũng xuất kích khắp nơi, mượn tiếng ác của huyết hương tế đại kỳ xua đuổi dân chạy nạn.
Từ sau trận thắng trên Lam Thảo pha, Thiển Thủy Thanh đã chính thức đổi hành động tàn sát thành xua đuổi. Ngoài số dân ở các nơi bị huyết hương làm cho sợ hãi mà chạy trốn, hắn còn chủ động đuổi tất cả dân chúng dọc đường. Không cần biết là họ đầu hàng hay kháng chiến, tất cả đều bị xua đuổi tới hậu phương cuối cùng của Đế quốc Chỉ Thủy. Các binh sĩ quân Đế quốc Thiên Phong biến từ ác lang khát máu thành chó dữ chăn cừu, bọn họ lùa dân chạy nạn, xua đuổi dân chạy nạn, làm cho bọn họ từ bốn phương tám hướng chạy về mục tiêu của mình.
Dọc theo đường đi, mục tiêu tấn công của Thiển Thủy Thanh không còn là một đường thẳng tắp như trước nữa, mà là một đường gấp khúc hình chữ Chi (之) rất lớn, đường gấp khúc này gần như bao gồm tất cả những thành trấn quan trọng của Đế quốc Chỉ Thủy. Bởi vì lúc này hậu phương của Đế quốc Chỉ Thủy gần như không còn binh lực, cho nên Thiết Phong Kỳ tung hoành như chốn không người, thả sức xua đuổi hoành hành tùy thích.
Hàng ngàn hàng vạn dân chúng bị quân Đế quốc Thiên Phong xua đuổi ra khỏi các thành thị, bọn họ kêu trời kêu đất nhưng không được ai tỏ ra đồng tình hay thương hại, dưới những lưỡi đao lạnh lẽo vô tình, cách để sống sót duy nhất chỉ là bỏ chạy.
Dưới mệnh lệnh xua đuổi của Thiển Thủy Thanh, dân chúng chạy nạn giờ đây nhiều như trăm sông về biển, hối hả chạy về thành Đại Lương.
Lúc mọi người còn cho rằng thành Đại Lương có hệ thống phòng ngự kiên cố và mười vạn đại quân hùng mạnh, không ai biết rằng thành Đại Lương đã sắp bị phá hủy bởi cơn hồng thủy dân chạy nạn.
Từng tốp từng tốp dân chạy nạn tới nơi, đặt thành Đại Lương vào một sự lựa chọn khó khăn.
Ban đầu, thành Đại Lương còn thu nhận dân chạy nạn, nhưng vào lúc đó, bọn chúng không ngờ kế hoạch của Thiển Thủy Thanh lại tàn độc đến mức như vậy, thủ đoạn xua đuổi dân chạy nạn của hắn vô cùng triệt để. Lúc này Thiết Phong Kỳ giống như một đám khách được chủ nhà mời dự yến tiệc, trước khi đi bèn lôi kéo tất cả những người mà họ gặp trên đường, khách qua đường hay ăn mày, kích động tất cả những người không quen không biết cùng đi dự tiệc. Bọn họ tạo thành một cánh quân mênh mông cuồn cuộn cùng kéo tới nơi dự tiệc, thề quyết phải ăn cho sạch sẽ mâm bát của chủ nhà.
Dọc trên đường đi, một mặt Thiết Phong Kỳ dùng chiến đao và trường mâu trong tay chủ động uy hiếp, xua đuổi dân chạy nạn, mặt khác bọn họ truyền rao chuyện Thương Hữu Long thu gom lương thực vào kho để gây nên hỗn loạn, bảo rằng người nghèo ở khắp nơi không có lương thực, dân nổi loạn tứ phía, chỉ có thành Đại Lương là lương thực đầy kho, nếu mọi người không chạy tới thành Đại Lương, ắt sẽ chết vì đói!
Khi càng ngày càng nhiều dân chạy nạn đổ dồn tới trước thành Đại Lương, thành Đại Lương đã trở nên luống cuống.
Chỉ sau trận thắng trên Lam Thảo pha của Thiết Phong Kỳ có vài ngày, thành Đại Lương đã thu nhận hơn năm mươi vạn dân chạy nạn, nhưng bên ngoài dân chúng vẫn còn ào ào kéo tới không ngừng.
Trước trận chiến trên Lam Thảo pha, trước sau đã có hai mươi vạn dân chúng kéo vào thành Đại Lương từ khắp nơi. Tổng cộng bảy mươi vạn dân chúng không có nơi nương náu, chỉ có thể ăn ngủ ngoài đường, bọn họ không có thức ăn, thiếu cả quần áo ấm trong mùa Đông giá rét. Mỗi ngày đều có người chết vì đói vì lạnh nhan nhản ngoài đường, Hoàng đế cũng tỏ ra bất lực đối với chuyện này.
Hiện tượng cướp bóc trong thành gia tăng ngày càng nhiều, an ninh trong thành cũng ngày càng trở nên kém cỏi. Quân thủ thành trở thành đội cứu hỏa, trước khi quân Đế quốc Thiên Phong tới nơi phải chạy đôn chạy đáo giải quyết các vấn đề của dân chạy nạn đến nỗi bù đầu bù cổ, không kịp nghỉ ngơi.
Lời đồn đãi đã bắt đầu truyền ra trong thành, nói rằng Thiển Thủy Thanh dám mạnh miệng tuyên bố như vậy, nhất định hắn phải có chỗ dựa nào đó, thời gian của Đế quốc Chỉ Thủy không còn nhiều, thành Đại Lương có thể mất bất cứ lúc nào.
Hiển nhiên lẫn trong số dân chạy nạn còn có rất nhiều gian tế của Đế quốc Thiên Phong, bọn họ tung tin đồn nhảm khắp nơi, tạo nên một bầu không khí hỗn loạn và khủng hoảng khắp trong thành.
Mỗi ngày có rất nhiều vụ giết người xảy ra, một ít quan viên bất ngờ chết trên đường vào triều, có khi chết tại nhà mình, sát thủ thích khách hoành hành khắp nơi, nhưng bên ngoài vẫn còn rất nhiều dân chạy nạn ào ào kéo tới.
Thành Đại Lương không muốn thu nhận dân chạy nạn nữa, nhưng lại không thể không thu nhận.
Dân như nước, nước thấp, người có thể dùng, nước lên cao, có thể hại người.
So với kẻ thù xâm lấn bên ngoài, mọi người lại càng oán hận người bên mình phản bội hơn.
Quốc chủ của bọn họ bất tài, bị người ngoài đánh tới tận cửa đã đành, nếu còn dám từ chối không thu nhận bọn họ, như vậy dân chạy nạn không còn đường nào, rất có thể sẽ bị ép đến chỗ nổi loạn.
Có lẽ rất nhiều người khi đối mặt với quân Đế quốc Thiên Phong hùng mạnh thì không có lực phản kháng, nhưng đối mặt với vị Quốc chủ bất tài của mình lại dường như có được sức mạnh vô cùng. Thành Đại Lương từng đóng cửa thành một lần, kết quả đám dân chạy nạn bị nhốt ngoài thành tức giận gào thét đòi vào thành, thậm chí có một số người còn muốn cường công vào thành.
Vì muốn tránh để dân chạy nạn trở thành đội quân công thành đầu tiên, thành Đại Lương không thể không mở cửa thành một lần nữa để cho dân chúng vào thành.
Mỗi một Tướng quân đều có sở trường riêng của mình, thí dụ như sở trường của Nam Vô Thương là mượn dao giết người, còn sở trường của Thiển Thủy Thanh là thao túng nhân tâm, mượn thế dùng sức.
Trong chiến dịch cuối cùng tấn công thành Đại Lương, mượn thế đã trở thành một chiêu mà hắn dùng tới mức xuất thần nhập hóa.
Hôm nay chính là giờ phút mà thủ đoạn này phát huy tới đỉnh cao.
Hắn không chỉ mượn thế dân chạy nạn như nước thủy triều để làm tăng áp lực lên thành Đại Lương, đồng thời còn muốn mượn thế của các quan viên cao cấp, gia tăng áp lực lên Quốc chủ Vũ Văn Liễu.