ĐẾ QUỐC THIÊN PHONG
Tác giả: Duyên Phận
Quyển 5: Quyết Chiến Đỉnh Phong Tuyết
Chương 41: Tính toán
Người dịch: Hạo Thiên
Sưu tầm bởi VACM - 4vn
Lúc này Thiển Thủy Thanh đang cầm bút trong tay, vẽ tới vẽ lui trên địa hình Đế quốc Kinh Hồng trên bản đồ, thuận miệng nói:
- Nói như vậy, ngày mà bệ hạ định tấn công Đế quốc Kinh Hồng đã không còn xa nữa…
- Trong vòng nửa năm nữa ắt sẽ bắt đầu.
Thiển Thủy Thanh gật gật đầu:
- Chính là vào cuối năm nay, sau đại chiến Chỉ Thủy hơn một năm. Xem ra bệ hạ vẫn định lấy Quân đoàn Bạo Phong làm đại quân chủ lực.
Sở Hâm Lâm cười nói:
- Thép tốt đương nhiên phải dùng làm lưỡi đao.
Thiển Thủy Thanh thản nhiên nói:
- Lần này về Chỉ Thủy, xem như ông về cố hương rồi. Làm Tổng đốc của cụm Mâu Hải, ông có thừa đất dụng võ, đúng rồi, chức quan của ông hiện tại còn cao hơn cả ta.
Sở Hâm Lâm vội nói:
- Thiển Tướng quân vĩnh viễn là Tướng quân của Sở mỗ, một ngày cũng không dám quên.
- Ông nhớ kỹ thì tốt, lần này trở về, ông hãy mang theo Sở Anh về cùng.
Sở Hâm Lâm nghe vậy ngạc nhiên:
- Tướng quân, ngài có ý gì vậy?
Thiển Thủy Thanh ngẩng đầu lên:
- Mối quan hệ của chúng ta cho đến bây giờ cũng đã có thể coi là bằng hữu lâu năm, nếu ta cứ khư khư giữa con của bằng hữu mình mà không thả, đó không phải là đạo cư xử. Sở Hâm Lâm, ta tin rằng ông sẽ không làm cho ta thất vọng!
- Tạ ơn Tướng quân tin tưởng!
Ngẫm nghĩ một lúc, Sở Hâm Lâm bèn hỏi Thiển Thủy Thanh:
- Lần này ta về Chỉ Thủy, Tướng quân có dặn dò gì không?
Thiển Thủy Thanh ngẫm nghĩ một hồi mới chậm rãi nói:
- Dặn dò thì không có gì, tuy nhiên ông cần lưu ý đến một vài chuyện…
- Xin Tướng quân cứ nói.
- Thứ nhất là phải đề phòng phong trào thôn tính sát nhập đất đai. Đất đai là chuyện quan hệ tới vận mệnh của quốc gia, ta cũng đã có đề cập sơ qua trong quyển binh thư của ta. Từ xưa tới nay, phàm là Đế quốc sa sút, trước khi đi tới chỗ sụp đổ hoàn toàn đều xảy ra chuyện thôn tính sát nhập đất đai. Nhìn trên góc độ chính trị, một quốc gia lấy ruộng đất làm chủ, tính ổn định của chính quyền sẽ hơn xa một quốc gia lấy tá điền làm chủ. Nhìn trên góc độ quân sự, tố chất của binh sĩ trong nước cũng có thể được bảo đảm. Bởi vậy, sau khi Chỉ Thủy bị tiêu diệt lần này, rất nhiều lần các quan viên dâng biểu lên trên, hy vọng phân phát đất đai, ban thưởng cho các công thần, nhưng bị ta liên kết với người của Công Tôn Thạch, Liệt Tổng Suất dâng biểu lên ngăn lại. Vì sự quy hoạch lâu dài của quốc gia, sau khi Chỉ Thủy bị tiêu diệt, trong nước có rất nhiều thương nhân đầu cơ nhân cơ hội này đi trước một bước, thâu tóm đất đai với giá rẻ, vận dụng đủ loại thủ đoạn tranh đoạt. Một quốc gia bị tiêu diệt, những loại chuyện như vậy chắc chắn sẽ xảy ra, ông phải tuân theo kế sách giữ cho hòa bình và ổn định lâu dài, kiên quyết ngăn chặn, không để cho người khác thừa cơ làm loạn.
-… Chuyện thứ hai chính là Chỉ Thủy ở sát bờ biển, thế lực Thủy quân mạnh hơn nước ta rất nhiều. Một quốc gia còn kém về lực lượng Thủy quân, muốn mở mang bờ cõi, dương oai ở nước ngoài sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong lịch sử, những quốc gia có được lực lượng Thủy quân hùng mạnh đều là quốc gia rất giỏi tấn công. Lực lượng Thủy quân hoàn bị chính là nền tảng để một quốc gia xưng bá trên thế giới. Có được một lực lượng Thủy quân hùng mạnh, chính là một cải cách quan trọng về mặt chiến lược, cho nên ta hy vọng rằng ông sẽ nắm chắc thời cơ mạnh mẽ tiến thành xây dựng Thủy quân.
-… Chuyện thứ ba chính là cổ vũ cho việc phát triển thương nghiệp kinh doanh buôn bán…
Theo từng lời của Thiển Thủy Thanh, một kế hoạch khổng lồ trong miệng hắn chậm rãi tuôn ra, khiến cho Sở Hâm Lâm nghe thấy phải kinh hồn khiếp vía.
o0o
- Sở dĩ Chỉ Thủy suy yếu thật ra nguồn gốc là vì phong trào thôn tính sát nhập đất đai thịnh hành. Nghề nông là căn bản của đất nước, không chỉ là trung tâm kinh tế của một quốc gia, đồng thời cũng là nguồn thu thuế chủ yếu của một quốc gia trong thời đại phong kiến. Nếu như phân phối đất đai không công bằng, làm cho một số lượng đất đai lớn tập trung vào tay một it địa chủ, lúc ấy đại đa số dân chúng làm nghề nông sẽ đều là tá điền.
-… Kết quả cuối cùng của việc thôn tính đất đai chính là thuế đất tăng cao, một tỷ lệ thuế đất khá lớn trong quá trình sản xuất canh tác sẽ rơi vào tay bọn địa chủ, tá điền chỉ còn được một ít đủ sống qua ngày. Thế nhưng đến khi gặp thiên tai, mùa màng bị thất thu, tá điền sẽ lập tức rơi vào hoàn cảnh khốn khổ, ngay cả lương thực để sống qua ngày cũng không có đủ, lại thêm sưu cao thuế nặng, kết quả sẽ đi đến chỗ quan lại ép dân làm phản.
-… Nhưng dù mọi người biết được hậu quả đáng sợ của việc thôn tính đất đai, nhưng vẫn không có cách nào khống chế hay tránh né nó.
-… Vì sao lại khó khống chế việc thôn tính đất đai? Nói ra thì vô cùng đơn giản, nguyên nhân kinh tế chính là mấu chốt căn bản của chuyện không thể khống chế việc thôn tính đất đai…
Trong phủ Tướng quân, Thiển Thủy Thanh vẫn đang chậm rãi nói, hiếm khi nào hắn có hứng thú đàm luận như vậy, lại đàm luận về vấn đề chính trị, chứ không phải sở trường của hắn là quân sự. Lúc này, Thiển Thủy Thanh đang nói về chính sách quan trọng nhất của một quốc gia phong kiến: chính sách thôn tính đất đai và phản thôn tính đất đai.
Thôn tính đất đai là một xu thế mà không có bất cứ Đế quốc phong kiến nào tránh khỏi.
Như đã nói ở trên, khi một quốc gia nông nghiệp phát triển đến một giai đoạn trưởng thành, đất đai vì vậy mà tập trung vào tay một số ít người giỏi kinh doanh. Bởi vì chỉ có như vậy mới có thể tạo ra hiệu quả và ích lợi với quy mô lớn, mới tăng cao hiệu suất của việc trồng trọt sản xuất. Đây là một xu thế không thể nào ngăn cản, được quyết định bởi quy luật kinh tế. Ban đầu, việc thôn tính đất đai sẽ làm tăng cao hiệu suất của việc trồng trọt sản xuất, thu nhập từ thuế nhờ vậy tăng cao, vô cùng có lợi cho thu nhập của quốc gia. Bởi vậy có rất nhiều vị Quốc chủ vì quá cần tiền bạc cho nên dù biết tình trạng này vẫn mắt nhắm mắt mở cho qua, rốt cục dần dần khiến cho việc thôn tính đất đai xoay vòng tuần hoàn nhiều lần, trở nên ngày càng nghiêm trọng. Một khi xuất hiện thiên tai, dân chúng sẽ lầm than, quốc gia cũng lập tức lâm vào tình cảnh vô cùng nguy khốn.
Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa, chính là những kẻ nhúng tay vào việc thôn tính đất đai này thông thường đều là những công thần có công khai quốc lập nghiệp, nắm quyền lực không nhỏ trong tay, cho nên dù Quốc chủ có biết cũng khó lòng mà xuống tay cho được. Nếu như ra tay cưỡng chế ngăn chặn, sẽ xúc phạm đến lợi ích của một số quyền thần trọng tướng.
Thôn tính đất đai chịu sự chi phối của nền kinh tế, phản thôn tính đất đai lại cần có nền chính trị ổn định và quân sự hùng mạnh. Nếu như so hai chính sách với nhau, vĩnh viễn chính trị và quân sự sẽ có ưu thế ngắn hạn, kinh tế lại chiếm ưu thế về lâu về dài. Vì vậy cho nên công tác phản thôn tính đất đai chính vì nguyên nhân trên đã trở thành một gánh nặng đường dài, cho tới bây giờ cũng không dễ gì giải quyết.
Chỉ Thủy lúc trước, Đế quốc Kinh Hồng hiện tại, đều tồn tại hiện tượng thôn tính đất đai này, đồng thời nó cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho một quốc gia chậm phát triển.
Chế độ phân phối đất đai của người Đế quốc Thiên Phong từ trước tới nay là vô cùng nghiêm khắc, chuyện này liên quan rất lớn với chuyện xây dựng Đế quốc từ lúc ban đầu. Năm xưa Thảo Nguyên Vương Thương Lê có tầm nhìn vô cùng sâu rộng, đã sớm ý thức được sự nguy hiểm của thôn tính đất đai, bởi vậy từng đặt ra luật pháp hết sức nghiêm khắc, cấm tuyệt chuyện thôn tính đất đai.
Bởi vì không có trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc mới chiếm được thiên hạ, cho nên Đế quốc Thiên Phong mới có thể duy trì được nền kinh tế tiền tệ ổn định ngay từ đầu, có thể dùng rất nhiều tiền bạc để phân phát cho các công thần, mà không cần dùng tới phương phức phân phát đất đai. Có được một sự khởi đầu tốt đẹp như vậy, lại thêm sự chấp hành thống nhất từ trên xuống dưới, đây đã trở thành một nguyên nhân căn bản khiến cho Đế quốc Thiên Phong hùng mạnh cả trăm năm.
Nhưng chế độ này cũng chỉ áp dụng trong lãnh thổ của Đế quốc Thiên Phong.
Đối mặt với vùng lãnh thổ mới vừa đánh chiếm được là Chỉ Thủy, nên tiếp tục thực hành chế độ canh nông tuần hoàn một cách nghiêm khắc, hay là đem một phần lớn đất đai thưởng cho các trọng thần trong nước, bên trong Đế quốc Thiên Phong có hai xu thế ủng hộ hai đường lối hoàn toàn trái ngược trên.
Xu thế thứ nhất kiên quyết bảo vệ quyền lợi cho dân chúng của Đế quốc Thiên Phong, tiến hành chế độ quản lý phân cấp. Nếu thực hiện theo cách này sẽ nhận được sự ủng hộ tối đa của dân chúng trong nước, có được một lực lượng võ trang nòng cốt duy trì.
Xu thế thứ hai ủng hộ việc đối xử ngang hàng, tiếp tục tiến hành theo chế độ hiện hành của Đế quốc Thiên Phong đối với cụm Mâu Hải, để bảo đảm tính chất ổn định lâu dài của nền kinh tế quốc gia.
Nam Sơn Nhạc là nhân vật đại diện cho giai cấp quyền lực lâu đời trong Đế quốc, lão cầm đầu một đám quan lớn của triều đình, ai nấy đều là đại địa chủ cấp cao. Thiển Thủy Thanh lại là nhân vật đại diện cho thế hệ trẻ của Đế quốc Thiên Phong, chú trọng về công thương nghiệp và công lao thành tích. Vì thế cho nên dù về công hay về tư, Thiển Thủy Thanh đều cực lực ủng hộ chính sách phản thôn tính đất đai.
Giờ phút này, sau khi trình bày cặn kẽ về hậu quả vô cùng nguy hại mà chính sách thôn tính đất đai đem lại cho Đế quốc, Thiển Thủy Thanh lại tiếp tục nói:
- Cho nên, nếu một quốc gia muốn hòa bình và ổn định lâu dài, nhất định phải kiên trì thực hiện chính sách cơ bản đất đai, đảm bảo cho mỗi nông dân đều có đất đai canh tác, kiên quyết ngăn chặn phong trào thôn tính đất đai phát triển. Hiện giờ sau khi Đế quốc ta đại thắng, bởi vì vừa chiếm được một lượng đất đai quá lớn, cho nên rất nhiều người liền nổi lòng tham. Chiếm đoạt đất đai của dân chúng vừa thua trận, không nghi ngờ gì sẽ dễ dàng hơn nhiều so với chiếm đoạt đất đai của dân chúng trong nước. Quan viên Đế quốc cũng sẽ quan tâm chiếu cố nhều hơn đối với dân chúng trong nước, rất nhiều chuyện nhất định sẽ mắt nhắm mắt mở cho qua. Nhưng bọn chúng không biết rằng làm như vậy chính là khơi nguồn cho chính sách thôn tính đất đai, căn cơ hùng mạnh của Đế quốc Thiên Phong từ trăm năm qua rất có thể vì lần thôn tính đất đai này mà dần dần suy sụp. Vì vậy cho nên tuyệt đối không thể cho phép chuyện như vậy xảy ra.
Sở Hâm Lâm nghe xong vô cùng bội phục, từ trước tới nay đây là lần đầu tiên ông ta nghe Thiển Thủy Thanh trình bày chính sách kinh tế quốc gia với một thái độ chuyên nghiệp như vậy, bèn chân thành nói:
- Tướng quân nói rất đúng, thôn tính đất đai là nguồn gốc làm cho một quốc gia suy yếu. Lần này ta trở về, nhất định sẽ dùng luật pháp nghiêm minh, không cho bất cứ kẻ nào chiếm đoạt trái phép!
Không ngờ Thiển Thủy Thanh lại lắc lắc đầu:
- Nếu dựa vào luật pháp mà ngăn cấm, rốt cục cũng không phải là cách. Bởi vì động cơ kinh tế làm cho chính sách thôn tính đất đai xảy ra, cho nên rốt cục vẫn phải dùng thủ đoạn kinh tế mà giải quyết.
- Thủ đoạn kinh tế?
Sở Hâm Lâm nghe vậy ngây người, Thiển Thủy Thanh lại gật đầu khẳng định:
- Đúng vậy, chính là phải dùng tới thủ đoạn kinh tế! Giá trị mà một mẫu ruộng tốt có thể sinh ra, vĩnh viễn không thể nào bằng giá trị mà một cửa hàng có thể sinh ra. Chính sách thôn tính đất đai xuất phát từ động cơ kinh tế mà phát triển, cuối cùng không bằng chuyển hướng phát triển sang thị trường buôn bán, nhờ đó, rất nhiều nguồn vốn nhàn rỗi của dân chúng sẽ rót vào, ngược lại có thể xúc tiến kinh tế phát triển, làm tăng sức buôn bán, gia tăng thu nhập cho quốc khố, từ đó mới dần dần giảm bớt áp lực do chuyện sử dụng đất đai vào mục đích kinh tế mang tới. Sở dĩ Đế quốc Thiên Phong có thể hùng mạnh trăm năm, khống chế được phần lớn đất đai, nguyên nhân lớn nhất là nó khác với các quốc gia nặng về nông nghiệp, thương nghiệp kém phát triển. Cho nên chuyện thực tế nhất là phải tiến thêm một bước mở ra không gian, duy chỉ có xúc tiến phát triển mạnh mẽ công thương nghiệp, mới có thể làm cho một quốc gia ngày càng trở nên hùng mạnh hơn.