Gió Bụi Trời Nam

Chương 7: Địa ngục


trước sau

Chết rốt cuộc có cảm giác ra sao? Là đau đớn, là nuối tiếc, là giải thoát, hay dửng dưng? Hay khi
chết rồi, sẽ không còn có cảm giác nữa?

Thúc Hiến cảm thấy thân thể mình trở nên nhẹ bẫng, nhưng lại cứ chìm
dần, chìm dần xuống dưới. Sau đó, gã lại cảm thấy như thể mình đang trôi bồng bềnh giữa những tầng mây, nhưng lại mát dịu như dòng nước. Phải
chăng gã đang trôi nổi trên sông Vong Xuyên dưới địa ngục, chuẩn bị đi
chuyển kiếp đầu thai?

Kiếp này đã hết, gã còn tiếc nuối gì không? Có một hình bóng, một nụ
cười, một ánh mắt nào gã muốn xin Mạnh Bà giữ lại, để mang theo vào Luân hồi, để kiếp sau có thể tìm lại hay không?

Gã mơ màng, vô thức mỉm cười khi nhìn thấy một gương mặt mờ ảo xuất hiện trong tâm trí. Kỳ lạ thật! Gã cứ nghĩ rằng, gương mặt người con gái mà
mình nhìn thấy cuối cùng trước khi trầm vào Luân hồi phải là Ngọc Vân
mới phải chứ. Vậy mà gã lại nhìn thấy nàng, thấy nụ cười đẹp như nắng
xuân, thấy đôi mắt sâu thẳm như làn nước thu của nàng. Chỉ tiếc rằng
duyên phận giữa nàng và gã quá ngắn ngủi, ngắn ngủi như kiếp sống này
vậy. Tất cả chỉ còn là ký ức, rồi sẽ tan biến theo chén canh Mạnh Bà,
chỉ lưu lại đôi vệt khắc nhạt nhòa trên đá Tam Sinh.

Dòng nước đột nhiên cuộn xoáy, hút gã vào một lỗ hẹp rồi đổ vào một vùng nước rất êm, rất lặng. Thân thể gã trôi thật chậm, rất lâu sau mới chạm vào vùng đá cứng. Đường xuống địa ngục dài thật! Gã thầm nhủ như thế.

Không khí ở đây vừa lạnh vừa ẩm. Thúc Hiến hít một hơi thanh khí, cảm
thấy trong người dễ chịu hơn rất nhiều. Dần dần, tri giác của gã hồi
phục lại, cơn đau xé lồng ngực cũng theo đó mà đến. Gã cố lê mình khỏi
mặt nước, ngồi dậy vận công chống đau, liền phát hiện chân khí tắc
nghẽn, cố gắng mãi nhưng đến huyệt Đản Trung ở giữa ngực thì không đi
tiếp được, ngực đau thắt lại muốn thở không nổi. Thúc Hiến dần cảm thấy
mơ hồ, tri giác lại lần nữa rời bỏ gã.

Trước mắt gã là một màn sương trắng mênh mông vô tận, không có điểm bắt
đầu, cũng chẳng có nơi kết thúc, không rõ đêm ngày, chẳng phân đông tây
nam bắc. Thúc Hiến hoàn toàn không nhìn thấy gì, không cảm thấy gì, chỉ
nghe có một âm thanh bình hòa từ một nơi nào đó rất xa, nhưng lại vang
lên trong tai rõ mồn một.

“Quán tự tại Bồ tát

Hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời

Chiếu kiến ngũ uẩn giai không

Độ nhất thiết khổ ách.”

Trong cơn mê, Thúc Hiến vô thức lẩm nhẩm đọc theo âm thanh nọ.

“Sắc bất dị không, không bất dị sắc

Sắc tức thị không, không tức thị sắc

Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị.”

Âm thanh kỳ bí ấy vẫn rót vào tai Thúc Hiến đều đều:

“Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.

Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức.

Vô nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý.

Vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

Vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới.

Vô vô minh diệc vô vô minh tận.

Nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.

Vô khổ, tập, diệt, đạo.

Vô trí diệc vô đắc.”

Thúc Hiến lẩm nhẩm đọc theo:

“…vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng…”

Cứ như thế, Thúc Hiến theo âm thanh vang lên trong tai mình, đọc đi đọc
lại trong không biết bao nhiêu lần. Đến lúc âm thanh ấy biến mất, trong
tiềm thức gã vẫn tiếp tục đọc không ngừng.

Rất lâu, rất lâu sau, Thúc Hiến bỗng giật mình tỉnh dậy, cảm thấy cơn
đau trong lồng ngực đã giảm đi rất nhiều. Gã thử vận khí, thấy thông
suốt hơn, nhưng đến huyệt Đại Trùy ở sau gáy lại bị tắc nghẽn, không thể vận khí lên được nữa, càng cố sức thì càng nghe đầu óc choáng váng. Thử vài lần mà không được, Thúc Hiến bỏ cuộc, lần dò kiểm tra xung quanh.

Nơi này giống như một thạch động ngầm nằm dưới nền đất của trang Thụy
Khuê, thông với hồ sen trang nội. Bởi vậy, khi Liễu Bá đánh Thúc Hiến
rơi xuống hồ, thân thể gã chịu dư lực quá mạnh mà bị đẩy xuống sâu hơn,
sau đó được dòng chảy ngầm dưới hồ đưa đến đây. Không có một chút ánh
sáng nào lọt được vào trong động, bốn phía đều là bóng tối mênh mông
không có điểm đầu, không có điểm cuối.

Thúc Hiến cứ theo cảm tính đi về phía trước, đến khi đụng phải vách động thì bắt đầu men theo đá mà dịch chuyển sang trái. Được khoảng mười bước thì có một khoảng trống, tựa như lối vào một thông đạo. Thúc Hiến chưa
vội bước vào mà tiếp tục dò dẫm trong bóng tối, sau khi quay trở lại mép nước, biết chắc trong động chỉ có một lối đi duy nhất kia, gã mới thận
trọng tiến vào trong.

Thông đạo rất hẹp, chỉ vừa đủ cho một người đi, Thúc Hiến phải cúi xuống mới không bị đụng đầu vào đá. Gã cho rằng thạch động này nằm trong lòng đất thì thông đạo nhất định phải hướng lên trên, nhưng có vẻ như thông
đạo này chỉ đi ngang mà thôi. Thúc Hiến ước chừng đi được khoảng bảy
chục bước thì trần thông đạo cao hơn, gã không phải cúi đầu nữa. Gã đi
thêm ba chục bước nữa thì đụng phải tường, không thể đi tiếp được nữa.
Gã dùng sức đập mạnh lên những khối đá xung quanh, thử xem có một cánh
cửa nào đó bị ẩn giấu hay không, nhưng chỉ cảm thấy đau tay mà vách đá
vẫn trơ trơ như cũ.

Mệt mỏi và chán nản, Thúc Hiến ngồi phịch xuống ôm gối. Có lẽ số phận đã định gã phải chết ở đây rồi chăng? Liệu có thể bơi ngược lối cũ để quay về hồ sen trong trang nội hay không? Thúc Hiến thầm nghĩ, lại thấy mi
mắt nặng trĩu. Với tình trạng hiện tại của gã, không ngờ đi một trăm
bước thôi cũng cảm thấy mệt mỏi đến như vậy. Gã gục đầu lên gối, nhắm
mắt thiu thiu ngủ.

“Thí chủ đã đến rồi đó chăng?”

Âm thanh bình hòa ấm áp đến với gã trong cơn mê lại vang lên bên tai.
Thúc Hiến bừng tỉnh, sờ soạng xung quanh nhưng hoàn toàn không có ai cả. Gã hơi vừa thấy sờ sợ, lại vừa nhen nhóm hy vọng, gấp giọng hỏi:

“Ông là ai vậy? Ông ở đâu?”

Giọng nói ấy lại chậm rãi rót vào tai gã:

“Bần tăng là thí chủ mà không phải thí chủ, lại chẳng phải là ai hết. Chẳng là ai thì làm gì có ở đâu.”

Thúc Hiến không thấy người đâu, mà tiếng nói vẫn vang lên ngay bên tai, bèn hỏi tiếp:

“Ông là người hay quỷ?”

Bên tai gã, tiếng nói ấy vẫn vang lên đều đều, không nhanh không chậm:

“Chẳng là ai cả, không có người, không có quỷ. Quỷ cũng là người. Người cũng là quỷ.”

Thúc Hiến ngớ người, như hiểu như không, lại chẳng biết hỏi gì tiếp,
không gian chìm vào tĩnh lặng vô biên. Gã cứ ngồi trầm tư trong bóng
tối, suy nghĩ về những câu trả lời của người bí ẩn kia. Trong dòng suy
nghĩ miên man, những lời nói kỳ lạ mà gã nghe được trong cơn mê lúc
trước lại xuất hiện. Thúc Hiến vô thức lẩm nhẩm đọc lại.

“Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời…”

Lúc này, giọng nói bí ẩn ấy lại chậm rãi rót vào trong tiềm thức của Thúc Hiến, vừa trầm ấm vừa ngân vang:

“Trí thế biện thông lành ít dữ nhiều, bởi lẽ gắn với phiền não khổ đau,
từ phiền não khổ đau mà sinh ra, cũng sinh ra phiền não khổ đau. Chỉ có
Bát nhã mới được tự tại, soi suốt các pháp, là Thật tướng Bát nhã, Quán
chiếu Bát nhã.”

“…Các pháp dẫu hiện ra trước mắt, tự thể vẫn chỉ là không. Do nhân duyên giả hợp, nên không có ngã thể. Các pháp vốn dĩ là không, nên trí cũng
phải là không, có như vậy mới không bị chướng ngại, soi suốt được các
pháp. Trí ấy là Bát nhã vậy…”

“…Ngũ uẩn hợp thành một chúng sinh. Sắc uẩn tạo chính là xác thịt con
người thuộc về sắc pháp… Thọ, tưởng, hành, thức thuộc tâm pháp. Sắc tâm
hòa hợp tạo nên con người…”

“…Lục căn trong sạch thì lục trần không bám…”

“…Bồ tát nhờ hành trì quán chiếu Bát nhã, soi suốt thấy ngũ uẩn đều
không, bởi thế không còn chướng ngại, giải tỏa mạn nghi, giải tỏa sợ
hãi, thành tựu vô úy. Tâm thanh tịnh để nhìn rõ sự thật, vọng niệm tan
biến, giải thoát khỏi mộng tưởng đảo điên của nhân sinh…”

Cứ như thế, người bí ẩn giảng hết bài kinh cho Thúc Hiến. Gã trầm vào
nhập định, bỏ ra ngoài nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý, không còn cảm nhận được sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp nữa. Tâm trí của gã hoàn toàn
tĩnh lặng, trong vô thức vận khí từ huyệt Nhân Trung nhập huyệt Thừa
Tương ở giữa cằm, qua huyệt Thiên Đột, xuống huyệt Đản Trung giữa ngực,
tới huyệt Khí Hải, dồn xuống huyệt Hội Âm rồi qua huyệt Trương Cường. Từ huyệt Trương Cường đẩy khí lên huyệt Mệnh Môn ở thắt lưng, đến Linh Đài rồi qua huyệt Đại Trùy ở sau gáy, chuyển lên Bách Hội trên đỉnh đầu rồi xuống Ấn Đường, trở về huyệt Nhân Trung, thông suốt dễ dàng.

Thật lâu sau, Thúc Hiến chậm rãi mở mắt ra, cảm thấy trong ngực không
còn đau như trước nữa. Gã thử vận khí theo vòng Tiểu chu thiên, thấy qua huyệt Đại Trùy thì lại tắc, không đi qua được. Thúc Hiến hơi thất vọng, ngồi nhớ lại tình trạng vừa trải qua. Lúc nhập định, gã bỏ ra ngoài lục căn, vận khí dễ dàng, nhưng bây giờ lại không làm được nữa.

Thúc Hiến thử làm lại, nhắm mắt bỏ ra ngoài mọi hình ảnh, tai không còn
phân biệt âm thanh, mũi không còn ngửi thấy mùi hương, lưỡi không còn
nếm thấy vị… Bỏ ra ngoài lục căn, thân thể gã chợt trở nên nhẹ bẫng,
chân khí đi qua huyệt Đản Trung thông suốt, thông được Nhâm mạch, không
khó khăn đi lên huyệt Mệnh Môn, qua huyệt Đại Trùy, trở về Nhân Trung,
thông Đốc mạch, nối liền vòng Tiểu chu thiên. Bấy giờ gã mới hiểu, phải
bỏ ngoài lục căn, tâm trí trống rỗng, toàn thân là không. Thân thể là
không thì không còn chướng ngại, chân khí mới lưu chuyển thông suốt.

Đột nhiên, ngay lúc này vách đá ở trên đầu gã mở ra một khoảng nhỏ, ánh
sáng bất ngờ tràn vào khiến Thúc Hiến chói mắt, phải đưa tay lên che.
Một vật gì tròn tròn, mềm mềm, ấm ấm lọt vào tay gã, sau đó vách đá lại
đóng lại như cũ, bao phủ gã trong bóng tối vô tận.

Thúc Hiến đưa vật trong tay lên mũi ngửi, nhận ra đây là một nắm cơm còn ấm, mùi thơm của cơm lúa mới gặt làm gã chảy nước miếng, tỳ vị sôi sục
cả lên. Bây giờ gã mới nhận ra là mình đói đến mức nào. Cũng không biết
từ lúc rơi xuống hồ đã trải qua bao lâu rồi. Thúc Hiến cầm nắm cơm ăn
ngấu nghiến, cảm thấy đúng là thứ cơm ngon nhất mà mình từng được ăn.

Mút hết những hạt cơm cuối cùng còn dính trên tay, đột nhiên gã tự đặt câu hỏi:

“Cơm này ai cho mình thế này?”

“Phải chăng Liễu Nguyên Thanh phát hiện ra mình còn sống ở dưới này nên
hạ độc vào cơm để giết mình? Rõ ràng nơi này vẫn còn ở trong phạm vi
trang nội của trang Thụy Khuê mà.”

Thúc Hiến chột dạ, có chút hối hận vì cơn háu ăn của mình. Song gã lại
nghĩ, giả như Liễu Nguyên Thanh biết mình ở đây, thì chỉ cần giam cho
mình chết đói là đủ rồi, mất công bày trò đầu độc làm gì cho mệt. Còn
nếu muốn điều tra xem mình có liên quan đến việc cướp ngục hay không,
chỉ cần thả một sợi dây xuống, kiểu gì mình chả leo lên, thành cá trong
rọ rồi còn gì. Rõ ràng, người ném cơm xuống không phải Liễu Nguyên Thanh hay người của y.

Nghĩ như vậy, Thúc Hiến cũng cảm thấy vững dạ hơn một chút. Gã mút mút
ngón tay, muốn tận dụng cho bằng hết những gì còn sót lại của nắm cơm ít ỏi, trầm tư suy nghĩ.

Biết Thúc Hiến ở dưới này, chỉ có mỗi người giảng kinh bí ẩn kia. Kể
cũng lạ, người thì chẳng thấy đâu, mà tiếng nói cứ vang bên tai rõ mồn
một. Không hiểu là thứ tà pháp hay bí thuật gì.

Liệu người đưa cơm cho Thúc Hiến có phải người giảng kinh cho gã hay không? Người đó rốt cuộc là ai?


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!