CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ:
"Ở đâu không có trí tưởng tượng và ước mơ, ở đó con người sẽ lụi tàn và cuộc sống không trọn vẹn"
- Khuyết danh
Có một cậu bé lớn lên trong trại mồ côi luôn mơ ước được bay như chim trên trời. Cậu quả tình không hiểu tại sao những con vật ở thảo cầm viên trông to lớn hơn mình nhiều mà lại bay được. “Tại sao mình không bay được nhỉ?”. Cậu tự hỏi. “Chẳng lẽ mình có gì đó bất thường chăng?”.
Sống gần trại trẻ mồ côi có một chú bé bị liệt đôi chân. Ước muốn duy nhất của chú chỉ là được đi và chạy nhảy như bao bạn bè đồng trang lứa. Trong đầu chú luôn nặng trĩu câu hỏi: “Sao mình không giống như các bạn ấy nhỉ?”.
Một hôm, cậu bé mồ côi đến công viên chơi và tình cờ gặp chú bé tật nguyền đang ngồi nghịch cát. Cậu lân la đến gần làm quen và hỏi xem chú bé kia có khi nào mong muốn được bay lượn như chim không.
- Không! - Chú bé bị liệt trả lời - Nhưng mình luôn muốn biết cảm giác đi và chạy giống như các bạn nó như thế nào.
- Có gì vui đâu! - Cậu bé muốn bay như chim đáp. - À, này, đằng ấy với mình kết bạn với nhau nhé, được không?
- Được chứ, mình cũng thích thế.
Thế rồi hai chú bé ngồi chơi với nhau hàng giờ liền, cùng xây những tòa lâu đài bằng cát và cùng đua nhau phát ra đủ loại âm thanh vui nhộn từ hai chiếc miệng xinh xắn. Chúng nhìn nhau, nét mặt rạng ngời niềm vui. Góc công viên chốc chốc lại rộ lên những tràng cười giòn tan. Cuộc vui dừng lại khi cha của chú bé bị liệt mang xe lăn đến đón con về. Cậu bé luôn ao ước bay được như chim chạy đến bên người cha và nhón chân lên thì thầm điều gì đó vào tai ông.
- Được đấy! - Người cha gật gù.
Xong, cậu bé chạy về phía người bạn mới của mình và bảo:
- Đằng ấy là người bạn duy nhất của mình. Ước gì mình có thể làm gì đó để giúp đằng ấy đi và chạy được như mình. Tuy nhiên, mình nghĩ điều này thì mình có thể làm được.
Dứt lời, cậu xoay người lại và bảo bạn trèo lên lưng mình. Và rồi cậu chạy trên bãi cỏ công viên. Những bước chân ban đầu còn ngắn ngủi, chuệnh choạng, về sau mỗi lúc một nhanh thoăn thoắt hơn lên. Trên lưng, người bạn tật nguyền ôm ghì lấy cổ cậu. Như được tiếp thêm sức mạnh, đôi chân cậu lướt chạy băng băng, cho tới lúc gió tạt mạnh vào mặt hai đứa trẻ.
Người cha đứng lặng nhìn theo cả hai, mắt rưng rưng. Đứa con không đi được của ông đang dang rộng đôi cánh tay, vung vẫy trong gió, và luôn miệng thét to:
- Con đang bay, bố ơi. Con đang bay!
NHỮNG CON ĐƯỜNG MỚI
"Bạn có thể có một khởi đầu tươi sáng bất kỳ lúc nào bạn muốn, bởi cái gọi là thất bại không có nghĩa là gục ngã mà là dừng chân một chỗ".
- Mary Picford
Lúc ấy là năm 1903. Bà Annie Johnson sinh sống tại Arkansascùng hai con trai và đang lâm vào tình cảnh bế tắc. Tiền bạc của bà gần như đã cạn, bản thân bà không có khả năng đặc biệt nào ngoài việc đọc và cộng những con số đơn giản. Thêm vào đó là cuộc hôn nhân không được mãn nguyện và gốc gác da đen vốn bị phân biệt của bà. Tất cả như đang dồn Annie vào ngõ cụt.
Khi bà ngỏ lời với chồng mình, ông William Johnson, rằng bà không hài lòng về cuộc hôn nhân giữa họ, ông thừa nhận nó cũng không như ông mong muốn và từ lâu ông cũng có ý định ra đi học đạo. Ông còn bảo Thượng Đế gọi ông đi truyền giáo tận vùng Enidthuộc bang Oklahoma. Tuy nhiên, ông đã không kể cho bà nghe việc ông có quen một mục sư tại đó, người ông sẽ theo học đạo và có một cô con gái dễ mến chưa lập gia đình. Thế là họ chia tay nhau một cách nhẹ nhàng. Annie giữ lại ngôi nhà chỉ có vỏn vẹn một căn phòng còn ông William mang theo gần hết tiền mặt đến Oklahoma.
Annie là một phụ nữ to cao và đầy nghị lực. Bà quyết định sẽ làm lại từ đầu và gửi bọn nhóc yêu quý của mình cho người khác trông nom. Bà nói:
- Tôi nhìn lại con đường tôi đang đi và quãng đường đã qua, vì không thấy hài lòng nên tôi đã quyết định bước khỏi con đường đó, rẽ sang một hương mới.
Biết mình không có khả năng được thuê làm việc tại nhà máy bông hay xưởng xẻ gỗ trong vùng, bà nghĩ cách tạo kế sinh nhai cho mình dựa vào hai nhà máy này.
Bà lên kế hoạch thật tỉ mỉ và chẳng để ai biết. Một ngày nọ, vào lúc trời sẩm tối, để xem mình đã thật sự sẵn sàng thực hiện kế hoạch chưa, bà đặt những hòn đá vào hai cái xô nặng cỡ 19 lít rồi xách chúng đi gần năm cây số đến nhà máy bông. Sau khi nghỉ ngoi một lát, bà bỏ bớt vài hòn đá rồi đi tiếp 8 cây số nữa trong bóng đêm trên con đường đầy bụi đất đến nhà máy cưa. Trên đường quay trở về tổ ấm nhỏ của mình cùng các con, bà đã bỏ dần những hòn đá còn lại dọc đường.
Đêm đó, bà luộc gà rồi chiên giăm bông. Sau đó bà nhào bột và làm bánh nướng cuốn nhân thịt. Đen gần sáng bà mới đi ngủ.
Sáng hôm sau, bà rời nhà mang theo bánh kẹp thịt, mỡ, một cái chảo sắt và than đá để nhóm lửa. Gần đến giờ ăn trưa, bà xuất hiện ở một khu đất trống sau nhà máy bông. Khi tiếng chuông báo nghỉ trưa vang lên, bà thả rau húng vào chảo mỡ đang sôi. Mùi thơm lan tỏa đến chỗ những công nhân vừa túa ra từ nhà máy, người dính đầy bụi bông trắng trông như những bóng ma.
Hầu hết các công nhân đều đã mang theo phần trưa của mình, nhưng hôm nay họ bị quyến rũ bởi mùi thơm từ những chiếc bánh nhân thịt nóng hổi mà bà Annie vừa vớt ra khỏi chảo. Bà gói chúng bằng giấy báo thấm mỡ và bán với giá 5 xu một cái. Dù bán chậm nhưng những ngày đầu tiên đó Annie rất quyết tâm. Bà phần chia đồng đều việc bán hàng ở cả hai nhà máy.
Thế là, nếu ngày thứ hai bà bán bánh nóng giòn ở nhà máy bông và bán những chiếc bánh đã nguội còn dư ở nhà máy cưa với giá ba xu, thì thứ ba bà sẽ đến nhà máy cưa trước để chào bánh mới ra lò khi những người thợ xẻ người đầy mạt cưa xuất hiện ở cổng nhà máy.
Trong những năm kế đó, vào những ngày xuân êm dịu, những trưa hè nóng bỏng, hay những ngày lạnh lẽo mưa dầm tuyết rơi, Annie không bao giờ làm thất vọng khách hàng của mình, những người tin chắc sẽ gặp hình ảnh một người phụ nữ cao lớn, da ngăm đen khom người bên chảo dầu, cẩn thận trở từng miếng bánh kẹp thịt. Khi cảm thấy chắc chắn những người công nhân kia đã là những khách hàng thân thiết, bà dựng một cái sạp giữa hai nhà máy cho họ đến dùng bữa.
Thật sự, bà đã bước ra khỏi con đường mà dường như đã được chọn sẵn cho bà để rồi tìm cho mình một lối đi hoàn toàn mới. Nhiều năm sau, gian hàng ấy đã trở thành cửa hàng nơi khách hàng có thể mua bất cứ thứ gì, từ pho mát, thức ăn, xirô, bánh bích quy, kẹo, đồ chua, đồ hộp, trái cây tươi, nước ngọt, đến than đá, dầu và cả đế da cho những đôi giày đã mòn.
Mỗi người chúng ta đều có quyền và trách nhiệm xem xét những con đường phía trước, cũng như những con đường ta đã đi qua. Nếu con đường tương lai không sáng sủa hay không hứa hẹn với ta điều gì và ta không thể quay đầu lại, chúng ta cần quyết tâm, và chỉ mang theo hành trang cần thiết, bước khỏi con đường đó rồi rẽ sang hướng khác. Nếu sự lựa chọn mới cũng không thể chấp nhận được, đừng bối rối, chúng ta hãy sẵn sàng thay đổi nó.
TÂM HỒN VÀ TÌNH YÊU CỦA THIÊN NGA:
"Cái giây phút mà bạn có được trong tim mình một cảm giác kỳ lạ mang tên Tình Yêu và cảm nhận được chiều sâu, sự lung linh, ngất ngây của nó thì chính lúc ấy bạn sẽ nhận ra rằng thế giới xung quanh bạn đã thay đổi".
- J. Krishnamurti -
Năm thứ hai đại học của tôi sắp sửa kết thúc. Vào một đêm nóng bức trong tuần cuối cùng của tháng năm, tôi nhận được điện thoại của mẹ ở ký túc xá cho biết tôi sẽ về nghỉ hè với ông bà để phụ giúp công việc đồng áng. Ý kiến này khiến mọi người trong nhà đều hài lòng. Riêng tôi không hoàn toàn bị thuyết phục lắm nhưng tự an ủi rằng dù gì cũng chỉ có một kỳ nghỉ mà thôi.
Sau khi thi xong môn cuối, tôi thu dọn đồ lên xe, chào tạm biệt bạn bè và hẹn sẽ gặp lại vào mùa thu. Các bạn tôi cũng vậy vì hầu hết bọn họ cũng sẽ về nhà.
Từ trường tôi về đến nông trại mất hết ba giờ lái xe. Ông bà tôi đều đã qua tuổi bảy mươi, và tôi biết họ rất cần người phụ giúp công việc của nông trại, ông không thể dọn cỏ khô một mình cũng như sửa chữa chuồng trại cùng hàng đống việc khác.
Chiều hôm ấy tôi đến nơi muộn. Bà đã nấu nhiều đồ ăn đến nỗi cả ba chúng tôi không thể nào ăn cho hết. Bà hết sức yêu thương và quan tâm tới đứa cháu của mình. Tôi đã nghĩ rằng sự niềm nở này sẽ nhanh chóng phai nhạt một khi tôi ở lâu cùng với bà. Nhưng không phải vậy. Ông muốn biết tất cả mọi điều về tôi. Đến giờ ngủ, tôi nghĩ rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Dầu gì, tôi cũng chỉ phải ở đây một mùa hè thôi.
Sáng hôm sau, tự ông chuẩn bị bữa sáng cho hai người. Ông bảo rằng bà bị mệt vì đã vất vả cả ngày hôm qua nên sẽ nằm nghỉ lâu một chút. Tôi tự nhủ sẽ không nhờ bà làm bất cứ điều gì cho mình trong thời gian lưu lại. Tôi đến đây để giúp đỡ chứ không phải làm gánh nặng cho ông bà.
Buổi sáng đó, ông khiến tôi rất ngạc nhiên. Khi chúng tôi rời khỏi nhà, ông dường như sinh động và linh hoạt hẳn lên. Nông trại này là lãnh địa của ông. Mặc dù đã lớn tuổi, ông vẫn giữ được dáng vẻ tự tin khi đi khắp nơi trong khu vực này. Ông không còn có dáng vẻ gì của con người đã thiếp đi trên ghế tối qua trước lúc bản tin sáu giờ chấm dứt. Khi chúng tôi băng qua cánh cổng để đến xem xét đàn gia súc, ông dường như biết rất rõ từng con bò. Mà có tới gần hai trăm con trong đàn chứ ít gì!
Chúng tôi không thật sự làm nhiều việc trong ngày đầu, nhưng tôi lấy làm cảm phục về tất cả những gì mà ông đã thực hiện trong suốt những năm tôi chưa sinh ra. Ông không được ăn học đầy đủ nhưng đã nuôi dạy bốn người con khôn lớn nên người nhờ vào nông trại này. Tôi thật sự ấn tượng sâu sắc về điều đó.
Nhiều tuần lễ trôi qua. Đến tháng sáu, chúng tôi đã gom xong cỏ khô, cột lại thành bó và cất vào nhà kho. Tôi cũng dần quen với chuyện cùng ông làm việc mỗi ngày. Những gì cần làm ông đều dự tính sẵn trong đầu và mỗi ngày chúng tôi chỉ việc thực hiện từng phần. Buổi chiều tối ở nhà, tôi thường đọc sách hay nói chuyện với bà. Bà không bao giờ chán những câu chuyện ở trường hay bất cứ chuyện gì có liên quan đến tôi. Bà còn kể cho tôi nghe về thời bà mới gặp ông, về tình yêu của ông dành cho bà, về ánh mắt thuở ban đầu mà bà còn nhớ mãi về ông...
Sáng chủ nhật tuần cuối cùng của tháng sáu, ông rủ tôi đi câu cá vì chúng tôi đã hoàn tất mọi việc. Hồ nước nằm trong một cánh đồng trũng gần khu rừng. Những năm trước ông đã thả cá xuống hồ. Hôm đó chúng tôi lái xe đến hồ, tiện thể coi qua đàn gia súc. Chúng tôi không thể ngờ đến những gì mình trông thấy sáng hôm đó: Một con trong cặp thiên nga mà ông tặng bà vào ngày lễ Kim Khánh đã chết. Con còn lại không chịu ăn mà cứ ngước nhìn về một hướng xa xăm.
- Sao mình không mua một con khác thế vào hở ông? - Tôi đề nghị với hi vọng có thể cứu vãn được tình thế.
Suy nghĩ một lát. Cuối cùng ông nói:
- Không... không dễ dàng vậy đâu con ạ! Con biết không, loài thiên nga cả đời chỉ có một bạn tình.
Ông đưa tay chỉ trong khi tay kia giữ cần câu - loài khác thì được, còn thiên nga thì không. Có thể mang đến cho nó một con khác nhưng chẳng thể mang lại một tâm hồn như nó vốn đã từng mong chờ, tìm được và thấu hiểu. Chúng ta chẳng thể làm được gì hơn cho con thiên nga còn lại. Nó phải tự xoay xở lấy mà thôi.
Suốt buổi sáng chúng tôi đã bắt đủ số cá cho bữa trưa. Trên đường về, ông dặn tôi đừng kể cho bà nghe về chuyện con thiên nga. Bà không còn đi về phía hồ nhiều nữa. Vì thế, cho bà biết việc đó cũng chẳng ích gì.
Vài ngày sau, ông và tôi có đi ngang hồ trong khi làm công việc kiểm tra đàn gia súc mỗi sáng. Chúng tôi trông thấy con thiên nga còn lại đang nằm đúng nơi bạn nó được tìm thấy trước đó. Và... Nó cũng đã chết...
Ông và tôi bắt đầu tháng bảy bằng công việc dựng một hàng rào mới. Đen ngày 12 tháng 7, bà tôi qua đời. Sáng hôm ấy tôi ngủ dậy muộn và ông cũng chẳng gõ cửa phòng gọi. Đen gần tám giờ sáng, tôi mới vội vã thay đồ và xuống bếp. Bác sĩ Morgan đang ngồi tại bàn trong nhà bếp. Ông ấy đã là hàng xóm của ông bà tôi từ lâu kể từ khi về hưu. Trước đây, ông có tới nhà tôi vài lần mỗi khi cần kíp. Ngay lập tức, tôi nhận ra có điều gì bất ổn. Sáng nay, bên cạnh chân bác sĩ là chiếc cặp đen cũ ký. Và, rõ ràng ông tôi đang run rẩy.
Bà tôi đã đột ngột qua đời bởi chứng đột qụy. Cha mẹ tôi đến ngay trong buổi chiều ấy. Người thân và bạn bè của ông bà cũng nhanh chóng tề tựu tại căn nhà cũ này.
Đám tang được tổ chức ngay ngày hôm sau vì ông nhất quyết muốn nó diễn ra càng sớm càng tốt. Vào ngày thứ hai sau đám tang, ông nói trong bữa sáng:
- Đây là một nông trại bận rộn. Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm. Những người còn lại hãy trở về với công việc của mình.
Hầu hết mọi người trong gia đình đều đã đi khỏi, nhưng đó là cách ông bảo mọi người là đã đến lúc phải về nhà. Cha mẹ tôi là người cuối cùng ra về sau bữa trưa.
Ông tôi không phải là người có thể dễ dàng bộc lộ nỗi đau của mình cho ai khác. Cho nên, tất cả chúng tôi đều lo lắng cho ông. Mọi người đã bàn tính khuyên ông từ bỏ việc đồng áng. Cha mẹ tôi cũng nghĩ rằng ông đã già quá rồi nên không thể nào sống một mình ở đấy. Tuy nhiên, ông không hề bận tâm đến chuyện đó. Tôi thật sự tự hào về cách mà ông tự khẳng định mình.
Những ngày hè còn lại dần trôi qua. Chúng tôi vẫn bận rộn với công việc. Tôi lờ mờ nhận thấy ông có điều gì đó khang khác nhưng không chắc lắm. Tôi bắt đầu nghi ngại liệu ông có thể sống tốt hơn được với một ai đó không, nhưng tôi biết ông không thể nào rời bỏ nông trại.
Tháng chín đang đến gần, nhưng tôi lại không muốn ra đi. Tôi cũng tính đến việc bỏ học kỳ mùa thu này để ở với ông thêm vài tháng cho ông bớt cô đơn. Khi tôi đề cập đến việc này, ông lập tức phản đối, bảo rằng chỗ của tôi là trường đại học chứ không phải chốn này.
Cuối cùng đã đến lúc tôi phải thu dọn đồ lên xe và rời khỏi đây. Tôi bắt tay và ôm ông chào tạm biệt. Khi lái xe đi, qua kính chiếu hậu tôi còn nhìn thấy ông vẫy tay chào rồi quay về hương đồng cỏ để bắt đầu công việc kiểm tra đàn gia súc mỗi sáng. Đó là hình ảnh về ông mà tôi hằng lưu giữ trong tâm trí.
Mẹ gọi điện đến trường cho tôi vào một buổi sáng dông bão để báo tin ông mất. Một người hàng xóm ghé ngang nhà uống cà-phê sáng hôm đó và tìm thấy ông trong bếp. Ông mất vì chứng đột quy giống như bà. Trong khoảnh khắc đó, tôi đã hiểu ra được những điều mà ông đã cố gắng giải thích cho tôi về con thiên nga vào buổi sáng chúng tôi đi câu bên hồ.
NGƯỜI CHẠY CUỐI CÙNG:
"Phần thưởng cao quý nhất cho công sức lao động của một người không phải là những gì người ấy nhận được, mà chính là qua đó anh ta đã tự cảm nhận được mình đã trưởng thành như thế nào."
- John Ruskin -
Cuộc đua marathon hàng năm ở thành phố tôi thường diễn ra vào mùa hè. Nhiệm vụ của tôi là ngồi trong xe cứu thương, theo sau các vận động viên, phòng khi có ai đó cần được săn sóc y tế. Người tài xế và tôi sẵn sàng trong xe, phía sau hàng trăm con người, chờ tiếng súng lệnh vang lên.
- Chúng ta sẽ theo sau người chạy cuối cùng nên anh hãy lái xe chầm chậm thôi - Tôi nói với người tài xế, Doug, khi xe bắt đầu lăn bánh về phía trước.
- Hy vọng người cuối cùng sẽ chạy nhanh - Anh pha trò.
Khi đoàn người tăng tốc, nhóm chạy đầu tiên dần vượt lên trước. Chính lúc đó hình ảnh một người phụ nữ mặc quần soóc màu xanh da trời và áo thun rộng thùng thình đập vào mắt tôi.
- Doug, nhìn kìa!
Chúng tôi biết mình đã nhận diện được “người cuối cùng”. Bàn chân chị ấy cứ chụm vào mà đầu gối lại cứ đưa ra. Đôi chân tật nguyền của chị tưởng chừng như không thể nào bước đi được, chứ đừng nói là chạy.
Doug và tôi lặng lẽ nhìn chị từ từ tiến lên - chẳng ai nói lời nào. Chúng tôi cứ nhích lên từng quãng một rồi dừng lại để chờ chị.
Nhìn chị chật vật đặt bàn chân này lên trước bàn chân kia mà tôi tự dưng thở giùm cho chị, rồi reo hò cổ động cho chị tiến lên. Tôi nửa muốn chị ngừng lại nửa cầu mong chị tiếp tục.
Cuối cùng, chị là người duy nhất còn trong tầm nhìn. Tôi ngồi ra cả mép ghế, theo dõi - với vẻ sờ sợ, phấn khích chen lẫn tôn kính - người phụ nữ vẫn kiên trì tiến tới, quả quyết vượt qua những dặm cuối cùng.
Vạch đích hiện ra, tiếng người la ó ầm ĩ hai bên đường. Kìa, một người đàn ông đứng thẳng và tự hào đang chờ. Anh ấy cầm một đầu sợi ruy-băng giấy kếp, đầu kia buộc vào cây cột. Chị chầm chậm tiến tới, băng qua, giật đứt hai đầu sợi dây cho nó bay phấp phới sau lưng tựa như đôi cánh.
Tôi không biết tên người phụ nữ đó, nhưng kể từ ngày hôm ấy chị đã trở thành một phần ký ức cuộc đời tôi - và tôi phụ thuộc nhiều vào phần đời này. Với chị, điều quan trọng không phải là đánh bại những người chạy khác hay giành lấy phần thưởng; mà là cố hoàn thành đoạn đường đua cho dù phải nỗ lực tới đâu. Mỗi lúc gặp phải tình huống quá khó khăn, quá tốn thời gian hoặc tưởng như “không thể làm được”, tôi lại nghĩ đến “người chạy cuối cùng”. Liền sau đó thì mọi việc trở nên thật dễ dàng đối với tôi.