ĐÔI MẮT BIẾT NÓI
"Những cơ hội lớn để ta giúp đỡ người khác hiếm khi xuất hiện, nhưng những cơ hội nhỏ để ta làm điều đó ở quanh ta mỗi ngày"
- Sally Koch -
Đó là một buổi tối lạnh lẽo, rét buốt ở miền bắc Virginia cách đây đã nhiều năm. Bộ râu của ông lão cứng ngắc trong cái lạnh của mùa đông khi ông đợi có ai đó giúp ông sang sông. Sự chờ đợi dường như vô tận. Cơ thể ông tê cóng và cứng đờ bởi những cơn gió bấc giá lạnh.
Bỗng ông nghe thấy tiếng ngựa phi nhịp nhàng đang đến gần men theo con đường đầy sương gió. Ông lo lắng nhìn khi một nhóm chàng trai phi ngựa rẽ qua khúc quanh, ông đã để cho người đầu tiên chạy qua mà chẳng hề gọi. Sau đấy, một người khác đi qua, rồi một người nữa. Lúc này, tuyết đã rơi, trông ông lão giống như một bức tượng bằng tuyết, ông đã thấy người kỵ sĩ cuối cùng. Khi người này đến gần, ông già ra dấu với người kỵ sĩ rồi nói:
- Chào cậu, cậu có phiền đưa già này sang bên kia sông được không? Chẳng có lối nào để đi bộ được cả.
Người kỵ sĩ ngồi trên ngựa đáp:
- Được chứ, thưa bác. Bác nhảy lên đây nào.
Thấy ông lão không thể nhấc nổi cơ thể đã gần như đông cứng khỏi mặt đất, chàng trai nhảy xuống và giúp ông leo lên ngựa. Chàng kỵ sĩ không chỉ đưa ông già sang sông mà còn mang ông đến nơi ông định đến cách đó vài dặm nữa.
Khi đến gần một mái nhà tranh nhỏ xíu ấm cúng, chàng kỵ sĩ tò mò hỏi:
- Thưa bác, cháu thấy bác đã để nhiều người cưõi ngựa khác chạy qua mà không nhờ lấy một ai để giúp qua sông. Khi cháu đến thì bác nhờ cháu ngay lập tức. Cháu thắc mắc không hiểu tại sao, vào một buổi tối mùa đông lạnh giá như thế này, bác lại đợi và nhờ người cuối cùng. Nếu cháu từ chối không giúp bác thì sao?
Ông lão từ từ leo xuống ngựa, nhìn thẳng vào mắt chàng trai, đáp:
- Bác đã ngồi đấy một lúc rồi. Bác nghĩ mình biết cách nhìn người. Khi bác nhìn vào mắt những chàng trai kia bác nhận ra ngay là họ chẳng quan tâm gì đến tình cảnh của bác cả. Nhờ họ giúp cũng không ích gì. Nhưng khi nhìn vào mắt cháu, lòng tốt và sự thương người hiện lên rất rõ. Bác biết rằng thái độ dịu dàng của cháu sẽ mở ra cho bác cơ hội được giúp đỡ lúc bác cần.
Những lời ấm lòng đó của ông lão làm người kỵ sĩ hết sức cảm động.
- Cháu hết sức cám ơn những gì bác vừa nói. - Anh nói với ông lão - Có lẽ sẽ chẳng bao giờ cháu quá bận rộn với chuyện riêng của mình mà không đáp lại những gì người khác cần bằng lòng nhiệt thành cả.
"Hạnh phúc là nước hoa-bạn không thể vẩy lên người khác mà không làm vương vài giọt lên chính mình"
- George Bernard Shaw -
TẤM LÒNG CÔ GIÁO
"Có những điểm cao trào quan trọng trong cuộc sống chúng ta, và hầu hết chúng đều đến từ sự khuyến khích của ai đó"
- George Adams -
Chúng tôi đang trong giờ học của cô Virginia Deview, khúc khích cười, thọc mạnh vào nhau và bàn tán về những “tin tức” mới nhất trong ngày, như thuốc chải mí mắt màu tím đặc biệt mà Cindy đang dùng. Cô Deview hắng giọng và yêu cầu chúng tôi trật tự.
- Bây giờ, - cô vừa nói vừa mỉm cười, - các em hãy suy nghĩ về nghề nghiệp trong tương lai của mình.
Cả lớp dường như đồng loạt há hốc miệng vì ngạc nhiên. Nghề nghiệp của chúng tôi ư? Chúng tôi liếc nhìn nhau. Chúng tôi chỉ mới 13, 14 tuổi. Cô giáo này thật là lẩn thẩn!
Đó là điều mà khá nhiều đứa trong bọn chúng tôi nhận xét về cô Deview, người có mái tóc luôn búi lên và hàm răng trên nhô ra. Be ngoài như thế khiến cô luôn là mục tiêu dễ dàng cho những tiếng cười khúc khích và những câu đùa ác nghiệt của lũ học trò.
Cô cũng hay làm cho các học sinh bực bội vì những yêu cầu khắt khe của mình. Hầu hết chúng tôi đều xem nhẹ năng lực của cô.
- Phải. Tất cả các em phải suy nghĩ về nghề nghiệp trong tương lai của mình. - Cô hăng hái nói như thể đây là điều tuyệt nhất mà cô làm được cho học sinh của mình. - Các em sẽ phải làm một đề tài nghiên cứu về nghề nghiệp trong tương lai của mình. Mỗi em sẽ phải phỏng vấn một ai đó làm trong lĩnh vực mà mình chọn, rồi thuyết trình trước lớp.
Hôm đó, tất cả chúng tôi đều tan học với sự lúng túng. Có ai mà biết mình muốn làm gì khi mới 13 tuổi chứ? Tuy nhiên, tôi đã thu hẹp những lựa chọn của mình lại. Tôi thích nghệ thuật, ca hát và viết văn. Nhưng về nghệ thuật thì tôi rất tệ, còn khi tôi hát các chị tôi hay hét lên: “Này, làm ơn ngậm miệng lại dùm đi”. Lựa chọn duy nhất còn lại là viết văn.
Và trong những giờ lên lớp kế tiếp của mình, cô Deview đều kiểm tra chúng tôi: “Chúng tôi đã đi đâu?”, “Các bạn nào đã chọn được nghề nghiệp cho mình?”. Cuối cùng, hầu hết chúng tôi đều đã chọn được một nghề nào đó; tôi đã chọn nghề làm báo. Điều đó có nghĩa là tôi phải đi phỏng vấn một phóng viên báo chí bằng xương bằng thịt. Điều này làm tôi rất lo.
Tôi ngồi xuống trước mặt người phóng viên mà tôi gặp gần như không thể nói nổi lời nào. Ông ấy nhìn tôi rồi hỏi:
- Cháu có mang theo cây viết nào không?
Tôi lắc đầu.
- Còn giấy viết thì sao?
Tôi lại lắc đầu.
Cuối cùng, chắc ông ấy nhận ra là tôi đang sợ hãi và đã cho tôi một lời khuyên hữu ích đầu tiên để có thể trở thành một nhà báo.
- Bác chưa bao giờ đi đến bất kỳ nơi nào mà không mang theo bút và giấy viết cả, bởi vì ta chẳng bao giờ biết mình đang rơi vào chỗ nào.
Trong 90 phút tiếp đó, người phóng viên đứng tuổi đã kể cho tôi nghe toàn những câu chuyện về các vụ cưóp, những trường hợp ăn chơi sa đọa và những vụ hỏa hoạn, ông kể về một đám cháy bi thảm đã cưóp đi sinh mạng của bốn người trong gia đình nọ mà ông không thể nào quên, ông bảo rằng ông vẫn có thể ngửi thấy mùi thịt của họ đang cháy...
Vài ngày sau, tôi đã trình bày bài thuyết trình về nghề nghiệp của mình trước lớp hoàn toàn bằng trí nhớ một cách say sưa như bị thôi miên. Tôi nhận được điểm A cho toàn bộ công trình của mình.
Khi năm học sắp kết thúc, một vài học sinh quá bất mãn đã quyết định trả thù cô Virginia Deview vì công việc khó khăn mà cô đã bắt chúng tôi làm. Khi cô đi đến một góc hành lang nọ, chúng đã cố hết sức ấn mạnh một cái bánh vào mặt cô. Cô chỉ bị xây xát nhẹ bên ngoài, nhưng trong lòng cô đã bị tổn thương rất nặng. Nhiều ngày sau đó, cô đã không đến trường. Khi tôi nghe được chuyện ấy, ruột tôi như bị ai cắt. Tôi cảm thấy xấu hổ cho chính mình và những đứa bạn của tôi, những người không biết làm điều gì tốt hơn là lên án một người phụ nữ vì vẻ bề ngoài của cô ấy, thay vì thán phục những phương pháp giảng dạy thú vị của cô.
Nhiều năm sau, tôi đã quên tất cả mọi chuyện về cô Deview cũng như những nghề nghiệp chúng tôi đã lựa chọn. Tôi vào đại học và tìm kiếm một nghề nghiệp mới. Cha muốn tôi đi theo lĩnh vực kinh doanh và dường như đó là một lời khuyên đúng đắn vào lúc bấy giờ, nhưng oái oăm thay tôi chẳng có lấy một ký năng kinh doanh nào. Thế rồi tôi chợt nhớ đến cô Virginia Deview cùng ước muốn làm phóng viên hồi 13 tuổi. Tôi gọi điện cho ba mẹ.
- Con sẽ đổi nghề - Tôi thông báo.
Một sự im lặng nặng nề ở đầu dây điện thoại bên kia.
- Đổi sang nghề gì? - Cuối cùng cha tôi cất tiếng.
- Nghề làm báo ạ!
Tôi có thể đọc thấy sự không vui qua giọng nói của ba mẹ, nhưng họ không ngăn cản tôi. Họ chỉ nhắc nhở tôi rằng đây là một lĩnh vực đầy cạnh tranh và tôi đã muốn tránh nó như thế nào.
Họ nói đúng. Tuy nhiên nghề phóng viên báo chí đã đem lại cho tôi điều gì đó; nó nằm trong máu thịt của tôi. Nó đem đến cho tôi sự tự do để đến được với tất cả những người xa lạ và hỏi họ về những điều đã xảy ra. Nó luyện cho tôi cách đặt câu hỏi và tìm được câu trả lời trong cả nghề nghiệp lẫn cuộc sống riêng tư của mình. Nó mang đến cho tôi sự tự tin.
Trong 12 năm qua, nghề phóng viên đem lại cho tôi Sự hài lòng và rất nhiều điều ngạc nhiên thú vị. Tôi viết mọi chuyện từ những kẻ giết người đến những vụ rơi máy bay và sau cùng là viết theo sở trường của mình. Tôi thích viết về những giây phút bi thảm và mong manh trong cuộc sống con người, bởi lẽ tôi cảm thấy điều đó giúp họ trong một phương diện nào đó.
Một ngày nọ, khi tôi nhắc điện thoại lên, một cơn sóng ký niệm chợt ùa về trong tôi. Tôi nhận ra rằng nếu không có sự ủng hộ của cô Virginia De view, tôi sẽ không có được vị trí hiện nay của mình.
Có lẽ cô sẽ chẳng bao giờ biết được nếu không có sự giúp đỡ của cô, tôi đã không trở thành một phóng viên và một nhà văn. Có thể tôi đang ngụp lặn trong thế giới kinh doanh ở một nơi nào đó, với những rủi ro to lớn bao vây lấy tôi mỗi ngày. Tôi tự hỏi giờ đây có bao nhiêu học sinh khác đã từng là học trò của cô nhận thức được tầm quan trọng của bài tập nghiên cứu về nghề nghiệp đó.
Người ta luôn hỏi rằng:
- Anh đã chọn nghề báo như thế nào?
- À, anh có biết không, có một cô giáo...
Tôi luôn bắt đầu như thế và thầm cám ơn cô Deview.
Tôi mong rằng những học trò của cô khi ngẫm nghĩ về những ngày còn đi học của mình, sẽ còn giữ lại trong tâm trí hình ảnh của một người giáo viên độc thân - cô Virginia Deview - rất riêng, rất khác biệt của họ. Có lẽ họ sẽ cám ơn cô ấy trước khi quá trễ.
ĐÊM CUỐI CÙNG
"Hãy dành thời gian cho mọi người quanh mình - cho dù đó là một việc nhỏ nhoi. Hãy làm điều mà bạn chẳng được hưởng lợi lộc gì ngoài đặc quyền làm điều đó"
- Albert Schweitzer -
Cụ ơi, con trai cụ đến rồi đây. - Cô y tá khẽ gọi cụ già.
Phải gọi đến mấy lần ông lão mới khó nhọc mở mắt ra. Đêm qua, ông được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê do trụy tim và sau khi cấp cứu, ông cũng chỉ tỉnh lại phần nào. Ông loáng thoáng nhìn thấy bóng dáng một thanh niên trong bộ quân phục lính thủy đang đứng cạnh giường mình.
Ông lão đưa tay ra cầm lấy tay chàng trai. Những ngón tay rắn rỏi của anh lính siết nhẹ bàn tay mềm rũ không còn chút sinh khí ấy. Cô y tá mang đến một chiếc ghế để người lính ngồi với cha mình.
Suốt đêm, anh lẳng lặng ngồi trong căn phòng ánh sáng tù mù, nắm tay ông lão và nói với ông những lời động viên, ông lão hấp hối nằm yên, không nói gì, nhưng tay ông vẫn không rời bàn tay chàng trai. Mặc những tiếng rì rì của bình ôxy, tiếng rên rỉ của các bệnh nhân khác và tiếng bước chân của các y tá trực đêm ra vào phòng, anh lính vẫn ngồi ngay ngắn bên ông lão.
Cô y tá, thỉnh thoảng ghé vào thăm nom các bệnh nhân, luôn bắt gặp anh lính trẻ thì thầm những lời an ủi vào tai ông. Nhiều lần, cô chủ ý nhắc anh chợp mắt một lát, nhưng anh đều từ chối.
Gần sáng, ông lão trút hơi thở cuối cùng. Người lính cẩn thận đặt bàn tay lạnh lẽo của ông lên giường và bước ra ngoài tìm cô y tá. Anh ngồi đợi trong lúc cô chuyển thi hài ông lão xuống nhà xác và làm những thủ tục cần thiết. Khi quay lại, cô y tá ngỏ lời chia buồn với anh, nhưng khi cô chưa dứt lời, anh đã ngắt ngang hỏi:
- Ông cụ này là ai vậy?
Cô y tá giật mình.
- Ông cụ là cha anh mà!
- Không phải đâu. Ông cụ ấy đâu phải là cha tôi. Tôi chưa gặp ông bao giờ cả.
- Vậy sao anh không nói khi tôi đưa anh đến gặp ông?
- Tôi biết là có sự nhầm lẫn từ người cấp phép cho tôi về nhà. Tôi nghĩ có lẽ con trai ông cụ và tôi trùng tên, trùng quê quán và có số quân giống nhau, do đó người ta mới nhầm như vậy. - Người lính giải thích. - Ông cụ rất muốn gặp con trai mình mà anh ấy lại không có mặt ở đây. Khi đến bên ông cụ tôi nhận ra là cụ đã yếu đến mức không còn phân biệt được tôi với con trai cụ nữa. Biết là ông rất cần có ai đó bên cạnh, nên tôi đã quyết định ở lại.
QUÀ SINH NHẬT
"Tôi ước ao có một ngày bốn đứa con của tôi sẽ được sống trên một đất nước không có ai bị phán xét bởi màu da của mình mà bởi chính tâm hồn của người ấy"
- Martin Luther King Jr -
[Chú thích: Câu chuyện này được viết vào năm 1969 khi mà nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ chưa được cải thiện]
Sau khi con trai tôi học lớp một được một tuần, thằng bé về nhà báo tin rằng Roger, học sinh người Mỹ gốc Phi duy nhất trong lớp, là bạn ngoài sân chơi của nó. Tôi nuốt nước bọt rồi nói:
- Hay nhỉ! Thế con sẽ chơi chung với nó bao lâu nữa thì có đứa khác thay con chơi với nó?
- Ô, con sẽ chơi với bạn ấy mãi mãi mẹ ạ!- Mike trả lời tôi.
Rồi một tuần sau, tôi lại nghe tin Mike rủ Roger ngồi chung bàn học với mình.
Nếu như bạn không sinh ra và lớn lên ở tận miền nam nước Mỹ xa xôi này, như tôi đây, thì bạn sẽ không thể nào hiểu được những tin này khủng khiếp như thế nào. Tôi lập tức hẹn gặp giáo viên dạy lớp con tôi.
Cô giáo đón tôi với đôi mắt mệt mỏi và đầy hoài nghi. Cô nói:
- Thưa bà, tôi cho là bà cũng muốn con trai mình được ngồi chung với một học sinh khác, phải không ạ? Bà vui lòng chờ cho một lát. Tôi cũng có một cuộc hẹn với một phụ huynh khác và bà ấy đang đến kìa.
Vừa lúc ấy, tôi trông thấy một phụ nữ trạc tuổi tôi bước tới. Tim tôi tự nhiên đập mạnh bởi tôi đoán chắc bà ấy là mẹ của Roger. Nơi bà toát lên vẻ trầm lặng và hết sức đĩnh đạc của một người phụ nữ có phẩm cách, nhưng những điều đó cũng không giúp bà ta giấu được nỗi lo lắng thể hiện qua giọng nói:
- Cháu Roger thế nào rồi, thưa cô? Tôi mong rằng con tôi vẫn quan hệ tốt với những đứa trẻ khác. Nếu không như thế, cô cho tôi biết nhé!
Bà ngập ngừng khi tự nêu câu hỏi:
- Cháu có làm điều gì khiến cô phải phiền lòng không? Ý tôi nói là việc cháu phải thay đổi chỗ ngồi quá nhiều lần!
Tôi cảm nhận được sự căng thẳng tột độ trong lòng mẹ của Roger, vì chắc bà đã biết rõ câu trả lời. Nhưng tôi thấy tự hào cho cô giáo lớp một này khi nghe cô dịu dàng đáp:
- Không có đâu, thưa bà! Cháu Roger không làm gì để tôi phải phiền lòng cả. Chẳng qua trong những tuần đầu tiên, tôi cố gắng chuyển đổi chỗ ngồi để cuối cùng em nào cũng tìm được người bạn hợp với mình thôi.
Bấy giờ tôi mới giới thiệu mình và nói rằng con trai tôi là bạn cùng bàn mới của Roger và tôi hy vọng hai đứa nó sẽ thương mến nhau. Ngay lúc nói ra tôi đã biết những lời của mình hoàn toàn sáo rỗng, chứ tận đáy lòng, tôi thực sự không muốn điều này. Nhưng rõ ràng là câu nói ấy đã làm yên lòng mẹ của Roger.
Đã hai lần thằng bé Roger mời Mike đến nhà mình chơi, nhưng lần nào tôi cũng viện lý do để không cho con tôi đi. Và rồi có một việc xảy ra khiến cho lòng tôi cứ day dứt mãi không thôi khi nghĩ lại cách cư xử của mình.
Vào ngày sinh nhật của tôi, Mike đi học về cầm trên tay một tờ giấy lấm lem được gấp lại vuông vức. Tôi mở ra và nhìn thấy ba bông hoa và dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật Cô!” được viết nắn nót bằng bút chì ở mặt trong tờ giấy và một đồng cắc năm xu.
- Roger gửi tặng mẹ đó! - Mike nói - Đó là tiền mua sữa của bạn ấy. Khi con nói hôm nay là sinh nhật của mẹ, bạn ấy nhờ con mang về tặng mẹ. Bạn Roger nói rằng mẹ cũng là mẹ của bạn ấy, vì mẹ là người mẹ duy nhất đã không yêu cầu bạn ấy phải đổi sang bàn khác.
BÀN TAY CÔ GIÁO
"Bạn không bao giờ biết được niềm hạnh phúc mà một hành động tứ tế đơn giản mang đến sẽ như thế nào đâu"
- Bree Abel -
Trong ngày lễ Tạ ơn, một cô giáo dạy lớp một nọ đã bảo những học sinh của mình vẽ một bức tranh về điều gì đó mà các em biết ơn. Cô muốn biết xem những đứa trẻ từ các vùng phụ cận nghèo nàn này thật sự mang ơn ra sao. Tuy nhiên cô nghĩ rằng hầu hết các học sinh của cô sẽ vẽ những bức tranh về gà tây hay những chiếc bàn đầy thức ăn. Nhưng cô đã sửng sốt với bức tranh của bé Douglas, bức tranh một bàn tay được vẽ bằng nét trẻ thơ rất đơn giản.
Nhưng bàn tay đó là của ai? Cả lớp đều bị cuốn hút với hình ảnh trừu tượng đó.
- Em nghĩ đó chắc là bàn tay của Chúa mang thức ăn đến cho chúng ta - Một em nói.
- Của một người nông dân, - một em khác lên tiếng, - bởi vì ông ta nuôi gà tây.
Cuối cùng khi những em khác đang làm bài, cô giáo đến bên bàn Douglas và hỏi cậu bé bàn tay đó là của ai.
- Đó là bàn tay cô, thưa cô. - Em thầm thì.
Cô nhớ lại rằng vào giờ giải lao, cô thường hay dắt tayDouglas, một đứa bé cô độc ít nói. Cô cũng thường làm thế với những bạn khác nhưng với Douglas điều đó có ý nghĩa rất lớn. Có lẽ đây là lễ Tạ ơn dành cho mọi người, không phải cho những vật chất mà chúng ta nhận được, mà là cho những điều, dù rất nhỏ nhoi khi ta trao tặng cho người khác.
"Tất cả mọi người trên trái đất này đều được sinh ra với một thảm kịch-đó là chúng ta cần phải lớn lên. Rất nhiều người không có dũng khí làm điều đó"
- Helen Hayes -
ƯỚC MƠ BÉ BỎNG
"Khát vọng sâu thẳm nhất trong bản chất của con người là lòng khao khát được đánh giá và công nhận đúng đắn"
- William James -
Vừa bước ra khỏi lớp và rẽ vào dãy hành lang chính, Amy Hagadorn đã va phải một học sinh lớp năm cao lớn đang chạy đến từ hưóng ngược lại.
- Coi chừng mày đó oắt con.
Cậu ta nạt nộ cô học sinh lớp ba này, rồi lách vòng qua người cô bé. Ke đó cậu ta nhe răng cười khoái trá khi lấy tay ôm chân phải của mình rồi bắt chước bước đi cà nhắc của Amy. Amy nhắm mắt lại một lúc: “Không thèm chấp”, em tự nhủ rồi đi về lớp học. Ây vậy mà cho đến cuối ngày hôm đó, tâm trí Amy vẫn không quên cử chỉ chế nhạo của cậu học sinh lúc sáng. Và cậu ta cũng không phải là người duy nhất làm thế với em. Ngay từ đầu năm học đến giờ, ngày nào cũng có bạn chọc ghẹo Amy, lúc thì nhại giọng nói của Amy, lúc thì bắt chước dáng đi khó nhọc của em. Lớp của em đông vui lắm nhưng những lời chọc ghẹo đó khiến Amy cảm thấy lạc lõng vô cùng.
Bữa cơm tối hôm đó, Amy lặng lẽ ăn mà không nói một lời nào. Biết con mình đã gặp chuyện không vui ở trường, bà Patty Hagadorn tằng hắng rồi lên giọng vui đùa thông báo một tin sốt dẻo.
- Đài phát thanh địa phương năm nay có mở một cuộc thi viết về điều ước Giáng Sinh. Các bạn hãy mau mau viết thư gỏi cho ông già Noel và biết đâu bạn sẽ là người thắng cuộc. Mẹ nghĩ rằng cô bé có mái tóc xoăn màu vàng hung đang ngồi ở bàn nên tham gia ngay thôi!
Amy khúc khích cười và không đợi mẹ giục lần thứ hai, em lấy giấy bút ra. Em đặt bút viết dòng chữ đầu tiên: “Thưa ông già Noel”.
Trong khi em nắn nót viết, mọi người trong nhà cố đoán xem Amy đang cầu xin ông già Noel điều gì. Chị gái Jamie và mẹ em đều nghĩ rằng con búp bê Barbie thật lớn sẽ là ưu tiên số một trong danh sách lời ước của em. Còn bố của Amy thì đoán đó là một quyển truyện tranh. Tuy nhiên, Amy không hề hé cho ai biết lời ước của mình.
Tại đài phát thanh của thị trấn Fort Wayne, bang Indiana, những lá thư của các em nhỏ ào ạt gửi đến dự thi. Các nhân viên đã liệt kê được rất nhiều món quà khác nhau mà các bé trai bé gái ở khắp nơi trong thành phố ước ao nhận được trong ngày Giáng Sinh. Khi đến lá thư của Amy, giám đốc Lee Tobin đã đọc đi đọc lại nó rất cẩn thận:
“Thưa ông già Noel!
Con tên là Amy, năm nay con chín tuổi. Con có một chuyện rắc rối ở trường học, không biết ông có thể giúp con được không? Các bạn cười nhạo con vì dáng con đi, cách con chạy và giọng con nói. Con bị bệnh bại não. Con chỉ xin ông cho con có được một ngày không bị ai đó cười nhạo và chế giễu con.
Thân ái,
Amy”
Trái tim Lee Tobin đau nhói khi ông đọc lá thư ấy. Ông biết bại não là căn bệnh làm rối loạn cơ bắp mà có lẽ đã khiến các bạn học cùng trường với Amy có những suy nghĩ không hay. Ông nghĩ rằng tốt hơn nên để người dân ở Fort Wayne được biết về cô bé đặc biệt này cùng lời ước khác thường của em. Nghĩ vậy ông Tobin gọi điện thoại đến tòa soạn của tờ nhật báo trong vùng.
Ngày hôm sau, hình ảnh của Amy và lá thư em gửi cho ông già Noel xuất hiện ngay trên trang nhất tờ News Sentinel. Câu chuyện về em được lan truyền nhanh chóng. Khắp nước Mỹ, báo chí, đài phát thanh và đài truyền hình đồng loạt đưa tin về câu chuyện của bé gái ở Fort Wayne, Indiana, người chỉ xin một món quà Giáng Sinh giản dị mà rất ấn tượng: một ngày không bị ai chế giễu.
Thật bất ngờ, những ngày sau đó gia đình Hagadorn đã liên tục nhận được rất nhiều thư của trẻ em cũng như người lớn từ khắp nơi trong nước gửi đến cho Amy, rất nhiều thiệp chúc mừng Giáng Sinh và những lời động viên. Trong suốt mùa Giáng Sinh bận rộn đó, những cánh thư ấm tình bạn bè và chia sẻ của hơn hai ngàn người trên khắp thế giới đã gỏi đến cho Amy. Trong số đó, có người bị khuyết tật, có người cũng từng bị chế giễu khi còn bé, nhưng mỗi người đều dành cho Amy một thông điệp đặc biệt. Qua những lá thư và cánh thiệp từ những người không quen không biết ấy, Amy thoáng thấy một thế giới đầy ắp những con người thực sự quan tâm đến nhau. Và em nhận ra rằng không còn một hình thức nhạo báng nào và không một gánh nặng chế giễu nào có thể làm cho em cảm thấy cô độc nữa.
Nhiều người cám ơn Amy vì đã can đảm lên tiếng. Những người khác khuyến khích em đừng để tâm đến sự giễu cợt và hãy ngẩng cao đầu. Lynn, một học sinh lớp 6 ở Texas đã viết cho Amy:
“Mình muốn kết bạn với đằng ấy. Mình nghĩ nếu bạn đến thăm mình thì chúng ta sẽ rất vui đấy! Sẽ không ai nhạo báng bọn mình, vì nếu họ làm thế, chúng ta chẳng thèm nghe. “
Amy đã đạt được điều ước của mình - một ngày không bị ai chế giễu ở trường tiểu học South Wayne. Các giáo viên và học sinh trong trường còn đi xa hơn nữa, bằng cách cùng thảo luận với nhau về hành vi chế nhạo sẽ làm cho người khác cảm thấy như thế nào. Năm đó, thị trưởng của Fort Wayne chính thức tuyên bố rằng ngày 21 tháng 12 sẽ trở thành “Ngày của Amy Hagadorn”. Viên thị trưởng giải thích rằng việc mạnh dạn ước xin một điều giản dị như thế, Amy đã nêu một tấm gương cho tất cả mọi người.
- Mọi người, - ông thị trưởng nói, - ai cũng muốn được đối xử một cách trân trọng, đúng đắn và nồng ấm, và họ xứng đáng được nhận tất cả những điều đó.