KHÔNG BAO GIỜ QUÁ MUỘN
"Với tôi, sự trưởng thành bắt đầu ngay khi tôi có thể thú nhận lỗi lầm và tha thứ cho chính bản thân mình"
- Kimberly Kirberger -
Cách đây vài năm, khi tham dự khóa học về giao tiếp, giảng viên đã truyền đạt cho chúng tôi một bài học về cách xử trí hết sức lạ lùng. Chúng tôi được yêu cầu suy nghĩ và liệt kê ra tất cả những lỗi lầm hoặc những việc chưa chu toàn trong quá khứ mà đến nay vẫn còn khiến mình hổ thẹn, day dứt.
Qua tuần tiếp theo, cô giáo khuyến khích học viên lên thuyết trình trước lớp về đề tài này. Vì đây là những mảng tối rất riêng tư và tế nhị trong đời mỗi cá nhân, nên những người xung phong lên trình bày đều là những “bậc” dũng khí đầy mình. Hễ cứ ai đó đứng lên là danh sách những điều ân hận của tôi lại dài ra thêm, đến hơn 101 việc. Cô giáo đề nghị chúng tôi tự tìm giải pháp để sửa chữa những hành động đó, chuộc lại lỗi lầm xưa. Thật tình tôi rất phân vân, tự hỏi liệu cách này có giúp cải thiện các mối giao tiếp của mình không hay là... trong đầu tôi hình dung ra cảnh bị mọi người lạnh nhạt sau khi làm theo lời cô.
Sang tuần sau nữa, người ngồi kế bên tôi giơ tay xin kể lại câu chuyện như sau:
“Đó là sự kiện xảy ra khi tôi còn học trung học tại một thị trấn nhỏ thuộc bang Iowa. Ngày ấy, chúng tôi chúa ghét Brown, viên cảnh sát trưởng nơi chúng tôi sinh sống. Một đêm, tôi cùng hai đứa bạn quyết định chơi khăm ông ta. Sau khi uống vài ly bia trong quán, chúng tôi xách thùng sơn ra bồn chứa nước công cộng ngay giữa phố, rồi viết lên đó hàng chữ lớn đỏ rực: “Cảnh sát trưởng Brown là đồ khốn!”. Ngày hôm sau, hàng chữ chói chẳng ấy nổi bật dưới ánh mặt trời, đập ngay vào mắt người dân ở khu phố vừa mới thức dậy. Chưa đầy hai tiếng đồng hồ, ông Brown đã triệu được cả ba chúng tôi lên đồn cảnh sát. Hai bạn tôi thú nhận, nhưng tôi thì chối phăng. Chẳng ai phát hiện ra điều đó cả.
Gần hai mươi năm sau, nhân tham dự lớp học này, cái tên “Cảnh sát trưởng Brown” chợt hiện trong danh sách lỗi lầm của tôi. Tôi không biết giờ ông ấy có còn sống hay không. Cuối tuần rồi, tôi bèn gọi điện cho khu phố quê hương xưa, hỏi thăm thông tin và được biết về một người tên là Roger Brown. Tôi liền liên lạc với người này. Sau vài hồi chuông, người ở đầu dây bên kia nhấc máy:
- Xin chào! - Tôi mở lời - Thưa, chú là cảnh sát trưởng Brown phải không ạ?
- Phải - Tôi nghe sau vài giây im lặng.
- À, cháu là Jimmy Calkin đây. Cháu muốn chú biết rằng chính cháu đã viết bậy lên bồn nước dạo ấy.
Lại im lặng, rồi bỗng ông nói như hét:
- Tôi biết mà!
Và rồi chúng tôi cùng nói chuyện vui vẻ và chân tình. Trước khi gác máy, ông Brown bảo tôi:
- Jimmy à, hồi ấy tôi cảm thấy thương thay cho cậu. Bởi vì hai bạn cậu đã trút bỏ được gánh nặng do sự bồng bột của mình còn cậu vẫn phải mang nó theo suốt những năm tháng vừa qua. Tôi cảm ơn cậu đã gọi điện cho tôi... vì lợi ích của chính bản thân cậu.”
Câu chuyện của Jimmy giúp tôi can đảm “gột sạch” từng tội trong 101 lỗi lầm quá khứ của mình. Tuy phải mất gần hai năm, nhưng bù lại, điều đó lại là nguồn cảm hứng thôi thúc tôi chọn cho mình một sự nghiệp chuyên hòa giải những xung đột. Cho dù hoàn cảnh hay nguyên nhân bất hòa mà khách hàng của tôi nhờ gỡ rối có khó khăn đến đâu đi nữa, lúc nào tôi cũng luôn tâm niệm một điều rằng: chẳng bao giờ quá muộn để sửa chữa những sai lầm để bắt đầu một cuộc sống mới cả.
LỖI LẦM
"Phương thuốc chữa khỏi mọi bệnh tật, lỗi lầm, nỗi bận tâm, ưu phiền và tội lỗi của con người, tất cả đều nằm ở một từ yêu”. Đó là sức mạnh tuyệt vời để sản sinh và tái tạo sự sống"
- Lydia Maria Child -
Tôi gặp gia đình của Jane White khi tôi bước vào năm đầu tiên của đời sinh viên. Tôi và cô ấy học chung một lớp. Lần đầu tiên tôi đến nhà Jane, tôi cảm thấy không khí ấm áp như ở nhà mình, dù gia đình họ hoàn toàn chẳng có chút gì giống gia đình tôi.
Trong gia đình tôi, khi có bất cứ chuyện gì không hay xảy ra, điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là tìm ra người nào phạm lỗi.
- Đứa nào bày ra như thế này? - Mẹ tôi sẽ hỏi ngay như vậy khi thấy nhà bếp bề bộn ngổn ngang.
- Cái này chắc là tại Catherine hết đây! - Cha tôi sẽ khẳng định như vậy khi chiếc xe hơi bị hư hay máy rửa chén ngừng chạy.
Ngay từ hồi còn nhỏ, mấy anh chị em tôi đã quen với việc mách tội của nhau. Chúng tôi đã dành hẳn một chỗ cho việc đổ lỗi: tại bàn ăn.
Nhưng gia đình họ White này thì không như vậy. Họ chẳng quan tâm đến việc ai đã phạm sai lầm gì. Họ lướt qua những lỗi lầm của nhau và tiếp tục vui vẻ sống. Vẻ đẹp đáng quý ấy đã thấm sâu trong tôi vào cái mùa hè mà Jane chia tay cuộc sống.
Gia đình White có sáu người con: ba trai và ba gái. Một người con trai đã chết từ bé, có lẽ chính vì thế mà năm anh em còn lại rất gần gũi nhau.
Đó là một ngày tháng bảy, mấy chị em gái của Jane và tôi quyết định lái xe lên New York chơi. Từ Florida, nơi họ ở, đếnNew York khá xa. Lúc ấy, Amy, con gái út trong nhà, mới tròn 16. Cô bé mới lấy được bằng lái nên rất hãnh diện và hào hứng khi được lái xe trên đường đi. Amy vui vẻ khoe tấm bằng của mình với mọi người nó gặp.
Ban đầu, chị Sarah và Jane thay nhau xem chừng Amy lái, nhưng đến những quãng đường vắng vẻ, họ đã để Amy tự lái một mình. Chúng tôi dừng lại ăn trưa. Sau đó, Amy tiếp tục cầm lái. Đến một giao lộ khi đèn đỏ bật lên, chẳng biết do bối rối hay lơ đễnh không trông thấy, Amy vẫn tiếp tục chạy qua. Một chiếc xe tải đã đâm sầm vào xe chúng tôi.
Jane chết ngay tức khắc.
Tôi chỉ bị xây xát nhẹ. Và điều khó khăn nhất mà tôi phải làm lúc ấy là gọi về nhà Jane để báo tin dữ. Mất một người bạn tôi đã thấy đau đớn lắm rồi, với bố mẹ Jane, chẳng biết họ sẽ khó khăn đến dường nào.
Khi hai ông bà đến bệnh viện, thấy ba chúng tôi nằm chung phòng họ đã ôm chúng tôi mà khóc, vừa đau đớn vừa mừng. Mừng vì Sarah và Amy còn sống. Sarah bị thương ở đầu còn Amy thì bị gãy chân. Họ lau nước mắt cho hai cô con gái và còn chọc Amy vài câu khi giúp cô bé tập mang cây nạng.
Họ chỉ nói đi nói lại với hai cô con gái và đặc biệt với Amy: “Các con còn sống là ba mẹ mừng rồi!”.
Tôi thật ngạc nhiên. Chẳng một lời trách móc hay buộc tội nào!
Sau này, có một lần tôi hỏi mẹ Jane tại sao họ không bao giờ đả động gì đến việc Amy lái xe vượt đèn đỏ, bà ngậm ngùi trả lời rằng:
- Jane đã đi rồi, bác nhớ nó vô cùng. Có nói gì cũng chẳng mang nó về lại được. Còn Amy có cả một quãng đời phía trước. Làm sao nó sống vui vẻ và hạnh phúc được khi nó cứ mang cảm giác tội lỗi là chính nó đã gây ra cái chết cho chị mình?
Bà nói đúng. Giờ đây, Amy đã tốt nghiệp đại học và đã lập gia đình. Amy làm giáo viên cho một trường khuyết tật và hiện đang là mẹ của hai cô con gái nhỏ, đứa con đầu lòng cũng mang tên Jane.
Tôi đã học được bài học từ gia đình Jane: việc đổ lỗi cho ai vì bất cứ chuyện gì là không quan trọng. Đôi khi, nó chẳng có tác dụng gì.
MÃI MÃI TUỔI 17
"Những giọt nước mắt đắng cay, xót xa nhất nhỏ xuống những ngôi mộ người thân chính là những lời chưa kịp nói và những điều chưa kịp làm"
- Harriet Beecher Stowe -
Nỗi đau đớn cực độ giày vò tâm trí tôi. Giờ tôi chỉ còn là một con số thống kê vô hồn. Khi mới đến đây, tôi cảm thấy cô độc lạ thường. Tôi ngập chìm trong đau khổ và mong tìm được ai đó cảm thông, chia sẻ.
Nhưng tôi đã không tìm được một sự cảm thông nào. Chung quanh tôi là hàng ngàn thân xác khác cũng bị bầm giập như tôi. Tôi được gắn cho một con số và bị phần vào nhóm những người “Chết vì tai nạn giao thông”.
Cái ngày tôi từ giã cõi đời này là một ngày đi học bình thường như bao ngày khác. Chao ôi, ước gì lúc ấy tôi đã chịu đi xe buýt! Nhưng tôi đã quá ác cảm với xe buýt. Tôi nhớ là mình đã làm mình làm mẩy với mẹ để lấy xe hơi đi cho bằng được.
- Cho con lái đi mà mẹ. - Tôi nài nỉ. - Bạn con đứa nào cũng đi xe hơi cả mà có sao đâu.
Khi chuông reng lúc 2 giờ 30 phút chiều, tôi quẳng vội sách vở vào ngăn tủ của mình và tự nhủ: “Mình được tự do đến sáng mai!”.
Tôi chạy nhanh đến chỗ đậu xe, hứng chí với ý nghĩ sẽ được ngồi sau tay lái chiếc xe hơi và muốn làm gì với nó thì làm.
Tai nạn xảy ra như thế nào giờ đây không còn quan trọng nữa. Tôi đã làm điều dại dột - phóng xe rất nhanh và trổ tài lạng lách. Nhưng lúc ấy tôi lại đang cho rằng đó là sự tận hưởng tự do của mình và lấy đó làm điều khoái trá. Điều cuối cùng tôi còn nhớ là tôi mới vừa chạy ngang qua một bà cụ có vẻ như đang đi rất chậm. Rồi tôi nghe một tiếng va chạm lớn, người tôi bị chao đảo khủng khiếp. Kiếng và sắt thép văng ra khắp nơi. Toàn thân tôi như bị lộn nhào cả lên. Tôi nghe một tiếng thét kinh hoàng từ chính miệng mình và rồi không biết gì nữa cả.
Bổng nhiên tôi tỉnh dậy, chung quanh hoàn toàn im lặng. Một nhân viên cảnh sát đang đứng phía trên tôi bên cạnh một bác sĩ. Toàn thân tôi đầy thương tích. Cả người tôi đẫm máu. Những mảnh kiếng vụn nhọn hoắt găm khắp thân tôi. Điều lạ lùng là tôi không cảm thấy đau đớn gì cả. Này, đừng kéo tấm vải phủ kín mặt tôi như vậy chứ! Tôi không thể chết. Tôi chỉ mới 17 tuổi. Tối nay tôi còn có hẹn với bạn gái tôi nữa. Bao nhiêu điều thú vị trong cuộc sống còn đang chờ đợi tôi phía trước. Tôi vẫn chưa thụ hưởng hết mà. Không! Không! Tôi không thể chết được!
Rồi người ta đặt tôi vào trong một cái hộc. Gia đình đến nhận dạng tôi. Tại sao người thân phải chứng kiến tôi trong tình trạng như thế này? Tại sao tôi phải nhìn vào mắt của mẹ khi mẹ đang phải đương đầu với nỗi đau khủng khiếp nhất trong cuộc đời mình? Cha trông già sọm hẳn đi. Cha nói với người đàn ông trực ở đấy:
- Vâng! Đó chính là con trai chúng tôi.
Đám tang cũng thật kỳ lạ. Tôi thấy tất cả họ hàng và bạn bè đi về phía quan tài mình nằm. Họ nhìn tôi bằng đôi mắt buồn bã nhất mà tôi từng thấy. Một vài đứa bạn tôi khóc sụt sùi. Vài cô gái sờ vào tay tôi và nức nở quay đi.
Ai đó làm ơn đánh thức tôi dậy! Tôi xin các người. Hãy đem tôi ra khỏi chỗ này. Tôi không thể chịu đựng nỗi khi nhìn thấy cha và mẹ đau khổ như thế. Ông bà tôi suy sụp, bước đi không vững. Anh chị em tôi thờ thẫn như những bóng ma và cử động như người máy. Mọi người bằng hoàng. Không ai tin được chuyện này. Chính tôi cũng không tin.
Làm ơn đừng chôn tôi! Tôi không chết!
Tôi có nhiều chuyện phải làm! Tôi muốn cười đùa và chạy nhảy trở lại.
Tôi muốn ca hát và nhảy múa. Làm ơn đừng chôn tôi dưới lớp đất kia!
“Con hứa nếu Thượng Đế cho con thêm một cơ hội nữa, con sẽ là người lái xe cẩn thận nhất trên thế giới này. “
Tất cả những điều tôi muốn là hãy cho tôi thêm một cơ hội nữa.
“Làm ơn đi Thượng Đế, con chỉ mới 17 tuổi thôi. “
NGUỒN ĐỘNG VIÊN
Một số những câu chuyện về sự thành công vĩ đại nhất trong lịch sử đều xuất phát từ một lời động viên hay sự tin tưởng của một người yêu hay một người bạn đáng tin cậy. Nếu không nhờ một người vợ có niềm tin mạnh mẽ như Sophia, chúng tôi hẳn đã không liệt kê giữa những tên tuổi vĩ đại của nền văn học Mỹ cái tên Nathaniel Hawthorne.
Một ngày nọ khi Nathaniel đau khổ đi về nhà và bảo với vợ rằng ông vừa bị mất việc, bà đã khiến ông ngạc nhiên bằng một câu nói phấn khởi.
- Thế thì giờ anh đã có thời gian để viết sách rồi!
- Ừ - ông đáp trong sự lo lắng, - nhưng chúng ta sẽ sống bằng cái gì khi anh đang viết?
Trước sự ngạc nhiên của chồng, Sophia mở một ngăn kéo và rút ra một số tiền đáng kể.
- Em lấy số tiền đó ở đâu vậy? - ông la lên.
- Em vẫn luôn biết rằng anh là một thiên tài. - Bà bảo - Em đã biết rằng một ngày nào đó anh sẽ viết nên một kiệt tác. Cho nên mỗi tuần em đã giữ lại một ít trong số tiền chợ anh đưa cho em. Chỗ này đủ cho chúng ta sống qua một năm.
Với sự tin tưởng và kỳ vọng của vợ, Nathaniel đã cho ra đời một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của văn học Mỹ: “Chữ A màu đỏ”.
GIAI ĐIỆU TUYỆT VỜI
"Hết thảy chúng ta đều là những thiên thần một cánh; và chúng ta chỉ bay được khi ôm chặt lấy nhau"
- Luciano De Cresehenzo -
Mùa xuân năm 1983, bà Margaret Patrick, một phụ nữ da đen, tới trung tâm người già cô đơn ở Southeast để theo tập chương trình vật lý trị liệu. Khi được giấm đốc dẫn đi thăm cơ sở vật chất, bà Margaret bỗng sựng lại, nhìn trân trân vào cây đàn piano trong góc phòng. Bắt gặp ấnh mắt ấy, bà giám đốc hỏi:
- Có điều gì không ổn với bà chăng?
- Không, - bà Margaret đáp khẽ, - chỉ vì nó gọi lên những ký ức xa xưa. Trước khi bị đột quỵ âm nhạc đã là lẽ sống của đời tôi.
Rồi người cựu nghệ sĩ dương cầm ấy tư lự kể về những khoảnh khắc thăng hoa trong sự nghiệp của mình. Nhìn bàn tay bà Margaret buông thõng, giám đốc đột nhiên bảo bà hãy ngồi đợi chút xíu. Lát sau, bà quay lại cùng với một phụ nữ dáng người thấp bé, tay chống gậy, tóc bạc trắng, đeo kính dày cộm. Đó là bà Ruth Eisenberg - cũng từng chơi đàn piano và từng đoạn tuyệt âm nhạc sau cơn đột quy. Hơn nữa, cũng giống như bà Margaret, bà cũng là bà ngoại, bà góa và cũng từng bị mất con. Điều khác biệt giữa họ là mỗi người đều còn lại một bàn tay khỏe mạnh: bà Ruth tay phải và bà Margaret tay trái.
- Tôi có cảm giác là hai bà sẽ làm nên điều kỳ diệu.
- Bà giám đốc giải thích.
- Bà có biết bản Van-sơ của Chopin không? - Bà Ruth hỏi. Bà Margaret gật đầu.
Thế rồi cả hai sát cánh trên chiếc ghế dài. Một bàn tay da đen với những ngón dài gầy guộc, và một bàn tay da trắng, ngắn ngủn, tròn trịa lướt thoăn thoắt trên phím đàn. Họ đắm chìm trong thế giới của riêng mình, quên bẵng đi sự hiện diện của những người xung quanh.
Kể từ đó, họ như hình với bóng mang đến tiếng đàn du dương tới hàng triệu khán thính giả. Trên màn ảnh nhỏ, tại nhà thờ, trường học, trung tâm phục hồi chức năng, viện dưỡng lão. Công chúng luôn ngẩn ngơ trước hình ảnh bàn tay vô dụng của bà Margaret quàng sau lưng bà Ruth; và bàn tay yếu đuối của bà Ruth lặng lẽ đặt lên đùi bà Margaret. Thường thì, bàn tay khỏe mạnh của bà Ruth đi nốt còn bàn tay lành lặn của bà Margaret thì đánh đệm theo. Dạo đầu là Chopin, Bach rồi đến Beethoven - nhịp nhàng hơn cả trong mơ. Bà Margaret sung sướng bảo:
- Âm nhạc của tôi bị cướp đi nhưng bù lại tôi có Ruth.
Bà Ruth im lặng, khóe mắt ánh lên niềm hạnh phúc.
Đó là câu chuyện về hai người phụ nữ - bây giờ họ tự gọi mình là Evory và Ivory (gỗ mun và ngà voi - hai vật liệu làm nên chiếc đàn piano).
VỊ NGỌT TÌNH YÊU
"Yêu có nghĩa là không bao giờ nói hối tiếc"
- Erich Segal -
Anh gặp chị tại một buổi tiệc. Hôm ấy trông chị thật lộng lẫy. Bao nhiêu chàng trai lịch lãm đến bắt chuyện với chị; còn anh, rất đỗi bình thường và không ai thèm chú ý đến. Khi bữa tiệc gần tàn, anh bước đến mời chị đi uống cà phê. Chị rất ngạc nhiên, nhưng vì phép lịch sự, chị cũng nhận lời.
Nơi họ ngồi là một quán cà phê xinh xắn. Bên cạnh chị, anh quá bối rối đến nỗi chẳng nói được lời nào. Chị thấy khó chịu và có ý định ra về. Bất chợt, chị nghe anh cất tiếng nói với người bồi bàn:
- Anh mang cho tôi một chút muối, được không? Tôi muốn pha vào cà phê.
Mọi người trong quán đưa mắt nhìn về phía anh. Mặt anh đỏ bừng, nhưng anh vẫn bình thản bỏ muối vào tách cà phê của mình và cầm lên uống.
- Tại sao anh lại có sở thích này? - Chị tò mò hỏi.
- Hồi còn bé, gia đình tôi sống ở gần biển và tôi rất thích ra biển chơi đùa - Anh ngập ngừng đáp - Tôi biết cảm nhận vị mặn chát của biển, nó giống y như vị của cà phê pha muối này đây. Và mỗi khi dùng cà phê muối, tôi như được nhắc nhở đến tuổi thơ, đến quê nhà của mình. Tôi nhớ quê tôi lắm! Tôi nhớ song thân mình, họ vẫn còn đang sống ở đó - Nói đến đấy, mắt anh ươn ướt.
Trong lòng chị chợt dâng lên một niềm xúc cảm sâu sắc. Đó là những tình cảm chân thành, xuất phát từ tận đáy lòng anh. Một người đàn ông có thể kể về nỗi nhớ nhà của mình chắc hẳn là người rất yêu mái ấm, biết quan tâm và có trách nhiệm với gia đình. Và rồi chị cũng bắt đầu kể về quê nhà xa xôi của mình, về tuổi thơ và gia đình mình. Cuộc nói chuyện thật sự thú vị và đó cũng là điểm khởi đầu tốt đẹp cho câu chuyện của hai người.
Họ tiếp tục hò hẹn. Càng lúc chị càng nhận ra anh giống như mẫu người mà chị hằng mơ ước: bao dung, tốt bụng, nồng ấm và cẩn trọng. Một chàng trai đáng yêu như thế mà suýt nữa chị đã quay lưng để lỡ mất! Tất cả là nhờ ly cà phê muối của anh!
Rồi chuyện tình của họ cũng diễn ra như bao chuyện tình đẹp khác: nàng công chúa kết hôn cùng chàng hoàng tử và họ sống hạnh phúc bên nhau. Và cứ mỗi lần pha cà phê cho anh, chị không quên bỏ vào một ít muối vì chị biết đó là sở thích của anh.
Bốn mươi năm sau, anh qua đời và để lại cho chị một lá thư:
“Em yêu!
Mong em hãy tha thứ cho anh vì anh đã nói dối em.
Và đó cũng là lời nói dối duy nhất trong suốt cuộc đời anh - cà phê muối. Em còn nhớ lần đầu tiên chúng ta gặp nhau không? Lúc đó anh đã quá hồi hộp. Thật ra anh muốn gọi một ít đường, nhưng lại gọi thành muối. Thật khó để chữa lại nên anh đành lơ đi và bịa ra câu chuyện về cà phê muối. Anh đã chẳng hề nghĩ rằng chính điều đó đã đưa chúng ta đến với nhau! Đã bao lần, anh muốn thú thật với em về điều ấy, nhưng anh sợ... Lúc này đây, biết mình sắp xa nhau mãi mãi, anh không còn thấy sợ nữa khi thú thật với em điều này: anh không hề thích cà phê muối. Vị của nó mới khủng khiếp làm sao! Nhưng anh đã uống nó cho đến cuối đời kể từ khi anh biết em. Anh không cảm thấy ân hận về những gì anh đã làm cho em. Được sống bên em là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời anh. Nếu được sống một lần nữa, anh vẫn sẽ muốn có em bên mình, cho dù anh có phải uống cà phê muối thêm suốt một cuộc đời nữa. “
Nước mắt chị ướt đẫm cả trang thư.
Một ngày nọ, có người hỏi chị:
- Vị của cà phê muối như thế nào nhỉ?
- Ngọt lắm - Chị đáp.