Trên bàn biên tập
Còn nhớ, 7 năm trước, nhìn xuyên qua đám hơi nước mù mịt của một ngày sắp Đông, tôi đã thấy trọn vẹn câu chuyện sắp viết. Rồi khi gõ các dòng đầu tiên của câu chuyện này, tôi không hề nghĩ mình sẽ viết một câu chuyện về tình yêu. Concept tự đặt ra cũng đơn giản: Người ta sẽ ứng xử thế nào với những ai/những gì không thuộc về mình? Nhưng giờ đây, ngoảnh nhìn, tôi lại tin mình đã viết được về tình yêu. Bởi suy cho cùng, người ta chỉ có thể yêu mãnh liệ nhất và rộng lượng nhất, khi được hứa hẹn trước rằng, người mình yêu chẳng bao giờ thuộc về mình đâu.
TÁC GIẢ
Chiều tháng Mười Một. Khoảng vườn giếng trời vuông vức nhìn qua bức tường kính bọc trong làn hơi ẩm ướt. Những con mối gió cánh mỏng chao lượn, đập người vào kính, lả tả rơi rụng trong luồng sáng xanh thẳm. Không khí báo trước cơn mưa dài, khó chịu. Tôi thu xếp một tư thế kiên nhẫn trong góc quán cà phê, chờ hai gã bạn cùng đến tập nhạc. Cuối năm, các bản nhạc trầm lặng đột nhiên được khách đến quán say mê. Lần thay đổi nhạc mục thứ ba. Hoặc tập luyện bài vở mới. Hoặc nhạc công cũ ra đi, nhường chỗ cho các nhóm đánh thuê đây rẫy luôn sẵn sàng thế chỗ với mức giá rẻ mạt. Khi ra điều kiện ấy, gã quản lý cười lạnh lẽo Với tất cả vẻ thờ ơ nguy hiểm, Quân – tay chơi cello và guitar bass, là trưởng nhóm chúng tôi – đứng dậy, thu gom các quyển sách ố vàng mồ hôi và dấu tay, nhét vào cái túi da đeo bên vai, lẳng lặng bước ra cửa. Cậu đánh trống cũng rời đi. Sau thoáng ngập ngừng, tôi quyết định thương lượng với ông chủ. Nếu Quân biết điều này, cậu ta sẽ giận điên lên. Nhà cậu ta giàu có, chơi nhạc ở quán chỉ để vui. Nhưng tôi không thể phó mặc cuộc sống cho phản ứng tức thời hay thứ cảm xúc bấp bênh. Rốt cục, cuộc thương lượng thành công. Chúng tôi sẽ tập những bản nhạc mới, uỷ mị ngọt ngào và kỹ thuật phức tạp. Đổi lại, mức lương tăng lên, tất nhiên. Trời lạnh, mùa của những quán nhạc đầy ắp khách. Chẳng lẽ gì mà không đề nghị đôi chút. Thậm chí, cuối cuộc trao đổi, chủ quán còn đồng ý chúng tôi có thể gọi miễn phí vài thức uống nóng không cồn, nếu chơi thêm quá khuya dịp cuối tuần. Kể ra cũng hơi vụn vặt khi đề cập đến các điều khoản kỳ quặc. Nhưng đôi khi, mấy thứ vụn vặt khiến cuộc sống trôi đi dễ chịu hơn.
…Mưa. Không thể chờ nữa, tôi mở nắp piano. Phím ngà ố vàng. Thế nhưng âm vang và cao độ của cây đàn Đức không chê vào đâu được. Tôi lật hú hoạ tờ nhạc trong tập ghi mới. Tựa đề But not for me in đậm. Trong bóng tối, bản nhạc của Gershwin lờ mờ nổi lên tựa thảm cỏ bí mật. Giai điệu trầm mượt chậm rãi và có những khoảng lặng khác thường. Bỗng, tiếng gõ nhè nhẹ vẳng đến. Ai đó đứng ngoài quán. Qua ô kính tròn, chiếc áo mưa xanh biếc, như mảnh đại dương lạc lõng trôi đến góc phố đầy mưa xám ngắt buồn thảm. Một người phục vụ mở khoá chốt. Mảnh đại dương xanh lặng lẽ bước vào, mang theo hơi mưa tươi mát. Không cần ngoái lại, tôi vẫn đông cứng. Cô gái cất giọng khản đục vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột:
- Anh Quân chưa đến ư, Huy?
- Không có ở đây – Tôi lên tiếng, với tất cả sự lạnh nhạt có được – Nhưng chị có thể đợi. Trưởng nhóm hẹn sẽ đến. Chúng tôi có lịch tập nhạc.
Uyên Nguyên ngồi trên băng ghế mềm sát tường kính, vùi mắt vào quyển sách tiếng Pháp bìa cứng. Ánh sáng mưa, hay chính cô gái mà tôi thầm yêu suốt hai năm qua phả vào không gian chung quanh một làn hơi huyền ảo. Thi thoảng, tôi vội vã nhìn trộm về khoảng sáng kia. Uyên Nguyên vẫn bất động, chiếc khăn vẽ hình kỷ hà buộc hờ trên cổ, cái nghiêng đầu mềm mại, dấu hiệu ý nghĩ chìm vào bên trong. Sự thanh mảnh kín đáo mà hàng trăm lần tôi nhìn thấy trong giấc mơ hoang đường…
- Chị muốn nghe chút gì không? – Tôi phá vỡ sự tĩnh lặng.
- Cũng được, nếu cậu hứng thú! – Câu trả lời không mấy thiết tha. Rồi cô khẽ khàng – Tôi muốn gặp Quân quá! Tôi cần nói với anh ấy một điều quan trọng…
Bao giờ cũng là điều quan trọng, giữa những người đang yêu nhau. Làm sao họ có thời gian hay chút tự do để nhìn vào nỗi buồn rầu, sự cô độc hay tia nhìn hy vọng từ kẻ khác. Tôi thổi nhẹ các đầu ngón tay. Bản nhạc jazz kinh điển When your lover has gone vang lên dễ dàng, khoái trá và đau xót. Tôi chơi mải miết, vòng lại lần thứ hai. Cường độ dội xuống dãy phím càng mạnh. Những đoạn ngẫu hứng kéo dài. Khi tôi dừng lại, buông thõng tay, mồ hôi rơi xuống đầu gối từng hạt to. Phía sau lưng, vang lên tiếng động khẽ. Uyên Nguyên gục đầu trên bàn. Tôi bối rối:
- Có việc gì ư?
- Không gì cả! – Cô so đôi vai gầy guộc nhìn đồng hồ - Đến lúc tôi phải đi. Nếu Quân tới, hãy nói tôi đã đợi. Giờ thì tôi phải dạy học cho bọn trẻ con.
- Có cần tôi giúp gì không? Trông chị có ve yếu mệt – Tôi đề nghị rụt rè.
Uyên Nguyên hướng về tôi cái nhìn lơ đễnh, đen thẫm. Khi cô đã tan vào làn mưa dầy đặc, tôi vẫn ngồi lại căn phòng đầy mùi tàn thuốc và nến cũ. Tôi muốn đấm vào một cái gì đó. Nhưng không thể.
Lại có tiếng kẹt cửa. Bây giờ thì Quân đến. Cậu ta tức khắc ngồi vào chiếc ghế xoay chân cao, mở bao da lấy cây guitar bass, lướt tay trên những sợi dây, nheo mắt lắng nghe, chỉnh cao độ. “Bạn gái cậu vừa đến tìm!” – Tôi nói đơn giản, chăm chú vào quyển sách nhạc. “Gì chứ” – Cậu ta nhướn mắt. Tôi chậm rãi lặp lại câu nói, với chút cáu giận. “Có việc gì không nhỉ?”, câu hỏi lẫn vào những hợp âm rải đều nhạt nhẽo. “Điên thật! Cậu phải hỏi cô ấy chứ!” – Giờ thì tôi cáu giận thực sự. “Cậu sao thế, đau tim hả? – Quân tò mò nhìn tôi bằng đôi mắt bình thản, châm biếm tinh quái sau cặp kính trắng – Này, đừng quá bận tâm mấy cô gái. Thực sự, họ không có vấn đề gì cả. Vấn đề của họ, có chăng, chính là thói xấu tự dằn vặt quá dồi dào!”.
Sau câu nói xác đáng, cậu bạn cười phá lên, bắt đầu chơi vài bản rock của The Rolling Stones. Cậu ta chơi tuyệt hay, đến nỗi tôi lặng đi. Bao giờ cũng thế, ở Quân luôn có một điều gì đó khiến bạn không thể trách móc cậu ta. Hoặc người ta không bao giờ tin rằng Quân có thể phạm lỗi. Ngay cả các sai lầm kinh khủng nhất. Chẳng hạn năm ngoái, vì bất cẩn, cậu ta làm cháy béng dàn loa đắt tiền phòng hoà nhạc. Nhưng rồi sớm được thứ tha. Cứ thử tôi phạm phải lỗi nhỏ nhặt mà xem, chà, ra đứng ngoài đường từ lâu rồi. Chẳng hiểu sao, Quân chọn tôi làm bạn, một tên sinh viên đàn em hơi tầm thường, học Sáng tác, một khoa chẳng mấy giá trị so với khoa Nhạc cụ cổ điển Quân theo học. Đó là chưa kể cậu ta được xếp vào hàng cừ khôi trong giàn big band của Nhạc viện. Ở các cuộc tụ tập, nhiều cô xinh xắn, ăn mặc khá hay đến bắt chuyện với tụi tôi. Họ chú ý Quân hơn. Nhưng ai cũng biết Quân đã chọn Uyên Nguyên làm người yêu. Sẽ cưới cô làm vợ sau khi tốt nghiệp. Họ yêu nhau từ lúc nào, tôi chẳng rõ. Trong mối quan hệ ấy, tôi chẳng có vị trí gì cho đến một ngày kia…
Tôi nhớ hôm ấy, sau khi rời bỏ buổi tiệc tối tưng bừng, tôi chuếnh choáng ra về trước bỏ lại Quân giữa những cô bạn tươi vui. Trên đường về, tôi ghé nhà cậu ta cất cây guitar điện mới tậu. Có bóng người. Cô ta ngồi ở bậc thang lên cổng nhà ngoẹo đầu vào tường, ngủ im lìm. Mái tóc thẳng xoà xuống vai, vài sợi bám vào bức tường rêu. Bàn tay gầy mảnh rơi xuống thềm gạch cũ như vệt sáng nâu buồn. Giống như tất cả sự kiên nhẫn và nỗi cô độc trên thế giới này gom lại, đặt lên dáng ngồi đáng thương ấy. Tôi nín thở đến gần Uyên Nguyên. Lặng ngắm. Không có gì xảy ra. Nhưng mọi việc không còn như cũ…
Chờ thêm một lúc nữa, cậu bạn đánh trống cũng đến. Chúng tôi tập một mạch được năm bản nhạc mới. Tôi giữ phần đệm và trình tấu duy nhất bài But not for me, bản nhạc đơn giản đã khiến tôi hứng thú. Quân vỡ bài nhanh trên cây cello, đưa ra vài chỉ dẫn thông minh cho tôi và cậu đánh trống. Cả nhóm tan việc lúc sáu giờ chiều. Quân và tôi không cùng nhau kiếm thứ gì lót dạ như mọi khi. Cậu ta đang lao vào mấy khoá Anh ngữ cấp tốc để kiếm suất học bổng du học. Còn tôi?
Tôi cũng lao tới một trung tâm ngoại ngữ, nhưng dành cho trẻ con. 6h30 tan học. Lũ trẻ tràn từ cổng như một đàn mối ồn ào, hấp tấp, không ngừng đâm sầm vào cái mô-tô màu trắng của tôi. Vài đứa ngó tôi nhạo báng. Cuối cùng, Uyên Nguyên hiện ra. Cô nhìn tôi, không ngạc nhiên:
- Quân nhờ cậu đến đưa tôi về sao? – Trong câu hỏi thấp thoáng tia hy vọng.
- Anh ấy hơi bận một chút – Tôi nói nhanh. Đó cũng là sự thật.
Cô gái ngồi sau xe. Qua những ổ gà, những vũng mưa, khuỷu tay nhòn nhọn của cô thi thoảng khẽ chạm lưng tôi. Bạn có thể bảo cảm giác không đáng giá. Nhưng nó khiến tôi một lần nữa đóng băng. Uyên Nguyên sống một mình ở căn hộ nhỏ, khu nhà tập thể cũ. “Tầng bảy. Không thang máy!” – Cô cười nhợt nhạt thay cho lời chia tay. Nhưng tôi chưa muốn chia tay. “Tôi lên đấy một chút được không?”. Cô cau mày: “Để làm gì, hả Huy?”. “Không gì cả!” – Tôi nhìn thẳng đôi mắt nâu. Uyên Nguyên lắc đầu. Tôi nổ máy xe, lao ra đường. Đường buổi tối đầy ắp người, xe, âm thanh, những vệt đèn, nhưng bên trong tôi chỉ có các khoang rỗng, đầy gió.
Quân giành suất học bổng tại Anh dành cho các sinh viên âm nhạc xuất sắc đến từ châu Á. Thật ngạc nhiên, à chẳng có gì ngạc nhiên, chưa đầy nửa năm, cậu ta nói tiếng Anh rất lưu loát. “Nhờ đi chơi và qua đêm với các cô nàng ngoại quốc thường đến quán nghe chúng ta chơi nhạc. Ồ, thực hành ngoại ngữ tốt nhất là khi vắt óc tìm kiếm ngôn từ lôi cuốn nhau…” Với vẻ kiêu hãnh và khoái trá hoang dã, Quân tiết lộ bí quyết khi nhóm nhạc, và cả Uyên Nguyên, đi ăn mừng sự kiện học bổng ở tiệm ăn sang trọng khu trung tâm. Tôi nhìn vội sang Uyên Nguyên. Cô vẫn bình thản, dùng ngón tay út xếp vỏ hạt dưa thành hình những con cá. Nhưng khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi cảm biết máu dưới làn da nâu bình thản kia đã chuyển màu. Tôi bước ra ngoài quán, nhắn mẩu tin cho Quân, bịa ra một lý do vớ vẩn phải về trước. Không khí tù đọng oi bức. Tôi đứng bồn chồn, tự nguyền rủa vì không biết hút thuốc, vì đã hành động kỳ khôi. Khi tôi sắp nhảy lên mô-tô phóng đi, Uyên Nguyên bước ra, lảo đảo như người đi ngược gió. Tôi ngăn cô lên cái taxi vàng. Rốt cuộc, một lần nữa cô ngồi sau xe tôi. Giữa đường, Quân gọi điện thoại. “Cậu chăm sóc cô ấy hộ tớ, Huy nhé!” – Giọng cậu ta vẳng xa mà vẫn châm biếm. Tôi hét lên: “Quỷ tha ma bắt thói tànnhẫn cua cậu!”. Tiếng cười phá lên. Trong phản ứng tăm tối, tôi ném chiếc điện thoại. Nó vỡ tan trước khi bị vô số bánh xe nghiến lên. Cô gái ngồi sau tôi lặng thinh. Nhưng tôi lại khóc.
Tối hôm ấy tôi lên nhà Uyên Nguyên. Ở lại. Cô sốt cao chưa từng thấy. Đến mức tôi sợ gần phát điên. Tất cả những gì tôi có thể làm là mở tủ lạnh hàng trăm lần, thay khănhườm đá lên trán cô. Sau đó ngồi dưới chân giường, lẩm bẩm mang tên tất cả các vị Thánh trong âm nhạc để cầu nguyện, từ Mozart, Bach, Beethoven cho đến Debussy, Mahler. Gần sáng, cô mới dịu nóng, ngủ thiếp đi. Tôi cũng muốn chợp mắt tí chút, nhưng tôi quyết định thức, canh giấc người ốm. Trời tháng Chạp buốt cóng. Một ô cửa sổ vỡ kính, gió thốc tháo. Căn hộ hai phòng của cô gái có một tủ sách tuyệt diệu, và một chai rượu brandy còn non nửa, sót lại từ tiệc sinh nhật nào đó. Tôi rót ít rượu ra cốc đánh răng, nhấm nháp cho đỡ lạnh, và đọc lại quyển sách của Elia Kazan, một tác giả đọc vài chục lần tôi cũng không biết chán. Đến trang cuối cùng, ngẩng lên, tôi thấy cái giường trống rỗng. Phát hoảng, mãi sau tôi mới nhận ra Uyên Nguyên ra ngồi cạnh một bể cá thuỷ tinh khô nước từ lúc nào. Cô nhìn nó đăm đăm. Đôi mắt ráo hoảnh, gương mặt bất động che giấu sự thật lòng người trống rỗng. Trống rỗng như bể cá bị bỏ quên, phải không Uyên Nguyên?
Quân bay ngày mồng Một đầu năm. Uyên Nguyên không tiễn. Hai người yêu nhau đã có một tối trò chuyện. Nhưng tôi ở ngoài bí mật ấy. Ớ ga tiễn, nhóm nhạc ngồi khật khừ. Cậu đánh trống bỏ đi mua kẹo ho. Tôi nhìn Quân, hỏi nhanh: “Uyên Nguyên sẽ ra sao?”. Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy bạn tôi nghiêm túc. Cậu ta trầm ngâm: “Sẽ ổn thôi. Cô ta thông minh. Vì yếu đuối chính là thông minh. Nếu cậu thấy chăm sóc cô ấy là hạnh phúc, tớ sẽ im lặng!”. Tôi muốn bóp chết cậu ta. Nhưng tôi bỏ vào rest-room, vặn vòi nước, kê mặt vào. Dòng thác chảy qua mắt. Mất năm phút.
Giờ đây tôi giữ chân trưởng nhóm nhạc. Tôi tìm một sinh viên đàn em, đệm guitar bass cho những bản nhạc rock, country và chơi cello cho những bài nhạc bán cổ điển hay jazz. Tôi chuyển lên chơi chính, trên piano. Kỹ thuật không siêu đẳng như Quân, nên tôi chơi bằng xúc cảm sâu đậm, có khi buồn rầu, cay đắng, nhưng có khi đầy hy vọng. Cuối tháng, gom tiền công khá lớn, tôi chia đều với nhóm. “Đi uống chút gì đi!” – Cậu đánh trống đề nghị. Tôi lắc đầu. Tôi có kế hoạch khác, với món tiền này.
Một bể thuỷ tinh mới. Bộ phận lọc khí, lọc nước. Các bọc nylon bơm oxy đựng lũ cá biển bình thản, rực rỡ. Tôi khệ nệ bước lên từng bậc thang, cẩn trọng ở những đoạn rẽ. Cuối cùng, tôi cũng lên được tầng bảy. Uuyên Nguyên mở cửa cho tôi, ngạc nhiên đến độ để mặc cho tôi xếp đặt mọi thứ. Khi thả những con cá vào bể nước muối, tôi khẽ gọi cô. Uuyên Nguyên quỳ trên đầu gối, cúi nhìn đại dương thu nhỏ. Một hạt nước mắt rơi vào bể cá. Một con cá xanh biếc bơi lên, đớp lấy bóng nước ấy.
…Có thể ngày mai Uuyên Nguyên đứng chờ trước hiên quán nhạc. Có thể cô im lặng, vĩnh viễn. Nhưng tình yêu của tôi, tuổi trẻ của tôi, nỗi đắm say của tôi đã được gửi đi. Tha thiết. Trong sáng chân thành. Tôi mơ sauhời gian bận rộn, người tôi thương yêu sẽ ngồi lặng ngắm những con cá xanh biếc, đỏ thắm hay vàng rực kia, không còn cảm thấy cô độc giữa cuộc sống lạ lùng này.
PHAN HỒN NHIÊN