Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi

Chương 12: Chương 12


trước sau

 

 

Trên bàn biên tập

 Một phong cách đặc trưng Dương Thụy: Sôi động, hài hước và đầy ắp các đối thoại thú vị. Mạch truyện nhanh đúng theo tốc độ chuyển động của cảm xúc trong từng nhân vật. Cảm giác tươi tắn của truyện như một lần nữa xác tín rằng: Thật phí hoài nếu lảng tránh tình yêu, khi ta biết rằng mình đang rất trẻ.

 PHAN HỒN NHIÊN 

  

 Mùa hè đã về trên bến cảng Marseille, nắng chói chang rót mật xuống mặt biển xanh thẫm làm náo nức những con hải âu trắng toát đang chao lượn. Nhiều lần nhìn hoàng hôn xuống cùng những chiếc tàu cập bến, Thomas như thấy lại bến sông nghèo quê nó, cũng có ánh nắng chiều óng ả, những con tàu trở về và tiếng í ới tìm nhau. Bến sông đó tên gì Thomas cũng không nhớ nữa, đã từ lâu rồi nó không được quay về vùng sông nước mênh mông mà mẹ nuôi hay gọi là Mekong. Để hội nhập Thomas đã cố quên quá nhiều, quên cả cái thứ tiếng mà người ta gọi là “mẹ đẻ” và cả cái tên chân chất ngoại hay gọi “thằng Sâm”. Bây giờ, đối với nó chỉ có một bà mẹ tóc nâu, mắt màu hạt dẻ và thích ghì chặt nó vào lòng. 

 - Thomas, về thôi – Mẹ nó gọi – Chúng ta còn phải đi mua chút quà cho gia đình Jouve nữa!

 - Con không muốn gặp lại mấy đứa con gái ở đó! – Thomas lạnh lùng – Tốt nhất mẹ ăn tối với họ còn con đi chơi với Boris đây!

 - Không được – Mẹ nó làm mặt nghiêm – Hôm nay có một cô bé sinh viên từ Việt Nam qua. Đây là dịp tốt để chúng ta hỏi thăm tình hình Việt Nam trước khi quyết định năm sau về nghỉ hè.

 Thomas mong đợi ngày này đã quá lâu, ngày mẹ nuôi hứa sẽ dẫn nó về thăm Việt Nam sau đúng mười năm ra đi. Thomas ngoan ngoãn leo lên xe, cẩn thận cài dây an toàn rồi hai mẹ con đến một cửa hàng chocolat. Anh mặt trời tắt hẳn khi họ cho xe chạy vào cái sân rộng trồng nhiều hoa cúc vàng của gia đình Jouve ở ngoại ô Marseille. Đứa con gái mà Thomas ghét nhất chạy ra đón lấy hộp chocolat to tướng. Con nhỏ coi bộ đã cao hơn lần gặp trước cả tấc, chân nó dài ngút mắt trong chiếc đầm ngắn ngủn mùa hè. Công bằng mà nói Mélanie khá xinh đẹp nhưng Thomas không thích những cô gái chạy theo nó. TiTi cũng đã đến bên Thomas cười duyên dáng “Chào anh Thomas!” rồi ôm cổ nó hôn thắm thiết. Con nhỏ này mới mười bốn tuổi mà cũng nhổ giò cao bằng Thomas rồi. Chị em tụi nó mỗi đứa một bên dắt tay Thomas vào nhà.

 - Thomas đây sao? Thomas nhớ Thúy Vi không?

 Một cô gái lạ mặt khác đang ngồi trên ghế sô-pha đứng dậy mỉm cười chào Thomas bằng thứ tiếng của những ngày còn ở Việt Nam. Nó vẫn hiểu ngôn ngữ này, nó chưa hẳn đã quên dù cố tình không dùng nữa. Mỗi khi gặp hai chị em Mélanie và TiTi, những đứa trẻ cùng xuất thân từ một cô nhi viện xa mù nào đó ở Việt Nam, Thomas cũng thích nói tiếng Pháp. Bọn chúng muốn cha mẹ nuôi vui lòng và không muốn nhớ lại những tháng ngày cơ cực ở quê hương. Mélanie và Thomas được nhận nuôi cùng năm, khi Thomas lên chín còn Mélanie được bảy tuổi. Cha mẹ nuôi tụi nó gặp nhau ở Tòa Đại Sứ Pháp để làm giấy tờ và họ kết thân cho đến bây giờ. TiTi được xin một năm sau đó, khi nó mới bốn tuổi nên con bé không bị những mặc cảm dằn vặt khổ sở như những đứa trẻ kia.

 - Thomas ơi! – cô gái tên Thúy Vi lại lên tiếng – Thomas nhớ mình không? Hồi đó trước khi sang Pháp mẹ Thomas có dẫn đến nhà mình ăn cơm mà. Nhà ông bác sĩ đầu hơi hói đó!

 - Chào cô – Thomas trả lời lạnh lùng bằng tiếng Pháp – Tôi không nhớ gì cả!

 - Thật sao? Nhưng Mélanie nhớ Thúy Vi đó. 

 Thomas nhún vai không đáp. Mẹ nó chen vào giới thiệu lại: Thúy Vi lớn hơn nó hai tuổi, con ông bác sĩ trong bệnh viện nhi đã chữa bệnh cho nó trước khi sang đây. Thúy Vi học giỏi nên được sang Pháp tham gia trại hè hai tháng. Hiện cô là sinh viên năm thứ hai Đại học Y. 

 - Thomas học Đại học nào? – Thúy Vi tò mò.

 - Thomas đang là học sinh trung học – Mẹ nó giải thích – Tuy tuổi thật là mười chín nhưng giấy tờ từ cô nhi viện lại không chính xác, sang đây bác khai thấp hơn ba tuổi để đi học cho kịp bạn bè. 

 - Vậy hả? Sướng quá!

 Thomas kinh ngạc, mỗi khi mẹ nó giải thích giấy tờ rắc rối từ cô nhi viện, tình trạng tuổi tác không bình thường và việc học trể nải, ai cũng nhìn nó thương hại. Cô nàng con ông bác sĩ lại reo lên chúc mừng làm nó thấy lòng tự tôn được khuếch trương. Ăn tối xong Thúy Vi và Thomas được phân công rửa chén, lúc đứng sát bên, Thomas vui mừng nhận ra cô nàng thấp hơn nó cả cái đầu. Đã từ lâu rồi nó không có được niềm hạnh phúc tìm ra một cô gái có chiều cao khiêm tốn hơn. Nó luôn không ưa tụi Mélanie và TiTi chẳng qua vì những đôi chân dài của tụi nó làm bản lĩnh đàn ông của Thomas thổn thức. Bọn con gái ham ăn phô-mai và nốc sữa trong khi Thomas thì cật lực từ chối nên cuối cùng nó thường bị bạn bè trêu “cu lùn”. 

 Khi người lớn đề nghị có chương trình đưa Thúy Vi thăm viếng vài nơi, Thomas hào hứng đồng ý ngày mai đánh xe chở Thúy Vi dạo chơi thành Marseille. Tiếc là Mélanie và Titi cũng đòi bám theo làm nó hơi cụt hứng. Hai đứa con gái lí lắc này không hiểu sao rất thích cái tính phớt đời của Thomas và luôn tìm dịp tán tỉnh nó. Nhiều lúc nó muốn nói thẳng “Trời ơi! Để tôi chủ động!” nhưng cuối cùng chỉ nhìn họ bằng cặp mắt lạnh lùng. Thế là bọn con gái nhà Jouve càng mê nó như điên.

 ***

 Buổi sáng trời thật trong, nắng vàng dịu và gió hây hây làm Thomas thấy yêu đời quá đỗi. Các cô gái chân dài mặc quần short tươi khỏe còn Thúy Vi e ấp trong chiếc váy hoa nhẹ nhàng. Thomas rước ba cô gái xinh đẹp lên xe làm ông bác Jouve chắt lưỡi hít hà “Thằng này “đẻ bọc điều”, một lúc ba nàng tiên!”.

 Marseille không làm Thúy Vi yêu thích, cô nói thành phố quá ồn ào và náo động. Cả nhóm quyết định lên ngọn đồi có Giáo đường “Notre Dame de la Garde” yên tĩnh để nhìn xuống biển. Hai cô gái chân dài thoắt cái đã bỏ xa Thúy Vi không quen đi bộ nên Thomas sung sướng chầm chậm sóng bước bên nàng. Và lần đầu tiên trong đời, nó tâm sự về xuất thân buồn tủi của một thằng nhỏ nhà quê bị bỏ quên trong cô nhi viện. Cha nó là một người nát rượu hay thích hành hạ người mẹ đáng thương đến mức một ngày kia bà qua đời sau một trận đòn tàn nhẫn. Rượu làm cha nó không còn tính người, ông bỏ ba đứa con nhỏ vào bao bố cột lại thả xuống mương. Hai chị lớn chạy tìm bác hàng xóm mới cứu được bọn chúng. Bà ngoại nghèo đem năm anh em nó về nuôi. Chẳng bao lâu biết mình kiệt sức bà đem các cháu vào cô nhi viện rồi mất sau đó vài tháng. Nó lại được tin cha đã chết đuối khi muốn bơi sang sông trong tình trạng say mèm. Thế rồi một ngày kia mẹ nuôi xuất hiện. Đâu còn gì có thể níu kéo “thằng Sâm” đèo đẹt lại với Việt Nam. Nó vui sướng lẫn âu lo theo mẹ nuôi sang Pháp. 

 - Nhưng tôi vẫn nhớ quê xa – Thomas nắm tay Thúy Vi lắc mạnh – Tôi nhớ bến sông nhà mình. Tôi nhớ màu vàng của hoa điên điển vào mùa nước nổi. Hồi đó ngoại hay đổ bánh xèo bông điên điển cho tụi tôi ăn. Thúy Vi biết ăn món đó không?

 - Tôi chưa từng thấy bông điên điển! – Cô gái đến từ Việt Nam thú nhận nhẹ nhàng – Tôi sống ở Sài Gòn mà!

 Thomas nhìn cô ngỡ ngàng. Thì ra Thúy Vi có hoàn cảnh gia đình quá khác xa thằng Sâm nhà quê. Nhưng nhìn cô tươi tắn thân thiện Thomas thấy hai đứa rất gần. Nó nói hè năm sau mẹ nuôi sẽ dẫn về Việt Nam nhưng nó hồi hộp quá. Nhà nó ở đâu? Các chị em nó đã tan đàn xẻ nghé rồi. Không biết chuyến đi có gì thú vị hay chỉ càng làm vết thương ký ức xưa trở nên đau nhức?

 - Thomas có hạnh phúc với mẹ nuôi không? – Thúy Vi nhìn nó hỏi – Có thích cuộc sống ở đây không?

 - Mẹ thương tôi lắm – Thomas tư lự – Nhưng dẫu sau tôi và mẹ cũng khác nhau nhiều quá. Giá như tôi được mẹ nhận nuôi từ hồi hai tuổi như TiTi, tôi sẽ thương mẹ biết bao.

 Hai người đã lên đến đỉnh đồi, Mélanie và TiTi nhìn họ kỳ lạ. Hẳn hai cô đã nhận ra Thomas có tình cảm đặc biệt với cô nàng đến từ Việt Nam. Thúy Vi vẫn rất tự nhiên và thân thiện bá vai TiTi cùng nhìn ra biển. Mélanie chỉ cho Thúy Vi thấy hòn đảo xa, nơi bá tước Monte-Cristo trứ danh bị giam cầm rồi vượt ngục về đất liền trong tiểu thuy của Alexandre Dumas. Bọn trẻ lại bàn nhau ngày mai đi tàu ra đảo. Viễn cảnh sẽ có một ngày pic-nic tuyệt vời làm Thúy Vi vỗ tay vui thích. Trông cô trẻ măng và hồn nhiên như cùng tuổi mười bốn với TiTi. Thomas đỏ mặt nghĩ thầm “Nàng xứng với mình lắm, đâu có ai biết nàng hơn mình hai tuổi!”. Nó tìm dịp tách riêng nói chuyện với Thúy Vi và tha thiết đề nghị năm sau về Việt Nam được mời cô cùng thăm vùng quê nghèo bên dòng Mekong.

 - Thúy Vi sẽ được thấy hoa điên điển vàng – Thomas hào hứng – Và tôi sẽ bắt cá nướng đất sét cho cô ăn. Mùa nước nổi vui lắm, cá nhiều vô cùng. Tôi còn biết nấu canh lục bình với hến. Ăn một lần cô sẽ thèm suốt đời đó!

 - Vậy hả? – Thúy Vi hỏi lại, giọng lịch sự – Cảm ơn anh!

 Mélanie chịu hết nổi vẻ ân cần hiếm có Thomas dành riêng cho Thúy Vi, nó xấn đến hỏi thẳng “Hai người nhỏ to gì đó?”. Thomas nhún vai không thèm trả lời nhưng Thúy Vi đã mau mắn tiết lộ “Thomas nói năm sau về Việt Nam sẽ cùng tôi về quê bên sông Mekong. Sẽ cho tôi ăn bông điên điển, cá nướng đất sét và lục bình, hi hi…”

 - Gớm! – Mélanie la to – Những thứ đó lúc nước lũ lên không còn gì ăn mới phải nuốt!

 - Cô… – Thomas nén giận, nó nghĩ sẽ không bao giờ tha thứ cho con nhỏ chối bỏ gốc gác này. 

 ***

 Đã gần cuối Đông, ngoài bến cảng Marseille gió thổi từng cơn cắt da. Những con hải âu trắng co ro chao lượn uể oải trong nền trời xám ngắt. Thúy Vi về Việt Nam từ cuối hè vẫn chưa liên lạc lại. Nhiều lúc nhìn hoàng hôn trên bến cảng Thomas than thầm con gái sao khó hiểu rồi lê gót buồn thiu về nhà. Hôm nay Mélanie và TiTi đến thăm mẹ nó bị bệnh, Thomas lấy hết can đảm bắt chuyện vu vơ rồi đột ngột vô đề “Hai cô có nhận được email của Thúy Vi không?”. TiTi hồn nhiên lắc đầu. Mélanie nhìn Thomas châm chọc rồi giả bộ trò chuyện với mẹ nó “Bác ơi, chị Thúy Vi con nhà giàu, sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức, bản thân chị ấy cũng là sinh viên Y Khoa nên có vẻ kiêu kỳ! Con đòi làm mai mấy anh chàng Pháp hay Việt Kiều cho chị ấy, vậy mà còn bị mắng “Vô duyên! Ai mà thèm!”. Mẹ Thomas hiểu tâm sự thằng con đen đúa và đèo đẹt của mình. Trong khi Mélanie lớn lên từng ngày, thoát xác và hạnh phúc với cuộc sống hiện đại ở Châu Âu thì thằng bé Sâm dường như không dứt được những ký ức đau buồn. Bà biết thằng con đã cố gắng hòa nhập để làm mẹ vui lòng nhưng những hoài niệm về gia đình ruột thịt bên bến sông nghèo sẽ không thể nào phai. Bà nhìn bọn trẻ cùng chung xuất xứ nhưng giờ đã có những điểm khác nhau, cười hiền lành “Học Y Khoa nên chắc Thúy Vy bận quá. Nhưng cô ấy đã hứa hoàn một việc cho mẹ. Mẹ tin Thúy Vy không thất hứa đâu!”

 Thomas đánh xe đưa Mélanie và TiTi về nhà với thái độ lạnh lùng cố hữu. Cô chị càng ngày càng không chịu được vẻ trịch thượng của Thomas. Mélanie đột ngột lên tiếng “Anh tưởng mình là ai? Anh không còn là Việt Nam nữa mà cũng chẳng bao giờ trở thành một người Pháp thật sự. So với Thúy Vy anh không xứng!”. TiTi hoảng hốt ra hiệu dừng lại nhưng đã quá muộn, chị nó tiếp tục gay gắt “Ngay cả với tôi, người có cùng quá khứ cô nhi, anh cũng không xứng…” Thomas thắng gấp, xe đang nằm sát mép vực, dưới kia biển tối đen lạnh lùng bí hiểm.

 ***

 Sau sự kiện “Thomas thiếu suy nghĩ suýt lao xe xuống biển chết chìm cùng hai cô gái”, gia đình Jouve giận dữ cắt đứt quan hệ với nó. Thomas cũng thề không bao giờ nhìn mặt con nhỏ Mélanie xấc láo. Thế nhưng hiện tại nó lại đang chở mẹ đến nhà Jouve cùng hộp chocolat to tướng như dạo mùa hè. “Con nhỏ xấc láo” lại cười tươi rói chạy ra và TiTi hôn nó thắm thiết như chưa từng tái xanh mặt mày mắng xối xả trên miệng vực “Anh là đồ điên!”. 

 Cả hai gia đình vừa nhận được những tấm thiệp chúc Xuân in cành mai vàng rực rỡ cùng bánh chưng xanh và dưa hấu đỏ. Đã từ lâu bọn trẻ không được ai nhắc đến Tết cổ truyền với những niềm hân hoan chờ đón giao thừa. Năm nay cha mẹ nuôi quyết định tổ chức một tối đón năm mới của người Việt Nam. Thúy Vy gởi sang cho họ một cặp bánh chưng cùng lọ củ kiệu và gói mứt gừng. Chưa bao giờ mọi người thấy Thomas hạnh phúc đến thế, Thúy Vy cuối cùng đã giữ lời hứa với mẹ nó: tìm về cô nhi viện xưa để lần ra dấu vết những chị em ruột thịt của “thằng Sâm”. Mélanie cũng có tin vui, bà nội vẫn còn sống và từng đến cô nhi viện hỏi thăm tin tức nó suốt mười năm qua. 

 Bọn trẻ lăng xăng đốt nhang mua từ chợ Tàu làm khói bay nghi ngút. Bọn chúng ôm hôn nhau và người lớn bắt đầu sụt sịt. Thomas đỏ mắt cười nắc nẻ “Tại khói!”, Mélanie hỉ mũi đổ thừa “Củ kiệu nồng!” còn TiTi áp tay vào má la thất thanh “Mứt gừng cay!”. Cha mẹ cười vui sướng, cứ để bọn trẻ che giấu nỗi xúc động, chỉ có trong lòng chúng hiểu được nước mắt đến từ đâu!

 Sài Gòn, tháng 12/2004

 

DƯƠNG THỤY


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!