Phải làm gì đây khi bị cô bạn gái mình đang để ý ngang nhiên “phán” rằng em là chàng trai “đã thành niên mà chưa trưởng thành”, trong khi cô ấy chào đời sau em tới… mười ba tháng?. Đau quá!
Ừ, tôi hiểu em. Đau lắm!
Đối với nam giới, được công nhận là “đã trưởng thành” chính là thành công đầu tiên cần phải đạt được, trước tất cả những thành công khác. Nghĩa là anh phải trở thành “một người đàn ông chân chính” trước khi trở thành bất cứ thứ gì khác trong đời.
Hoạ sĩ Nguyễn nh Đăng, cũng là một nhà khoa học Việt sống tại Nhật đã viết về ngày trưởng thành của con trai mình như thế này:
“Trong ngày trưởng thành, các bạn Nhật của con đeo cà vạt, vận kimono, tập trung tại toà thị chính, nghe ông thị trưởng giảng đạo đức.
Sau đó chúng kéo nhau đi Shibuya và Harajuku hát karaoke, rồi uống rượu say khướt.
Trong ngày trưởng thành, ký túc xá của con chìm trong đêm rét buốt, tuyết dày một mét phủ ngoài sân.
Con ngồi trong phòng, trước laptop, thiết kế một toà nhà dựng trên sa mạc Sahara”.
Đối với người này, sự trưởng thành nghĩa là được phép uống rượu say khướt, còn với người khác nó nghĩa là bắt đầu hiện thực hoá một ước mơ.
Với em thì trưởng thành nghĩa là gì?
Thật tiếc là chúng ta không có một lễ trưởng thành như Nhật Bản và Hàn Quốc. Mười bốn tuổi, chúng ta có quyền làm chứng minh thư. Mười tám tuổi, được đi bầu cử và có đầy đủ quyền công dân. Mặc dù vậy, không có ai nghiễm nhiên được công nhận là đã trưởng thành vào tuổi mười tám. Cũng không ai làm lễ cho ngày nhận chứng minh thư hay lần đầu tiên đi bầu cả. Có phải vì không có dấu mốc rõ rệt nên chúng ta không có sự khao khát trưởng thành cũng như khao khát khẳng định sự trưởng thành của mình. Và vì thế mà có không ít thanh niên đến kỳ thi đại học vẫn không biết mình muốn học ngành gì. Tốt nghiệp xong vẫn không biết mình có ưa thích nghề này không. Bị công an giao thông phạt thì thưa rằng em không biết luật quy định như vậy. Và rất nhiều người khác dù đã vượt xa cái tuổi 18 mà vẫn hành xử như con trẻ.
Để chứng tỏ sự trưởng thành, em có thể học cách hành xử giống như những người trưởng thành. Tuy nhiên, sự trưởng thành không phải là để chứng tỏ. Thật ra, trưởng thành không phải là một thành tích có thể đạt được qua một đêm, mà là một quá trình diễn ra suốt cuộc đời. Chúng ta đạt đến sự trưởng thành ở từng khía cạnh khác nhau vào mỗi thời điểm khác nhau trong đời sống. Có thể em trưởng thành trong tiêu xài ở tuổi lên mười, khi đã biết trân trọng từng đồng bạc mẹ cho. Em có thể trưởng thành trong ứng xử ở tuổi mười lăm, khi biết bày tỏ thái độ tôn trọng người đối diện. Nhưng có thể đến năm ba mươi tuổi em vẫn chưa trưởng thành về tình cảm, nếu em còn tin rằng tình yêu không thể chỉ được cảm nhận mà luôn cần phải được chứng minh…
Dù sao thì việc bị gán cho cái mác “thành niên mà” là thất bại đáng buồn đối với bất cứ ai. Tôi không biết vì sao cô bạn em khẳng định là em chưa trưởng thành và về phương diện nào. Nhưng nhìn từ một góc nào đó thì tôi cho rằng cô ấy đã nhận xét đúng. Có nhớ hôm kia em kể với tôi rằng từ miền Trung vào em “phải tự đi xe đò vào Sài Gòn, tự tìm nhà trọ, tự mua bản đồ và hỏi tìm đường đến điểm thi, không có ai đi theo cả”. Em kể với sự buồn bực không hề che giấu. Em trách cha mẹ mình đã không như hàng triệu người cha người mẹ khác, lặn lội đường xa để đưa con mình từ quê nhà ra thành phố dự kỳ thi đại học, theo xe ôm đưa con đến phòng thi, rồi ngồi vạ vật đợi con đến tận trưa ngoài cổng. Tôi lấy làm lạ. Đáng lẽ đó là điều em phải tự hào mới đúng, sao lại tủi thân? Mười tám tuổi và vẫn chưa muốn (hay chưa được phép?) tự đi thi một mình, lẽ nào em cũng là một trong những người trẻ đang tìm cách trì hoãn sự trưởng thành của mình?
Em có biết, cũng như tuổi già, trưởng thành là một quá trình không thể ngăn cản, trước hay sau, nhanh hay chậm chúng ta cũng buộc phải trưởng thành. Sự trưởng thành là kết quả của những biến cố, những vấp ngã, những va chạm, những kiến thức và những cảm nghiệm mà ta thu nhặt được trên đường đời. Nhưng cũng vì vậy mà sự trưởng thành có thể bị trì hoãn, cũng như có thể được thúc đẩy… một cách khách quan hay chủ quan.
Có người nói với tôi rằng con người chúng ta cũng như những cái cây, và có những người giống như cây bonsai vậy. Cây bonsai không phát triển về tầm vóc, nhưng nó vẫn trưởng thành.
Ở Mỹ, những trẻ vị thành niên trên 14 tuổi có thể trình Thỉnh nguyện thư lên Thẩm phán để xin hưởng Quyền trưởng thành. Người hưởng Quyền trưởng thành được hưởng một số quyền pháp lý của người lớn như ký hợp đồng, tự chọn nơi sinh sống, định đoạt tài sản riêng và tự ghi danh đi học… Tuy nhiên, người đó sẽ phải tự lo liệu tài chính cho bản thân, tự mua bảo hiểm y tế, nha khoa, xe cộ, tự trả các hóa đơn của mình.
Một người bạn của tôi tâm sự rằng, khi cha anh mất vào năm anh 13 tuổi, một phần con người anh đã chết theo ông, và phần còn lại trưởng thành gần như ngay lập tức, khi anh phải đối diện và xử lý tất cả những việc còn lại của gia đình, thay cha chăm sóc mẹ và hai cô em gái nhỏ. Không còn chọn lựa, vào năm 13 tuổi, anh buộc phải trưởng thành.
Em hỏi rằng làm sao để biết mình đã trưởng thành hay chưa ư? Tôi sẽ nói em nghe điều tôi nghĩ: Em trưởng thành khi em đủ mạnh mẽ để trở thành một điểm tựa, dù là điểm tựa của bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình.
Khi ấy, một người đàn ông sẽ ra đời.
PHẠM LỮ ÂN