Thực ra không phải nghĩ, đó là bốn câu luận về tâm thái trong kiếm pháp: “Lúc trời lạnh nhất, ngồi trên giường băng, lõa thể mặt hướng về bắc, vận khí đủ một vòng”. Sau này, Quân Vỹ trở thành kiếm khách giỏi viết tiểu thuyết nhất và tiểu thuyết gia kiếm pháp cao cường nhất.
Bản thân tôi vì lớn lên trong Thanh Ngôn tông phái, tông phái quy định đàn ông không được để tóc. Cả tông môn gần hai ngàn người, trừ tôi tất cả đều là đàn ông. Vì vậy, toàn tông môn chỉ có mình tôi để tóc dài. Điều này khiến tôi có những lệch lạc trong nhận thức đầu tiên về giới tính, trong một thời gian dài tôi cho là sự khác biệt lớn nhất giữa đàn ông và đàn bà là đàn bà thì để tóc dài, đàn ông thì đầu trọc. Thế là đương nhiên tôi cho rằng Quân sư phụ và Quân Vỹ đều là đàn bà. Cảm giác tương đồng giới tính khiến tôi trở nên thân thiết với họ.
Rất tự nhiên, sau này tôi cuối cùng cũng vỡ lẽ, cha con họ đều là đàn ông. Nhưng ý nghĩ họ là đàn bà đã thâm căn cố đế trong tôi, khiến sau này tôi không thể nào đối xử với Quân Vỹ theo tình cảm nam nữ. Luôn coi anh ta là chị em của tôi, quan hệ vốn là thanh mai trúc mã, bị tôi biến thành chỉ thuần thanh mai.
Lúc ba tuổi, vì một cơ duyên ngẫu nhiên tôi biết mình là công chúa nước Vệ, nhưng tôi thấy chuyện này cũng rất bình thường. Chủ yếu là do lúc đó tôi chẳng hiểu “công chúa” là gì. Quân Vỹ lớn hơn tôi một tuổi. Biết hơn tôi một chút, anh ta nói: “Công chúa thực ra là một tầng lớp đặc quyền”. Tôi hỏi: “Đặc quyền nghĩa là gì?”. Quân Vỹ trả lời: “Là mọi điều muội muốn đều có thể làm, những điều không thích có thể không làm”. Nghe Quân Vỹ nói vậy, trưa hôm đó tôi dứt khoát không chịu rửa bát, buổi tối cũng không giặt quần áo, kết quả tôi bị sư phụ phạt quỳ tới nửa đêm.
Từ đó về sau, tôi thực sự quên mình là công chúa. Cũng anăm đó, sư phụ thấy tôi cũng đã lớn liền dạy tôi cầm kỳ thi họa. Sư phụ cho rằng, con người ta sống trên đời nên có gì đó để gửi gắm nỗi lòng.