Người trong thiên hạ cho rằng, mục đích nước cờ đó của Trần vương là hướng tới tài sản khổng lồ của dòng họ Công Nghi, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Tuy nhiên bất luận thế nào, dòng họ Công Nghi có bảy trăm năm lịch sử được kế truyền hai mươi nhăm đời đã bị hủy diệt bởi một trận đại hỏa hoạn bảy năm trước.
Bảy năm trước quả thật đã xảy ra không ít biến cố, lúc đó tôi còn nhỏ không biết, sống trong Thanh Ngôn tông, tin đồn về một gia tộc ở xa xôi đâu đó bị hủy diệt bởi một trận đại hỏa hoạn lọt qua những bức tường sừng sững của quốc tông giáo truyền đến tai tôi, tôi cảm thấy chuyện đó chẳng liên quan đến mình.
Sư phụ nói: “Con là công chúa nước Vệ, cũng nên hiểu ít nhiều thế sự thiên hạ, dòng họ Công Nghi giàu có như thế, bị hủy diệt khác nào chặt mất một cánh tay của Trần vương, bất luận thế nào đối với nước Vệ cũng là chuyện tốt”.
Tôi thầm nghĩ, ai biết chuyện đó không phải do Trần vương gây ra?
Sư phụ trầm ngâm hồi lâu, sau đó lần đầu tiên tôi được nghe sư phụ kể về truyền thuyết hung thú Thiên Hà. Hung thú Thiên Hà, sau nghìn kiếp nạn máu chảy thành sông là thần hộ vệ của dòng họ Công Nghi, ngủ yên dưới đáy sông, bảo vệ dòng họ Công Nghi đời đời thái bình. Thực ra tôi hơi nghi ngờ, cảm thấy cái gọi là hung thú đó sao có thể gọi là Thiên Hà, giả sử nhất định phải có ngụ ý sau khi trải qua nghìn tai họa máu chảy thành sông, gọi là Hậu Hà cũng hay hơn Thiên Hà.
Nhưng đó không phải là vấn đề chủ yếu, vấn đề chủ yếu là, tại sao một gia tộc cường thịnh như vậy, lại có riêng một vị thần bảo hộ, lại có thể bỗng chốc bị hủy diệt tan tành, Trần vương không làm được, chỉ có một lý giải duy nhất, dòng họ Công Nghi bị chính vị thần bảo hộ đó hủy diệt.
Bài học tôi rút ra được từ câu chuyện này là nuôi thần hộ vệ cũng rất nguy hiểm, còn sư phụ lại nhìn xa hơn: “Rất nhiều việc có nhân mới có quả, có quả tất có nhân, dòng họ Công Nghi bị tai họa triệt diệt như vậy tất có nhân từ xa xưa, ví như một ngày nào đó Vệ quốc bị diệt, cũng do nguyên nhân từ xa xưa, con có thể không hiểu nhân quả, nhưng con phải nhìn thấy hậu quả, trước khi làm gì hãy nghĩ tới hậu quả”.
Ấn tượng của tôi về gia tộc Công Nghi sở dĩ rất sâu chính do những lời dạy đó của sư phụ, những lời đó đến giờ tôi vẫn nhớ, ngoài ra còn cảm thấy nhiều tiền như vậy bị lửa thiêu hết thật đáng tiếc. Đương nhiên một gia tộc lâu đời như thế có thật bị hỏa hoạn tàn phá như đồn đại hay không, đến nay vẫn còn là bí ẩn, nhưng lại có tin đồn, hai năm sau, Công Nghi Phỉ, trưởng tộc đời thứ hai nhăm của gia tộc Công Nghi đã tái dựng môn đình từ đống đổ nát, chàng ta còn là một trang nam nhi tuấn kiệt, chỉ có điều gia tộc Công Nghi sau khi tái thiết không sinh sống bằng nghề đúc kiếm nữa, chuyển sang kinh doanh đất đai, châu báu. Đấy là những tin sau này nghe được .
Bỗng dưng nhớ tới chuyện cũ chẳng qua là do lần này nơi Mộ Ngôn định đưa tôi đến chính là gia tộc Công Nghi ở đất Bối Trung. Trước khi chàng trở lại, tôi sẽ chờ ở đó. Suy cho cùng cũng là chuyện thường, người đời chẳng phải luôn ở trong trạng thái chờ đợi và được chờ đợi đó sao, thước đo khoảng cách giữa hai cái đó chính là lòng người. Khoảng cách gần trong gang tấc mà biển trời xa cách ngày xưa hy vọng sau này có thể trở thành xa cách cả biển trời mà gần trong gang tấc, nhưng tốt nhất là chỉ nên gần trong gang tấc thôi.