Trước cửa tông miếu của Công Nghi gia, gia nhân bận rộn đi lại, hương thơm, nước sạch đã bày sẵn lên hương án, ba tiếng trống đồng ngân vang, đại lễ tế tổ bắt đầu.
Ngày tế tổ mồng bốn tháng chạp của Công Nghi gia nghe đồn là cát nhật được một thuật sư bấm tính từ bảy trăm năm trước. Nhưng ngày hôm đó, từ sắc trời u ám đến bầy quạ rào rào trước tông miếu đều báo hiệu điềm không lành.
Giờ tốt đã đến, đại tế mỗi năm một lần nhưng nhị thúc lại vắng mặt, tam thúc không thấy đâu, Công Nghi San như có linh cảm gì, ôm chặt đứa bé trong lòng, vẻ căng thẳng, tay mỗi lúc càng run, càng xiết chặt.
Chủ tế đốt nến, thắp hương, tiểu công tử trong tay Công Nghi San đột nhiên khóc một tiếng, trưởng lão cau mày, đang định nhắc nhở, Công Nghi Phỉ đã giơ tay đón đứa trẻ trong lòng Công Nghi San. Khanh Tửu Tửu hơi ngẩng đầu, mắt liếc qua, rửa tay trong tịnh bồn gần đó, thản nhiên lấy ba nén nhang, thong thả châm lửa, không cắm vào bát hương tiên tổ, lại cắm ngay ngắn trước bài vị của Ung Cẩn Công chúa, phu nhân tộc trưởng đời trước.
Tàn hương rơi trúng tay cô, người khẽ run, Công Nghi Phỉ lạnh lùng theo dõi mọi cử động của cô, khi ánh mắt cô liếc lại, chàng dửng dưng ngoảnh mặt đi.
Chủ tế đọc văn tế, tụng ca công đức bảy trăm năm của liệt tổ liệt tông, giữa thời khắc xem ra rất mực bình yên đó, cánh cửa tông miếu bị đẩy “rầm” một tiếng, một người áo xám loạng choạng lao vào, bất chấp lễ tiết thần sắc hốt hoảng bước vội đến bên nói với Công Nghi Phỉ: “Xảy ra chuyện lớn rồi, nhị lão gia và tam lão gia đánh nhau, cả hai đều đem theo rất đông gia nhân nô bộc, có vẻ quyết đấu đến cùng, đại nhân...”.
Chưa bẩm xong, Công Nghi San bên cạnh đã lao ra cửa, Công Nghi Phỉ kéo lại: “Định đi đâu?”.
Công Nghi San hai mắt đỏ hoe, một tay bịt miệng, nén khóc cầu xin: “Đừng ngăn em, em phải đi tìm cha!”. Chàng trầm giọng: “Đợi ta cùng đi”. Tiểu công tử giao cho trưởng lão, Công Nghi Phỉ lướt qua Công Nghi Huân, nắm tay Công Nghi San, bước vội khỏi tông miếu.
Lát sau Khanh Tửu Tửu cũng mượn cớ bỏ đi. Đàn quạ đen trước cửa đã bay mất tăm, loài chim ăn xác thối đó chắc đã đánh hơi thấy mùi chết chóc.
Công Nghi gia có một chiếc đài cao gọi là Phù Vân đài, cao ba ngàn bậc đá, trên đài có ngôi đình Phù Vân cột bằng bạch ngọc, từ đó nhìn ra có thể nhìn khắp cả mười dặm vuông.
Bốn bề yên tĩnh, tuyết rơi lả tả như lông ngỗng, Khanh Tửu Tửu đứng trên Phù Vân đài, tóc đen, áo trắng giống như một nét bút đầy thi vị trong tờ tuyên biểu trắng tinh.
Trên cao như vậy vẫn có thể nghe thấy tiếng hô giết chóc, cô cúi đầu nhìn thảm cảnh do tay mình gây ra, đôi mắt đen thất thần. Họa Vị bên cạnh khẽ nói: “Công Nghi gia đến nước này vận số đã hết, tiểu thư hà tất hao tâm tổn lực, nhất định hoán gọi hung thú Thiên Hà, găng với Phỉ thiếu gia như thế, quả thực không cần thiết”.