Thạch Kiếm

Chương 23: Vỏ Ốc Lú


trước sau

Khi thuyền bỏ neo, trời đã chạng
vạng tối. Mùi cá khô phơi chưa được nắng, tanh tanh mằn mặn phảng phất
trong không khí. Dãy phố nhỏ trước bến đã lên đèn, ánh sáng vàng úa
chiếu qua những khung cửa sổ vuông dán giấy như trong những bức tranh
cổ.

Thuyền buôn đã về. Khu bến chợ rộn rịp hẳn lên. Đèn lồng không biết ở
đâu túa ra vô số kể, trẻ con cầm lố nhố đứng trên bến. Trên mỗi lồng đèn đều có viết tên một quán trọ, một món ăn đặc biệt của nhà hàng hoặc có
khi chỉ để quảng cáo một sản phẩm địa phương nào đó.

Tiếng chân sào la ơi ới, tiếng mời chào, cười nói, gọi nhau, trẻ con chí chóe tranh nhau từng bước trên tấm ván bắc lên thuyền. Vài người ra đón thân nhân đứng đằng xa giơ dù vẫy; những bóng đen khi ẩn khi hiện trong vùng ánh sáng mờ tỏ của lồng đèn ngang dọc.

- Công tử lệnh lang của ngài tổng trấn có trên đó không ?

- Công tử nào ?

- Trịnh Đức Nhị Lang.

- Không. Đi thuyền sau.

- Mời khách quan đến trọ Ở quán cháu. Có cửa sổ trông ra biển, đẹp lắm !

- Xin ngài đến quán Mỹ Sinh. Phòng rộng rãi, quý khách mang theo con khỉ không tính tiền.

- Không, ông khách này của tao. Mời khách quan theo cháu.

Nghe lời mời chào của hai đứa trẻ, thanh niên mặc bào tía chỉ mỉm cười.
Gã nhẹ nhàng gạt tay chúng nắm áo, xốc lại hành trang, bế con khỉ lên
vai rồi bước theo tấm ván xuống bến. Không ai đợi gã cả. Nhưng hình như
đã có chủ định, gã xăm xăm đi tới, rẽ vào một ngõ tối khuất dạng.

Trên thuyền, đám khách thương vẫn còn hậm hực, vừa coi phu rỡ hàng vừa bực tức:

- Tên đó ngông nghênh quá đỗi ! Chỉ nhờ vài đường kiếm mà coi người
chẳng ra gì... Đáng tiếc là cánh mình chẳng ai biết võ, chứ nếu không
...

- Thôi, để tâm làm gì ! Kệ cho nó làm cha thiên hạ. Cao nhân tắc hữu cao nhân trị. Danh chẳng qua như cái hoa, nhường cho nó hưởng, mình ăn quả
có hơn không ?

Chuyện hôm nay bỏ đi. Kìa, các em đã đến đón kìa !

Bọn kỹ nữ trèo lên thuyền, bước những bước nhanh và ngắn, vịn vào nhau
cười khúc khích. Quanh ánh đèn lồng, trông các nàng không khác gì những
con bướm đêm bu xung quanh ngọn nến.

Một trong những người rời thuyền sau chót phải kể Hồ Định. Chưa bao giờ
hắn gặp một hoàn cảnh đáng buồn và đáng giận như thế ! Thật mất hết cả
thể diện. Mặt mày bí xị, hắn lấy tâm khăn vuông choàng lên đầu che chỗ
tóc bị cắt đứt, nhưng không sao giấu được vẻ ảo não và cau có trên mặt.

- Hồ lang ! Hồ lang ! Thiếp ở đây mà !

Thấy Hồ Định ở trên thuyền bước xuống, Ôkô vẫy gọi rối rít. Đứng ngoài
trời khá lâu, và có lẽ cũng vì gió đầu đông thổi mạnh, Ôkô run rẩy như
chiếc lá. Những vết nhăn trên mặt nàng hiện ra mờ mờ dưới ánh đèn và
dưới lớp phấn trắng. Hồ Định nở nụ cười gượng gạo:

- Ôkô đấy à ? Tưởng nàng không đến chứ !

- Ô hay ! Sao nỡ nói vậy ? Chàng viết thư bảo thiếp ra đón mà !

- Ờ ờ ... nhưng tưởng thư chưa đến kịp.

- Kỳ không ! Hồ lang có vẻ không muốn gặp thiếp. Có chuyện gì không vui
mà trông mặt chàng như mặt thằng đánh dậm bị cua cắp vậy ?

Hồ Định đang buồn cũng phải phì cười:

- Thế nào là mặt thằng đánh dậm bị cua cắp ?

Ôkô che miệng rúc rích.

- Không, chẳng có chuyện gì đâu. Chắc tại ta say sóng nên hơi mệt. Ta
lên xóm trên, đến quán Thu Nguyệt nghỉ một lát, nếu còn phòng thì trọ
luôn. Quán ấy ở cũng được !

- Không, thiếp đã thuê cáng đến đón chàng. Phu cáng đợi ngoài kia.

- Ồ, chu đáo quá ! Thế đã giữ phòng chưa ?

- Rồi. Mọi người đang đợi chàng đấy.

Hồ Định ngạc nhiên:

- Mọi người ? Mọi người là những ai ?

- Thì anh em trong phái Hoa Sơn của chàng chứ ai ?

- Trời ! Nàng mời họ đến làm gì thế ? Ta tưởng chỉ có mình nàng với ta
sống vài ngày với nhau ở một nơi vắng vẻ. Bây giờ hỏng hết chuyện rồi,
làm thế nào đây ?

Hắn giơ tay bứt đầu bứt tai, luôn mồm kêu hỏng chuyện.

- Thôi, ta không tới đâu !

Ôkô rối rít xin lỗi:

- Thiếp đâu có biết, mà chàng cũng không nói rõ. Họ là bạn cả mà ...

Ôkô đến sát bên Hồ Định. Hắn giận dữ đẩy nàng ra. Bao nhiêu bực dọc và
bất lực cảm thấy trên thuyền bây giờ nổ bùng ra, hắn dồn cả lên đầu Ôkô
như nước lũ:

- Ngu quá ! Trời ơi, nàng ngu quá ! Nàng về đi, bảo phu cáng về đi. Nàng chẳng hiểu gì cả, chẳng hiểu ta một tí gì cả !

Ôkô phục xuống, nắm vạt áo Hồ Định. Hắn giật mạnh ra, rảo bước bỏ đi.
Ôkô chạy theo, bước chân xiêu vẹo suýt ngã. Cả hai đến phía sau chợ cá.
Trời tối, chợ đã vãn, các quán đều đóng cửa. Trăng non mới mọc, vẩy cá
rải rác đầy dẫy, lóng lánh dưới ánh sáng trăng như những mảnh ngọc trai
nhỏ xíu. Khu chợ vắng teo, Ôkô ôm chặt lấy Hồ Định tỏ tình và lơi lả.

- Bỏ ra !

- Nếu chàng đi trọ chỗ khác thì họ sẽ nghĩ chàng với thiếp có chuyện gì ...

- Mặc kệ ! Họ muốn nghĩ sao kệ họ !

- Hồ lang ! Sao chàng đối xử với thiếp như thế ?

Ôkô áp má mình vào má Hồ Định. Mùi thơm ngòn ngọt trên mái tóc Ôkô quyện với mùi phấn sáp trên môi, trên má nàng làm Hồ Định ngất ngây. Nỗi bực
dọc cũng bớt đi được đôi phần. Ôkô nũng nịu:

- Thôi cho thiếp xin ...

- Nàng không biết ta thất vọng chừng nào !

- Biết chứ ! Thiếp biết chứ !

- Thế sao nàng lại để cho nhiều người đến như vậy ? Nàng không muốn ở
một mình với ta phải không ? Nàng không yêu ta như ta yêu nàng rồi !

Ôkô nhìn Hồ Định ra vẻ trách móc, mắt rơm rớm ướt:

- Đó ! Đó ! Lại nói vậy rồi !

- Thế tại sao ?

- Tại thiếp không từ chối được. Khi nhận được thư, thiếp đã quyết một
mình đi Osaka để đón chàng, nhưng không may ngay tối hôm ấy Sĩ Khánh lại đến chơi cả đêm.

A Kế Mỹ lỡ miệng nói thiếp sẽ đi Osaka, thành thử Sĩ Khánh và các bạn
chàng cũng đòi đi theo. Thiếp không từ chối được. Họ cùng đến đây cả
thảy tời mười người.

Hồ Định nghe trần tình, biết Ôkô chẳng làm gì được, nên cũng nguôi ngoai đôi chút nhưng vẫn không vui. Hắn lo ngại phải tường trình những thất
bại trong cuộc du thuyết, rồi còn mái tóc của hắn. Mái tóc ! Trời ơi,
biết nói làm sao đây ! Hồ Định bối rối quá !

- Thôi được ! Ta bằng lòng đi với nàng. Gọi phu cáng lại đây !

Ôkô mừng quá, ôm cổ Hồ Định, áp má vào ngực hắn rồi chạy trở lại về phía bến.

Hoa Sơn Sĩ Khánh vừa tắm xong, choàng kimono ấm nằm dài trên nệm bông
trong một phòng sang nhất quán trọ. Họ đợi Hồ Định và Ôkô. Chuyện vãn đã chán, một người đề nghị:

- Ta làm chút gì chăng ? Đại ca nghĩ thế nào ? Ngồi không mãi thế này buồn chết !

- Ừ thì bảo mang rượu đến.

Chén thù chén tạc, câu chuyện lan man đi đến mục nhảm nhí. Chẳng ai còn nhớ mình đang đợi Hồ Định nữa.

- Quán này không có kỹ nữ hay sao ?

Một người hỏi.

- Ừ nhỉ ! Sao không gọi chủ quán bảo cho mấy em đến ? Ông chủ đâu ?

Thế là chẳng bao lâu sau, ba bốn kỹ nữ mang đàn tới. Bữa rượu nhộn nhịp
hơn trong tiếng cười đùa lơi lả, không còn phân biệt ai chưởng môn ai đồ đệ nữa.

Cũng như mọi lần, Sĩ Khánh uống rượu được một lúc thì say, ngồi thừ
người trên chiếu nhìn đàn em vui chơi không mấy thích thú. Là người đứng đầu môn phái, tác phong hắn có phần đĩnh đạc hơn. Hắn không chịu được
sự đùa cợt thô lỗ của đàn em.

Ưng Đằng ngồi bên ghé tai Sĩ Khánh nói thầm. Hắn gật gù ra vẻ ưng chịu.
Dù sao, vào phòng riêng, bên lò than ấm, một mình với A Kế Mỹ cũng sướng hơn ngồi nghe tụi này pha trò thô tục.

Sĩ Khánh chống tay đứng dậy. Cả phòng chẳng ai để ý. Cuộc vui cứ tiếp
diễn, bình rượu xếp đầy góc nhà, các ca kỹ thay phiên nhau hát nhưng bản huê tình đệm đàn samishen nhiều cái phím đã long, tàn tạ chẳng khác gì
chủ nó.

Rượu đương nồng, một nữ tỳ bước vào thông báo có khách. Tiếng lè nhè vọng ra:

- Khách nào thế ? Khuya rồi, bảo mai đến !

- Vị khách này tên Hồ Định.

- Hồ Định ... Hồ Định ...

Á à, bấy giờ cả bọn mới nhớ ra là đang đợi Hồ Định. Vài người ngồi dậy
khi Hồ Định và Ôkô bước vào, giơ tay vẫy, chào hỏi qua loa. Cả bọn không một ai còn tỉnh táo.

Rượu đã vẽ lên mặt họ những nét ngờ nghệch, biến họ thành những hình
nhân ngu độn vây quanh mấy ả ca kỹ múa may như những con rối.

Hồ Định chán nản hết sức. Nghe lời Ôkô, hắn tưởng mình sẽ được đón tiếp
long trọng, ngờ đâu ... Hắn lắc đầu, gọi nữ tỳ dẫn sang phòng Sĩ Khánh.
Nhưng hành động này không cần thiết, vì chưởng môn Hoa Sơn phái, nghe
tin cánh tay phải của mình về, đã chạy vội ra đón. Sĩ Khánh say mèm,
chân nam đá chân chiêu, mồm lắp bắp:

- Hồ Định đấy ư ? Ta đợi ... đợi ngươi mãi. Lại đi vui thú với con mẹ này bây giờ mới tới chứ gì ? Không sao ... không sao ...

Hắn đến ôm vai Hồ Định nhưng tuột tay ngã xô về phía trước. Hồ Định giơ tay đỡ.

Sĩ Khánh níu vội lấy đầu Hồ Định. Không kịp nữa rồi ! Vuông khăn trên đầu hắn tuột ra.

- Ồ, cái gì thế này ? Sao tóc ngươi mất một mảng thế này ?

Hồ Định luống cuống, giật vuông khăn trên tay Sĩ Khánh quấn vội lên đầu:

- Không có gì ! Không có gì ! Tiểu đệ bị cái nhọt trên đầu phải cắt tóc đi cho dễ tri.....

Mọi người quay lại nhìn, đa số chẳng để ý. Có tiếng hỏi:

- Huynh trưởng đi quyên góp thế nào ? Có thu được khá không ?

- Cũng chẳng được bao nhiêu. Chuyện này sẽ giải thích sau.

- Ha ha ... chắc lại chỉ có cái nhọt mang về làm kỷ niệm ...

Cả bọn phá lên cười. Câu nói đầy châm chọc làm Hồ Định xám mặt. Hắn
chẳng biết nói sao và xem chừng tuy say nhưng bọn này chẳng một ai tin
lời hắn.

Sáng hôm sau, một số môn đệ phái Hoa Sơn tụ họp tại bãi cạnh quán. Họ đã tỉnh hẳn rượu. Mặt ai nấy đều tỏ vẻ nghiêm trọng. Ưng Đằng lên tiếng
trước:

- Thật nhục nhã. Ta không ngờ xảy ra chuyện ấy !

- Đầu đuôi thế nào, xin huynh trưởng thuật lại cho anh em biết.

- Ta không được nhìn tận mắt, nhưng Hoàng Diệp nghe rõ. Hoàng Diệp ! Ngươi nghe thấy những gì, nói lại để anh em cùng biết.

- Dạ dạ ! Sáng nay tiểu sinh dậy sớm, cảm thấy mệt mỏi vì hôm qua thức khuya, uống rượu nhiều ...

- Thôi nhanh nhanh lên, bỏ qua những đoạn không cần thiết ...

- Dạ. Tiểu sinh đi tắm. Đang tắm thì có hai người ăn mặc ra dáng thương
gia bước vào. Họ kể cho nhau nghe những chuyện xảy ra hôm qua trên
thuyền giấy. Hình như có một kiếm sĩ thuộc phái Hoa Sơn ta bị một thanh
niên lạ mặt mặc áo đỏ dùng kiếm hớt đứt mất chỏm tóc trên đầu, vậy mà
kiếm sĩ đó không dám làm gì. Tiêu sinh nghĩ có lẽ đó là đại huynh Hồ
Định.

- Bậy nào ! Ngươi lấy gì làm chắc ?

- Có thể lắm ! Này Hoàng Diệp, ngươi không nói láo đấy chứ ?

- Tiểu sinh đâu dám. Sở dĩ tiểu sinh ngờ như vậy vì một trong hai người còn nói:

“Tay kiếm sĩ kia tự xưng là cao nhân phái Hoa Sơn ở Kyoto. Nếu danh tính hắn đúng thì chẳng hóa ra Hoa Sơn dạo này bạc nhược lắm sao ! Không ngờ phái đó thế mà hữu danh vô thực !”.

Nghe đến đây, bọn đồ đệ phái Hoa Sơn không kềm được tức giận:

- Láo ! Láo ! Phải trị cho thằng đó một trận.

- Cắt tóc nó đi !

- Không ! Cắt tóc không đủ ! Cắt cổ nó !

Nhưng Ưng Đằng đã đứng dậy khoát tay:

- Khoan ! Khoan ! Anh em đừng nóng. Chuyện xảy ra như thế nhưng chúng ta chưa biết có phải kiếm sĩ ấy đích thực là huynh trưởng Hồ Định không ?
Để ta vào hỏi cho ra nhẽ.

Cả bọn theo Ưng Đằng vào quán. Nhưng đến nơi mới biết Hồ Định đã cùng
với Ôkô đi Kyoto từ sớm rồi. Tin này làm cả bọn không còn hoài nghi gì
nữa. Sĩ Khánh còn ngủ, họ không đánh thức. Ưng Đằng được coi như người
thay mặt Sĩ Khánh, cắt đặt mọi việc, chia anh em đổ đi khắp ngả tìm gã
thanh niên áo đỏ.

A Kế Mỹ, áo vén cao, đứng trên bãi cát gần bờ biển chăm chú nhặt vỏ ốc.
Mỗi khi tìm được một vỏ ốc lạ, nàng lại tò mò ngắm nghía hoặc để lên tai nghe. Từ sáng, cứ như vậy, nàng đã nhặt và vất đi hàng trăm con ốc.

Trời mới sang đông, khí hậu ven biển chưa lấy gì làm lạnh lắm. Mặt trời
đã lên cao, nước biển xanh biếc, sóng nhè nhẹ vỗ vào ghềnh đá tung bọt
trắng như những cánh hoa mai trước gió. Trên bãi vắng, một mình A Kế Mỹ
trong bộ áo trắng, nhỏ bé trước cảnh bao la của trời nước, chẳng khác gì một con hạc khờ dại lạc bầy từ cảnh tiên nào đậu xuống.

Một môn sinh Hoa Sơn đi qua, thấy A Kế Mỹ, vội dừng lại:

- A Kế Mỹ ! Làm gì ngoài bãi sớm thế ?

- Tiểu nữ ... tiểu nữ tìm vỏ ốc.

- Tìm vỏ ốc ? Đằng kia thiếu gì mà phải tìm ở đây ?

- Không. Vỏ ốc đặc biệt chỉ vùng Sumiyoshi này mới có.

- Gì mà quý thế ?

- Vỏ ốc lú.

Gã kia ngạc nhiên mở to mắt:

- Vỏ ốc lú ? Vỏ ốc lú là cái gì ?

- Là một thứ vỏ ốc khi người ta để vào tai nghe hay giữ trong mình thì quên được hết mọi sự.

Gã cười ha hả:

- Cô này điên rồi ! Vô tâm như cô chưa đủ hay sao mà còn đi tìm vỏ ốc lú ?

A Kế Mỹ lắc đầu cười gượng gạo:

- Tiểu nữ không điên, nhưng có những lúc muốn quên. Thế còn khách quan, khách quan đi đâu vội thế ?

- À, ta đi tìm một người.

- Tìm làm gì ?

- Tìm để trả hận.

A Kế Mỹ quay đi. Nàng không quan tâm đến sự tranh chấp của đàn ông mà
nàng cho là tàn bạo, ích kỷ, ngoại trừ một người. Khi nghĩ đến người ấy, lòng nàng không khỏi rung động. Hình bóng người ấy luôn lởn vởn trong
trí và trong những giấc mơ làm nàng bồi hồi không muốn tỉnh. Đôi lúc,
bên những cuộc truy hoan của khách lạ tại quán Vân Nghê, nàng cũng muốn
quên hết đi để nghĩ đến tương lai. Nàng tin rằng người nàng yêu mến
không biết, hay chẳng quan tâm gì đến mối tình của nàng cả. Mối tình vô
vọng ấy nàng thật tình muốn quên nhưng không sao quên được. Nếu quả có
vỏ ốc lú, nàng sẽ sung sướng bao nhiêu khi tìm được nó.

Gã môn sinh Hoa Sơn nhìn nét mặt âu sầu của A Kế Mỹ không khỏi ái ngại. Thấy nàng không nói gì thêm, gã lặng lẽ bỏ đi.

A Kế Mỹ lơ đãng nhìn ra xa, khe khẽ ngâm bài thơ quen thuộc:

Nữ la, chàng là cỏ Thổ ti, thiếp làm hoa Cành mềm không đi nổi Nghiêng
theo gió xuân qua, Nương mình thông trăm trượng Quấn quít nên một nhà Ai rằng dễ gặp mặt Núi biếc cách chia xa Nhìn nước biển trong xanh và sâu
thẳm, A Kế Mỹ tưởng như đó là nguồn an ủi, sự giải thoát. Nàng trừng
trừng nhìn những đợt sóng hiền hòa vỗ nhè nhẹ như ru vào ghềnh đá. Đứng
trên ghềnh này, chỉ một cử động thôi, một cử động nhỏ, dễ dàng quá, nàng sẽ nằm trong lòng biển xanh, sóng yêu đương ru nàng vào một giấc mộng
êm đềm không bao giờ dứt.

Tiếng chân người và tiếng gọi đột nhiên lôi A Kế Mỹ trở về thực tại.

- A Kế Mỹ ! A Kế Mỹ ! Đại ca đang chờ nàng đấy. Ra đây làm gì vậy ?

A Kế Mỹ giật mình, theo chân ả nữ tỳ trở về phòng trọ.

Bốn bề yên lặng. Gió sớm xào xạc trên cành thông. Đôi chim sâu lích
chính trong bụi rậm trước cửa sổ. Sĩ Khánh ngồi một mình trong phòng,
bên chiếc lò sưởi vừa nhóm.

Sau giấc ngủ vừa qua, hắn thấy trong người khỏe khoắn lạ thường, nhìn A Kế Mỹ bước vào, âu yếm hỏi:

- Buổi sáng lạnh, nàng ra ngoài làm gì thế ?

- Tiểu nữ không thấy lạnh. Ngoài bãi, nắng đẹp và ấm lắm.

- Nàng ra bãi làm gì ?

- Tiểu nữ tìm vỏ ốc.

Sĩ Khánh mắng yêu:

- Nàng làm như còn trẻ con lắm !

- Thì tiểu nữ vẫn là trẻ con.

- Đến tháng chạp này, nàng bao nhiêu tuổi biết không ?

- Tiểu nữ không để ý. Tiểu nữ vẫn tự thấy là còn trẻ con, có hại gì đâu ?

- Hại lắm chứ ! Nàng đã lớn rồi, phải nghĩ đến tương lai, như mẹ nàng muốn.

- Mẫu thân tiểu nữ ? Bà có nghĩ gì đến tiểu nữ đâu, bà vẫn tưởng bà còn trẻ.

- Nàng ngồi xuống đây.

- Xin khách quan tha lỗi. Trong phòng nóng quá, cho phép tiểu nữ ra sân.

- A Kế Mỹ !

Sĩ Khánh sẵng giọng, nắm cổ tay A Kế Mỹ kéo xuống.

- Hôm nay chỉ có mình ta với nàng. Mẹ nàng đi Kyoto rồi.

A Kế Mỹ nhìn đôi mắt đỏ ngầu của Sĩ Khánh. Nàng cong người vùng vẫy cố
kéo ra, nhưng bàn tay Sĩ Khánh cứng như sắt chỉ làm cổ tay nàng đau
thêm.

- Sao nàng tìm cách trốn ta ?

- Tiểu nữ không trốn.

- Sáng nay không có ai ở quán. Cơ hội tốt như thế này ...

- Cơ hội gì ?

- Nàng đừng có giả vờ. Có đến hơn năm nay rồi, ta với mẹ con nàng quen nhau.

Nàng thừa biết lòng ta đối với nàng ra sao rồi, mà mẹ nàng cũng đồng ý.
Mẹ nàng thường bảo tại ta vụng. Hôm nay xem ta có vụng không !

- Bỏ ra !

- Nàng thật không ưng ta phải không ?

- Bỏ ra, không ta kêu lên bây giờ !

Sĩ Khánh cười gằn, chua chát:

- Kêu đi ! Kêu đi ! Không có ai ở quán cả ! Ta đã ra lệnh không ai được làm rộn.

A Kế Mỹ vùng vẫy, tay đấm chân đạp.

- Bỏ ra, bỏ ta ra ! Ta không bằng lòng, để ta đi ...

- Không được.

- Thân ta không thuộc về khách quan.

- Á à ... Nàng lầm ! Hỏi mẹ nàng xem. Ta đã trả tiền ...

- Mẹ ta bán ta, nhưng ta không chịu bán thân ta. Nhất là cho một tên hèn hạ đáng khinh như ngươi !

- Hỗn ! Nàng hỗn !

Sĩ Khánh giật sấp A Kế Mỹ xuống sàn, lấy chăn trùm kín. A Kế Mỹ kêu như
điên dại, nhưng những tiếng kêu chỉ còn là những tiếng ú ớ tắc nghẹn.

- Kêu đi ! Kêu to nữa đi ! Không ai đến cứu nàng đâu !

Sĩ Khánh đè lên mình A Kế Mỹ.

Bên ngoài, cảnh vật vẫn điềm nhiên. Nắng sớm vô tình chiếu bóng cành
thông lay động bên song cửa sổ. Xa xa, tiếng sóng biển rì rào đưa lại
cùng với tiếng chim gáy hót sau nhà.

Sĩ Khánh bước vào phòng tắm, mặt tái xanh, tay trái giơ cao, những vết
móng tay cào trên da còn rướm máu. Bỗng cửa phòng mở toang rồi đóng đánh rầm, bóng A Kế Mỹ chạy vụt ra ngoài. Sĩ Khánh kêu một tiếng khẽ, nhảy
tới cản nhưng không kịp nữa. Hắn đưa mắt nhìn theo, trên môi nở nụ cười
đắc thắng, nụ cười bằng lòng của một con thú vừa được thỏa mãn.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!