Thạch Đạt Lang đi bộ dọc theo bờ
sông, lững thững hướng về phía Kyoto. Hắn nghĩ tới lời cha dặn. Cho đến
lúc chết, cha hắn, ông Mưu Ni Sai luôn luôn nhắc hắn phải ghi nhớ công
nghiệp hiển hách của tiền nhân. “Ta tuy chỉ là kiếm sĩ quê mùa ở một
làng hẻo lánh miền chân núi, nhưng con chớ quên con thuộc dòng dõi Yết
Mân, một dòng dõi đã từng nêu nhiều chiến tích anh dũng và góp phần xây
dựng nên xứ sở này. Con nên tự hào về công nghiệp ấy và phải cố noi
theo”.
Những lời trối trăn ấy của cha lúc lâm chung còn như vang vọng bên tai
Thạch Đạt Lang vừa bùi ngùi vừa cảm khái. Lại nghe nói tại ngã ba sông
Kogawa, chỗ hợp lưu của hai dòng suối lớn trước khi đổ vào đại hà chảy
ra biển, còn lưu lại di tích một căn nhà và một ngôi cổ miếu. Căn nhà
này thuộc dòng họ Yết Mân do tổ phụ hắn dựng lên đã lâu đời, có đến hàng mấy trăm năm trước.
Tiện dịp qua đây, hắn muốn viếng thăm cảnh cũ để biết thêm về nguồn gốc
của mình, xem những di vật của tiền nhân và vào miếu thắp hương tưởng
niệm. Nhưng đến nơi chẳng thấy nhà cửa gì. Hỏi thăm, không ai rõ. Có lẽ
nhà xưa, miếu cũ, không chịu nổi sự tàn phá của thời gian, đã sụp đổ
rồi; người ta dọn dẹp cày bừa san bằng thành ruộng.
Sự thay đổi sao mà nhanh chóng quá ! Cả một quá khứ oai hùng tan đi
không dấu vết. Còn lại, họa chăng chỉ mình hắn, kẻ thừa kế độc nhất và
cô đơn của một dòng họ bị quên lãng.
Thạch Đạt Lang tần ngần đứng nhìn dòng nước chảy miên man. Rồi thất
vọng, hắn bỏ đi, tiếp tục men theo đường ven sông đến khu ngoại thành,
không chủ đích.
Lững thững tản bộ trên những con đường ngoại ô vắng vẻ, Thạch Đạt Lang
đảo mắt nhìn quanh. Rặng liễu trông bên con lạch nhỏ thưa dần. Thay vào
đấy, một vài căn nhà gỗ ẩn hiện sau những mảnh vườn xinh xắn bên hàng
dậu xanh hoặc sau những cây tùng thấp lè tè thân uốn éo như trong tranh
vẽ.
Đến gần một gốc liễu to mọc trên bờ lạch, rễ xù xì bò ngoằn tựa đàn rắn, Thạch Đạt Lang tháo hành trang ngồi nghỉ.
Cuối xuân, lá liễu dài xanh biếc rủ xuống trước mặt như tấm mành. Cơn
gió thoảng qua, mành liễu rung động. Một mình ngồi không biết làm gì,
hắn phóng kiếm cắt từng lá liễu, trước chậm sau mau, rồi xoay cườm tay
hươi kiếm ngược lên chẻ đôi nhành liễu. Bất giác hắn nghĩ đến chiêu
“hiết liễu kiếm”, một chiêu kiếm được truyền tụng trên giang hồ, do một
cao thủ phát huy và khai triển. Nếu quả thật có chiêu kiếm như vậy thì
cũng đáng công nghiên cứu lắm, vì nếu ta coi những nhành liễu rung động
kia là kẻ địch bao vây tứ phía thì chẻ đôi chúng ra đúng lúc mà chính
xác chẳng phải dễ dàng gì. Hắn tự hứa có dịp sẽ tìm hiểu rõ hơn về chiêu thức ấy và người đá phát minh ra nó.
Nhìn con lạch nông, nước lờ đờ chảy dưới chân, Thạch Đạt Lang ngạc nhiên.
Nước con lạch như phân đôi ra hai luồng, bên trong bên đục. Hắn đồ chừng phía thượng nguồn có người làm nghề phiếu lụa hoặc mài kiếm nên xả nước đục ra như vậy.
Đang phân vân, bỗng thấy một bà lão đi qua. Hắn nhận ra thân mẫu Cổ Huy
Đạo, nhà luyện kiếm đã gặp và cùng uống trà trên đồng Đại Tỉnh ngày nào. Vừa hay, bà cụ cũng nhận ra hắn. Bà mừng rỡ kêu lên:
- Ồ tráng sĩ ! Hân hạnh quá ! Chắc tráng sĩ đương muốn tìm ngõ Kim Phong ?
Bà tưởng Thạch Đạt Lang muốn đến thăm bà và Cổ Huy Đạo, nên không để cho hắn kịp đáp, bà tiếp ngay:
- Tệ xá cũng gần đây thôi. Mời tráng sĩ theo lão.
Trước sự ân cần ấy, hắn không muốn và cũng chẳng có lý do gì từ chối,
bèn cúi đầu cảm ơn rồi vui vẻ đeo hành trang lên vai theo bà cụ.
Trại Kim Phong bên ngoài trong khiêm nhượng, nhưng bên trong càng vào
sâu càng rộng. Ngay cổng vào là một khu vườn trồng toàn trúc xanh, tùng
biếc lẫn với những hàng phong, cành dày chi chít đan nhau như một khu
rừng nhỏ. Bấy giờ, trên cành, lá non mới nhú, nhưng theo lời bà cụ, đến
mùa thu lá phong rực rỡ ánh lên dưới nắng, trông chẳng khác gì rắc vàng. Bởi thế mới có tên “Kim phong hạng” (ngõ phong vàng) và chủ nhân trại
còn được gọi là Kim Phong tiên sinh.
Trong trại có nhiều nhà, chia thành từng khu vực thuộc gia đình Cổ Huy
Đạo và gia đình các biểu huynh, biểu đệ Ông. Họ quây quần với nhau, cùng làm nghề đúc và mài kiếm.
Một con suối từ chân núi chảy sát khuôn viên, Cổ Huy Đạo lợi dụng tiện
nghi ấy, khơi thêm nhiều mạch nước dẫn quanh co khắp trại. Mạch dùng lấy nước pha trà, mạch dùng nấu ăn tắm giặt, mạch dùng cho lò luyện kiếm.
Kiến thức luyện kim của Cổ Huy Đạo thâm diệu, kinh nghiệm của ông ít
người bì kịp, ông lại có tài tổ chức, nên tuy khách đặt hàng nhiều mà
ông vẫn đủ thì giờ rảnh rỗi, lúc uống trà, khi ngắm cảnh, đọc sách. Cũng như phần đông các nhà kỹ nghệ và thương gia đương thời, ông xuất thân
từ một gia đình kiếm sĩ. Trong cuộc tranh chấp sứ quân, vì không muốn
đứng hẳn về phe phái nào, một số kiếm sĩ đã rửa tay treo kiếm, theo
đường doanh nghiệp. Riêng Cổ Huy Đạo chọn kỹ thuật luyện kim và chuyên
hẳn về ngành đúc kiếm.
Lẽ dĩ nhiên, làm nghề tự do thì địa vị xã hội không được bằng địa vị
kiếm sĩ, nhưng cuộc sống đỡ bấp bênh và nguồn lợi dồi dào hơn. Vả nhờ
tại học và tiền bạc, đám thương gia tuy không nắm được những địa vị then chốt, lại rất có thế lực và được trọng nể.
Thấy mẹ dẫn Thạch Đạt Lang vào, Cổ Huy Đạo chạy ra nghênh tiếp. Hàn huyên xong, ông tạ khách:
- Tráng sĩ thứ lỗi. Lão phu hiện đương bận trông thợ đúc một thanh kiếm
đặc biệt nên xin để mẫu thân hướng dẫn tráng sĩ đi xem trang trại. Xin
tráng sĩ cứ tự nhiên, chiều nay xong, ta tha hồ chuyện phiếm.
Lời nói của Cổ Huy Đạo thành thật, khách dù dễ mếch lòng đến đâu cũng không thể giận.
Thạch Đạt Lang theo Cổ lão bà, đi một vòng quan sát xưởng đúc kiếm,
xưởng nung đồ gốm, thư khố, phòng làm sơn mài. Hắn rất thích thú, không
ngờ danh bất hư truyền, Cổ Huy Đạo là người đa tài mà ngành gì ông cũng
tỏ ra xuất sắc.
Bà cụ còn pha trà, làm bánh, vừa làm vừa trò chuyện với hắn, coi hắn như người nhà. Trong bầu không khí cởi mở ấy, hắn thấy dễ chịu vô cùng.
Những lời thân mật đầm ấm của Cổ lão bà gây trong lòng hắn một cảm giác
yên vui, cái cảm giác hắn chỉ có xưa kia khi còn ở bên cạnh mẹ và chị.
Thấm thoắt đã bốn ngày trôi qua, Thạch Đạt Lang ở trại Kim Phong. Ban
ngày sau buổi tập dượt sáng, hắn ưa ra vườn tản bộ, vào thư khố đọc sách hoặc có khi đến xưởng luyện kim xem xét và đàm luận kiếm học với Cổ Huy Đạo. Kiến thức của hắn vì thế cũng phong phú thêm, và điều làm hắn sảng khoái hơn cả là luôn luôn hắn có sự quân bình về tinh thần với thể
chất.
Nhưng sợ Ở lâu không tiện, Thạch Đạt Lang ngỏ ý cáo từ. Thì Cổ Huy Đạo đã khoát tay ngăn lại:
- Trạng sĩ chẳng nên làm thế, phụ lòng hiếu khách của lão phu. Nếu tráng sĩ ở đây thấy buồn, muốn ra đi, lão phu chẳng dám giữ. Nhưng nếu không
chê nơi này hủ lậu, xin lưu lại ít lâu nữa. Trên kệ thư phòng còn nhiều
sách đáng đọc. Vài ngày nữa, lão phu lại định nung đôi cái bát sành để
thử nghiệm chất men mới chế. Tráng sĩ ở lại mà xem.
Nặn đồ gốm cũng thú vị đáo để, chẳng kém gì rèn kiếm. Nếu muốn, tráng sĩ cũng nên làm vài cái cho vui.
Ai mà có thể từ chối những lời mời mọc chí tình đến thế ? Thạch Đạt Lang chỉ còn biết cúi đầu vâng lệnh.
Trong thư phòng treo nhiều tranh đẹp, cổ họa thời Kamakura, liễn mang
thủ bút của Vương Hi Chi đời Tấn. Có một bức, Thạch Đạt Lang ngắm mãi
không chán. Bức tranh nhan đề “Hạt dẻ” do Tống Lương Khải vẽ. Nó nhỏ
thôi, chỉ bằng cái mặt bàn thấp, giấy cũ, có lẽ trước đây màu vàng nhưng bây giờ đã thành nâu sẫm. Nhưng Thạch Đạt Lang thích quá chừng, gần như bị mê hoặc. Hắn nói với Cổ Huy Đạo:
- Tiền bối vẽ tranh, chưa chắc mấy người được bằng. Riêng tại hạ, chỉ
mong sao có được những nét bút đơn giản như trong tranh này mà thôi.
Cổ Huy Đạo cười:
- Lão phu lại nghĩ khác. Tranh lão phu, ai học cũng có thể vẽ được, miễn tập cho thuần. Nhưng riêng nét bút của Tống Lương Khải thì khác lắm.
Tập không được mà phải có thiên phú. Nét vẽ Tống Lương Khải sinh động vô cùng mà ý tưởng thâm trầm, dùng kỹ thuật không, không đạt được.
Thạch Đạt Lang xem lại bức tranh. Trên tranh vẽ một con sóc trầm ngâm
nhìn hai trái hạt dẻ, một trái còn nguyên vỏ, một trái vỏ đã nứt đôi để
hở nhân bên trong. Con sóc dáng sợ hãi, phân vân. Nỗi băn khoăn của nó
lộ trên đôi mắt đen nhánh, đôi chân trước chụm vào nhau và cái đuôi dựng ngược. Bộ lông mềm gió tạt sang bên. Tất cả những ý đó được thể hiện
bằng vài nét thủy mặc đơn sơ, thoạt trông thì ngây ngô, nhưng càng nhìn
càng linh hoạt và buộc người xem phải suy nghĩ về ý nghĩa tác giả muốn
phô diễn.
Thạch Đạt Lang gật gù:
- Tiền bối nói rất phải !
Hôm sau, Cổ Huy Đạo vào thư phòng, lại bắt gặp hắn đang ngồi trước bức tranh ấy. Ông cười:
- Vẫn còn mê bức tranh của Tống Lương Khải ? Có vẻ tráng sĩ thích họa
phẩm này lắm ? Vậy lão phu xin tặng đấy, khi nào đi thì cuốn lại mang
theo.
Thạch Đạt Lang phản đối:
- Tiền bối nói đùa. Đây là một tác phẩm vô giá, không chừng là vật gia bảo, tại hạ đâu dám vô lễ thế.
Nhưng Cổ Huy Đạo nghiêm trang:
- Lão phu nói thật. Tráng sĩ thích thì cứ lấy. Thực ra lão phu còn nhiều tranh khác.
Tranh phải để cho người thích thưởng ngoạn nó sở hữu mới đúng. Lão phu chắc họa sĩ khi vẽ tranh này cũng muốn thế.
- Vậy tại hạ lại càng không nên lấy - Hắn cười - thích thì có thích
nhưng thì giờ đâu mà ngắm và treo ở đâu mà ngắm ? Tại hạ chỉ là một lãng tử nay đây mai đó, chẳng biết đâu là định sở, đến thân này còn không
chắc bảo toàn được thì một họa phẩm quý giá như tranh kia mang đi càng
thêm bận !
Cổ Huy Đạo thở dài ảo não:
- Có lẽ tráng sĩ chẳng muốn điều gì hệ lụy. Ở tuổi tráng sĩ, chắc cũng
chẳng muốn có nhà làm gì, nhưng theo ý lão phu, ai cũng nên có một chỗ ở riêng biệt, dù đó chỉ là một túp lều. Không có nó, ta sẽ cảm thấy trơ
trọi, như bị ruồng bỏ. Sự trơ trọi về vật chất cũng có thể dồn ta vào sự cô đơn tinh thần đấy ...
- Tại hạ chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy. Ước mong của tại hạ là được đi
đây đi đó, khắp nơi trên xứ sở này, ngủ dưới bóng cao sơn, nằm trên bờ
đại hải, trau dồi kiếm đạo và khi cần, đem chút tài mọn của mình ra giúp người cô thế. Có lẽ trong thâm tâm, tại hạ chỉ muốn làm một kẻ suốt đời phiêu lãng.
- Cũng là thường tình ! Tuổi trẻ nào mà chẳng vậy. Nhưng không nên tưởng rẳng giấc mơ của mình chỉ thực hiện được ở những vùng xa xôi, chân trời góc bể. Nếu nghĩ như thế, ta sẽ xao lãng việc giải quyết ngay những vấn đề trước mắt. Đa số thanh niên đều có những ý tưởng không thực tế, lão
phu sợ rằng vì thế mà khi thất bại, họ bất mãn với cuộc sống.
Rồi Cổ Huy Đạo cười ha hả:
- Lão phu e đã lạm bàn mất rồi ! Thôi ta quên chuyện ấy đi. Hôm nay lão
phu đến đây là có ý muốn mời tráng sĩ đi giải sầu một chút.
- ... ?
- Tráng sĩ đã đến kỹ viện bao giờ chưa ?
- Kỹ viện ở ngoại ô thành Kyoto này ư ?
- Phải. Lão phu có người bạn tên Hải Chính Hành. Ông ta đã có tuổi nhưng tính tình còn trẻ trung ưa đùa cợt. Mới nhận được thư ông ấy hẹn tối
nay xuống xóm Rokyjo.
Tráng sĩ đi không ?
- Không, tại hạ không hứng.
- Nếu tráng sĩ không muốn đi, lão phu chẳng ép. Nhưng thiển nghĩ chỗ đó cũng có cái hay.
Cổ lão bà mới bước vào, nghe chuyện, lên tiếng:
- Sao không đi ? Đi đi chứ ! Đi cho biết những điều mình chưa biết ! Hải Chính Hành vui vẻ cởi mở nhưng phong nhã, không làm tráng sĩ thất vọng
đâu !
Giọng bà vừa như thúc giục vừa như bắt buộc. Bà sang phòng bên mở tủ lấy hai ba chiếc kimono khác nhau kèm theo thắt lưng hợp với màu áo mang
sang. Thường thì các bậc già cả không muốn con cháu mình đến vui chơi ở
những nơi trà đình, kỹ viện, nhưng Cổ lão bà khác hẳn, lại có vẻ hân
hoan. Bà háo hức hỏi:
- Nào, mấy màu này tráng sĩ thích màu nào ? Cái này được không ?
Thạch Đạt Lang lúng túng:
- Vì lão bá và tiên sinh đã muốn, tại hạ không dám trái ý. Nhưng xin cứ
để cho vận y phục cũ. Tại hạ quen rồi, mặc thế này thoải mái hơn.
- Không được ! Tráng sĩ thấy thoải mái, nhưng phải nghĩ đến người khác nữa chứ.
Trong chốn ăn chơi như thế, phải làm như mọi người. Ai đến đó cũng là để quên những điều buồn bực, họ muốn mọi thứ xung quanh đều đẹp mắt, vui
tai. Không ai muốn thấy những gì luộm thuộm. Tráng sĩ đừng cho đây là
một sự giả trá để che đậy giấu diếm con người thật của mình. Vả lại,
những bộ quần áo này có gì là diêm dúa ? Chỉ sạch và đứng đắn thôi.
Tráng sĩ mặc vào cho lão coi thử.
Khi Thạch Đạt Lang ở phòng ra, Cổ lão bà cười hớn hở. Bà nghiêng cổ ngắm nghĩa, đi quanh hắn một vòng rồi nói:
- Được lắm. Trông điển trai lắm rồi !
Bà đưa hắn một cây kiếm vỏ nạm ngọc, một cái túi gấm đựng mấy đồng tiền
vàng và bỏ vật gì vào tay áo hắn không rõ. Đoạn đẩy hắn ra cửa.
Cổ Huy Đạo thắp hương trên bàn thờ tổ, vái mấy vái rồi cũng ra theo. Cổ lão bà tiễn chân hai người đến tận sân.
Ngoài hiên, họ xỏ chân vào dép mới do Cổ lão bà để sẵn và gọi gia nhân
ra chờ đóng cổng. Tên gia nhân đến gần lão bà nói nhỏ. Bà giật mình
ngước mắt nhìn Cổ Huy Đạo.
- Có chuyện gì vậy thưa mẫu thân ?
- Có ba người ăn mặc theo lối kiếm sĩ đứng chờ ở đầu cổng. Liệu đáng ngại gì không ?
Cổ Huy Đạo nhìn Thạch Đạt Lang có ý hỏi. Hắn đáp:
- Không sao. Chắc họ Ở võ đường Hoa Sơn. Có thể họ chờ tấn công tại hạ, nhưng tiên sinh thì không can gì. Để tại hạ ra trước.
Tên gia nhân nói thêm:
- Lúc nãy, một trong ba người có hỏi dò tiểu nhân về Thạch tráng sĩ ...
Cổ Huy Đạo nhướng lông mày:
- Thế ngươi bảo sao ?
- Dạ, theo lệnh chủ nhân, tiểu nhân đáp ở đây không có ai tên vậy. Hắn
tỏ vẻ giận dữ thì một kẻ trong bọn vội kéo ngay hắn đi, vừa đi vừa bàn
với nhau những chuyện gì không rõ.
Thạch Đạt Lang đề nghị:
- Vậy để tại hạ đi sau một quãng. Nếu xảy ra chuyện gì liên luỵ đến tiền bối, tại hạ thật ân hận lắm !
Nhưng Cổ Huy Đạo gạt ngang:
- Khách sáo ! Tráng sĩ đừng quan tâm. Bọn đệ tử đường Tân Hổ ấy, lão phu chẳng coi vào đâu đâu ! Thôi ta đi kẻo trễ.
Trời về chiều còn sáng. Cả hai thong dong trên đường nhỏ, men theo lạch
nước đến bờ sông chẳng gặp chuyện gì bất trắc. Gió xuân nhẹ mơn man. Mặt nước gợn sóng lăn tăn phản chiếu ráng chiều tím nhạt, hàng liễu xanh
biếc, rủ lá tha thướt ven sông, thanh bình và diễm lệ. Cảnh trí tươi mát gây lòng khoái hoạt, Cổ Huy Đạo hát một bài, liên tưởng đến Hải Chính
Hành, con người lúc nào cũng vui vẻ cợt đùa như cánh nhạn mùa xuân. Bèn
hỏi người bạn trẻ:
- Tráng sĩ nghe danh Hải Chính Hành bao giờ chưa ?
- Chưa. Chỉ mới được tiền bối cho biết lúc nãy. Vị đó thân thế ra sao ?
- Ông ta là bạn của lão phu, tính tình phóng khoáng không câu chấp. Lại ưa đùa cợt và sính làm thơ nữa.
- Ồ ! Vậy ra là một thi sĩ ?
Cổ Huy Đạo mỉm cười:
- Gọi như vậy cũng được, nhưng ông ta không sống bằng nghề cầm bút. Ông
ta xuất thân từ một gia đình buôn bán và cũng làm nghề ấy. Nói cách
khác, ông ta là lái buôn !
- Cái tên Hải Chính Hành không mang nghĩa đó. Chính hành là làm việc chính đính, hành vi của người quân tử ...
- Thì ai cũng nghĩ thế, nhưng hành đây là hành thương. Âu cũng là tiền
định. Tổ phụ Ông mang hàng hóa đi bán đây đó và đặt cho ông tên ấy. Ông
giữ nghiệp cũ, gặp cơ may, phất lên và tích lũy được một gia sản khá
lớn. Bây giờ ông thôi không hoạt động thương mại nữa, mặc cho con cái tự ý điều khiển cơ nghiệp, lui về làm thơ, chơi cây cảnh. Gần đến nhà ông
ta rồi đấy. Cái cổng đá lớn bề thế kia chính là cổng nhà Hải Chính Hành.
Mãi trò chuyện với Cổ Huy Đạo, Thạch Đạt Lang không ngờ có bọn chừng bốn năm người, y phục ra dáng kiếm sĩ đi xa xa phía sau theo dõi. Ngẫu
nhiên ngoảnh lại hắn mới để ý bọn họ chạy nấp vào gốc liễu. Gió chiều
bỗng trở lạnh và ẩm. Phía đông, mây đen từng đám đùn lên báo hiệu một sự thay đổi thời tiết đột ngột. Áo hai người bộ hành bay phần phật. Thạch
Đạt Lang ngạc nhiên thấy tay áo bên trái của hắn không nhẹ nhàng tung
bay như tay áo bên phải. Nó nặng nề dường như có đựng vật gì ở trong.
Hắn thò tay vào áo lấy ra một sợi dây da thuộc màu nâu mềm, thứ dây da
các kiếm sĩ vẫn dùng để buộc cửa tay trước khi lâm chiến. Hắn sực nhớ
đến Cổ lão bà khi trao áo cho hắn, đã bỏ vật gì vào đó. Chắc là cái này
đây. Chỉ có bà mới tế nhị như thế. Lòng yêu thương và sự ân cần của bà
khiến hắn cảm động. Nhìn Cổ Huy Đạo, ông vẫn điềm nhiên trò chuyện,
Thạch Đạt Lang quay lại phía sau mỉm cười bâng quơ với những kẻ theo
dõi.
Đến trước nhà Hải Chính Hành, Cổ Huy Đạo gọi cổng. Một tiểu bộc tay còn
cầm cái chổi bước ra, mời vào. Ông theo tên bộc đi một quãng ngắn, bỗng
có cảm giác khác lạ, quay lại thấy Thạch Đạt Lang đang bị bốn kẻ lạ mặt
bao vây. Ông dừng lại gọi.
- Tiên sinh cứ đi trước, đừng chờ. Tại hạ theo vào ngay đây !
Cổ Huy Đạo nhíu mày. Nhưng nhìn Thạch Đạt Lang, ông chỉ đáp gọn:
- Vậy lão phu đợi tráng sĩ trong nhà. Khi dàn xếp xong việc riêng, xin cứ đi thẳng vào đại sảnh.
Bọn kia gườm gườm nhìn vóc dáng cao lớn của nhà kiếm sĩ trẻ tuổi.
- Các ngươi là ai, muốn gì ?
Thạch Đạt Lang điềm tĩnh hỏi.
Một kẻ nói:
- Phải chăng ngươi là Thạch Điền Đạt Lang ở Miyamoto ?
- Phải.
- Ta là Hạ Nguyên Cát, phái Hoa Sơn. Chúng ta đến gặp ngươi không có ý
định thù nghịch, chỉ muốn trao cho ngươi phong thư của Hoa Sơn thiếu
gia.
Đoạn đưa một cuộn giấy niêm sẵn.
Thạch Đạt Lang đón cuộn giấy, đôi mắt sắc như mắt chim ưng không ngớt dò xét bốn kẻ đứng vây quanh và tay không rời đốc kiếm. Hắn bật niêm, mắt
liếc nhanh trên những cột chữ lớn rồi gật đầu:
- Được lắm !
- Ngươi phúc đáp ngay để ta về bẩm với thiếu gia.
- Dĩ nhiên ta nhận.
- Ngươi nhận ? Chắc không ?
Thạch Đạt Lang quắc mắt:
- Ngươi cho là chuyện này là đùa chăng ?
Thái độ Thạch Đạt Lang làm Hạ Nguyên Cát không nghi ngờ gì nữa. Gã thêm:
- Ngươi nên biết từ bây giờ đến lúc ấy chẳng còn bao lâu ...
- Ta sẵn sàng ! Ngay bây giờ cũng được !
- Vậy tốt ! Tối nay cuối giờ tuất, Hoa Sơn thiếu gia sẽ gặp ngươi tại cổng này.
- Không được ! Ta không muốn làm phiền những người bạn tốt trong nhà này. Vả chăng, ta cũng sắp đến xóm Rokyjo giải trí.
Hạ Nguyên Cát ngạc nhiên:
- Xóm Rokyjo ?
Nhưng Thạch Đạt Lang đã điềm nhiên đi thẳng qua cổng. Câu nói sau của môn đệ Hoa Sơn chỉ làm hắn mỉm cười.
- Nếu ngươi sai hẹn hay bỏ trốn, đừng mong trở lại Kyoto này nữa !
oo Tư thất của Hải Chính Hành là một thế giới khác biệt hẳn với thế giới xô bồ náo nhiệt ở đô thị. Lối đi từ cổng vào đến tiền đình trải toàn
một thứ đá vân đen, xếp đặt công phu nhưng lại có một vẻ tự nhiên như đã được tạo hoá tình cờ đặt lên đó. Hai bên lối đi là những hàng trúc đằng ngà thân thẳng và cao cắt tỉa gọn ghẽ xen lẫn với những bụi trúc đen
lùn, lá reo xào xạc mỗi khi gió thổi. Rặng thông cổ thụ xanh um làm bối
cảnh phía sau khiến lối đi quanh co càng thêm mát và u tịch. Đi trong
khuôn viên một tư thất mà Thạch Đạt Lang có cảm tưởng lạc vào một trang
viện hay một ngôi chùa cổ kính nào. Mái nhà đại sảnh hơi cong lợp ngói
men xanh như bềnh bồng trôi trên những tàn lá. Thật là chỗ ở thần tiên
của một cư sĩ giàu có mà sự mưu sinh không còn là một vấn đề phải quan
tâm nữa.
Tự sân sau, vang lên những tiếng kêu “bộp bộp” của vợt gỗ đánh vào quả
cầu vải trong một trò chơi mới tên là Kemari, được du nhập rất gần đây
trong giới quý tộc. Thạch Đạt Lang nghĩ, thương gia Hải Chính Hành cũng
chơi trò này tất có nhiều liên hệ với giới ấy.
Trong nhà đã lên đèn. Tiểu bộc dẫn khách vào đại sảnh. Nữ tỳ mang trà bánh để lên cái kỷ trước mặt hắn và Cổ Huy Đạo.
- Trời lại trở lạnh nhỉ !
Cổ Huy Đạo định đứng lên khép cửa, nhưng thấy Thạch Đạt Lang mãi ngắm
nhìn cành mai nở muộn ngoài song nên lại thôi. Ông nhìn ra ngoài:
- Mây đen phủ kín đỉnh Hoài Sơn rồi. Mà gió bấc thổi cũng dữ. Tráng sĩ không lạnh à ?
Thạch Đạt Lang cười hồn nhiên:
- Không, tại hạ không lạnh. Nhưng cành mai ngoài kia không khéo gió làm rụng mất !
Người nhà mang lò sưởi tói và khép cửa. Không khí ấm hẳn lên, Thạch Đạt
Lang cảm thấy thoải mái như khi còn ở nhà Cổ Huy Đạo. Hắn không đả động
gì đến chuyện vừa qua mà ông bạn vong niên của hắn cũng không hỏi. Lúc
sau, giọng oang oang của chủ nhân đã từ ngoài hiên vọng vào:
- Kim Phong tiên sinh đã đến đấy ư ? Đệ chờ mãi.
Hải Chính Hành bước vào giơ tay khép cửa. Thấy Thạch Đạt Lang, ông bỗng khựng lại xin lỗi.
- Lỗi về phần ngu đệ đã không thông báo trước.
Cổ Huy Đạo nói.
Nhưng chủ nhân đã khoát tay và với giọng tự nhiên, vồn vã, ông quay sang hỏi ngay Thạch Đạt Lang:
- Tráng sĩ là bạn của Kim Phong tiên sinh thì cũng như bạn của lão phu, đừng nề hà gì. Xin cho biết quý danh tính.
Cổ Huy Đạo đỡ lời:
- Tráng sĩ đây là Thạch Điền Đạt Lang, họ Yết Mân, quán ở Miyamoto. Cũng có liên hệ với Mã Xuyên trong phủ ngày trước.
Hải Chính Hành gầy như hạc, tóc bạc phơ, vóc dáng còn khỏe mạnh nhanh nhẹn.
Ông nói cười sang sảng, giọng ấm và thân mật, không như giọng Cổ Huy Đạo, ôn nhu và hơi kéo dài.
- Ồ thế ư ? Lão phu cũng có biết ông Mã Xuyên khi còn phải ra vào trong phủ.
Chẳng hay dạo này Mã tiên sinh ra sao ?
Trong chuyện thăm hỏi, Thạch Đạt Lang chỉ đáp cho đủ lễ, vì hắn cũng
chẳng biết gì hơn ngoài lần gặp mặt ngắn ngủi với người chú dượng đêm
trừ tịch. Lần tiếp xúc ấy đã để lại trong lòng hắn một kỷ niệm chua chát về tình cốt nhục, hắn chưa quên. Qua câu chuyện với thương gia Hải
Chính Hành, hắn lại biết thêm dượng hắn khi làm việc trong phủ, còn là
một trong số rất nhiều nha lại đứng ra môi giới giữa giới cầm quyền với
các tay phú thương bên ngoài nữa.
Hàn huyên một lúc, Hải Chính Hành xin lui vào nhà trong thay áo.
- Bây giờ đã trễ. Lão phu định đi từ sớm nhưng trông mãi không thấy Cổ
tiên sinh đến. Tối nay trời lạnh hơn bình thường, ta phải dùng cáng chứ
không đi bộ được. Để lão phu sửa soạn rồi ta khởi hành là vừa.
Bèn gọi gia nhân khiêng cáng đến.
Lát sau, cả ba người đã ngồi trên ba chiếc cáng do sáu tên phu lực lưỡng khiêng, trực chỉ xóm Rokyjo. Đây là lần đầu tiên trong đời, Thạch Đạt
Lang ngồi cáng.
Đến trường đua ngựa thì trời tối hẳn. Phu cáng dừng lại thắp đèn. Ba
chiếc đèn lồng treo trên đầu cáng đong đưa theo nhịp bước, và gió mạnh
khiến ngọn lửa mấy lần chực tắt.
Hơi thở của phu cáng đã bắt đầu tỏa ra trắng đục như khói.
- Chà, lạnh dữ !
- Tháng ba gì mà lạ quá ! Chẳng ai bảo là mùa xuân phải không bác ?
Thạch Đạt Lang hé rèm nhìn ra ngoài. Xa xa, ánh đèn xóm yên hoa lập lòe
ẩn hiện giữa những lùm cây, hắt lên cao thành một vòng sáng mờ mờ dưới
bầu trời vần vũ.
Cổ Huy Đạo gọi:
- Thạch tráng sĩ, chúng ta đến chỗ có ánh sáng đó.
Rồi bảo phu cáng đi chậm lại, song song với cáng của Thạch Đạt Lang, ông giải thích:
- Ba năm trước, xóm này ở phố Hoà Ninh gần hoàng cung, nhưng vì ban đêm
quá ồn, làm mất trật tự, phiền nhiễu đến hoàng gia nên phải dời ra đây.
Xóm này là nơi ăn chơi bậc nhất đô thành, ca nhân kỹ nữ toàn hạng chọn
lọc, những kiểu áo thời trang và những bài ca thời thượng phần lớn đều
bắt nguồn từ đó cả. Có thể nói đấy là cái nôi của một trào lưu văn hóa
mới.
Nói xong, cười ha hả làm Thạch Đạt Lang cũng háo hức và mỉm cười vì lời so sánh.
Gần đến nơi đã nghe tiếng sênh phách đàn ca lẫn tiếng cười nói râm ran theo gió vọng tới.
- Thạch tráng sĩ ! Có nghe tiếng đàn không ? Shamisen đó ! Đấy là loại
nhạc khí mới được canh tân, rập theo kiểu tam huyền mộc cầm ở đảo
Ryukyu. Nhiều bản nhạc sáng tác đặc biệt cho loại đàn này rất được ưa
chuộng, lão phu đi những trấn xa, hẻo lánh đôi khi cũng nghe thấy, đủ
biết nó phổ cập chừng nào và ảnh hưởng của cái xóm yên hoa này quả là
mạnh !
Ba chiếc cáng dừng lại bên một con đường lớn, khách qua lại tấp nập. Đèn đủ màu, đủ kiểu la liệt treo trên những cành liễu, phản chiếu qua rèm
lá xanh non, tỏ a ra một thứ ánh sáng lung linh kỳ ảo trên khắp mọi chỗ, nhà cửa đường phố, trên cả y phục và diện mạo của mọi người. Tuy tên
gọi là Rokyjo nhưng khu này, từ khi được dời đến đây vẫn còn mang danh
cũ là Yanagimachi nghĩa là Xóm Liễu. Chả là vì từ ngàn xưa, liễu vẫn
được liên kết với những nơi ăn chơi xa hoa và hành lạc !
Ba người bước qua một cái cổng gỗ to, hai bên treo hai cái đèn lồng thật lớn viết ba chữ Lạc Thiên Quán. Cổ Huy Đạo với Hải Chính Hành cùng là
khách quen, chủ nhân chạy ra, các kiều nữ bao quanh chào đón nói cười
hân hoan không sao tả xiết. Ở đây, mỗi người đều có một biệt danh, do
các nàng đặt ra căn cứ trên những nét riêng hoặc những điểm đặc biệt nơi họ cư trú. Như Cổ Huy Đạo, các nàng gọi là Kim Phong tiên sinh vì ở ngõ Kim Phong; còn Hải Chính Hành có tên là Bạch Phát thi sĩ, nhà thơ tóc
bạc. Nếu Thạch Đạt Lang là khách quen, chắc chẳng bao lâu thế nào cũng
có tên mới.
Lạc Thiên Quán cùng với Phong Nguyệt Lâu là hai nơi giải trí sang trọng
nhất xóm Liễu. Chủ nhân quán Lạc Thiên là tay doanh thương giàu có và
thế lực. Ngoài quán này ra, ông còn nhiều cơ sở làm ăn khác nên rất được vì nể, nhưng ở nơi ăn chơi này, người ta thường chỉ biết ông qua biệt
danh Lạc Thiên mà thôi.
Xóm Liễu có hai ả ca kỹ tài sắc vẹn toàn, một tên Yến Nương tiếp khách
tại Lạc Thiên Quán, còn người kia tên Bạch Hải Đường, làm ở lầu Phong
Nguyệt. Danh tiếng hai ả này vang dội vùng cố đô, các bậc phong lưu và
khách làng chơi không ai không biết. Thạch Đạt Lang lần đầu tiên đến một nơi ăn chơi phù phiếm nên không khỏi bỡ ngỡ. Hắn cố giữ bình thản,
nhưng đôi khi không giấu nổi ngạc nhiên trước những sự bài trí cực kỳ xa hoa và tráng lệ tại nơi này. Trần nhà và những rui kèo chạm trổ tinh
vi, hàng lan can uốn cong cánh phượng, đồ cổ ngoạn trong tủ kính, họa
phẩm quý giá treo trên vách, nhất nhất cái gì cũng đẹp mắt và cầu kỳ,
Thạch Đạt Lang tưởng trong vương phủ cũng chỉ đến thế !
Cuối phòng chính, bên ngoài chiếu ngồi lại có một khu vườn nhỏ bài trí
theo kiểu của nhà họa cảnh vườn danh tiếng Kobori Eushu để quan khách
thưởng ngoạn. Khu vườn trải toàn sỏi vụn bao quanh một phiến đá đen có
những chỗ đã mòn nhẵn, có chỗ điểm những vết trắng lấm tấm. Sỏi được cào thành luống mỗi ngày, những vết cào làm người xem có cảm tưởng đứng
trước một cảnh biển, sóng đập vào thành đá tung bọt trắng như trong bức
tranh sơn thủy của một danh họa đời Tống.
Cổ Huy Đạo kêu lạnh, ngồi co ro trong góc. Bạch Phát lão gia xếp gối
cạnh chiếc bàn thấp, ngồi xuống và kéo Thạch Đạt Lang ngồi cạnh. Nữ tỳ
mang rượu hâm nóng vừa đúng độ đến, ca kỹ theo vào, đàn phách rộn ràng
ngay từ cửa.
Thạch Đạt Lang mãi ngắm những đồ cổ ngoạn quên cả uống rượu, Hải Chính Hành phải nhắc:
- Kìa, tráng sĩ uống rượu đi chứ ! Để nguội mất ngon !
Chén đầy, chén cạn, hai ông già mạn đàm đủ thứ chuyện, Thạch Đạt Lang
chỉ ngồi yên nghe hát hoặc nhìn ngắm vu vơ. Thấy người bạn trẻ có vẻ đăm chiêu, Hải Chính Hành nhắc khéo:
- Tráng sĩ uống ít rượu lắm nhỉ ! Đến đây phải vui lên chứ, giữ lễ quá mất thú !
- Đa tạ tiên sinh, vãn bối không uống được nhiều !
- Tráng sĩ hình như chẳng phải là đại kiếm khách !
- Hẳn thế rồi !
Thạch Đạt Lang cười vui vẻ, xoay câu nói có ý chế nhạo thành lời đùa cợt !
- Nếu tráng sĩ sợ uống nhiều rượu làm mất nhuệ khí hoặc giảm ý chí luyện tập không thành danh được thì quả không có phong độ của một kiếm khách.
Ông vừa nói vừa cười ha hả.
- Không phải thế. Thạch Đạt Lang đáp. Chỉ vì vãn bối nhiễm phải một tật ...
- Tật gì ?
- Cứ say rượu thì buồn ngủ.
- Ngỡ gì ! Say đi rồi ngủ ngay tại đây có sao ! Chẳng ai nói gì đâu.
Quay sang các nàng nghệ giả chiêu đãi, ông chỉ Thạch Đạt Lang:
- Chuốc rượu cho tráng sĩ đi. Chừng nào say, bế tráng sĩ vào giường đi ngủ.
Tiếng cười lại ha hả cất cao, xen lẫn với những tiếng hinh hích của các nàng chiêu đãi cười thầm trong tay áo.
Không khí đã có chiều lơi lả. Các nàng làm ra vẻ bạo dạn hơn.
- Để thiếp chuốc rượu !
Một kỹ nữ lại ngồi sát bên Thạch Đạt Lang mặt đỏ như gấc, chẳng biết vì say hay vì thẹn. Có kẻ lên tiếng:
- Không được ! Nương nương đây là tiểu thiếp của Bạch Phát lão gia, để thiếp bồi tiếp công tử.
Tráng sĩ bây giờ đổi thành công tử. Nhưng mọi người, kể cả Thạch Đạt
Lang, chẳng ai chú ý đến sự thay đổi cách xưng hô nhỏ mọn ấy. Khách và
kỹ nữ ngồi lẫn lộn với nhau trên chiếu, bá vai kề vế uống rượu, sự
nghiêm chỉnh ban đầu không còn nữa.
Cổ Huy Đạo xem chừng cũng say rồi. Ông nói:
- Yến Nương đâu ? Sao không thấy Yến Nương ?
- Ờ ! Cuộc vui thế này mà không có Yến Nương ngâm thơ thật phí !
- Đi tìm nàng đến. Để ta giới thiệu với tráng sĩ trẻ tuổi đây ...
- Khó lắm, thưa tiên sinh. Nàng đang bận tiếp khách bên Đông sảnh. Nàng đâu có phải để giới thiệu với ai cũng được !
- Cứ bảo có ta đợi, nàng sẽ sang ngay. Nàng biết rõ ta mà, không ngại !
Một người chạy đi tìm tì nữ của Yến Nương dẫn đến. Cổ Huy Đạo hỏi:
- Cháu là tì nữ của Yến Nương phải không ?
- Dạ phải.
- Vậy đi mời cô nương đến đây ngay. Nói có Kim Phong Cổ Huy Đạo đợi.
Mắt cô bé chớp chớp ra vẻ ngần ngại. Tì nữ này mới khoảng mười một mười
hai mà hai má đã hây hây, mắt đen láy, trong dáng ngây thơ có pha chút
tinh nghịch của thiếu nữ sớm dậy thì. Trưởng thành ở những nơi lầu hương gác tía, sau này chắc cô bé cũng kiêu sa chẳng kém gì nàng Yến. Cổ Huy
Đạo giục:
- Đi ! Đi ngay đi, ta sẽ có thưởng ...
Cô bé tần ngần một lát rồi lui khỏi phòng. Mới vài bước đã thấy ả vỗ tay reo gọi rối rít. Ai nấy đổ xô ra hành lang. Cổ Huy Đạo cũng mở song
cửa.
Một cảnh đẹp vô cùng bày ra trước mắt mọi người. Tuyết đã xuống từ bao
giờ, phơi phới như ngàn ngàn triệu triệu cánh mai theo nhau rụng. Mặt
hoa viên trắng bông. Trên những cành tùng, tuyết đọng nặng chĩu, đong
đưa theo làn gió nhẹ.
Các nàng kỹ nữ, ca nhân đứng chật hành lang, bàn tán xôn xao không biết tuyết có còn giữ được thế này đến ngày mai không.
Hải Chính Hành sốt ruột, chờ mãi không thấy Yến Nương lại, bèn sai một nữ chiêu đãi khác đi tìm.
Lúc sau, trở về nói nhỏ:
- Yến Nương muốn tới lắm, nhưng không được. Khách không cho.
Cổ Huy Đạo trợn mắt:
- Khách nào vậy ? Nàng Yến đâu phải người thường, nàng muốn làm gì mà chả được ! Hay bây giờ lại ham tiền quá rồi !
- Không ! Nàng nói ông khách này quyền thế lắm. Mấy lần xin cáo biệt mà không được !
Hải Chính Hành gật đầu:
- Dĩ nhiên. Ai lại muốn để một người như Yến Nương đi khỏi khi đang ngồi với mình. Khách nào vậy ?
- Thưa, Tôn Điền đại gia.
- Tôn Điền đại gia ? Ngài đi một mình à ?
- Không. Với vài thân hữu khác nữa.
Hải Chính Hành ngồi thừ người buồn bã:
- Thật đáng tiếc. Tuyết đẹp như thế này, rượu ngon như thế này mà không
có Yến Nương để ta làm bài thơ cho nàng phổ vào đàn Shamisen dạo lên
nghe có phải tuyệt không. Thật đáng tiếc !
Bỗng ông vỗ đùi:
- Hay thế này:
Tôn Điền đại gia cũng là thi sĩ. Chúng ta làm bài thơ gửi tới, chắc ông
sẽ cảm thông với hoàn cảnh chúng ta, để Yến Nương tạm sang đây một lúc.
Đại huynh nghĩ thế nào ?
Cổ Huy Đạo mỉm cười:
- Chưa chắc. Nếu muốn Tôn Điền thuận, bài thơ phải thật xuất sắc. Xoàng xoàng chỉ tổ làm trò cười.
- Đại huynh lại chê tiểu đệ rồi. Hay chúng ta cùng góp sức làm một bài. Ngắn thôi, chừng bốn câu cũng đủ.
- Hà hà ! Cũng được, nhưng phải cái đệ thơ dở lắm. Xin hiền huynh khởi xướng.
- Hừ ... Nàng nào mang cho ta văn phòng tứ bảo ra đây. Để xem ...
Bút mực mang đến. Ngẫm nghĩ một lúc ông viết:
Ngoài song, hoa tuyết bay Chim lẻ ước gặp bầy ...
Rồi đưa cho Cổ Huy Đạo. Nhà luyện kiếm tìm mãi không ra vận, hỏi Thạch Đạt Lang:
- Thế nào, tráng sĩ có ý kiến gì không ? Giúp lão phu với.
Thạch Đạt Lang chữa thẹn:
- Quả tình vãn bối từ trước đến nay chẳng làm thơ bao giờ. Sợ làm hỏng việc của nhị vị tiên sinh. Xin thứ cho.
Mãi sau, Cổ Huy Đạo mới tiếp:
Mai già run cánh mỏng Khí lạnh ngút từng mây ...
Hải Chính Hành đọc, khen tạm được. Ông cũng nhận là trong lúc này khó
tìm ý tưởng đặc biệt. Tuy nhiên, những điều chính đã nói hết trong hai
câu “mai già run cánh mỏng” và “chim lẻ ước gặp bầy” rồi. Vậy ta cứ gửi.
Bèn chép vào giấy hoa tiên, niêm phong cẩn thận và trao cho một kỹ nữ:
- Các nàng khác không ai có được phong thái như nàng. Hãy vì ta đưa thư này cho Cô Lãnh đại gia và đừng để đại gia giận ...
Cô Lãnh là biệt danh của Tôn Điền Tùng Cương ở đây, có nghĩa là ngọn núi đứng biệt lập, ý nói về quyền thế của Tôn Điền.
Rượu chừng vài tuần nữa mới thấy người kỹ nữ mang thư phúc đáp về để trong một cái hộp sơn mài cực kỳ mỹ lệ.
Cổ Huy Đạo chột dạ, nói:
- Chắc Tôn đại gia ngạc nhiên lắm, không ngờ lại gặp chúng ta ở đây đêm nay.
Lần sau phải cẩn thận hơn mới được !
Ông thong thả mở hộp, lấy tờ thư ra. Trước nét mặt ngỡ ngàng của cả ba
người, phong thư chỉ là một tấm hoa tiên vân màu ngà, trên không có chữ
nào cả.
Ông quay sang hỏi người kỹ nữ:
- Thế này là thế nào ? Nàng có chắc không đánh rơi mất thư phúc đáp của Tôn gia chứ ?
- Tiện thiếp đâu dám cẩu thả. Chính tay đại gia đưa cho tiện thiếp hộp này bảo mang về trình tiên sinh.
Hải Chính Hành vẻ tư lự, lúc sau mỉm cười nói:
- Hay Tôn gia không tìm được tứ nào hợp ý, kéo cờ trắng rồi. Không có chữ gì, thư để trắng tức là đầu hàng.
Hải Chính Hành có tính hay suy diễn mọi việc như vậy để lấy lợi cho mình.
Nhưng Thạch Đạt Lang nói:
- Vãn bối không nghĩ thế. Chắc ngài muốn nhị vị tiên sinh đọc lời phúc đáp ...
- Đọc tờ giấy trắng này ?
- Chính thế. Màu trắng là màu tuyết. Và rượu sa-kê cũng trắng.
Cổ Huy Đạo gật gù:
- Tráng sĩ nói phải. Nếu ta đọc, thư này có nghĩa:
“Hãy uống rượu ngắm tuyết ... “ Rồi vỗ vai Bạch Phát thi sĩ, ông nói tiếp:
“Và đừng nghĩ đến chim yến, chim nhạn làm gì cho thêm bận !”.
Hải Chính Hành không vừa ý, cau mặt nhìn ra ngoài trời. Tuyết vẫn rơi
phơi phới, phủ trắng phau cả những mái lầu và những mầm mẫu đơn mới nhú.
Cổ Huy Đạo say rồi. Ông nằm yên trong góc, mắt lim dim. Cảnh mãn thiên
mai vũ chẳng biết có gợi thêm ý gì cho nhà thơ không, chỉ thấy Bạch Phát lão thi sĩ, uống hết chén này đến chén khác, nét mặt không vui. Các
nàng kỹ nữ cũng thu dọn đàn địch sênh phách, tô điểm lại nhan sắc.
Thạch Đạt Lang yên lặng đứng dậy, kéo cửa khẽ lẻn ra ngoài. Chẳng ai hỏi gì đến hắn. Hắn chọn thời điểm rút lui thật vừa đúng lúc.
Phía sau các phòng tiếp khách, nhiều hành lang hẹp đan vào nhau như
những lối đi dọc ngang trong một mê thất mà ánh sáng yếu ớt của một vài
ngọn đèn nhỏ treo ở mỗi khúc quanh không đủ soi tỏ hết mọi chỗ. Thạch
Đạt Lang men theo những lối đi lờ mờ ấy, tránh mọi cửa mở hé để lọt ánh
sáng ra ngoài. Đến một chỗ có mùi thức ăn bốc ra, đồ chừng là bếp, hắn
đẩy cửa bước vào.
Trong phòng xếp la liệt thực phẩm. Gạo, ngô, rau, đậu, thịt cá, bát đĩa để đầy kệ.
Thì ra đó là một căn phòng kho. Cuối phòng, một cô bé trạc mười một mười hai đang lúi húi xếp dọn. Thấy có người vào, cô bé ngẩng lên:
- Khách quan là ai ? Vào làm gì ? Chỗ này chỉ dành cho người làm.
Thạch Đạt Lang nhận ra ngay cô bé là tì nữ của nàng Yến, nhưng giờ đây
không có cái vẻ dịu dàng ngây thơ như lúc hắn gặp trong phòng khách nữa. Mắt cô bé sắc như dao, đôi lông mày cau lại.
- Ta không được vào đây hay sao ?
- Không.
- Không.
Cô bé tiến đến trước mặt Thạch Đạt Lang:
- Chắc khách quan muốn tìm phòng tắm. Xin đi theo tiểu nữ, phía đằng này.
Cô bé cúi đầu, toan nắm tay Thạch Đạt Lang dẫn đi. Hắn vội nói:
- Không. Ta không say và cũng không cần phòng tắm. Ta muốn nhờ cô một việc.
- ... ?
- Dẫn ta đến một căn phòng trống và mang cho ta chút gì ăn lót dạ.
- Vậy xin khách quan cứ trở về phòng, tiểu nữ sẽ gọi người mang thức ăn tới.
- Không. Mọi người đang vui đùa và uống rượu, không ai muốn ăn. Làm phiền họ, ta không thích.
Cô bé gật đầu:
- Vậy khách quan ngồi đây cũng được. Khách quan muốn dùng thứ gì ?
- Chẳng có gì đặc biệt. Mang cho ta liễn cơm trắng với chút củ cái muối là đủ.
Nữ tì ngạc nhiên, giương mắt nhìn, nhưng không nói gì, lẳng lặng đi lấy những thứ ông khách muốn.
Ăn cơm xong, Thạch Đạt Lang đứng dậy, toan mở cửa ra ngoài thì nghe tiếng hỏi:
- Khách quan đi đâu ?
Hắn không ngờ cô bé vẫn còn quanh quẩn gần đó, rình rập.
- Ta ra ngoài có chút việc. Sẽ trở về ngay.
- Xin khách quan nhớ quay trở lại. Nếu không, tiểu nữ bị trách phạt.
Thạch Đạt Lang cười rộ, lộ hàm răng trắng bóng. Vẻ mặt tươi cười của hắn làm cô bé yên dạ.
- Nhất định rồi. Nếu các vị trong phòng có hỏi thì bảo ta đến khuôn viên Kim Các Tự, vãn cảnh chùa ngắm tuyết, rồi trở lại.
- Vâng.
Cô bé đi trước, mở cổng vườn sau. Trên mái cổng, tuyết đóng dày hàng
tấc. Lối vườn sau ngoắt ngoéo, vắng vẻ, không đèn đóm gì nhưng nhờ ánh
tuyết hắt lên vẫn đủ sáng. Những vết chân của Thạch Đạt Lang in hằn trên nền tuyết tinh khiết như những vết chân dã thú đi tìm mồi trong đêm
hoang lạnh.
Đến trước một tiệm bách hóa, hắn bước vào hỏi mua một đôi dép cỏ, thứ
tốt dùng để đi tuyết, nhưng không có. Tiệm này phần lớn chỉ bán nón nan
rộng vành cho khách đến tiêu khiển ở xóm Liễu nhưng lại muốn che mặt
không để người khác biết. Hắn phải nhờ chủ nhân sai người đi mua hộ.
Trong lúc chờ đợi, Thạch Đạt Lang mượn giấy bút viết một bức thư ngắn,
cởi áo ngoài gấp lại cẩn thận, bỏ thư vào tay áo đã gấp rồi đưa cho chủ
nhân mà nói:
- Tại hạ ra đi có chút việc, không tiện mặc áo này. Nếu đến đầu giờ tý
không thấy về, phiền chủ nhân cho người mang áo đến quán Lạc Thiên tìm
Kim Phong tiên sinh trao lại giùm.
Chủ nhân thắc mắc toan hỏi, Thạch Đạt Lang vội gạt ngang:
- Mọi chi tiết, tại hạ đã viết trong thư, xin cố giúp cho.
Đồng thời lấy ra ít bạc vụn đưa tặng. Chủ nhân cười vui vẻ bỏ ngay vào bọc, mặt tươi như hoa:
- Được mà ! Được mà ! Khách quan khỏi quan tâm, lão sẽ làm giúp.
Thạch Đạt Lang lại mua một cái nón nan. Khi người nhà mang dép về, hắn
thay dép mới, buộc quai chằng lên đến cổ chân, thử đi thử lại nhiều lần, khi thấy vừa phải không chặt mà cũng không lỏng quá mới sửa lại áo và
kiếm đeo bên sườn, đội nón che kín nửa mặt và rời khỏi cửa hàng bách
hóa.
Tuyết vẫn rơi đều đều không ngớt. Những bông to và nhẹ hơn cả cánh hoa mai rụng.
oo Ven bờ sông, trông sang đường Tân Hổ, còn ánh đèn thưa thớt. Nhưng về phía đông gần rừng, ngoài mấy vòng tròn sáng vàng úa từ những cây đèn
đá tỏa ra, không có dấu tích gì chứng tỏ có sự sinh hoạt của cư dân. Khu này bình nhật đã ít người qua lại, ban đêm tuyết xuống càng vắng lặng.
Sự yên lặng càng rõ rệt hơn khi những mảng tuyết dầy đọng trên cành quá
nặng rớt xuống. Tiếng rớt “bịch” ngắn, gọn, không một âm vang, gợi cho
người nghe cái cảm giác bực bội như niềm hy vọng đột nhiên bị bóp nghẹt.
Trước thềm tòa cổ miếu ven sông, cổng đóng im ỉm, chừng hai chục người
quỳ gối cúi đầu khấn nguyện. Chuông từ xa vẳng lại năm tiếng, báo hiệu
giờ dậu đã qua. Đêm nay, tiếng chuông nghe trong và mạnh, như đâm thấu
tâm can, khiến mọi người hồi hộp, vô tình xích lại gần nhau. Họ mong tìm được thêm từ người bên cạnh chút hơi âm hay một niềm an ủi.
Hoa Sơn Điền Chính đứng dậy trước tiên:
- Anh em ! Như vậy đủ rồi ! Đã đầu giờ tuất, ta đi là vừa !
Cả bọn lục tục làm theo, xốc lại áo và buộc lại giày cỏ. Một người nói:
- Đêm nay lạnh lắm đấy, đừng buộc quai dép chặt quá, dễ đứt. Trời thế này, lẽ ra mang giày quai vải mới phải.
Điền Chính đã chuẩn bị kỹ ngay từ nhà, đầu thắt băng vải đen, tay đeo
bao da mềm hở ngón để sử kiếm cho tiện. Cả bọn nối đuôi nhau theo chủ
soái, lặng lẽ bước những bước vội vàng trên nền tuyết xốp. Bốn bề yên
lặng, chỉ nghe tiếng thở đều đều và hơi thở của họ bốc ra thành từng vệt khói trắng đục.
Khu xóm Liễu chỗ nào cũng đông đúc, duy chỉ có cánh đồng trống rỗng sau
Kim Các Tự là vắng vẻ. Ở đó ít lùm cây rậm rạp, chỉ có vài gốc thông trơ trọi và cỏ gianh cũng thấp, không làm cản trở cuộc giao đấu bằng bất cứ loại võ khí gì nên cả hai bên dù không ước hẹn, đều ngầm hiểu và cùng
hướng về phía đó trước tiên.
Giờ tuất quả có quá sớm. Tuy nhiên Hoa Sơn đã chọn và Thạch Đạt Lang
chấp nhận. Điền Chính nóng lòng trả hận, trì hoãn lâu e kẻ địch trốn mất nên gã quyết định hành động càng sớm càng tốt. Hạ Nguyên Cát thì được
lệnh lảng vảng gần nơi cổng đá nhà Hải Chính Hành với một võ sinh giữ
việc liên lạc. Cho nên khi bọn Thạch Đạt Lang lên cáng đến xóm Rokyjo,
Điền Chính đã được tin báo tức khắc.
Đi được một quãng còn cách Kim Các Tự khoảng chừng vài chục trượng, thấy có lửa lập lòe sau một bức tường đổ nát trên nền nhà cũ bỏ hoang, thầy
trò Hoa Sơn ngạc nhiên khựng lại:
- Ai ?
- Phải Điền thiếu gia không ?
Thì ra Ưng Đằng và Tích Quang.
Điền Chính hơi bực. Gã rất tin vào kiếm thuật của mình nên thấy đàn em
đến đông, gã tưởng họ coi thường mình, nhất là những người đó lại là hai tay xem ra bản lãnh có phần cao nhất phái. Gã buông sõng:
- Đến đây làm gì ?
- Chúng đệ sốt ruột quá, ở nhà không yên nên đến đây xem thiếu gia có điều gì sai phái chăng ?
Lời nói khéo của Ưng Đằng làm Điền Chính bớt giận. Tuy vậy gã cũng vẫn không thoải mái:
- Ta đến nhiều người quá. Nếu giết được nó mà giang hồ biết ta đông thế này, tất sẽ bảo ta ỷ chúng hiếp cô, mang tiếng.
- Không hề gì. Đây còn cách Kim Các Tự đến vài chục trượng, chúng đệ
ngồi cả đây phòng bất trắc để một mình thiếu gia tới đó trừng phạt nó.
- Cũng được !
- Chắc thiếu gia đi đường lạnh, ngồi đây sưởi ấm cái đã. Còn sớm, bây giờ mới khoảng giữa giờ tuất, vội gì !
Điền Chính đến gần đống lửa, Ưng Đằng nhích sang bên nhường chỗ. Đồ
chúng lục tục theo sau, quây quần bên ngọn lửa bốc cao. Điền Chính cởi
bao tay, giơ ra trước mặt sưởi, bẻ đốt ngón tay kêu răng rắc. Ánh lửa
hắt lên mặt hắn làm vằn lên những tia máu trên mặt và làm mặt gã đỏ ửng.
- Gần đây có hàng quán gì không ?
Điền Chính hỏi.
- Có, có một quán ở gần đây.
Điền Chính quay lại bảo người vừa nói:
- Vậy đi mua cho ta bình rượu.
- Mua rượu bây giờ ?
- Chứ gì ! Trời lạnh thế này, có chút rượu vào cho ấm bụng !
- Chắc gì họ còn mở.
- Cứ đập cửa lâu lâu vào, thế nào cũng được.
Đồ chúng Hoa Sơn biết vị chưởng môn mới của họ thích rượu. Sáng, trưa,
chiều, tối, không mấy khi là không thấy Điền thiếu gia chuếnh choáng.
Mãi rồi họ cũng chấp nhận, cho đấy là một cái tật vô hại. Bữa nay, trước khi ra đi, Điền Chính chỉ uống chút ít. Gã cũng biết cuộc giao chiến
đêm nay hết sức quan trọng, không những cho tính mệnh của gã mà còn cho
cả danh dự và tương lai môn phái nữa. Nhưng trời lạnh, ngồi bên đống lửa ấm áp, gã thấy thèm rượu hết sức.
Khi người ta đã muốn điều gì thì luôn luôn có đủ lý lẽ biện minh hầu
thỏa mãn ý muốn ấy. Tính Điền Chính lại nóng, ai cản cũng không được,
chỉ làm gã tức giận và bướng bỉnh thêm, cho nên đồ đệ Hoa Sơn ngồi đầy
ra đó mà im như thóc.
Ưng Đằng liếc mắt hất hàm bảo người vừa nói:
- Thiếu gia đã muốn uống rượu thì ngươi đi mua đi. Một chút cũng chẳng sao, còn hơn để tay chân tê cóng !
Lát sau rượu mang về, hâm vừa đúng độ. Điền Chính ôm vào lòng, tu một hớp, khà ra khoan khoái:
- Hà ! Đây là bạn thiết và là người thân thích nhất của ta đây !
Gã cười ha hả, nhưng Ưng Đằng thì nuốt lệ. Hắn thầm mong cho vị chưởng môn của hắn uống ít hơn mọi bữa.
Quả nhiên, sau chừng chục lần đưa bình rượu lên môi, Điền Chính thôi không uống nữa. Gã trao bình cho một đồ đệ gần đấy và bảo:
- Ngươi giữ nó cho ta. Để xong việc, ta sẽ hỏi đến !
Tuy làm ra bộ thản nhiên, Điền Chính cũng biết sinh mệnh mình nằm trong cái bình ấy.
Có tiếng sột soạt. Mọi người như cành cây cong đột nhiên được buông ra, đứng bật dậy.
- Ai ? Thạch Đạt Lang hả ?
Mọi người lắng tai, tay để vào đốc kiếm. Im lặng như tờ. Không động
tĩnh. Tiếng củi khô nổ lách tách. Lúc sau mới thấy một bóng đen từ phía
sau nền nhà đổ hiện ra giơ tay vẫy.
- Anh em còn ngồi cả đây à ?
Bóng đen mặc y phục dạ hành, quần bó chẽn để dễ di động nhưng không giấu được vẻ chậm chạp của một người nhiều tuổi. Khi bóng đen đến gần vùng
ánh sáng đống lửa, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.
- Ngỡ ai, hóa ra là Cảnh Môn lão trượng. Lão trượng đến đây làm gì thế ?
Hoa Sơn Cảnh Môn là em Hoa Sơn Khổ Bích, vào hàng thúc bá của Sĩ Khánh
và Điền Chính. Ông đã già nhưng vẫn còn lưu tâm đến vận mệnh bản phái và vẫn thường khuyên nhủ thiệt hơn Sĩ Khánh khi hắn còn giữ chức chưởng
môn.
Điền Chính thấy chú, tỏ vẻ ngạc nhiên. Gã không mong một sự trợ giúp nào ở ông chú già yếu ấy. Khác với Sĩ Khánh, những lời nhắn nhủ của ông chỉ làm gã bực mình nhưng vì là hàng dưới, gã chỉ vâng dạ cho xong chứ
không để vào tai.
- Điền Chính ! Ta nghe nói ngươi sẽ giao đấu với thằng Đạt Lang tối nay phải không ?
- Thưa thúc thúc, tiểu điệt đã định đến thỉnh ý thúc thúc, nhưng vì gấp quá ...
- Còn phải thỉnh ý gì nữa. Anh mày bị nó đánh cho tàn phế, danh dự cả
phái Hoa Sơn bị nhấn xuống bùn nhơ, mày không trả thù ấy thì ai đứng ra
cáng đáng ?
- Dạ chính thế. Tiểu điệt đã nhất quyết.
- Phải lắm. Ta đến đây cũng vì lẽ ấy. Trời lạnh mà ta không ngại chỉ vì muốn nói với mày một câu. Mày biết câu gì không ?
- Dạ, tiểu điệt xin lắng nghe.
- Danh dự bản phái là trọng, thân ta không đáng kể. Nhưng không phải vì
thế mà hành động bừa bãi được. Đừng vội vàng hấp tấp, hãy bình tĩnh cháu ạ. Ta nghe thằng ấy kiếm pháp chẳng phải tay vừa.
Ngừng một lúc, ông lại nói:
- Nếu chẳng may cháu có mệnh hệ nào, ta sẽ lo mai táng chu tất.
Điền Chính cười lớn:
- Thúc thúc quá lo xa. Tiểu điệt đâu phải như Sĩ Khánh.
Đoạn dắt tay chú đến ngồi bên đống lửa, hô mang rượu ra để ông uống. Rượu được vài ngụm, Hoa Sơn Cảnh Môn nói:
- Lúc này cũng gần đến giờ rồi. Sửa soạn đi là vừa. Ta nghĩ các anh em
khác nên tránh mặt, cả ta nữa. Hãy đứng ở phía xa xa, kẻo giang hồ họ
lại nói cuộc chiến không công bằng, rồi đồn đại mất cả hùng khí bản
phái.
Mọi người nghe theo, đứng dậy rảo bước ẩn vào sau những gốc thông lân cận, để một mình Điền Chính ngồi bên đống lửa.
Gã đeo bao tay, xốc lại kiếm. Vết chân đồ chúng Hoa Sơn tản mát ra từ phía in lên nền tuyết trắng những vệt dài đen sẫm.
Không gian vắng lặng, chỉ nghe tiếng củi nổ lép bép. Đôi lúc một cành
cây khô gẫy dưới sức nặng của tuyết đọng, vang lên khô khan. Điền Chính
đảo mắt dò xét bóng đêm xung quanh.
Chuông từ xa vẳng lại thong thả buông sáu tiếng. Giờ tuất đã qua, vân
không thấy Thạch Đạt Lang. Điền Chính đã tỏ vẻ bồn chồn nóng nảy.
Từ xa, một bóng đen rảo bước đi đến, nhanh như chạy.
Điền Chính vội vàng phóng chân đá tuyết, dập cho lửa tắt rồi rút vào ẩn
dưới một tàn thông. Tiếng bóng đen chạy đến nói trong hơi thở hổn hển:
- Thiếu gia ! Nó sắp tới rồi !
- Hạ Nguyên Cát ! Ngươi thấy nó ở đâu ?
- Đệ mai phục gần chùa, rõ ràng thấy nó bước lên tam cấp. Nó đi một
mình, nhưng có vẻ phòng bị kỹ, vừa đi vừa ngoái cổ trông tứ phía, lại
tránh những bụi cây rậm.
Thiếu gia sẵn sàng chưa ?
- Rồi ! Để mặc ta. Ngươi tìm chỗ ẩn đi !
- Anh em đâu cả ?
- Họ tản ra quanh đây thôi. Ngươi cũng thế, dừng đứng lớ ngớ ở đó, vướng chân vướng cẳng ta, vô ích.
Hạ Nguyên Cát trở gót. Y làm bộ nghe lệnh, nhưng thực ra thừa lúc Điền
Chính quay đi, lẩn ngay xuống sân ngôi cổ tự nấp ở đấy. Y đã có chủ ý. Ở đó y có thể nhìn rõ cuộc đấu và khi cần, tập kích địch thủ nếu có dịp.
Đêm khuya vắng vẻ như thế này, ngoài anh em Hoa Sơn ra còn ai biết ?
Thu hình dưới sàn gỗ, trong bóng tối ẩm thấp. Hạ Nguyên Cát cảm thấy
lạnh thấu xương. Mồ hôi trong lần áo lót bốc hơi, lấy bớt đi nhiệt độ, y càng lạnh, răng đánh vào nhau lập cập. Hạ Nguyên Cát mong đó chỉ là cái lạnh bên ngoài chứ không phải vì sợ.
Đến sân sau chùa, Điền Chính đứng lại sửa dây da buộc cổ tay, rồi gác
chân lên rễ một gốc cây đổ, đợi. Mắt gã dán vào hàng cột lớn dọc theo
hành lang Kim Các Tự.
Trong chùa vắng lặng. Thỉnh thoảng mới có tiếng băng nhũ rơi trên mái xuống đánh bộp một cái.
Điền Chính sốt ruột, đổi thế đứng rồi đi đi lại lại, vết chân hằn sâu
trên tuyết, vẻ bực bội. Sự chờ đợi làm gã khó chịu, nhất là bây giờ hơi
rượu đã tan hết. Gió lạnh thổi vào mặt gã, nhôn nhốt như kim châm. Hạ
Nguyên Cát cũng sốt ruột không kém. Y nhẩy từ chỗ nấp ra. Điền Chính
giật mình rút gươm:
- Ai ?
- Tiểu đệ !
Điền Chính cau mặt mắng:
- Ngươi làm gì trong đó ? Thạch Đạt Lang đâu ?
- Không biết ! Đệ quả đã trông thấy nó vào chùa. Sao đến bây giờ vẫn chưa thấy mặt.
- Hay thằng khốn kiếp ấy trốn rồi ! Ngươi nhìn phía đó, để ý mọi tiếng động, nhất là ở những chỗ tối. Ta coi phía này.
Đoạn cả hai chia nhau quan sát. Lúc sau vẫn không thấy động tĩnh gì,
Điền Chính bắt đầu mất bình tĩnh, cho là Hạ Nguyên Cát đã hoảng báo. Đột nhiên có ánh đèn lập lòe về phía hàng lang chùa. Gã đưa tay gạt Hạ
Nguyên Cát và nói nhỏ, bảo y hãy nấp vào sau gốc thông.
Ánh sáng dường như của một chiếc đèn bão, lắc lư theo nhịp bước, từ
trong chùa đi ra. Đèn lúc ẩn lúc hiện sau hàng cột lớn, mờ tỏ soi phần
dưới bộ y phục nâu sồng của một nhà sư.
Nhà sư đi một mình hay với người nào khác, Điền Chính trông không rõ vì tối quá.
Không dằn được tò mò, gã nhẩy ba bước đến sát