Thần Điêu Đại Hiệp

Chương 62: Châu Bá Thông xuất hiện


trước sau


Ăn uống được một chặp, Doãn Chí Bình bỗng nhiên đứng vùng dậy đưa tay vỗ một tên tửu bảo ngã sắp. Chủ tiệm không biết nguyên do tại sao nhưng cũng cứ chạy lại quỳ xuống xin lỗi.
Chủ quán khẩn khoản nói:
- Thằng ấy còn khờ dại quá không biết chiều khách, xin quý khách rộng lòng tha thứ.
Nói chưa dứt lời, Doãn Chí Bình đưa chân gạt nhẹ một cái, tên phổ ky đứng gần đó nhào lăn ra đất.
Triệu Chí Kính không hiểu vì sao Doãn Chí Bình lại hành động như vậy, hay là y hoang mang về câu chuyện ban sáng rồi sinh ra quẫn trí hay chăng, nên vội gọi lớn: - Doãn sư đệ làm chi thế?
Doãn Chí Bình vẫn không đếm xỉa gì tới lời can của Triệu Chí Kính, vung tay xô ngã chiếc bàn sang một bên, chén đĩa tung toé khắp nhà rồi gạt nhào thêm hai, ba tên phổ ky nữa.
Trong lúc gạt nhào, Doãn Chí Bình đã điểm huyệt luôn khiến bao nhiêu người ngã xuống đều nằm yên không cử động được.
Lúc ấy Doãn Chí Bình mới dừng tay nói:
- Lát nữa quân Mông Cổ kéo tới đây, thấy các ngươi bị đánh đập, nhà cửa bị đập phá, thì mới khỏi trút bao nhiêu tội lỗi vào đầu các ngươi được. Nếu không thì chúng bảo các ngươi bao bọc chúng tôi để hành hung chống lại thì đại hoạ. Hiểu chưa? Ngay bây giờ các ngươi cứ đánh nhau thêm cho vỡ đầu chảy máu, có chút ít thương tích để che mắt bọn chúng chứ.
Mọi người mới hiểu và đồng khen là diệu kế. Thế rồi cả bọn xúm nhau lại đập phá thêm và tự chọi vào đầu cho có vết máu, xé quần áo rách thêm nhiều chỗ, mặt mũi bầm sưng.
Khi vừa nghe tiếng vó ngựa dồn dập phía trước, bọn tửu bảo và phổ ky lại la lớn: - Trời ơi, chết chúng tôi rồi, xin ngài nương tay kẻo tội nghiệp.
Tiếng vó ngựa dừng ngay trước cửa. Bốn tên quân Mông Cổ hùng hổ tiến vào, theo sau có một thầy tu người Tây Tạng cao và cùng một người giống như rợ, đen thui, đầu tóc rối bù, hai chân bị cụt phải dùng gậy chống đi.
Bọn lính Mông Cổ nhìn thấy quang cảnh trong quán thì có vẻ khó chịu, cau mày rồi hét lớn: - Mau mau dọn ăn để chúng ta còn đi có chuyện gấp.
Té ra đây có bọn khác, chứ không phải bọn tới giải quyết vụ khi nẫy. cả bọn trong bàn thẩy đều lo lắng: - Lát nữa bọn kia mới tới thì phải giải quyết làm sao đây, không lẽ lại giả bộ trước mặt bọn này, e lộ mất chăng.
Còn đang suy nghĩ thì bọn quan Mông Cổ đã cầm roi quất vào đầu những người nằm đó nhưng họ không thể nào ngồi dậy được nữa. Mấy tên tửu bảo ở nhà trong phải lo thu xếp chỗ ngồi để mời họ lại dọn ăn ngay.
Thì ra hai người này không ai khác chính là Kim Luân Pháp Vương và Ni Ma Tinh. Sau mấy ngày trong thung lũng, hai người nhờ nội công siêu việt đã trục hết khí độc trong người, bước đi được, vừa may gập mấy tên quan quân Mông Cổ, nhờ bọn chúng đưa về doanh trại của htl.
Doãn Chí Bình và Triệu Chí Kính vừa trông thấy đã nhận ra ngay hai người. Trong dịp tranh chức Minh chủ võ lâm trong cuộc đại hội quần hùng, Kim Luân Pháp Vương đã biểu diễn tài nghệ thật quả đã tới mức cao siêu thần diệu. Hơn nữa, trước đây đồ đệ của Kim Luân Pháp Vương là Hoắc Đô
đã tới Trùng Dương cung đại náo, vũ lộng thần oai khiến cho bao nhiêu sưbá, sư thúc trong phái Toàn Chân không chống cự lại, huống hồ hôm nay, hai người đâu có nghĩa lý gì với họ. Vì vậy nên Doãn, Triệu lấm lét nhìn quanh, cố tìm cơ hội lẩn tránh cho rồi.
Cũng may Doãn, Triệu biết rõ Kim Luân Pháp Vương nhưng Kim Luân Pháp Vương lại chưa hề biết mặt hai người.
Lúc này gập thời chiến tranh hỗn loạn nên những cuộc chém giết tàn phá đã trở nên quá thường. Vì vậy nên trong quán đồ đạc bị đạp đỏ, nhiều người bị thương nằm la liệt Kim Luân Pháp Vương vẫn thản nhiên không thèm để ý tới.
Ông mải suy tính làm sao có cớ nào để chống chế cho đỡ xấu trước mặt Hốt Tất Liệt về sự thất bại chua cay vừa rồi tại thành Tương Dương, cho nên tuy ngồi đó mà thần trí để tận đâu đâu.
Dù trước mặt có hai đạo sĩ cùng ngồi ăn, nhưng Kim Luân Pháp Vương vẫn không thèm quan tâm lưu ý.
Vừa ngay lúc đó, trước tiệm có tiếng hò hét vang rần, một đám lính Mông Cổ kéo nhau ùa vào quán. Vừa trông thấy Triệu Chí Kính và Doãn Chí Bình thì la lối chỉ chỏ rồi xông lại định bắt.
Doãn Chí Bình nói nhỏ:
- Mình chuồn ngõ sau cho xong.
Nói xong chàng xô chiếc bàn ngã ngang trước lối đi, chén bát thịt cá đổ bể ngổn ngang, rồi phi thân chạy ra lối sau.
Trong lúc Kim Luân Pháp Vương ngồi ngay tại cửa trước nên hai người không dám chạy ra hướng ấy, sợ y sẵn tay chộp bắt thì nguy.
Doãn Chí Bình vừa chạy ra phía nhà sau, quay đầu nhìn lại đằng trước, thấy Kim Luân Pháp Vương ngồi trầm ngâm cầm ly rượu vừa nhắm vừa suy tư thì mừng rỡ nghĩ bụng: - Miễn lão đừng can thiệp thì mình đỡ khổ rồi.
Nhưng bỗng có một bóng đen thoáng qua, một người lùn cụt chân đã chắn ngang trước mặt, vung gậy đập cản đường rút lui của hai người.
Tuy chưa biết kẻ này là ai, nhưng thấy y xuất thủ quá lanh thì hai người cũng lo sợ, vội lách mình né tránh.
Đập hụt một gậy, Ni Ma Tinh biết đây cũng chẳng phải tay vừa liền vung gậy đánh tiếp. Nhưng Doãn Chí Bình và Triệu Chí Kính đã đồng thời vung kiếm đỡ tạt ra quyết cướp đường tẩu thoát.
Kể về bản lãnh thì Ni Ma Tinh vượt hơn hai người một bậc xa, nhưng vì y đang bị thương, hai chân cụt mất, thiếu thăng bằng và nguyên khí cũng bị tiêu hao khá nhiều, một gậy lại phải dùng để chống đỡ thân mình chỉ dùng một gậy tấn công rất bất tiện. Không bao lâu y đã có vẻ thất thế quá nhiều.
Kim Luân Pháp Vương từ từ đứng dậy bước lại gần nhìn xem.
Trong khi Triệu Chí Kính vung kiếm chém ngay vào ngực khiến Ni Ma Tinh đưa gậy chống đỡ thì thanh kiếm của Doãn Chí Bình đã đồng thời chặt ngang bên hữu vô cùng hiểm ác. Ni Ma Tinh chỉ còn cách phóng mình lên cao rồi nhẩy lùi ra tránh né.
Kim Luân Pháp Vương nhẹ chân tiến tới, ngay lúc Ni Ma Tinh vừa rơi xuống. Lão đưa tay trái đỡ ngang bàn toạ Ni Ma Tinh, rồi ấn luôn lên tay hắn.
Chiếc gậy của Ni Ma Tinh và thanh kiếm của Triệu Chí Kính còn đang dính liền vào nhau. Khi Kim Luân Pháp Vương chuyền nội lực vào người Ni Ma Tinh, Triệu Chí Kính cảm thấy một luồng khí nóng rần rật xâm nhập cơ thể, tê tái cả cánh tay, lồng ngực như bị lửa đốt chịu hết nổi, phải vứt thanh trường kiếm xuống đất nghe "choang" một tiếng.
Tuy còn kém về nội công nhưng võ nghệ Ni Ma Tinh cũng khá cao siêu, cho nên thấy Triệu Chí Kính đã buông rơi thanh trường kiếm thì hắn liền đảo lộn cây gậy kiềm chế lưỡi kiếm của Doãn Chí Bình ngay.
Doãn Chí Bình vừa trông thấy kinh nghiêm nơi Triệu Chí Kính nên khi Kim Luân Pháp Vương vừa điểm trên tay Ni Ma Tinh thì vội vàng vận nội công chống lại. Nhưng vì nội công Kim Luân Pháp Vương quá ư hùng hậu có cả nhu lẫn cương cho nên chỉ nghe "xoảng" một tiếng lớn, thanh kiếm của Doãn Chí Bình đã gẫy làm hai đoạn.
Kim Luân Pháp Vương nhẹ nhàng đặt Ni Ma Tinh ngồi xuống ghế rồi đặt tay lên vai Doãn, Triệu miệng cười nói:
- Hai vị là ai, võ công cũng thuộc hạng khá, tại sao chưa chi đã ra tay với nhau làm gì. Thôi chúng ta hãy ngồi xuống đây cũng nhau dàm đạo cho vui.
Miệng nói có vẻ hiền từ nhưng lão đã ra tay dùng nội lực đè nén trên hai vai như có một sức mạnh ngàn cân chặn xuống, khiến hai người cố vận nội công chịu đựng.
Nếu mở miệng nói chân khí thoát ra, thân hình sẽ bị đè bẹp tức khắc nên hai người cứ phải mím môi rán sức chống lại, chẳng nói được lời nào để đáp lại.
Lúc bấy giờ, bọn quân Mông Cổ đã xông vào bao vây bốn người. Một tên thiên phu trưởng chỉ huy toán này vừa trông thấy Kim Luân Pháp Vương
đã biết rằng đây là vị Pháp Vương rất được thái tử Hốt Tất Liệt ưu đãi nên lễ phép chắp tay vái dài thưa: - Bẩm Pháp Vương, hai tên này đã cả gan đánh cắp ngựa của quân ta lại còn hành hung đánh đập binh sĩ Mông Cổ nữa, vậy kính nhờ Pháp Vương...
Vừa thưa tới đây, hắn bồng ngó ngay Doãn Chí Bình rồi hỏi ngay: - Ông có phải là Doãn Chí Bình chăng?
Tuy không nhận ra hắn là ai, nhưng Doãn Chí Bình cũng gật đầu. Kim Luân Pháp Vương rút tay ra khỏi hai người nghĩ thầm:
- Hai tay này kể ra cũng có bản lãnh khá cả, hiếm có trong võ lâm Trung nguyên hiện nay.
Tên thiên phu trưởng Mông Cổ vừa cười vừa nói:
- Mười chín năm trước đây chúng ta đã cùng nhau nướng thịt đê ăn đỡ đói lòng trên xa mạc Hoa La Tư đó mà. Tôi là Tát Đa đây.
Định thần nhìn kỹ lại, Doãn Chí Bình mừng rỡ nói lớn:
- Đúng rồi, quả là Tát Đa, nhưng tại sao bây giờ anh lại để râu lạ quá, làm tôi không nhìn ra được.
Tát Đa cười lớn rồi vui vẻ nói:
- Thân tôi bôn tẩu giang hồ quá nhiều, lăn lóc phong sương cũng lắm nên tới nay đầu tóc đã bạc, râu ria cũng nhiều, chỉ có Doãn ca là y như trước, không thấy già thêm chút nào cả. Hèn chi Thành Cát Tư Hãn đại đế thường bảo những vị đạo sĩ như các ông có thuật tu tiên, trẻ hoài không già. Hà... hà...
Đoạn hắn quay sang thưa với Kim Luân Pháp Vương:
- Thưa quốc sư, người này trước kia đã cùng đạo trường Khưu Xứ Cơ nhận lời mời của Thành Cát Tư Hãn đại đế, vì vậy nên cũng là người quen biết trong nhà cả.
Kim Luân Pháp Vương gật đầu nhìn hai người mỉm cười.
Thì ra trước kia Thành Cát Tư Hãn, theo để nghị của Quách Tỉnh có cho mời Khưu Xứ Cơ về Tây vực để hỏi thăm về thuật trường sinh bất tử.
Trong chuyến tây du hàng muôn dặm này, Khưu Xứ Cơ có đem theo mười chín người đệ tử mà Doãn Chí Bình là đại đệ tử. Thành Cát Tư Hãn phái hai trăm quân theo hộ vệ, trong số đó có Tát Đa. Hồi đó Tát Đa chỉ là một tên tiểu tốt trong số quân này, do đó hắn còn nhớ rõ Doãn Chí Bình tới ngày nay.
Ngót hai mươi năm qua, nhờ lập nhiều chiến công hiển hách, tiểu tốt tát Đa ngày nay đã thành Thiên phu trưởng. Bây giờ gặp lại Doãn Chí Bình hắn mừng rỡ hết sức, nên vội hối bọn tửu bảo dọn rượu thịt lên đãi đằng. Chính hắn tự tay rót rượu mời Doãn Chí Bình rất lễ phép.
Kim Luân Pháp Vương cũng từng nghe danh Khưu Xứ Cơ là người có võ công cao siêu nhất trong các hảo thủ phái Toàn Chân. Ngày nay gặp hai người tuy còn trẻ tuổi nhưng tài nghệ cũng khá điêu luyện, rất ông rất kính phục phái Toàn Chân quả danh bất hư truyền. Hôm nay cũng may ông ra tay trước nên mới được thắng mau nếu để kéo dài chưa chắc trong bốn năm chục chiêu đã hạ thủ nổi.
Tát Đa luôn mồm hỏi thăm sức khỏe Khưu Xứ Cơ và mười tám vị đệ tử kia. Nhắc lại những câu chuyện cũ thời còn rất trẻ, anh ta luôn mồm kể lể rất hăng say thích thú.
Bỗng nhiên một bóng trắng thoáng qua và một nữ lang đã từ cửa đủng đỉnh bước vào.
Kim Luân Pháp Vương, Ni Ma Tinh và nhất là Triệu Chí Kính và Doãn Chí Bình hai người vừa trông thấy nàng thảy đều tái mặt vì chính là Tiểu Long Nữ.
Ni Ma Tinh nói lớn:
- Kính chào Thuỷ Tiên cốc cô nương. Cô vẫn mạnh giỏi đấy chứ? Tiểu Long Nữ chỉ khẽ gật đầu rồi kéo ghế ngồi vào một bàn trong góc nhà không thèm nhìn ngó đến ai hết. gọi chủ quán dọn cho một bát mì chay
ăn lót dạ.
Doãn Chí Bình và Triệu Chí Kính như ngồi trên lò lửa, sắc mặt lúc đỏ
lúc xanh hồi hộp lo sợ không biết nàng ra tay lúc nào. Kim Luân Pháp Vương và Ni Ma Tinh đoán thế nào Dương Qua cũng sắp tới, chừng ấy làm sao chống cự lại với "song kiếm hợp bích" và "ngọc nữ kiếm pháp" của hai người. Trong đời ông cho đến nay chỉ ngán hai thế võ này hơn cả.
Mỗi người đều có một tâm sự riêng, mạnh ai nấy ăn, không buồn chuyện vãn.
Tuy đã ăn no rồi, nhưng nếu cứ ngồi làm thinh sợ có kẻ khác nghi ngờ nên Doãn Chí Bình và Triệu Chí Kính phải ráng ngồi gắp thức ăn và nhai mãi cho qua chuyện.
Lúc đó Tát Đa cao hứng hỏi lớn:
- Thưa Doãn đạo trưởng, ngài đã gập mặt Hoàng đệ của chúng tôi chưa? Doãn Chí Bình ngơ ngác lắc đầu.
Tát Đa nói tiếp:
- Hoàng đệ này là đệ tứ vương tử của Đà Lôi hoàng gia, ông ta quả là con người anh minh xuất chúng, võ nghệ siêu quần, tính tình khí khái và nhân hậu, đã được toàn thể binh lính và tướng tá hết lòng ủng hộ. Hôm nay tôi đi tìm ngài để báo cáo quân tình. Nếu Doãn đạo trưởng muốn, tôi xin đưa ngài lại yết kiến luôn thể.
Doãn Chí Bình như kẻ mất hồn, chỉ lắc đầu chứ không biết đáp sao cả. Triệu Chí Kính bỗng nẩy ra một ý kiến, liền quay sang hỏi Kim Luân Pháp Vương: - Có phải đại sư cũng định tìm bái yết vương gia phải không?
Kim Luân Pháp Vương đáp:
- Phải đấy, đệ tứ vương tử là bậc anh hùng đệ nhất đời này. Nhị vị cũng nên tìm gặp người cho biết.
Triệu Chí Kính lộ vẻ hân hoan nói:
- Tốt quá, tôi cũng muốn theo đại sư và Tát Đa tướng quân đến đó lắm. Nói xong y thò tay xuống véo nhẹ Doãn Chí Bình một cái rồi lấy mắt ra hiệu.
Tát Đa nghe nói thích trí vỗ tay reo:
- Hay quá, nếu được vậy thì có chi hay bằng.
Tài cán và trí tuệ của Doãn Chí Bình vượt xa Triệu Chí Kính nhiều lắm, nhưng vì sự hiện diện của Tiểu Long Nữ đã khiến cho chàng mất hồn vía, không còn nhận định gì hết. mãi một chập sau nghĩ lại mới đoán ra dụng tâm của Triệu Chí Kính.
Triệu Chí Kính muốn nhân dịp này theo bọn Kim Luân Pháp Vương thoát khỏi Tiểu Long Nữ. Mọi người ăn xong vội vã lên ngựa ngay.
Lo mãi không thấy Dương Qua xuất hiện, chừng ấy Kim Luân Pháp Vương mới cảm thấy yên tâm phần nào. Ông nghĩ:
- Toàn Chân giáo là một giáo phái quan trọng bậc nhất của võ lâm Trung nguyên, nếu kéo họ về thần phục Mông Cổ thì quả là một mối lợi rất lớn. Thời may, ta sẽ nhờ chuyện này mà vớt vát lại được ít nhiều sự thất bại ở thành Tương Dương trước mặt Hốt Tất Liệt.
Vì lẽ ấy, nên Kim Luân Pháp Vương đã ngấm ngầm có hảo ý cùng hai người.
Bóng đêm đã xuống bao trùm cả vạn vật. Từ xa xa có bóng vó câu dập dồn trên con đường sạn đạo. Triệu Chí Kính quay đầu nhìn lại. Dưới ánh sáng sao hôm mờ mờ, bóng Tiểu Long Nữ đang cưỡi ngựa chạy theo không mấy trượng xa.
Pháp Vương trông thấy nổi giận suy nghĩ:
- Nếu một mình hắn thì đâu phải là đối thủ của ta, tại sao dám mạo hiểm theo hoài như vậy. Hay là có nhiều đứa khác ẩn nấp để tiếp viện chăng.
Nếu lúc ấy Pháp Vương quay lại gây sự thì Tiểu Long Nữ sẽ nguy ngay. Nhưng vì mới gặp Triệu Chí Kính và Doãn Chí Bình, cần phải giữ tiếng nếu xảy điều gì sơ suất sợ không hay, nên ông đành giả vờ như không hay biết.
Quá nửa đêm cả bọn tới một khu rừng. Tát Đa hạ lệnh quân sĩ hạ trại ven rừng nghỉ chân đỡ mệt.
Khi mọi người ngồi lại dưới bóng cây nghĩ ngơi, Tiểu Long Nữ cũng dừng lại cách đó xa xa cách vài ba chục trượng. Thấy nàng có vẻ bí mật quá nên Pháp Vương cũng e dè không dám động thủ.
Triệu Chí Kính thấy Ni Ma Tinh có chào hỏi Tiểu Long Nữ, không biết hai bên có liên hệ quen biết thế nào nên chẳng đến nữa.
Sau một hồi nghỉ ngơi, mọi người lại lên yên tiết tục đi nữa. Khi qua khỏi cụm rừng, Doãn Chí Bình và Triệu Chí Kính lắng tai nghe vẫn thấy tiếng vó ngựa của Tiểu Long Nữ lẽo đẽo theo hoài.
Đoàn người vừa tới một khoảng đất khá rộng, Pháp Vương nhìn quanh thấy tứ bề vắng vẻ không có bóng người mới sanh lòng ác độc suy nghĩ: - Từ khi bước chân vào Trung nguyên tới nay, ta xem thường bao nhiêu hào kiệt võ lâm nhưng phải chịu thua dưới đôi "Song kiếm hợp bích" của cặp này thật đáng tức. Không biết tại sao hôm nay con bé cứ lẽo đẽo theo hoài. Hay là ta ra tay hạ sát nó cho rồi, miễn giết được một trong hai đứa thì từ nay trên thế gian này không còn ai kiềm chế được ta nữa.
Nghĩ xong ông bèn gò cương đứng lại chờ. Thình lình có tiếng nhạc ngựa vang lừng, bụi bay mịt đất, một đoàn người từ phía trước chạy tới như bay. Pháp Vương suy nghĩ: - Uổng quá, giá mình biết viện quân nó bây giờ mới tới thì đã hạ thủ từ trước cho xong.
Bỗng nhiên Tát Đa hô lớn: - Lạ quá, lạ quá!
Pháp Vương quay lưng lại nhìn thì thấy đoàn người ngựa quả quái dị. Trong đoàn có cả thẩy bốn con lạc đà. Con đi đầu phía hữu, phía trên cắm một lá cờ to tướng, quả là kỳ hiệu của Hốt Tất Liệt. Nhưng từ đằng xa trông lại không thấy một người nào cưỡi trên lưng lạc đà hết.
Tát Đa lẩm bẩm:
- Có phải Vương gia không?
Thế là hắn thúc ngựa ra giữa đường nghênh đón. Khi gần tới nơi hắn bỏ ngựa nhảy xuống vệ đường, chắp tay kính cẩn đợi.
Pháp Vương nghĩ bụng:
- Nếu quả là Vương gia thì khoan sát hại con tiện nữ này đã.
Pháp Vương sợ Hốt Tất Liệt hiểu lầm mình đường đường một vị Pháp Vương lại đi sát hại một cô gái cô độc rồi đem lòng xem rẻ đi chăng.
Bốn con lạc đà cứ tiến tới lanh như tên bắn. Pháp Vương không xuống ngựa cứ ngồi trên yên chờ. Khi tới gần, Pháp Vương thấy một cụ già đầu tóc bạc
phơ đang ngồi trên mấy sợi dây buộc lủng lẳng giữa bốn con lạc đà, miệng cười toe toét.
Cụ già ấy quả là Châu Bá thông, con người kỳ lạ cùng ông chia tay ở Thuỷ Tiên cốc khi trước. Vừa trông thấy mấy người, Châu Bá Thông đã lớn tiếng nói: - Hay quá, hôm nay tình cờ lại gặp lão hoà thượng, chú lùn lọ nồi và thêm con bé xinh xinh kia nữa.
Giữa đám bụi mù Châu Bá Thông ngồi lửng giữa không trung khiến Pháp Vương ngạc nhiên vô cùng. Khi tới gần, ông mới biết lão già đang ngồi trên sợi dây thừng cột liền mấy con lạc đà với nhau, thật là tinh nghịch.
Châu Bá Thông là sư đệ của Vương Trùng Dương, giáo chủ sáng lập Toàn Chân phái. Nói về vai vế thì hiện nay ông là người cao nhất trong giáo phái. Nhưng từ trước tới nay chưa trở về Trung Dương cung lần nào. Hơn nữa ông cũng ít qua lại với bọn Mã Ngọc, Khưu Xứ Cơ, cho nên tuy gặp mặt mà Triệu Chí Kính và Doãn Chí Bình vẫn không nhận ra được vị sư thúc tổ của mình.
Hai người đã nhiều lần được nghe sư phụ thuật lại là Toàn Chân giáo hiện còn một vị sư thúc tổ. Nhưng người này thích đi ngao du sơn thuỷ nay đây mai đó đã lâu quá rồi không còn ai gặp mặt, có lẽ người đã qua đời cũng nên. Hôm nay đứng trước mặt Châu Bá Thông, hai người không tưởng tượng được vị này là vị sư thúc tổ của mình.
Kim Luân Pháp Vương biết rõ Châu Bá Thông võ công quá đỗi cao cường không thể nào chọc ông ta được nên cau mặt hỏi: - Có phải Vương gia ở phía sau sắp tới không?
Châu Bá Thông đưa tay chỉ lại phía sau bảo:
- Doanh trại của Vương gia đóng cách dây bốn chục dặm về hướng này. ta khuyên các ngươi không nên đi về đó làm chi.
Pháp Vương ngạc nhiên hỏi: - Vì sao vậy?
Châu Bá Thông cười rồi đáp:
- Vì hiện nay Vương gia đang nổi trận lôi đình. Ta e rằng nếu hoà thượng đến yết kiến lúc này có lẽ cái đầu trọc kia cũng sẽ bị chặt mất.
Kim Luân nóng mặt hỏi:
- Đừng nói bậy, vì sao Vương gia lại giận dữ như thế?
Châu Bá Thông đưa tay chỉ lá hiệu kỳ của Hốt Tất Liệt đang phấp phới trên lưng lạc đà nói: - Làm vua làm tướng có lá hiệu kỳ để ta ăn cắp mất, thử hỏi không tức mình nóng giận sao được?
Kim Luân nghe nói giật mình nghĩ bụng:
- Lão già này hễ nói là có, mà võ công của ông ta thật là thần xuất quỷ nhập, nếu ông muốn lấy cắp hiệu kỳ của Vương gia thật cũng không khó khăn gì.
Suy nghĩ xong ông hỏi lại:
- Lão ăn cắp kỳ soái của Vương gia để làm gì? Châu Bá Thông không đáp ngay mà hỏi lại: - Ngươi có biết Quách Tỉnh không?
Kim Luân gập đầu đáp: - Biết, nhưng hỏi để làm gì? Châu Bá Thông mỉm cười đáp:
- Quách Tỉnh cùng ta là đôi bạn chí thân. Chúng ta xa cách nhau đã mười mấy năm nay chưa hề gặp mặt. Ngày nay hắn ở thành Tương Dương chống quân Mông Cổ. Ta muốn đến thăm hắn một phen. Vì thế ta ăn cắp hiệu kỳ của Vương gia Mông Cổ đem tặng Quách Tỉnh mừng ngày hội ngộ.
Kim Luân nghe nói thất sắc:
- Nguy quá, thành Tương Dương chưa lấy được mà hiệu kỳ của chúa mình lại bị người ta lấy mất. Quả thật là điều điếm nhục cho quốc thể. ta phải làm sao lấy lại cho được mới xong.
Bỗng Châu Bá Thông hét lên một tiếng, bốn con lạc đà tung mười sáu chân chồm tới trước chạy mau về hướng Tây, bao một vòng rồi quay trở lại. Ông đứng thẳng người trên bốn sợi dây, hai tay nắm cương, thúc lạc đà tế mau như tên bắn. NGọn kỳ hiệu của Hốt tất Liệt phất phơ theo gió ngàn kêu phần phật trông thật oai nghi và đẹp mắt.
Châu Bá Thông có vẻ đắc chí nên khi bày lạc đà phi tới trước mặt mọi người, ông chỉ giật nhẹ một cái, chúng đã đứng yên không cử động. Chẳng hiểu ông
đ ã đào luyện chúng bằng cách nào mà làm được quy củ thế.
Châu Bá Thông cười ha hả hỏi Kim Luân:
- Này hoà thượng, ngươi xem mấy con lạc đà của ta thế nào?
Kim Luân gật đầu đáp: "thật tuyệt", nhưng trong bụng cứ suy nghĩ tìm cách đoạt lấy cây soái kỳ.
Châu Bá Thông khoát tay nói:
- Đại hoà thượng, tiểu cô nương, lão Ngoan Đồng xin tạm biệt nhé.
Vừa nghe tới ba chữ "lão Ngoan Đồng", Triệu Chí Kính và Doãn Chí Bình giật mình buột miệng kêu lớn: - Sư thúc tổ!
Gọi xong cả hai cùng quỳ xuống đất, vập đầu làm lễ. Đoạn Doãn Chí Bình thưa lớn: - Thưa, ngài có phải là Châu lão tiền bối, sư thúc tổ của Toàn Chân phái hay không?
Châu Bá Thông trợn mắt hỏi:
- Hai đứa bay là học trò thằng nào, sao không làm đủ lễ đi.
Doãn Chí Bình và Triệu Chí Kính mới lạy một cái, định tiếp tục lạy nữa cho đủ lễ, nhưng nghe Châu Bá Thông nói có vẻ kỳ khôi quá nên trong lòng hơi ngờ vực vùng đứng khựng lại.
Thấy hai người đứng trân nhìn mình Châu Bá Thông hỏi lại: - Ta hỏi, bay là đồ đệ của đứa nào?
Doãn Chí Bình cung kính thưa:
- Triệu Chí Kính là đồ đệ của Ngọc Dương Tử Vương đạo trưởng, còn đệ tử là Doãn Chí Bình môn đồ của Trường Xuân Tử Khưu đạo trưởng.
Châu Bá Thông hừ một tiếng quắc mắt nhìn hai người nói lớn:
- Bọn đệ tử Toàn Chân thật quả lếu láo. ta xem hai đứa bay còn kém cỏi chứ không phải tay lỗi lạc.
Bỗng vung hai chân đá tung hai chiếc giày rách về phía hai người.
Doãn Chí Bình nhất định đây là sư thúc tổ nên vẫn đứng yên không dám tránh né.
Triệu Chí Kính hoảng hồn vội đưa hai tay đón bắt.
Nào ngờ hai chiếc giày quay tít vừa tới gần đầu hai người bỗng dừng lại rồi đổi hướng tức thì, chiếc tả quay sang bên hữu còn chiếc hữu quay sang phía tả, lượn một vòng rồi chạy lộn trở về. Châu Bá Thông điềm nhiên đưa chân ra đón. Hai chiếc giày tự nhiên tròng lại vào chân không sai ly nào.
Tuy chỉ là một trò đùa, nhưng nếu không có một bản lĩnh cao diệu và trình độ nội công phi thường, không khi nào điều khiển được như ý muốn như thế. Khi còn ở dưới trướng của Hốt Tất Liệt, Kim Luân và Ni Ma Tinh đã từng thưởng thức tài nghệ của Châu Bá Thông phóng kiếm ra rồi thu trở lộn về. Cho nên hôm nay thấy hai chiếc giày bay tới rồi chạy trở về chân, cũng không còn ngạc nhiên lắm.
Nhưng Triệu Chí Kính xưa nay quá tự tin tài nghệ mình có thể tự hào bắt ám khí rất giỏi, không ngờ chỉ một chiếc giày rách bay từ từ lại trước mặt mà phải chụp hụt thì quả là một chuyện không thể tưởng tượng được.
Bao nhiêu đó cũng đủ chứng minh tông tích vị tiền bối này nên Doãn, Triệu vội vàng quỳ lậy lia lịa và thưa: - Đệ tử xin kính bái sư thúc tổ.
Châu Bá Thông cười ha hả nói lớn:
- Khưu Xứ Cơ và Vương Xứ Nhất thiển cận quá, nên mới thu dụng bọn đệ tử quá kém như tụi bay. Thôi đứng cả dạy, bày đặt lậy lục làm chi nữa.
Nói xong ông thét lớn: - Xung phong!
Tức thì bốn con lạc đà cùng cất vó chạy tới.
Kim Luân vội vàng phi thân chặn phía trước miệng nói: - Khoan đã.
Nói xong lão đặt nhẹ hai chưởng lên chán hai con lạc đà đi đầu.
Hình như bị một sức mạnh vô hình cản ngăn lại nên bốn con lạc đà đang phi nhanh bỗng dừng ngay lại như một cái máy, thối lui mấy bước.
Châu Bá Thông trợn mắt vểnh râu thét lớn:
- Này đại hoà thượng, mi định đánh lộn nữa hay sao? Đã mười mấy năm nay rồi, lão Ngoan Đồng này chưa hề gặp người ngang sức nên cũng ngứa tay lắm. Vậy nhân tiện hôm nay đánh chơi một trận cho phí sức.
Châu Bá Thông vốn là ngươi ham chuộng võ nghệ, suốt đời chỉ mê luyện tấp và thách đấu nhau. Nhưng về sau tài nghệ của ông đã tiến tới một mức quá cao siêu, không còn một ai dám so tài nữa. Vì vậy ông rất bực chưa gặp đối thủ. Hôm nay thấy Kim Luân cũng thuộc hạng khá, khả dĩ có thể hầu mình
đ ược năm ba hiệp, nên vừa nói đã muốn ra tay ngay.
Nhưng Kim Luân đã ranh mãnh khoát tay nói:
- Bình sinh ta chưa hề bao giờ đánh nhau với những kẻ mặt dạn mày dày. Dù mi có đánh đập ta cũng không thèm chống đỡ đâu.
Châu Bá Thông nổi nóng nạt lớn:
- Khốn kiếp, mi dám chửi ta là mặt dạn mày dày sao? Kim Luân nói:
- Mi biết ta không có mặt tại đại bản doanh nên thừa dịp ấy mà ăn cắp soái kỳ, sao không biết nhục? Té ra mi cũng tự lượng sức mình không địch nổi ta nên mới làm như vậy. Nếu là tay hảo hán thì sao không chờ có mặt ta rồi mới ra tay. Một người như Châu Bá Thông không ngờ lại có hành động yếu hèn như vậy, quả là xấu hổ.
Châu Bá Thông gật gù nói:
- Có chi đâu, muốn biết ta có địch lại mày hay không cứ choảng nhau một trận bây giờ tức khắc thấy rõ liền.
Kim Luân lắc đầu nói:
- Ta nhất định không chịu đấu với hạng người hèn kém như vậy, đừng nài ép làm chi uổng công. Con người ta lạ lùng lắm, khi nào đánh phải một địch thủ thiếu khí tiết, không xứng đáng với mình thì xấu hổ và ân hận mãi hàng năm không thôi.
Châu Bá Thông tức quá trợn mắt thét lớn: - Như vậy mi muốn làm sao bây giờ? Kim Luân biết lão đã lầm mưu mình nên đáp:
- Muốn tỏ ra là kẻ có khí tiết thì ngay bây giờ mi phải trả ta soái kỳ để ta mang về. Ta đã có mặt và canh chừng tại đại bản doanh rồi. Khi đó mi muốn đánh cắp công khai hay lấy trộm, bất cứ cách nào cũng được. Khi nào soái kỳ rơi vào tay mi lần thứ nhì, thì ta mới phục mi là anh hùng hoả hán. Bản tính Châu Bá Thông không bao giờ muốn ai chê bai mình và càng gặp chuyện khó khăn càng thích làm cho kỳ được, vì vậy nên nghe Kim Luân nói xong, ông rút ngay cây soái kỳ ném phăng trước mặt hắn thét lớn: - Hãy giữ lấy đi. Đêm nay ta sẽ đến đoạt lại đây.
Châu Bá Thông phóng cây cờ với một sức mạnh vô biên, khiến cho Kim Luân đưa tay vận sức nắm, phải thối lui ba bước mới đứng vững được.
Nãy giờ bốn con lạc đà bị chưởng lực Kim Luân hạn chế không thể đi tới
được. Khi ông bận đưa tay tiếp lá soái kỳ, chúng như được phóng thích, tung chân chạy liền như chớp nhoáng. Không mấy chốc. cả người và vật đã khuất sau đám bụi mịt mù.
Kim Luân đứng nhìn theo một hồi lâu rồi mới trao cờ cho Tát Đa bảo: - Hãy giữ lấy và lên đường.
Trong khi ấy Kim Luân cố suy tính một phương sách nào để đối phó đêm nay mới hòng thắng nổi một con người có bản lãnh tột bậc cao siêu như lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông.
Lão liếc nhìn Triệu, Doãn thấy cả hai cứ lấm la lấm lét nhìn trộm Tiểu Long Nữ hình như sợ sệt lắm nên đoán thầm: - Có lẽ con bé cố đeo đuổi hai tên đạo sĩ này chăng?
Quay sang hai người Kim Luân hỏi dò:
- Này Doãn đạo huynh chẳng hay người có quen biết cô nương này không? Doãn Chí Bình đáp vắn tắt: - Có.
Kim Luân đoán biết có lẽ giữa bọn này có mối ẩn tình chi đây, nên hỏi phăng tới mãi:
- Có lẽ các ngươi đã gây sự khiến nàng nổi giận cố theo để trả thù phải không. Nàng ấy bản lãnh quá cao cường nếu chọc tới thì e lành ít dữ nhiều đấy nhé.
Kim Luân nào biết sự tình giữa ba người, nhưng chỉ nhìn theo thần sắc lo sợ của họ mà đoán càn, không ngờ trúng phóc.
Nhân dịp này, Triệu Chí Kính cũng khơi mào luôn:
- Cô ấy cũng có gây sự và chọc tức đại sư ít nhất là một lần. Trong cuộc đại hội anh hùng, đại sư đã bị nàng đánh thua, có lẽ đại sư không khi nào bỏ qua mối hận ấy phải không?
Kim Luân ngạc nhiên hỏi:
- Té ra ngươi cũng biết chuyện này sao?
- Kết quả hôm đại hội anh hùng đã loan truyền trong thiên hạ, ai mà không biết.
Kim Luân nghĩ bụng:
- Hai tên này cũng đáo để lắm. Mình định lợi dụng hắn thì hắn lại định mượn tay ta đánh nàng. Dù sao chúng nó cũng là tay khá lợi hại, tốt hơn là nên thẳng thắn cùng nhau bàn định sẽ có lợi hơn.
Nghĩ xong hỏi liền:
- Nàng định giết chết hai ngươi. Hai ngươi tự lượng mình không đủ sức chống cự, muốn nhờ ta giúp sức phải không?
Doãn Chí Bình đáp:
- Kẻ này thà chịu chết chứ nhất định không bao giờ nhờ kẻ khác che chở. Hơn nữa, chưa chắc đại sư đã thắng nổi nàng.
Kim Luân vừa nghe qua những lời nghiêm nghị đầy vẻ chân thành của Doãn Chí Bình, suy nghĩ: - Không lẽ ta đoán sai hay sao?
Vì chưa biết rõ ý muốn của hai người như thế nào nên ông chỉ mỉm cười nói: - Nếu có cả nàng và Dương Qua sử dụng "song kiếm hợp bích" thì quả nhiên lợi hại thật. Nhưng nếu chỉ một mình nàng thì ta hạ sát dễ như không. Triệu Chí Kính lắc đầu nói: - Tôi chưa dám tin như thế được, trong cuộc so tài hôm đại hội quần hùng, ai ai cũng biết rõ Kim Luân Pháp Vương đã bị đại bại dưới tay Tiểu Long Nữ. Nghe mấy lời nói khích này, Kim Luân đã biết ngay Triệu Chí Kính muốn nhờ tay mình đánh nàng nên chỉ cười bảo: - Ta đã tu luyện nhiều năm nên tính tình cũng đã đằm thắm được phần nào, ngươi khỏi cần tìm lời nói khích, vô ích.
Trước khi Châu Bá Thông xuất hiện, Kim Luân đã có ý định giết Tiểu Long Nữ rồi. Nhưng sau khi Châu Bá Thông trả lại cây soái kỳ và hẹn ngày cướp lại, thì ông nhận thấy rất cần sự hợp tác của hai người này.
Bây giờ nếu hạ sát Tiểu Long Nữ thì không còn thứ gì để kiềm chế được họ nữa. Vì vậy nên Kim Luân ung dung nói: - Nếu vậy ta xin đi trước để hai vị có thể tự giải quyết công việc riêng của mình và nàng rồi sau sẽ đến tìm ta tại Đại bản doanh cũng được.
Nói xong lão thúc chân vào hông ngựa đi ngay không chờ trả lời.
Triệu Chí Kính thấy Kim Luân bỏ đi không đoái hoài gì tới hai người thì thất kinh nghĩ bụng: - Trời ơi, chúng ta chỉ mong có lão cứu vãn được tình thế, nay lão bỏ đi thì hai anh em làm sao chống cự lại với Tiểu Long Nữ. Con người này quả là một tay lợi hại về võ công cũng như mưu lược, ta không nên xem thường mà qua mặt y.
Nghĩ xong Triệu Chí Kính vội giục ngựa đuổi theo gọi lớn:
- Đại sư hãy chậm bước, chúng tôi không biết rõ đường đi, xin được đại sưgiúp đỡ và chỉ bảo nguyện mang ơn đời đời.
Nghe bốn chứ "mang ơn đời đời", Kim Luân tức cười và thầm đoán:
- Như vậy có lẽ tên này đã gây sự cùng Tiểu Long Nữ, còn chú họ Doãn vô can, nên không cần tới ta giúp đỡ.
Ông lên tiếng đáp:
- Cũng hay, vì lão còn lắm việc muốn nhờ tới quý vị. Triệu Chí Kính chắp tay nói:
- Đại sư cần gì xin cứ dạy, chúng tôi xin sẵn lòng và nguyện cố gắng hết sức mình.
Kim Luân cho ngựa đi chầm chậm bên cạnh Triệu Chí Kính và luôn miệng hỏi thăm về tình hình phái Toàn Chân.
Triệu Chí Kính nhất nhất đều trả lời không hề giấu diếm điều gì.
Doãn Chí Bình tuy lững thững theo sau lưng mà trong lòng suy nghĩ mông lung chứ không để ý đến câu chuyện của hai người.
Kim Luân hỏi:
- Hình như Mã đạo trưởng tuổi đã khá cao nên không còn nhúng tay vào công chuyện trong giáo phái, và hiện nay đương kim giáo chủ Khưu đạo trưởng cũng cao niên rồi thì phải?
Triệu Chí Kính đáp:
- Thưa phải, hiện nay Khưu sư bá cũng đã ngoài bảy mươi rồi. Kim Luân hỏi tiếp:
- Nếu vậy thì có lẽ lệnh tôn sư Vương đạo trưởng sẽ tiếp nhận chức giáo chủ Toàn Chân phải không?
Triệu Chí Kính nghe tới đây chột dạ biến sắc, suy nghĩ một chập rồi nói: - Hiện nay gia sư cũng đã lớn tuổi không muốn đảm nhận công việc nặng nề nữa. Hơn nữa cả sáu vị trong Toàn Chân lục tử đang chuyên lo nghiên cứu về giáo thuyết, nên chức trưởng giáo truyền việc ngoài đời sẽ giao lại cho Doãn sư đệ đây.
Kim Luân để ý thấy Triệu Chí Kính trả lời nhưng trong đôi mắt hầm hầm sát khí thì hạ giọng: - Theo ta nhận xét về Doãn đạo huynh tuy cũng khá, nhưng kể về võ công và tài lanh lẹ tháo vát sao bằng đạo huynh. Vậy chức trưởng giáo đáng lẽ phaỉ giao cho đạo huynh mới phải lẽ.
Từ trước tới nay, Triệu Chí Kính cũng chỉ có bấy nhiêu đó nhưng không bao giờ tiết lộ. Hôm nay bỗng dưng được Kim Luân gợi ra, và gãi đúng chỗ ngứa nên sự giận dữ đã in trên nét mặt.
Toàn Chân lục tử đã giao phó cho Doãn Chí Bình cầm đầu lớp đệ tử đời thứ ba, đã gián tiếp định trước nhiệm vụ kế vị chức trưởng giáo Toàn Chân giáo phái này rồi.
Triệu Chí Kính đã bất phục trong lòng nhưng không dám nói ra, chỉ cố mọi cách tìm lỗi lầm hay chuyện xấu của Doãn Chí Bình để hạ bệ y, hòng chiếm đoạt ngôi vị trưởng giáo.
Hắn cũng biết, nếu tiết lộ cái tin Doãn Chí Bình phá trinh Tiểu Long Nữ thì nhất định Doãn Chí Bình không bảo đảm tính mạng, nhưng hắn cũng tự xét mình không được Toàn Chân lục tử tín nhiệm, và các sư huynh, sư đề thán phục, thì dù Doãn Chí Bình có bị giết, hắn cũng không làm trưởng giáo được. Vì vậy nên Triệu Chí Kính chỉ ôm ấp cái mộng ấy mà không dám hở môi. Kim Luân cứ nhìn qua sắc diện Triệu Chí Kính, cũng đoán được phần nào nội tâm của y nên thầm nghĩ: - Nếu giúp hắn tranh được chức trưởng giáo thì nhất định hắn sẽ bằng lòng làm tay sai đắc lực cho mình ngay. Hiện nay thế lực Toàn Chân giáo tại Trung nguyên rất mạnh, nếu được phái này ủng hộ thì có lợi cho Mông Cổ vô cùng, việc Nam chinh của chủ ta sẽ nhờ đó mà trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Ta thực hiện được việc này thì công tạng còn nhiều hơn cả chuyện giết Quách Tỉnh.
Từ đó Kim Luân cứ lặng thinh suy nghĩ kế hoạch chứ không chuyện trò cùng Triệu Chí Kính nữa.
Vừa đúng trưa, bọn họ đã về đến Đại bản doanh của Hốt Tất Liệt. Trong khi ấy Hốt Tất Liệt đang ủ rũ trong trướng lo nghĩ việc mất soái kỳ.
Soái kỳ là tượng trưng của uy quyền, là linh hồn của binh ngũ, là mục đích chiến thắng. Trong khi xuất chinh, hàng vạn con người chỉ hướng theo sự điều động của soái kỳ mà tiến hay thối. Vì vậy nên bảo vật ấy bị mất thì không khác nào một trận đại bại.
Khi trông thấy Kim Luân Pháp Vương trở về có mang theo soái kỳ đã mất thì Hốt Tất Liệt mừng rỡ vô cùng vội đứng lên đón tiếp và ân cần hỏi han mọi việc.
Hốt Tất Liệt tuy còn nhỏ tuổi, nhưng mưu lược và can đảm không sút kém gì Thiết Mộc Chân Thành Cát Tư Hãn. Đáng lẽ phải vồn vã hỏi tham cướp soái kỳ trong trường hợp nào, Hốt tất Liệt chỉ lẳng lặng đứng nghe Kim Luân giới thiệu hai đệ tử Toán Chân giáo là Triệu Chí Kính và Doãn Chí Bình, và vui vẻ thu nhận ngay để chứng tỏ ta là con người coi trọng hiền tài.
Sau đó, Hốt Tất Liệt ra lệnh dọn tiệc khoản đãi.
Doãn Chí Bình chỉ lo nghĩ và mong tưởng đến Tiểu Long Nữ nên thần sắc ngẩn ngơ như kẻ mất hồn.
Triệu Chí Kính là tên tham danh phận, thấy vị chúa tể Mông Cổ niềm nở đón tiếp thì như mở cờ trong bụng lúc nào cũng cười cười nói nói rất hả hê thoải mái.
Con người học võ để đi tới chỗ "bần hàn không thay, uy võ không khuất" cũng còn dễ. Nhưng học võ để tiến tới chỗ "phú quý không ham" mới là khó. Kẻ nào làm được điều này mới thật là anh hùng chân chính.
Hốt Tất Liệt không hề nhắc tới việc mưu sát Quách Tỉnh thất bại mà luôn luôn đề cao Ni Ma Tinh vì trung thành với nhiệm vụ đến nỗi cụt mất cả hai chân.
Trong bữa tiệc y ân cần mời mọc Ni Ma Tinh ăn uống và đặt y ngồi chỗ cao nhất để tỏ ý trọng vọng.
Ni Ma Tinh rất cảm động vì tấm thịnh tình này, quên cả sự đau đớn tàn tật của bản thân, và nguyện xả thân đền đáp ân huệ ấy. Những người trong tiệc trông thấy cũng cảm phục Hốt Tất Liệt vô cùng. mãn tiệc, Kim Luân đưa Doãn, Triệu qua phòng bên an nghỉ. Suốt một ngày mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần, nên Doãn Chí Bình vừa đặt lưng xuống đã ngủ vùi ngay.
Kim Luân Pháp Vương rủ Triệu Chí Kính:
Đạo huynh, nhân lúc nhàn rỗi, chúng ta ra ngoài dạo mát hàn huyên cho vui.
Triệu Chí Kính vừa ra khỏi bản doanh, nhìn về phía trước bỗng thất kinh tái mặt. Đằng xa, dưới gốc cây đa, Tiểu Long Nữ đang ngồi đó từ hồi nào, con lừa cũng buộc đứng ăn cỏ gần bên.
Kim Luân cũng trông thấy, nhưng giả vờ không biết, cứ điềm nhiên hỏi thăm về tình hình Toàn Chân giáo phái.
Triệu Chí Kính xem Pháp Vương như người tri kỷ để tiến dẫn mình nên không hề giấu giếm một điều gì hết.
Nguyên xưa kia đạo giáo chỉ có một tổ chức thống nhất do Trương thiền sư ở Long hồ sơn sáng lập ra. Từ khi quân Kim xâm lăng, nhà Tống phải dời đô về Nam. Đạo giáo ở Hà Bắc mới chia ra làm ba phái là Toàn Chân, Đại Đạo và Thái ất. Trong ba phái này, Toàn Chân là hùng mạnh nhất.
Trong khi miền Bắc đã lọt vào tay giặc, nhân dân hết sức lầm than cơ cực, mà triều đình lại tỏ ra nhu nhược, không thể nào khôi phục lại nổi, cho nên toàn thể nhân dân chỉ trông cậy vào giáo phái Toàn Chân như là cứu cánh duy nhất cho tổ quốc chống xâm lăng.
Lúc bấy giờ thế lực của Toàn Chân và Cái Bang có nơi còn mạnh hơn cả Hoàng Đế, lấn át cả phủ quyền.
Hai người cứ lần lần bước đi và tâm sự. Khi tới một chỗ vắng, Kim Luân thở dài bảo: - Triệu đạo trưởng, quý phái sở dĩ tạo nên được một cơ sở vững vàng với thế lực quy mô như vậy không phải việc dễ làm. Nhưng ta cũng xin mạo muội phê bình các vị lãnh đạo trong quý phái như Khưu, Vương, Mã đạo trưởng, không hiểu tại sao lại giao quyền trưởng môn lại cho Doãn đạo trưởng? Xưa nay Triệu Chí Kính vẫn nuôi một kỳ vọng thầm kín, là chờ khi nào Toàn Chân lục tử qua đời sẽ dùng áp lực bức bách Doãn Chí Bình nhường quyền trưởng giáo lại cho mình.
Với bản chất nông nổi và nóng nẩy, y không biết kế hoạch này chừng nào mới thuận tiện và thành tựu được, nên mỗi lần nghĩ tới là lòng như lửa đốt. Nay y thất Kim Luân ngỏ ý như vậy thì không khác gì gặp bạn đồng minh, nên thở dài nhìn về phía Tiểu Long Nữ rồi lặng thinh luôn.
Pháp Vương nói:
- Chuyện Tiểu Long Nữ là chuyện nhỏ mọn, xin đừng lo lắng nữa, hễ ta ra tay một chút là giải quyết xong ngay. Chuyện quan hệ tới chức trưởng giáo Toàn Chân nên bàn cho kỹ.
Triệu Chí Kính nói:
- Nếu đại Pháp Vương sẵn lòng giúp đỡ đưa đường chỉ lối, thì tiểu đạo nguyện ngàn đời ghi khắc ơn này, và lúc nào cũng tuân theo mệnh lệnh của ngài.
Kim Luân đằng hắng một tiếng rồi nghiêm giọng bảo: - Quân tử đã nói xin giữ lấy lời đấy nhé.
Triệu Chí Kính chắp tay vái dài nói:
- Đó là điều dĩ nhiên rồi.
Với một giọng đầy tin tưởng, Kim Luân nói:
- Thôi được, chỉ trong vòng ba tháng tới ta sẽ giúp đạo huynh toại nguyện. Triệu Chí Kính nghe nói hết sức hân hoan, nhưng thấy đây là một chuyện hết sức khó khăn phức tạp nên trong lòng còn thắc mắc chưa dám tin tưởng hoàn toàn.
Kim Luân Pháp Vương hình như đoán ra cảm giác ấy nên hỏi lại: - Ngươi chưa tin lời ta sao?
Triệu Chí Kính vội trả lời:
- Việc tuy quá khó nhưng với tài biến hoá của đại Pháp Vương tôi xin đặt hoàn toàn tin tưởng.
Kim Luân Pháp Vương nói thêm:
- Toàn Chân giáo và ta không hề có chuyện chi xích mích, đáng lẽ không nên nhúng tay vào làm chi. Nhưng vì may mắn gặp được đạo huynh thành đôi bạn tâm đầu ý hợp, nên ta muốn giúp cho một tay.
Triệu Chí Kính nghe nói trong lòng hân hoan vô cùng, định tỏ lời cảm ơn thì Kim Luân Pháp Vương nói tiếp: - Công việc đầu tiên của ta là tạo cho người có một kẻ giúp đỡ thật đắc lực. Hiện nay kể về vai vế, trong phái Toàn Chân ai là người lớn nhất.
Triệu Chí Kính đáp:
- Là Châu Bá Thông, vị sư thúc tổ mà đại vương đã gặp giữa đường ban sáng đó.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!