Bạch Hổ Tinh Quân

Chương 12: Chương 12


trước sau

Gần canh giờ sau, bọn Tử Khuê có mặt trước Kỹ gia trang và cục diện nơi đây đã đến hồi gây cấn.

Vòng ngoài, hàng ngàn cao thủ độc hành, hắc đạo đứng quanh quẩn đó đây, mũ rộng vành sùm sụp. Vòng trong, bốn lực lượng hùng mạnh nhất đứng theo hình nan quạt đối diện với phe chủ nhà.

Có lẽ Âu Dương Mẫn đã dùng thân phận võ lâm minh chủ để ép buộc Kỹ Tòng Thư phải xuất trang đối thoại. Kỹ trang chủ cùng trăm cung thủ áo xanh, đầu chít khăn đen đứng trấn giữa cổng trang, khí thế kiên cường. Số tráng đinh còn lại rải đều phòng thủ trên đỉnh tường quanh trang, cung tiễn sẵn sàng.

Nhưng đội ngũ đó xem ra quá nhỏ bé so với lực lượng Hắc- Bạch đông đến mấy ngàn người đang lăm le uy hiếp.

Phe Bạch đạo gồm cao thủ của năm phái trong Hội đồng võ lâm, chỉ thiếu Thiên Sư Giáo. Vì "Diêm Vương Quỷ Kỳ" uy lực vô song, quan hệ đến vận mệnh của võ lâm, nên các phái chẳng thể làm ngơ… Họ đến đây để cản trở việc tái xuất của một Quỷ Chân Nhân thứ hai, tai hoạ khủng khiếp nhất trong lịch sử võ lâm Trung Thổ.

Phái Võ Đương ở gần hơn cả nên đã mang đến Bảo Bình hơn trăm đệ tử giỏi nhất, do chính chưởng môn nhân Vân Thiên Tử thống lĩnh… Bốn phái Hoa Sơn, Thiếu Lâm, Toàn Chân, Cái bang vì ở xa nên mỗi phái chỉ hiện diện độ ba mươi người, song toàn là cao thủ hàng đầu.

Hơn hai trăm con người sẵn sàng hi sinh vì thanh bình của võ lâm giang hồ ấy tập trung thành mũi dùi mé hữu Kỹ gia trang. Ba mũi dùi còn lại lần lượt là Tổng Đàn võ lâm, Chiết Mai bang và Bích Huyết bang. Chẳng khó để nhận ra họ vì mỗi đội quân đều có một lá đại kỳ oai phong, sặc sỡ, lớn cỡ mảng chiếu, ghi rõ chiêu bài.

Giờ đây, những thủ lĩnh của bốn lực lượng đang tranh luận với Kỹ trang chủ về phương thức giải quyết "Diêm Vương Quỷ Kỳ". Kỹ Tòng Thư hoàn toàn cô thế vì không còn được sự hỗ trợ của tổng binh thành Nam Dương là Từ Hậu.

Chẳng thấy bóng dáng quan quân đâu, tây nhạc kiếm khách Lư Công Đán vô cùng lo lắng liền hỏi thăm một hán tử mang đao, gã này cười đáp:

- Lão chết tiệt Âu Dương mẫn quả là thần thông quản đại, mang đến công văn của tri phủ Nam Dương, lệnh choTừ tổng binh phải rút lui đứng ngoài cuộc tranh chấp.

Lư Công Đán thờ dài, quay sang nói với bọn Tử Khuê:

- Tại hạ cho rằng chúng ta nên đứng chung phía với các phái bạch đạo, rồi tuỳ cơ ứng biến. Nay Âu Dương Mẫn và hai bang hội mới kia đều muốn chiếm đoạt "Diêm Vương Quỷ Kỳ" không đồng ý để Kỹ Tòng Thư huỷ đi, thì chắc chắn sẽ có giao tranh.

- Quả đúng như vậy, lúc này Kỹ trang chủ đang tức giận cao giọng:

- Lão phu một đời chính trực, tuy lấy đựơc quỷ kỳ đã muời năm, nhưng chưa một lần tìm hỉêu bí mật của nó đã trở thành thiên hạ vô địch. Nay lão phu đồng ý huỷ đi sao chư vị nghi ngờ là của giả.

Âu Dương Mẫn lạnh lùng đáp trả:

- "Nhân tâm nan trắc" nên lão phu chẳng thể sơ xuất được. Tôn giá cứ giao cho lão phu thẩm định rồi sau đó tự tay huỷ hoại.

- Nhưng bang chủ Chiết Mai bang, một nữ nhân áo vàng, mặt che bằng xa đen đã cười khanh khách bác bỏ:

- Cả giang hồ đều nói các hạ là tên ác ma Huyết Mai hội chủ năm xưa, nên bổn bang chủ rất e ngại không thể đồng ý được.

Âu Dương Mẫn giận điên lên chỉ mặt đối phương mà quát:

- Dương Tố Vy! Nàng đừng nghĩ có thể dựa thế lão Bắc Thiên Tôn mà ngạo mạn. Nàng có gan thì hãy cùng lão phu tỉ thí. Sau ba trăm chiêu mà lão phu chẳng giết được ngươi thì lão phu quyết chẳng làm người.

Té ra bang chủ Chiết Mai bang họ Dương tên Tố Vy, nàng ta thản nhiên đáp:

- Bổn cô nương chẳng hề sợ hãi một lão già sắp xuống lỗ, nhưng phải chờ tới khi giải quyết xong "Diêm Vương Quỷ Kỳ" cái đã.

Âu Dương Mẫn cũng không muốn rơi vào cảnh "Trai cò cắn nhau, ngư ông hưởng lợi", nên im tiếng, lão quay lại hỏi Kỹ Tòng Thư:

- Này Kỹ trang chủ! Nếu ông có cách chứng minh cây cờ trong tay mình là của thực thì lão phu sẽ để cho ông phá huỷ.

Gương mặt cương nghị cũa Kỹ Tòng Thư tái nhợt đi đầy vẻ tuyệt vọng, làm bớt son đỏ giữa trán cao càng nổi bật. Ông ngẩn ngơ đưa cây cờ quỷ quái lên ngắm nghía, chẳng biết làm sao.

"Diên Vương Quỷ Kỳ" có cáng bằng thép ròng, dài độ hơn ba xích, đầu có mũi nhọn hoắt hình mũi giáo. Lá cờ hình tam giác, nền vàng viền xanh, thêu nhằng nhịt những nét chữ kỳ quái bằng chỉ đen, không rõ văn tự của nước nào. Chẳng hiểu nó được dệt bằng loại tơ gì mà sau ba trăm năm vẫn chưa hề mục nát, chỉ hơi phai màu.

Nếu nhìn thật kỹ người ta sẽ nhận ra cán cờ gồm bốn ống thép, luồn vào nhau có thể thu ngắn lại được. Và trên thân ống, chi chít những chữ Phạn nhỏ li ti, có lẽ là kinh văn hay thần chú.

Nhắc lại Kỹ Tòng Thư đứng lặng một hồi rồi nghiêm trang kể:

- "Mười năm trước lão phu mới định cư chốn này được hai Thu, một đêm nằm mộng thấy vị đạo sĩ râu ba chòm, tuổi độ gần lục tuần, người này tự xưng là Vương Tùng Dương, chưởng môn phái Toàn Chân. Vương Tổ sư đã chỉ cho lão phu biết nơi Quỷ chân nhân Đơn Ngạn Hoà vùi thây năm xưa. Họ Đơn trúng kiếm của Vương tổ sư, nhảy xuống sông đào tẩu, tìm đến núi Bách Khổng, cách bờ tây Bạch Hà mười tám dặm để dưỡng thương. Nhưng lão không qua được và chết âm thầm trong một động đá kín đáo".

Vương chân nhân dạy rằng:

- Vạn vật vốn vô tính do người sử dụng mà thành thiện hay ác. Thí chủ hãy giữ gìn "Diêm Vương lệnh kỳ" này, chờ khi gặp được tướng tinh giáng phàm thì giao cho người ấy, để bình định võ lâm, bảo vệ giang sơn xã tắc. Bằng như không có duyên ấy thì hãy huỷ bỏ bảo vật này đi.

Lão phu không hiểu nên hỏi lại:

- Bẩm lão thần tiên, làm sao đệ tử nhận ra người ấy?

Vương tồ sư liền cười đáp:

Chàng trai đó có thể khắc chế được linh kỳ.

Kể xong, Kỹ Tòng Thư ứa lệ cao giọng:

Nay chư vị chẳng thể là chàng trai mà lão phu chờ đợi, nên linh kỳ phải được huỷ đi. Sau đó, Kỹ mỗ sẽ tự sát để tỏ lòng thanh bạch.

Đến lúc này thì chưởng môn các phái bạch đạo đã tin tưởng tấm lòng chân thật cũa Kỹ Tòng Thư. Vân Thiên Tử vội gọi lớn:

- Kỹ thí chủ chớ vọng động! lão phu sẽ đứng ra giải quyết vụ này.

Đúng lúc ấy, Âu Dương Mẫm bất ngờ lao vút về phía Kỹ Tòng Thư với tốc độ sao băng. Dẫu biết rằng sau khi đoạt được "Diêm vương quỷ kỳ", thì sẽ bị toàn trường vây hãm, lão vẫn không hề sợ hãi. Có cờ báu trong tay, lão sẽ trở thành bất khả xâm phạm. Âu Dương Mẫn là một trong những người hiếm hoi biết được câu thần chú cổ xưa.

Nhưng đồng thời, từ hàng ngũ bạch đạo cũng có một bóng người bay vút ra. Người ấy đứng ở vị trí hơi xa Kỹ Tòng Thư nên chậm chân hơn Âu Dương Mẫn một bước. Song hắn ta nhờ thân pháp nhanh như điện mà bắt kịp và bủa lưới kiếm vào thân tả đối phương.

Đấy là hán tử áo lam, râu rậm, thân hình to lớn tên gọi Hàn Thiếu Lăng. Chỉ mình Thiết Đảm Hồng Nhan biết họ Hàn là quách Tử khuê, hay Vu Diệp chân nhân.

Chẳng hiểu vì lý do gì mà Tử khuê lại liều lĩnh xuất chiêu "Thương Thiên Vô Tâm" (trời xanh không có tim), chiêu thứ ba trong pho "Oán Thiên Kiếm Pháp".

Chàng đã dồn toàn lực nên kiếm phong vút lên veo véo, kiếm kình cuồn cuộn, khiến Âu Dương Mẫn chột dạ, phải phế bỏ ý định hạ sát Kỹ Tòng Thư, quay sang đối phó.

Kỹ trang chủ đang bị đường gươm mãnh liệt và quỷ dị tuyệt luân của Âu Dương Mẫn uy hiếp tính mạng, bổng thoát chết thì mừng vô hạn. Nhưng ông chưa kịp hoàn hồn thì phát hiện bang chủ Chiết Mai bang và bang chủ Bích Huyết bang đang lao đến.

Bọn cung thủ Kỹ gia trang đã buôn tên xạ thẳng vào đội hình của phe địch, trừ các phái bạch đạo.Kỹ Tòng Thư đã sớm dặn dò thủ hạ như thế. Những xạ thủ trên đỉnh tường trước Kỹ gia trang cũng đã ra tay, khiến lực lượng địch tổn thương vài chục.

Nhưng toán cung thủ đứng sau lưng Kỹ Tòng Thư chưa kịp tra tên bắn lượt thứ hai thì đã phải buông cung, rút kiếm vì quân thù đến ào ào như thác lũ. Chỉ còn hai trăm tay thiện xạ trên đầu tường là hoạt động hiệu quả. Họ bắn như mưa vào hàng ngũ địch giúp đồng bọn giữ vững cổng trang.

Nhắc lại Âu Dương Mẫn, hụt mất con mồi là kỹ Tòng Thư và "Diêm vương Quỷ kỳ", thì vô cùng giận dữ, lão nghiến răng đánh chiêu "Nhu Vân Tiềm Lợi" (mây mềm ẩn chưá sự sắc bén).

Chiêu này ảo diệu và ác độc phi thường, kiếm ảnh trùng điệp tựa mây mù, che kín chân thân song lại hàm chứa những thế đâm như chớp giật, tuỳ nghi thọc vào tử huyệt đối phương, từ song nhãn đến đầu gối. Đây là chiêu kiếm hữu hiệu nhất dùng trong trường hợp bị tập kích.

Âu Dương Mẫn chính thực Điền Sĩ Lệ, hội chủ Huyết Mai Hội năm xưa. Lúc bị đánh rơi xuống vực thẳm , lão thoát chết nhờ đám dây leo và còn may mắn gặp được nơi toạ hoá của Tam tuyệt Thần Quân Đồng Nhật Tú, cao thủ thời nhà Nguyên. Ngoài pho bí kíp gồm ba phần tuyệt học là "Thuyết Sa Thần Công", "Nhu Vân Kiếm Pháp", "Kỳ Môn Độn Giáp", thần quân còn để lại một nhánh "Thiên Niên Hà Thủ Ô". Nhờ vậy mà hiện nay Âu Dương Mẫn sở hữu đến hơn hoa giáp công lực dù tuổi chỉ mới quá sáu mươi.

Với tu vi thâm hậu từng ấy, với chiêu "Nhu Vân Tiềm Lợi" do lão thi triễn có oai lực kinh hồn, trong võ lâm chẳng mấy ai chống nổi. Nhất là đối thủ của lão lúc này chỉ là một kẻ hậu sinh.

Quả đúng như thế, đường kiếm của gã râu rậm kia bị Âu Dương Mẫn chặn đứng. Và sau hơn trăm tiếng thép va chạm chói tai, lão phát hiện ra ngay hai chổ sơ hở, là huyệt Đại Hoành trên bụng trái và huyệt Phúc Ai bên sườn phải đối phương. Hai huyệt này thuộc Kinh túc thái âm tỳ, thông với nội tạng.

Trong tâm lý kích động và nóng vội, Âu Dương Mẫn chẳng hề ngần ngại, thọc kiếm vào huyệt Đại Hoàng bên trái… Vị trí ấy không được xương sườn che chở nên dạ dày và lá lách có thể bị xuyên thủng dễ dàng.

Nào ngờ dường như hán tử áo lam râu ria kia đoán trước được, khẽ nghiên người về mé hữu để né tránh và vươn tay điểm liền một kiếm thần sầu quỷ khóc, nhắm vào huyệt Nhũ Trung trên ngực trái Âu Dương Mẫn. Phía sau huyệt này chính là quả tim.

Nhát kiếm nhanh và biến hoá đến mức dù Âu Dương Mẫn đã đưa bàn tay tả che chắn mà vẫn thọ thương. Mũi kiếm như có mắt lập tức hạ thấp xuống một chút, đâm gãy xương lồng ngực lão ta.

Nếu là người khác thì đã lủng tim, nhưng Âu Dương mẫn luyện "Thiết Sa Thần Công" đã hơn hai chục năm, thân thể xương cốt cực kỳ rắn chắc nên đã bảo toàn được phủ tạng. Tuy nhiên đoạn xương bị gãy đã làm rách màng phổi, khiến Âu Dương Mẫn đau thấu trời và hô hấp rất khó khăn.

Lão thất kinh hồn vía, mượn lực phản chấn mà tung mình ra thật xa để tránh chiêu kiếm thứ hai của kẻ địch. Xui xẻo thay, lão vừa hạ thân xuống đã bị bang chủ Chiết Mai bang tấn công. Âu Dương Mẫn cắn răng chống đỡ, vừa đánh vừa vận khí trị thương.

Dương Tố Vy phát hiện máu hồng loan ướt đẫm ngực áo đối phương thì rất phấn khởi, ra đòn như thác lũ mưa rào. Kiếm pháp của nàng ta ảo diệu tuyệt luân nhưng xem ra khí lực không đủ. Nhờ vậy mà Âu Dương Mẫn dễ dàng cầm cự được.

Bang chủ Chiết Mai bang thấy lão bị thương mà còn kiêu dũng như vậy thì rất bực bội, nàng ta bèn đánh đòn tâm lý bằng cách thét vang:

- Âu Dương Mẫn bị đâm thủng ngực rồi.

Giọng nàng cao vút áp cả âm thanh náo động của cuộc loạn chiến khốc liệt giữa ba trăm thủ hạ tổng đàn võ lâm và hai bang Chiết Mai, Bích Huyết. Gọi là loạn chiến vì chúng đánh lẫn nhau và đánh cả bọn gia đinh của Kỹ gia trang.

Lực lượng năm phái bạch đạo vẫn án binh bất động, chưa tham chiến. hầu hết họ là hoà thượng, đạo sĩ, chẳng quen với cảnh máu chảy đầu rơi. Hơn nữa, dù sao Âu Dương Mẫn vẫn còn là minh chủ võ lâm, họ chẳng thể công khai đối địch với lão được. Trừ khi Âu Dương Mẫn đoạt được "Diêm Vương Quỷ Kỳ" thì họ sẽ liều mạng để tiêu diệt.

Năm vị chưởng môn nhân trong hội đồng võ lâm đứng hàng đầu, nên đã mục kích cảnh hán tử áo xanh, râu rậm đả thương Âu Dương Mẫn một cách dễ dàng. Họ vô cùng kinh ngạc, hỏi Lư Công Đán về lai lịch của chàng trai kỳ tài, vì chàng ta đã cùng đi với họ Lư.

Tây Nhạc Kiếm khách là đệ tử của Trúc Lâm Tử, chưởng môn nhân phái Hoa Sơn. Nay nghe sư phụ hỏi gã kính cẩn đáp:

- Phải bẩm ân sư và chư vị chưởng môn. Vị đại ca ấy họ Hàn tên Thiếu Lăng là sư huynh của Thiết Đảm Hồng Nhan Tống Thụy.

Thất Bổng Cái Thạch Kính Tường buột miệng nói ngay:

- Lạ thật theo lão ăn mày ta được biết, thì con bé liều mạng kia học võ của cha chú làm gì có sư phụ?

Bang chủ Cái bang là người thông thạo tin tức nhất võ lâm, nắm rõ lai lịch từng cao thủ, nên đã nói ra thì phải chính xác.

Lư Công Đán ngượng ngùng gật đầu:

- Bẩm Thạch trang chủ, vãn bối cũng nghi ngờ điều ấy, nhưng không tiện hỏi. Tống cô nương đột nhiên biệt tích cả năm trời, có lẽ trong thời giang đó đã bái một vị kỳ nhân làm sư phụ.

Đại Giác Thiền Sư, phương trượng chùa thiếu lâm bổng lên tiếng:

- A di đà phật. Xin chư vị để ý quan sát sẽ thấy lộ số võ công của Hàn thí chủ và Tống thí chủ chẳng hề giống nhau.

Mọi người kiểng chân nhìn về phía mà thiến sư đã chỉ thì thấy Thiết Đảm Hồng Nhan đang sát cánh cùng với Hàn Thiếu Lăng mà chiến đấu. Họ đang cố mở đường máu, đưa Kỹ trang chủ trở vào trong. Lúc này cổng chính Kỹ gia trang đã bị các đầu lĩnh Bích Huyết bang chấn giữ, chặn đứng sinh lộ của Tòng Thư.

Tám cao thủ nọ gồm chín người, kể cả bang chủ Bích Huyết bang Trịnh Bá Nghiêm. Họ Trịnh tuổi độ hơn ba mươi, mắt diều, mũi ưng, miệng rộng, mày kiếm xếch ngược, tướng mạo oai võ tuấn tú, phong thái hiên ngang đáng mặt anh hùng.

Vũ khí của gã là một cây thương bằng thép mạ vàng, rực rỡ dưới ánh chiều tà. Nam Thiên Tôn Từ Tôn Chiến là võ lâm đệ nhất thần thương nên đệ tử của lão cũng dùng thương.

Trịnh Bá Nghiêm còn đội ngân quan có gắn hai cọng lông đuôi chim công dài nên càng giống Thường Sơn Triệu Tử Long trong tuồng cổ. Gã thống lĩnh bốn lão nhân dùng đao, tuổi quá lục tuần, vây đánh Kỹ Tòng Thư, quyết đoạt cho được "Diêm Vương Quỷ Kỳ". Bốn lão còn lại trấn giữ cổng trang không cho bọn gia đinh bên trong ra tiếp viện. Không chỉ bấy nhiêu, gần trăm bang chúng Bích Huyết bang cũng tham gia, so tài với bọn kiếm thủ, học trò của Tòng Thư. "Minh sư tất hữu cao đồ’. Do đó tuy tuổi mới chỉ ba mươi bốn mươi , mà bản lãnh của Trịnh Bá Nghiêm lại cao siêu hơn Kỹ trang chủ, gã may mắn được Nam Thiên Tôn cho ăn kỳ trân của đất Miêu Cương là con "Bích Niên Xuyên Sơn Giáp". Xem ra món thịt trúc già hầm thuốc bắc ấy, quả là rất bổ béo nên Bá Nghiêm có thêm mười năm chân khí, với số tu vi tròn trèm nữa hoa giáp, gã có thể vũ lộng cây thương nặng ba chục cân một cách nhẹ nhàng, phát huy hết uy lực của pho "Hoàng Long Thương Pháp".

Thương dài gần gấp đôi trường kiếm, lại nặng hơn nên Kỹ Tòng Thư càng bất lợi. Ông thủ nhiều hơn công chủ yếu là để bảo toàn tính mạng. Và may thay, Tòng Thư đã thức ngộ ra rằng đối phương không dám huỷ hoại "Diêm Vương Quỷ Kỳ", nên ông đã khôn ngoan đưa cả mảnh lụa cũ ấy ra mà chống đỡ những đường thương dũng mãnh của Bá Nghiêm. Thế là họ Trịnh hoảng vía phải thu kim thương về, sợ làm rách bảo vật. Nhờ vậy mà Kỹ Tòng Thư có thể ung dung cầm cự, che chắn mặt sau cho đôi trai gái lạ mặt kia mở đường máu rút lui.

Kỹ trang chủ thầm đoán ra lai lịch của Thiết Đảm Hồng Nhan, khi chứng kiến lối đánh nhau hung hăng và bạt mạng của nàng. Trong võ lâm, chỉ mình nữ nhân Tống Thuỵ là có đấu pháp này, còn hán tử áo xanh lực lưỡng kia là ai thì lão chẳng rõ, chỉ nghe Tống Thuỵ gọi là sư huynh.

Nhưng chàng ta lại chính là kẻ đã đả thương Âu Dương Mẫn để cứu mạng lão. Kỹ Tòng Thư tri ân họ nhưng vẫn canh cánh đề phòng, sợ hai người ấy giả vờ thân thiện rồi thừa cơ chiếm linh kỳ.

Tử Khuê và Tống Thụy chẳng hề để ý tới tâm tư của Tòng Thư, cứ ra sức chiến đấu vì lão. Tuy không hiểu lý do vì sao Tử Khuê ra tay cứu giúp họ Kỹ, song Thiết Đảm Hồng Nhan vẫn hăng hái sánh vai chàng. Nàng chỉ chậm hơn vị sư huynh hờ kia vài bước.

Giờ đây đối thủ của hai người là bốn lão nhân cầm đao, có lẽ là hộ pháp của Bích Huyết bang. Dẫu biết rằng "Lưỡng quyền nan địch tứ quyền", nhưng Thiết Đảm Hồng Nhan chẳng hề run sợ, thản nhiên mà đối phó bằng dũng khí của một con cọp cái.

Trong thời gian qua, tuy không học được yếu quyết cao nhất của kiếm đạo là phép biến hoá, song nàng cũng tiếp thu khá nhiều chiêu thức tuyệt diệu của Trung Thiên Tôn. Việc này đã làm cho bản lĩnh của nàng tăng tiếng thêm vài bậc. Trước kia võ công Tống Thụy còn kém Tây Nhạc kiếm khách Lư Công Đán một chút, nhưng giờ đây gã chỉ đáng xếp hàng sư đệ. Nhờ vậy mà hôm nay nàng có thể chống chọi với hai cao thủ lão làng của phương nam.

Tống Thụy giữ được thế quân bình thì Tử Khuê phải khá hơn, sau khi thụ giáo Trung Thiên Tôn Trần Ninh Tĩnh về kiếm đạo, nghề đánh gươm của Tử Khuê đã đạt tới mức thượng thừa, không còn lệ thuộc vào hình thức của kiếm chiêu nữa. Bằng chứng là khi xuất chiêu "Thượng Thiên Vô Tâm", trong pho "Oán Thiên Kiếm Pháp", chàng đã đắc thủ mà không hề bị thương. Biến hoá là đạo lý vận hành của vũ trụ, võ học cũng chẳng nằm ngoài lý ấy. Cho nên, kẻ nắm được biến hoá chính là người thượng trí, thành tựu vượt xa người thường. Tuy nhiên, võ nghệ còn tuỳ thuộc vào bản thân sức lực, tu vi nên bản lĩnh Tử khuê vẫn còn kém so với các cao thủ lão thành, như Âu Dương Mẫn chẳng hạn.

Lúc nãy, Tử khuê đả thương được lão ta là nhờ yếu tố bất ngờ cũng như đặc tính quái dị của "Oán Thiên Kiếm Pháp". Lần sau gặp gỡ, Âu Dương Mẫn sẽ không còn khinh địch nữa và chàng sẽ thua thiệt..

Nhưng giờ đây đối thủ của chàng chẳng phải là Âu Dương Mẫn nên chỉ sau vài chục chiêu là Tử Khuê đã phá được thế giáp công của hai lão hộ pháp Bích Huyết bang. Chàng xuất chiêu "Mộ Cổ Thần Cung" (Trống chiều chuông sáng) trong pho "Thanh Long Kiếm Pháp", bủa lưới kiếm chụp lấy lão già cao gầy ở mé hữu.

Nạn nhân lập tức nghe hơi thép lạnh làm rờn rợn thân trên và trước mặt là hàng trăm bóng kiếm chập chờn. Lão chột dạ múa tít cương đao giải phá chiêu kiếm đáng sợ kia. Song chỉ sau vài tiếng thép chạm nhau tinh tang, lão chợt nghe bụng nhói đau khủng khiếp. Chẳng hiểu bằng cách nào mà mũi kiếm của đối phương đã đi xuyên qua huyệt Thần khuyết nơi rốn lão và cắt đứt ruột non. Lão hộ pháp cao gầy rú lên thảm hại, ôm vết thương ngã quỵ.

Trước đó Tử khuê đã kịp thu kiếm, đảo thân trên kịp tránh chiêu của kẻ địch thứ hai, rồi quay người nghênh chiến. Nếu đường gươm và thân pháp của chàng không nhanh như điện thì đã chẳng toàn mạng.

Hôm nay, vì một lý do bí ẩn nào đó mà Tử Khuê ra tay rất tàng nhẫn, chẳng còn chút nhân từ nào nữa. Tuy nhiên, tử trạng và tiếng thét thê lương của nạng nhân đã khiến kẻ giết người lần đầu phải xốn xang bất nhẫn.

Nhưng đúng lúc ấy, Kỹ trang chủ cũng khẽ kêu rên lên vì trúng một thương của Trịnh Bá Nghiêm vào vai trái, tiếng rên kia làm cho Tử khuê nghe lòng thắt lại bởi lo âu thương xót. Kỹ Tòng Thư chính là cậu ruột của chàng. Đấy là nguyên nhân vì sao Tử khuê sẵn sàng đổ máu để bảo vệ ông.

Nhà họ Kỹ có sáu anh em, nhưng bốn người đã chết lúc mới vài tuổi, nên chỉ còn lại Kỹ Tòng Thư và thân mẫu Tử Khuê là Kỹ Thanh Lam. Khi Kỹ nương lên bốn thì xuân huyên lần lượt qua đời, Tòng Thư liền thay cha mẹ mà nuôi em gái. Ông hơn Kỹ Thanh Lam gần hai mươi tuổi nên lúc ấy đã trưởng thành. Ơn nghĩa đó nặng hơn núi Thái Sơn.

Lớn lên, Kỹ nương thành danh Băng Tâm Ma Nữ, giết người như ngoé, nên bị đại ca quở trách nặng lời. Bà tức giận cắt vạt áo rồi dứt tình huynh muội rồi bỏ đi.

Vài năm sau, khi tỉnh ngộ nhờ sự điểm hoá của Vô danh Thiền Sư, Kỹ nương vô cùng hối hận hành động nông nổi, bất nghĩa với huynh trưởng lúc trước, nhưng vì xấu hổ mà không dám quay về tạ lỗi.


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!