Hơn hai mươi năm qua, tuy yên ấm với chồng con ở đất Hứa Xương song lúc nào lònh bà cũng canh cánh nhớ thương người anh ruột ở Tứ Xuyên. Mười năm trước khi bà đủ dũng khí gửi thư về cố quận thì lại chẳng nhận được hồi âm. Bà cho rằng Tòng Thư chưa tha thứ cho mình nên không dám liên lạc nữa. Nào ngờ Kỹ Tòng Thư đã rời quê đến đất Bào Bình này lập nghiệp.
Tử Khuê nghe mẹ mình nhắc đến đại cửu phụ hàng trăm lần, nên biết rõ tính danh, tuổi tác và đặc điểm là bới son đỏ hình đám mây ở giữa trán. Nay tình cờ gặp ông , Tử Khuê vui mừng khôn xiết, quyết cứu cửu phụ bằng mọi giá.
Nhắc lại Tử Khuê, thấy cậu mình bị thương thì chẳng còn dám thương xót với kẻ thù nữa. Chàng nghiến răng xuất chiêu " Vũ Đả Lê Hoa" (Mưa vùi dập hoa lê) tung ra hàng trăm thức kiếm dồn dập tựa mưa rào khống chế đường đao của lão hộ pháp béo lùn rồi đâm thủng ngực.
Lão tử đã dạy rằng "Thử lưỡng giả đồng" (Hai cái cùng là một) và "Hữu vô tương sinh" (Có và không cùng sinh). Cho nên trong kiếm đạo, bậc kiếm sĩ vô chiêu cũng phải vận chiêu thức. Nhưng khi xuất chiêu họ tuỳ nghi biến hoá chẳng hề bị ràng buộc, nên gọi là vô chiêu.
Tử Khuê cũng vậy, chàng vẫn thi triển những chiêu thức trong sở học của mình, song kiếm ý thênh thang tự tại, tuỳ cơ nhi tác không chút trở ngại. Kết liễu xong địch thủ thứ hai, Tử khuê chợt phát hiện Thiết Đảm Hồng Nhan đang nguy ngập tính mạng, bởi một chiêu đao hợp bích cực kỳ ảo diệu của hai lão hộ pháp Bích Huyết bang. Chàng liếc nhanh, thấy Tòng Thư chưa đến nỗi nào, an tâm tiếp viện Tống Thụy trước.
Tử Khuê đề khí lao vút đi, chỉ một bước nhảy đã vượt khoảng cách gần hai trượng tiếp cận mục tiêu. Tuy tăng trọng đến hơn hai chục cân nhưng Tử Khuê vẫn nhanh nhẹn như xưa. Chàng hiểu rằng tốc độ của thân pháp là yếu tố sống còn trong giao đấu cũng như khi đào tẩu, nên đã không ngừng khổ luyện. Rốt cục, nhìn bề ngoài thân thể chàng to béo nhưng thực ra cơ thể chàng gồn toàn những bắp thịt rắn rỏi và chẳng chút mở thừa. Cơ đùi nở nang mạnh mẻ hơn giúp chàng không nặng nề vì trọng lượng đã tăng thêm.
Nhờ vậy, giờ đây Tử khuê kịp thời cứu mạng ả sư muội không biết sợ chết. Nàng ta sắp toi mạng bởi lưỡi đao oan nghiệt của lão già không râu mé tả. Tống Thụy đang phải đối phó với lão mặt ngựa mé hữu nên chẳng thể nào thoát chết.
Tử Khuê biến sắc đánh liền mười tám thức gươm thần tốc, kiếm kình rít lên lanh lảnh, tấn công vào mé trái lão không râu, lão ta rợn da gà vì đánh hơi được tử thần, đành bỏ Tống Thụy, quay lại tiếp chiêu của kẻ mới đến. Với kinh nghiệm giang hồ mấy chục năm, lão hiểu rằng tay non chẳng thể nào có được đường gươm xé không gian như vậy.
Nhưng kinh nghiệm dày dạn lại không giúp lão toàn mạng vì Tử Khuê đã nhờ thế bất ngờ mà chiếm được tiên cơ, kiếm của chàng nhanh gấp bội đao của đối phương, trong sát na đã xuyên thủng ngực kẻ xấu số. Tiếng rên la thảm nảo của lão không râu, khiến cho lão mặt ngựa chấn động tâm cang, đường đao hơi rối loạn và lộ sơ hở.
Thiết Đảm Hồng Nhan chẳng bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng, thọc kiếm vào vùng bụng trống trải của kẻ thù. Là kẻ giàu kinh nghiệm, sau khi đâm thủng gan ruột của địch nhân, Tống Thụy lập tức thu kiếm và lùi lại vì lão mặt ngựa có thể dồn toàn lực vào đao cuối cùng, do đó nàng tình cờ xô phải Tử Khuê ở phía sau, chàng sợ nàng thất thế nên đã chực hờ, sẵn sàng tiếp cứu.
Cú va chạm khá mạnh nên Tử Khuê phải trụ tấn và ôm chặt giai nhân, bàn tay tả của chàng vô tình áp lên ngực phải Thiết Đảm Hồng nhan khiến cho ả thẹn chín người.
Tống Thụy chưa kịp cảm nhận hết vị ôn nhu của sự tiếp xúc ngọt ngào ấy thì Tử Khuê đã buông ra, lao vút về phía bang chủ bích huyết bang Trịnh Bá Nghiên, vừa đâm thêm một thương vào đùi Kỹ Tòng Thư.
Họ Trịnh đã mục kích cảnh chàng đả thương Âu Dương Mẫn và sát hại ba hộ pháp của mình nên rất tức giận. Nhưng đồng thời gã lại chẳng dám coi thường, đành bỏ Kỹ lão quay sang đón tiếp Tử Khuê bằng một đường thương vũ bão.
Thương, giáo , kích, trường đao, trường côn, đinh ba... là loại binh khí dài, rộng, tần sát thương rộng, đòn đánh rất mãnh liệt. Nhưng cũng chính vì chiều dài và trọng lượng mà chúng luôn chậm hơn đoản binh như đao kiếm. Dẫu cho Trịnh Bá Nghiêm là học trò của thương thánh thì khuyết điểm ấy vẫn tồn tại. Và "Thao Quan Thần Thất" chính là khắc tinh của mọi loại trường binh.
Tử Khuê không dám thò tay chụp đao kiếm nhưng hoàn toàn có thể khoá cứng một đường thương. Năm xưa, sư phụ chàng, Vu Mộc Chân Nhân đã từng đến Hồ Nam, bịt mặt so tài với Nam Thiên Tôn Từ Tôn Chiến. Tuy tay không mà ông vẫn cầm cự được hai ngàn chiêu, sau đó trá bại bỏ đi. Về đến Vũ Lương sơn, chân nhân nghiền ngẫm, nghiên cứu suốt một năm ròng, tìm ra nhưng chiêu thức đặc biệt để hoá giải thương pháp của họ Từ.
Giờ đây, Tử Khuê kế thừa tuyệt học ấy thản nhiên cử kiếm chống đỡ những thế thương ác liệt ấy của Trịnh Bá Nghiêm và tay tả bất ngờ khoa nhanh, vẽ nên những vòng tròn kỳ ảo, bám lấy đầu thương rồi chụp lấy đoạn cán thép ở sát phần mũi thương sắc bén.
Tử khuê chẳng dại gì giành giật cây thương khi đối phương đang cầm bằng hai tay. Chàng chỉ thuận thế kéo Bá Nghiêm về phía mình rồi tràn tới nhanh tựa cơn lốc thọc bốn kiếm vào người gã.
Bá Nghiêm thất kinh hồn vía vội buôn vũ khí, phiên thân tránh né. Gã đã dày công khổ luyện suốt hai mươi mấy năm nên bản lãnh cao cường, phản ứng thần tốc nên nhờ vậy mà thoát chết, chỉ bị thương nơi vai tả. Vết thương không nguy hiểm đến tính mạng nhưng đã khiến tay trái gã tạm thời bị phế. Khổ thay người sử dụng thương phải cầm cả hai tay, què một coi như cũng tiêu đời.
Trịnh Bá Nghiêm chẳng còn chút dũng khí nào nữa, bỏ của chạy lấy người. Tử Khuê không thèm truy đuổi, quay lại tìm đại cửu phụ.. Tòng Thư đang được Thiết Đảm Hồng Nhan băng bó vết thương bằng vạt áo của chính nàng xé ra.
Tống Thụy mỉm cười, ánh mắt đầy vẻ khâm phục:
- Sao sư huynh không quăng cây thương chết tiệt ấy đi? Nó bằng thép mạ vàng chứ đâu phải vàng ròng mà sư huynh tiếc của.
Thì ra vũ khí của bang chủ Bích Huyết bang vẫn còn nằm trong tay chàng, Tử Khuê tra kiếm vào vỏ, cười đáp:
- Chẳng phải ta tham vàng mà muốn dùng nó để phá vây! Ta cũng học vài đường thương, nay thi thố thử xem sao.
Kỹ Tòng Thư nãy giờ chăm chú quan sát chàng trai râu rậm, bổng nhận ra nụ cười cởi mở thân mật kia cảm thấy thân thiết lạ lùng. Ông run giọng hỏi :
- Thiếu hiệp là ai mà lại cố công bảo toàn cái mạng già này của lão phu vậy?
Tử khuê bước đến thật sát kề tai ông mà nói:
- Đại cửu phụ! Tiểu điệt là Quách Tử Khuê, giọt máu của Băng Tâm Ma Nữ Kỹ Thanh Lam đây. Nhưng bí mật này tuyệt đối không được để lộ ra ngoài, xin cửu phụ cứ làm như chẳng có quan hệ gì. Trước mắt chúng ta phải vào được trong trang cái đã.
Kỹ Tòng Thư tin đã tám phần, song vẫn cẩn thận hỏi lại:
- Thế mẫu thân ngươi có điểm gì kỳ lạ trên người?
Tử khuê đỏ mặt đáp:
- Gia mẫu có một bớt son đả hình đám mây bên ngực trái.
Kỹ Tòng Thư mừng muốn sa lệ, định ôm cháu mà không dám, ông chỉ nghẹn ngào bảo:
- Tạ ơn trời phật, lão phu đã tìm thấy em gái của mình rồi.
Thiết đảm hồng nhan nghe tất cả, giận dỗi trách Tử Khuê:
- Sao sư huynh không sớm nói cho tiểu muội biết? Phải chăng sư huynh không tin tiểu muội?
Tử khuê cười gượng:
- Chẳng phải ta không tin nàng, mà ta không muốn, nàng bởi việc riêng của ta mà thọ nạn đấy thôi. Ta hứa từ nay sẽ không giấu diếm sư muội điều gì cả.
Tống Thụy hài lòng vui vẻ nói:
- Sư huynh hãy đánh mở đường, tiểu mụôi dìu Kỹ cửu phụ theo sau.
Kỹ Tòng Thư phì cười:
- Lão phu chỉ bị thương nhẹ, đâu cần ngươi dìu dắt. Hay là nha đầu ngươi muốn lập công mua chuột già này.
Tử Khuê không hiểu nhưng Tống Thụy nhận ra ngay ẩn ý của câu nói đó, nàng thẹn đỏ mặt vội vàng thúc ép Tử Khuê tiến bước.
Nãy giờ họ trao đổi được vài câu ngắn ngủi như thế là nhờ có sự bảo vệ của mấy chục gia đinh nhà họ Kỹ. Tòng Thư đối xử với đệ tử thủ hạ rất hậu nên bọn chúng trung thành tuyệt đối, chết chẳng sờn lòng. Họ biết rằng nếu mình có mạng vong thì thê tử sẽ được Kỹ gia trang nuôi dưỡng chu đáo.
Giờ đây khi nghe Kỹ trang chủ cao giọng ra lệnh, họ lập tức tập trung thành đội ngũ quanh ông, vừa đánh vừa tiến theo nhịp độ phá vây của hán tử áo xanh, râu rậm. Họ không biết người ấy là ai song trong lònh kính phục vị anh hùng cái thế. Ngay cả năm vị chưởng môn nhân bạch đạo cùng mấy trăm đệ tử cũng phải lắc đầu thán phục thấy Hàn Thiếu Lăng đả thương và tước vũ khí của bang chủ Bích Huyết bang chỉ với một chiêu.
Thất Bổng cái là người tự hào lai lịch, lộ số võ công ngàn nhà, nay không nhận ra môn hộ của Hàn Thiếu Lăng, nên vò đầu bứt tóc vừa chửi vừa khen:
- Con bà nó! Không hiểu cái môn phái quỷ quái nào, đã sản sinh ra một bậc kỳ tài, anh hùng xuất chúng đến thế nhỉ, lão phu mà không điều tra ra được thì thề sẽ bỏ rượu.
Bang chủ Cái bang là con sâu rượu, nên lời thề ấy đối với lão là độc địa nhất.
Võ Đương Thần Kiếm Mộ Duy Lộ cũng có mặt chốn này. Sau lễ thượng thọ sư phụ là Vân Thiên Tử, Mộ Duy Lộ đã lên đường đi Nhưỡng Thành để tìm Đông Nhạc Tiên Hồ. Khi dừng chân qua đêm ở huyện Bảo An Định, gã ghé thăm một thanh lâu nổi tiếng để mua vui. Khủng khiếp thay, ngay đêm ấy gã phát hiện mình bị liệt dương. Mặc cho ả danh kĩ hoa nhường nguyệt thẹn, thân hình bốc lửa kia trổ hết ngón nghề của làng chơi, "thần thương" của Mộ Duy Lộ cứ vẫn ỉu xìu như cọng bún thiu.
Gã chết điếng người, tưởng như bầu trời sụp xuống đầu mình, tuyệt vọng rời thanh lâu trong ánh mắt khinh thị, giễu cợt của bọn kĩ nữ.
Thế là Mộ Duy Lộ chẳng còn lòng dạ nào mà đi đến chỗ hẹn với Đông Nhạc Tiên Hồ ở Nhưỡng Thành nữa. Gã cấp tốc quay về núi Võ Đương, khóc lóc, van nài Vân Thiên Tử chữa trị giùm.
Sư phụ gã chẩn mạch cẩn thận và an ủi học trò rằng bệnh này rất dễ chữa, chỉ cần gã chuyên cần rèn luyện nội công "Võ Đương Tâm Pháp" trong ba năm, ngày ngày uống thuốc là sẽ lành bệnh.
Từ đó, Mộ Duy Lộ trở thành một đệ tử siêng năng, cần mẫn và có đạo đức không chê vào đâu được. Gã chẳng bao giờ nhìn ngắm hay cười cợt với bọn nữ đồng môn, lúc nào cũng trang nghiêm, đạo mạo tựa bậc cao tăng đắc đạo vậy. Nhưng đêm về, gã mân mê khúc thịt thừa vô dụng rồi thở dài thườn thượt và oán trời, trách đất chẳng tiếc lời.
Hôm nay, Mộ Duy Lộ chứng kiến cảnh Hàn Thiếu Lăng hiển lộng thần oai, được người người thán phục, ca ngợi thì lòng vô cùng tức tối. Gã càng đố kỵ đến điên người khi thấy Thiết Đảm Hồng Nhan cứ bám lấy họ Hàn mà vào sinh ra tử. Mộ Duy Lộ đã từng tán tỉnh Tống Thụy nhưng không thành công. Con nha đầu ấy đã dửng dưng trước dung mạo tuyệt thế cũng như tài sản kếch xù của gã.
Với tâm trạng xấu ấy, Mộ Duy Lộ buột miệng gièm pha:
- Võ công của Hàn Thiếu Lăng có lẽ xuất xứ từ bàng môn tà đạo nên mới lợi hại khác thường như vậy. Cái cảnh đánh lén Âu Dương minh chủ là đủ biết họ Hàn chẳng phải người quang minh chính đại.
Sau khi biết học trò cưng của mình vì nữ sắc mà bán rẻ tông môn, Vân Thiên Tử rất đau lòng và không còn ưu ái Mộ Duy Lộ nữa. Nay nghe y giở thói tiểu nhân, buông lời đố kỵ kẻ hơn mình, Vân Thiên Tử bực bội nạt:
- Câm ngay! Ngươi biết gì về chính tà mà dám lạm bàn trước mặt trưởng bối? Và nếu Hàn thí chủ không tập kích Âu Dương Mẫn thì làm sao cứu mạng Kỹ trang chủ kịp thời?
Mô Duy Lộ hổ thẹn vòng tay nhận lỗi rồi lùi về phía sau.
Y đi rồi, Đại Giác Thiền Sư, Phương trượng Thiếu Lâm Tự bỗng thở dài:
- A Di Đà Phật. Lão nạp thấy cảnh chúng sinh tàn sát lẫn nhau, thịt nát xương tan mà lòng đau như cắt. Chẳng lẽ chúng ta cứ đứng khoanh tay nhìn mãi hay sao?
Tùng Xuân Tử, Giáo chủ Toàn Chân giáo buồn rầu ứng tiếp:
- Chúng ta là kẻ tu hành, không quen ứng phó với những hoàn cảnh như thế này. Phải chi có Cửu Hoa Thánh Y ở đây thì hay quá.
Thất Bổng Cái bực mình chửi đổng:
- Mẹ kiếp! Cái lão mũi trâu họ Cổ này quả là đáng ghét, lúc người ta cần đến thì chẳng thấy đâu, thế mà lão dám tự hào mình là bậc thần cơ diệu toán.
Bang chủ Cái bang là bằng hữu chí thân của Cửu Hoa Thánh Y nên mới dám phê phán nặng như thế
Chợt Trúc Lâm Tử reo lên:
- Chư vị hãy xem kìa, Âu Dương Mẫn đã phá được vòng vây của bang chủ Chiết Mai bang cùng các Hộ Pháp và ra lệnh rút quân.
Các chưởng môn nhân đang đứng trên một gò đất khá cao nên quan sát trận địa dễ dàng.
Quả đúng vậy, Âu Dương Mẫn bị gãy xương và rách màng phổi bên trái, mỗi lần hô hấp là đau đớn, võ công chỉ còn một nửa. Trong khi đó, Dương Tố Vy được sự hỗ trợ của sáu đầu lĩnh võ nghệ cao cường nên đã chiếm thượng phong. Là kẻ gan hùm cái thế, Âu Dương Mẫn hiểu rõ rằng mình đã thất bại, cưỡng cầu chỉ tổ thiệt thân. Lão ta bèn xuất kỳ chiêu, đả thương một hộ pháp Chiết Mai bang rồi rút quân.
Ba trăm kiếm thủ tổng đàn giờ chỉ còn lại hai đội ngũ chỉnh tề, theo Minh chủ phá vây. Y như Huyết Mai hội chủ năm xưa, Âu Dương Mẫn phóng tay chém giết hung hãn như cọp cùng đường chẳng ai có thể ngăn bước.
Không còn trở ngại nào khác, Dương Tố Như kéo dốc thủ hạ đến hợp lực với Bích Huyết bang để đoạt linh kỳ.
Trước đó, Trịnh Bá Nghiêm đã quay lại tấn công bọn Tử Khuê để rửa hận. Gã mang theo phó tướng của mình và những thủ hạ kiêu dũng nhất. Bản thân họ Trịnh cũng tham chiến với vũ khí là một thanh trường kiếm lúc nãy đeo lủng lẳng ngang hông.
Người sử dụng trường binh thường có thói quen mang thêm đao hoặc kiếm. Lý do là vì thương giáo rất cồng kềnh, nặng nề. Không thể lúc nào cũng mang kè kè bên mình được. Chẳng lẽ đi dạo phố hay dự tiệc mà cũng vác thương theo. Hoặc giả khi phải chiến đấu trong một môi trường chật hẹp, vướng víu như rừng cây chẳng hạn thì vũ khí dài rất bất lợi. Cho nên, ngay cả Nam Thiên Tôn Từ Tôn Chiến cũng phải đeo gươm, cả Trịnh Bá Nghiêm cũng thế. Tất nhiên, kiếm pháp của họ không lợi hại lắm.
Trường hợp của Tử Khuê thì ngược lại, chàng chuyên luyện quyền kiếm song vẫn biết qua loa phép đánh vài loại trường binh, và khá thông thạo thương thuật, côn thuật. Điều này xuất phát từ quá trình hoàn thiện pho "Thao Quang Thần Thức" của Vu Mục Chân Nhân. Sư phụ chàng đã dồn tâm huyết một đời vào việc biến pho "Nga Mi Đạo Quyền" thành một tuyệt học có một không hai, hơn cả Thiếu Lâm "Thập Bát La Hán Quyền" hay "Võ Đương Trường Quyền". Pho quyền này sẽ giúp người võ sĩ chống chọi được cả với binh khí , dù dài hay ngắn.
Binh pháp Tôn Tử có câu: "Tri kỷ bi kỷ,bách chiến bách thắng". Vì vậy, chân nhân đã phải nghiên cứu phép đánh của rất nhiều loại vũ khí để tìm ra cách khắc chế.
Riêng đối với pho "Hoàng Long Thương Pháp" và pho "Thiếu Lâm Trường ôn", ông đã phải lao tâm khổ tứ hàng năm trời. Với trí tuệ mẫn tiệp phi thường, Chân Nhân đã tự tái hiện từng chiêu thức ảo diệu nhất của đối phương và giải phá.
Khi truyền nghề cho Tử Khuê, Vu Mộc Chân Nhân đã dạy luôn những gì mình thu hoạch được của thiên hạ. Điều này chẳng phải là vô ích vì thế sự vốn vô thường, bất trắc, không thể lường trước được. Biết đâu có lúc Tử Khuê không còn trường kiếm trong tay, phải vớ đại đoạn tre gỗ nào đó, hoặc đoạt lấy vũ khí của kẻ địch mà sử dụng.
"Thao Quang Thần Thức" dù tuyệt diệu đến mấy cũng sẽ kém hiệu quả trong một cuộc hỗn chiến với số đông. Bởi những hạn chế ấy của quyền thuật mà người ta đã chế tạo ra vũ khí và dùng trong chiến tranh.
Trường thương là loại binh khí cực kỳ lợi hại chốn xa trường. Xưa kia, đại tướng của Lưu Bị là Triệu Vân, tức Thường Sơn Triệu Tử Long, một thương một ngựa xông pha giữa vạn quân như chốn không người. Và trong sử sách Võ Lâm còn kể rằng lúc trận giữ thành Tương Dương, vị đại hiệp thực thà Quách Tĩnh cũng đã dùng thương mà đánh nhau với quân Mông Cổ. Mặc dù bình thường ông quen xài kiếm hơn.
Tóm lại, Tử Khuê rất có lý khi sử dụng cây kim thương của Trịnh Bá Nghiêm khi phá vây. Tuy chàng chỉ biết bảy chiêu thương và tám chiêu trường côn song cũng tạm đủ. Thứ nhất là vì phép đánh trường côn chính là căn bản của thương thuật. Để tăng khả năng sát hại, người ta đã gắn thêm mũi thép sắc nhọn vào đầu gậy mà tạo ra thương và giác. Từ đó mà thương pháp có nhiều thức đâm hơn côn pháp.
Bảy cộng tám là mười lăm, song với một kẻ đã thấu hiểu đạo biến hoá của võ học thì mười lăm chính là vô số. Đương nhiên Tử Khuê sẽ ngượng tay vì không quen và chẳng đạt đến mực thượng thừa của thương thuật như Trịnh Bá Nghiêm.
Nhưng đám bang chúng tép riu của Bích Huyết bang thì Tử Khuê thừa sức quét văng đi bằng một thế công cực kỳ dũng mãnh. Kim thương nặng gần chục cân được vũ lộng bằng đôi bàn tay với những bắp thịt nở nang, rắn chắc nên khí thế hùng hậu phi thường đao kiếm của bọn thủ hạ Bích Huyết bang chạm phải đường thương thì lập tức văng khỏi, bàn tay rướm máu. Tử Khuê luyện cả nội công, ngoại công, sức lực hơn hẳn Trịnh Bá Nghiêm.
Tử Khuê hứng chí xông lên, trường thương bay lượn vun vút tựa dải lụa vàng, kình phong xé gió vù vù, dọa khiếp phe địch.
Về mặt tâm lý thì bọn đệ tử Bích Huyết bang đã có phần khiếp sợ Tử Khuê. Khi thấy chàng sử dụng vũ khí của thượng cấp mình. Bang chủ còn thua thì thủ hạ nào thấm thía gì với đối phương? Lại thêm bằng chứng hiển nhiên là đường thương vũ bão đầu tiên, nên chúng chẳng dại gì đương cự mà mang họa.
Thế là vòng vây trước mặt Tử Khuê ngoan ngoãn dãn dần ra, theo từng bước chân của chàng, Tử Khuê đánh hết mười lăm chiêu, đưa đoàn người tiến lên được bốn trượng, chỉ còn cách cổng Quách gia trang ba trượng nữa thì nghe Trịnh Bá Nghiêm quát vang:
- Kẻ nào lùi bước sẽ bị xử tội chết!
Bọn bang chúng sợ hãi liều mạng xông vào tấn công Tử Khuê, không dám nhường đường nữa. Tử Khuê múa tít kim thương đánh bạt chúng ra và suy nghĩ:
- Dẫu ta giết chết mấy chục gã này mà vào được trong thì cuộc chiến vẫn không kết thúc. Phải tìm cách khác mới được.
Chàng lùi lại, ra hiệu cho Tống Thụy thay thế mình rồi đến sát Kỹ Tòng Thư mà nói nhanh:
- Chúng ta vào trong cũng vô ích. Tiểu điệt sẽ cố mang "Diêm vương lệnh kỳ" đến giao cho Hội đồng Võ Lâm, có như thế mới giải được tai họa.
- Kỹ lão thấy đệ tử thương vong khá nhiều, hiểu rằng mình đánh nữa sẽ chẳng còn một mống. Và nếu ông cố giữ Quỷ Kì thì Kỹ gia trang không một ngày yên ổn. Vì vậy, Tòng Thư đồng ý ngay, trao cây cờ báu cho cháu trai.
Từ Khuê nhận lấy, giơ cao lên phất và quát lớn:
- Xin hội đồng Võ Lâm tiếp nhận linh kỳ!
Sau đó Tử Khuê thu ngắn cánh cờ, cuộn mảnh lụa tam giác lại, giắt vào thắt lưng rồi múa thương đánh thốc về hướng Tây, nơi mà các phái Bạch đạo đang đứng như phỗng.