Sẩm tối, Tử Khuê mới thức giấc, liếc sang bên cạnh thì thấy Tái Vân đang miên man nhìn lên trần nhà và lệ tuôn dài. Có lẽ nảng thương tâm vì số phận hẩm hiu của mình, một kiếp hồng nhan nửa mùa và suốt đời phải trốn chạy những cơn mưa.
Tử Khuê chợt cảm thương nàng vô hạn, xoay qua kéo nàng vào lòng tỏ ý bảo bọc. Tái Vân bật khóc thành tiếng, ôm lấy chàng thật chật. Bỗng nàng thủ thỉ:
- Thiếp sợ nhưng không hề oán giận lão Lôi Thần. Nhờ lão ta mà thiếp được kề cận tướng công và hạnh phúc biết bao. Có lẽ trong thiếp đã nảy sinh một thứ tình cảm mà thế gian gọi là tình yêu? Và thiếp đã khóc vì sợ mình sẽ bị Trình tiểu thư xua đuổi, bắt phải xa tướng công.
Tử Khuê bàng hoàng nhớ đến mối tình tuyệt vọng của Thái Sơn Tiên Nương và Cửu Hoa Thánh y. Đúng là những nữ nhân lãnh cảm vẫn có thể yêu. Thân xác họ nguội lạnh nhưng trái tim chẳng bao giờ thôi xúc cảm.
Tử Khuê đã kể hết gia thế và tao ngộ trong cuộc đời mình cho Tái Vân nghe, nên nàng biết tính nết của Kỹ nương cũng như Thiên Kim. Nghĩa là không còn chỗ cho Tái Vân trong Quách gia trang và Tử Khuê thì chẳng thể phụ bạc tấm lòng trinh liệt của Thiên Kim.
Tái Vân hiểu được điều ấy qua thái độ câm lặng của Tử Khuê. Nàng ngồi dậy, nhìn vào mắt chàng và nói với giọng thiết tha:
- Thiếp quyết chẳng để tướng công phải khó sử nên sẽ rời xa chàng trước khi đến Kỹ gia trang. Trong những ngày còn lại, mong tướng công đối xử với thiếp như người vợ thực thụ để hóa giải tai hoạ lôi giáng. Sau này xa cách, thiếp sẽ vẫn chung thủy đúng như lời thề xưa, chắc là Lôi Thần sẽ nguôi giận.
Nói xong, Tái vân run rẩy cởi áo ngủ và yếm đào, để lộ phần thân trên kỳ diệu của mình. Và nàng cầm tay Tử Khuê đặt vào đôi nhũ phong mơn mởn tựa đào tơ.
Tử Khuê hiểu rằng đây là cách duy nhất để cứu Tái Vân và giải quyết mối quan hệ éo le của hai người. Hơn nữa, chàng thực sự bị quyến rũ bởi nét đẹp thiên kiều bá mị của Tái Vân.
Tử Khuê say đắm vuốt ve thân thể ngà ngọc của Tái Vân. Nàng hân hoan đón nhận nhưng da thịt chẳng hề có dấu hiệu của sự động tình và ánh mắt thấp thoáng vẻ sợ sệt.
Tử Khuê xót thương vô củng và hiểu rằng mình không thể ái ân với Tái Vân được. Chàng nghe lửa dục nguội dần và định bỏ cuộc. Nào ngờ, bên tai Tử Khuê bổng văng vẳng tiếng ai, nhỏ tựa tiếng muỗi vo ve:
- Hãy điểm vào bốn huyệt Thủy Đạo, Phủ Xá, Quan Nguyên, Âm Giao trên bụng và ba huyệt Yên Du, Huyền Khu, Cân Súc trên xương sống.
Giọng nói đầy ma lực khiến Tử Khuê răm rắp làm theo, chẳng chút nghĩ ngợi. Chàng là đại cao thủ trong nghề phất huyệt môn nên chẳng cần nhìn cũng có thể điểm rất chính xác. Sau bốn huyệt trên bụng dưới, Tử Khuê lòn tay bấm tiếp ba huyệt dưới lưng người ngọc.
Kỳ diệu thay, gương mặt trắng trẻo của Tái Vân bổng đỏ hồng và ánh mắt rực rỡ nỗi khát khao. Nàng háo hức mời gọi ái ân và rồi đắm mình trong hoan lạc.
Đến tận cuối canh hai đôi uyên ương mới rời nhau. Tái Vân gối đầu lên vai Tử Khuê, thẹn thùng nói:
- Sao tướng công biết phương thức hóa giải khuyết điểm của "Thái Âm tố nữ tâm pháp". Giờ thiếp đã là một người đàn bà trọn vẹn rồi.
Tử Khuê nhớ lại, hiểu rằng hồn ma Lỗ Phán Quan đã chỉ điểm cho mình lúc nãy chứ chẳng còn ai khác. Chàng vô củng hổ thẹn khi nghĩ đến việc lão chết tiệt ấy đã rình xem cảnh phong lưu giữa mình và Tái Vân. Nhưng Tử Khuê cho rằng lão là ma nên không giận.
Tất nhiên, chàng chẳng thể nói thực với Tái Vân, đành gượng cười:
- Phương pháp ấy ta học trong sách thuốc từ lâu, nay dùng thử không ngờ lại công hiệu.
Tái Vân định nói gì đấy nhưng lại thôi.
Sáng ra, hai người xuôi Nam, từ Lạc Dương xuống Nam Dương còn có đường khác, không phải qua Hứa Xương.
Niềm hạnh phúc được trở thành người đàn bà thực thụ đã biến đổi tâm trạng Tái Vân. Sau lớp sa đen buông quanh vành nón rộng, nụ cười kiều mị thoáng điểm và ánh mắt nàng dành cho Tử Khuê luôn chất ngất yêu thương và mê đắm.
Nàng càng vui hơn khi thức ngộ Tử Khuê cũng yêu mến mình. Tái Vân sung sướng vì điều ấy và thề sẽ lấy cho được chàng, dẫu phải chịu muôn ngàn cay đắng cũng chẳng từ nan.
Nhưng giờ đây, nàng chưa vội thổ lộ ý định nọ.
Xế chiều mùng bảy tháng sáu, cặp đạo sĩ giả hiệu đến cánh rừng hòe ngoại thành Nhữ Châu. Thành nằm cạnh sông Nhữ Hà nên mới có tên như thế.
Mùa hạ là mùa của loài hòe nên cành lá sum suê, um tùm, che mát cả một đoạn quan đạo dài đến tận mấy dặm. Và lúc này đang là tháng sáu, hoa hòe nở rộ vàng rực bên đường, hương thơm ngào ngạt. Không những thế, hoa rụng đầy đường tựa như tấm thảm gấm vàng đón chào người lữ khách.
Hoa hòe được dùng làm thuốc nhuộm và còn là nguồn tạo ra mật ong tốt nên loài vật nhỏ bé siêng năng ấy bay lượn khắp nơi, ve ve góp tiếng cùng lũ ve sầu đang rỉ rả khóc than.
Đàn ong gợi cho Tử Khuê nhớ đến Thiên Kim, người con gái nuôi ong ở đất Trình. Lòng chàng thắt lại vì hổ thẹn. Tử Khuê do hoàn cảnh mà ngày càng say đắm Tái Vân nhưng vẫn yêu Thiên Kim hơn cả. Dẫu cho tập quán đa thê được thế gian công nhận song đấy vẫn là hành vi bất nghĩa mà người quân tử không làm.
Dòng suy tư phiền muộn của Tử Khuê bị cắt ngang bởi chuyện lạ trước mắt. Bên vệ đường mé hữu có một toán kỵ sĩ đang nghỉ chân. Họ gồm bốn người, áp giải một cỗ tù xa. Trong xe tù là một nam nhân áo đen, vóc dáng trung bình. Gọi là lạ vì bốn kỹ sĩ kia chẳng phải là công sai mà là cao thủ của Xoa Lạp Cốc, còn cỗ xa tù thì lại cắm cờ Tổng đàn Võ lâm. Tử Khuê biết lai lịch họ là nhờ nhận ra hai gã trung niên đã từng chặn đánh chủ tớ Trình Thiên Kim ở cổng Tịch Hà Đệ nhất tửu quán.
Tử Khuê và Tái Vân chẳng có gì phải sợ vì đang mặc y phục đạo sĩ và đội nón tre có viềm the đen phủ kín mít. Bộ đạo bào hơi rộng nên đã che giấu thân hình thon thả của Tái Vân, khiến người ngoài thoạt nhìn khó biết là nam hay nữ. Nhưng khi đi ngang qua cỗ xe tù, thấy gương mặt tiền tụy, lem luốc của tù nhân, chẳng hiều sao Đông Nhạc Tiên Hồ lại thoáng rùng mình.
Hai người chậm rãi phi nước kiệu trước ánh mắt soi mói, đề phòng của bốn kẻ giải tù đang ngồi trên bãi cỏ. Lúc đã khuất tầm mắt của họ bởi một khúc đường quanh co, Tái Vân bỗng đưa tay ra hiệu cho Tử Khuê rẽ vào lối mòn. Rồi nàng hạ mã, quỳ xuống mặt cỏ, dập đầu lạy chàng và khóc nói:
- Tướng công! Người tù nhân kia chính là đại ca của thiềp. Hai mươi năm trước, nhà thiếp ở vùng quan tái phía bắc tỉnh Hà Bắc, cha làm Tri huyện huyện Ngọc Điền. Tiên phụ tính tình thanh liêm, chính trực, từng gởi tấu chương về kinh sư để đàn hặc tội tham nhũng, xén bớt quân lương của Tri phủ Bắc Bình là Lý Cần Khoa. Lão cẩu quan ấy được Thái sư đỡ đầu nên đã bình an vô sự và còn biết ai đã tố cáo mình. Thế là lão ta liền mướn cao thủ đến tàn sát gia đình thiếp.
Nam phụ lão ấu, tổng cộng hai mươi tám người đã bị giết, chỉ mình thiếp và đại ca Dịch Quan San thoát ra được. Biết rằng ở lại quê nhà sẽ khó sống sót dưới tay Lý tri phủ nên gia huynh đã cõng thiếp lúc ấy mới năm tuổi trốn vào Trung Nguyên.
Sau khi gởi gắm thiếp cho tiên sư là Thái Sơn Nương Nương, gia huynh đi tìm bậc dị nhân mà học thêm võ nghệ. Tiên sư chính thực là đại di của anh em thiếp. Song vì võ công của bà không thích hợp với nam nhân nên đã giới thiệu gia huynh với một bằng hữu của mình.
Ba năm sau, gia huynh quay về cố quận, hành thích Lý tri phủ rửa thù nhà. San ca đã tra khảo Lý tri phủ để biết lai lịch toán sát thủ mà lão ta đã mướn. Kể từ lúc ấy, gia huynh dành cả cuộc đời cho việc truy tầm sào huyệt của Hoạch Đầu Hội. Nay chẳng hiểu sao Âu Dương Mẫn lại cho người truy bắt gia huynh? Thiếp xin dập đầu khẩn cầu tướng công bạt kiếm cứu y. Thiếp nguyện làm thân trâu ngựa mà hầu hạ tướng công suốt kiếp này và muôn kiếp khác.
Tái Vân kể lể một hơi rồi gục vào ngực Tử Khuê mà khóc vùi. Chàng đã sớm xuống ngựa đỡ nàng lên chứ không để mỹ nhân quỳ lâu như thế.
Tử Khuê không ngờ cuộc đời Đông Nhạc Tiên Hồ lại đầy bất hạnh đến vậy. Chàng xúc động đưa tay lau nước mắt trên má nàng và nghiêm nghị nói:
- Vân muội cứ yên lòng. Tất nhiên là ta phải cứu Đại cửu tử của mình rồi.
Tái Vân choáng váng bởi niềm hạnh phúc bất ngờ, hiểu rằng Tử Khuê đã quyết lấy mình làm vợ. Nàng e ấp thỏ thẻ:
- Đa tạ tướng công đã xót thương thân phận bọt bèo này. Song thiếp chỉ e tình khang lệ của chàng sẽ vì thế mà sứt mẻ.
Tử Khuê cười buồn:
- Thiên Kim tính tình cương liệt, hào sảng chẳng kém bậc tu mi, hy vọng sẽ rộng lượng chấp nhận mối nhân duyên kỳ lạ của chúng ta. Nhưng theo gia quy nhà họ Quách, nàng phải cam phận nhị phòng, chịu nhiều thiệt thòi.
Tái Vân sung sướng đưa tay bịt miệng tình quân, vui vẻ nói:
- Tướng công bất tất xót xa cho thiếp. Được hầu hạ chàng và Trình tiểu thư là thiếp mãn nguyện lắm rồi. Hơn nữa, thiếp không sinh nở được, sao dám so bì với Thiên Kim?
Tái Vân rất thản nhiên khi nói lên điều đau lòng ấy. Nhưng thực ra, cũng chẳng có gì đáng buồn vì phong tục xã hội đương thời quy định rằng con của thiếp phải xem người vợ cả là đích mẫu và nàng chỉ như kẻ mang thai hộ mà thôi. Vả lại, việc sanh nở sẽ khiến nhan sắc nữ nhân tàn phai nhanh chóng, một điều mà Tái Vân tối kỵ. Không còn bận bịu con cái, nàng sẽ luôn được thảnh thơi cùng Tử Khuê hưởng lạc thú hoặc sánh vai hành hiệp. Là người cơ trí, Tái Vân biết mình phải làm gì, liền dặn dò Tử Khuê:
- Thiếp cho rằng tướng công nên giữ kín việc thiếp không còn là thạch nữ, như thế sẽ khiến Trình thư yên tâm hơn.
Tử Khuê mỉm cười giả lả rằng:
- Trò xảo quyết ấy ta không làm được. Nếu Thiên Kim hỏi thì ta chẳng thể giấu vì phu thê phải luôn thành thực.
Tái Vân đỏ mặt vì xấu hổ song trong lòng thầm kính phục Tử Khuê. Nàng liền đánh trống lảnh bằng cách bàn định kế hoạch giải cứu Dịch Quan San.
- Tướng công! Chúng ta sẽ giải cứu Dịch đại ca bằng cách nào?
Nàng nổi danh là hồ ly núi Thái Sơn, mưu kế có thừa, song vì kính yêu phu tướng mà chẳng dám khoe tài, tế nhị hỏi ý kiến Tử Khuê. Tuy dung nhan trẻ tựa gái đôi mươi, Tái Vân vẫn tự hiểu mình đã hai mươi sáu, không nên tỏ ra quá lão luyện khiến chàng trai non nớt kia mặc cảm. Nam nhân thích là cây sồi vững chắc cho nữ nhân nương tựa chứ không muốn kém cạnh đàn bà.
Tái Vân tưởng Tử Khuê sẽ vấn kế mình, nào ngờ chàng lại từ tốn đáp:
- Bốn kỵ sĩ chính là cao thủ Xoa Lạp cốc, bản lĩnh rất cao cường. Chúng ta chỉ có hai người, chẳng thể nào ngăn cản họ hạ sát Dịch đại ca khi thấy nguy. Vì vậy, ta nghĩ rằng phải chờ họ vào thành Nhữ Châu nghỉ trọ rồi hẵng ra tay. Tù xa phải để ở ngoài quán và phe đối phương luân phiên canh giữ. Khi họ chỉ còn một hoặc hai người thì việc cướp tù rất dễ dàng.
Tái Vân nghe đúng ý mình chẳng sai một nét, lòng vô cùng cao hứng, thán phục. Nàng kiễng chân lên hôn vào má chàng và tán dương:
- Tướng công quả là bậc tài trí, liệu việc như thần.
Tử Khuê cười mát:
- Ta làm sao dám sánh với nàng.
Gần cuối canh hai đêm ấy, trăng thượng huyền bàng bạc giữa không trung tỏa ánh sáng dịu dàng vuốt ve vạn vật, song không làm lộ tung tích hai khách dạ hành đang ẩn mình trên tàn cây du rậm rạp, cạnh bức tường cao của Hoàng Lương đại lữ điếm trong thành Nhữ Châu.
Tử Khuê và Tái Vân ngồi bên nhau trên một chảng ba, nhìn xuống cỗ tù xa không ngựa đặt trên một sân gạch rộng ở giữa dãy phòng ốc của lữ điếm. Xe tù thực chất là một xe độc mã không mui, trên có cũi gỗ chắc chắn. Cũi gỗ ấy chỉ cho vừa đến vai người ngồi bệt nên đầu của tù nhân sẽ ló ra ngoài.
Nhưng cạnh bên của cũi tù kết cấu bằng những thanh song gỗ lớn nhưng mặt trên là hai mảnh ván dày. Chỗ tiếp giáp là hai mảnh ván ấy có khoét lỗ để gông ngang cần cổ tù nhân. Lỗ này rộng hơn vòng cổ một chút nhưng đủ hẹp để đầu không qua được. Nghĩa là kẻ phạm tội phải giữ mãi tư thế khổ sở ấy suốt những dặm đường áp giải. Tất nhiên hai tay họ bị xích chặt, chẳng thể thò ra tháo chốt gông được.
Kích thước cũi tù tính theo tầm vóc trung bình của người Hán nên tù nhân nào quá cao hoặc quá thấp thì sẽ phải khốn khổ, khốn nạn.
Tử Khuê ngắm nghía cỗ tù xa và thảm trạng của tù nhân mà lòng bất nhẫn. Chàng chua chát nghĩ thầm:
- Tại sao một dân tộc có nền văn hóa rực rỡ như Trung Hoa lại có thể sáng chế ra cái loại hình cụ đáng ghê tởm đến thế nhỉ? Sao không để cho kẻ xấu số kia lọt hẳn vào trong cũi, ngã lưng đôi chút trên nệm rơm?
Tử Khuê bỗng rùng mình nhớ lại tướng nước Tần, "Võ An Quân" Bạch Khởi, trong một đêm đã cho giết sạch bốn mươi vạn hàng binh nước Triệu khi chiếm được ải Trường Bình. Sử chép rằng ngày ấy máu đổ nhiều đến nỗi nước sông suối, ao hồ của vùng Dương Cốc đều biến thành sắc đỏ.
Trước hành vi tàn nhẫn phi thường ấy thì cũi tù quái ác kia nào có đáng gì! Tử Khuê là người nhân hậu, tin vào trời đất, quỷ thần nên chán ghét điều ác. Chàng chợt nghĩ đến bộ lạc người Di hiền lành ở vùng núi Vũ Lương sơn và cho rằng họ tốt hơn người Hán rất nhiều. Khổng Phu Tử luôn đề cao đức nhân vì thiên hạ vốn bất nhân, nhất là bọn vua quan.
Bất giác, Tử Khuê thở dài khiến Tái Vân thắc mắc, nàng nghé tai chàng nũng nịu thì thầm:
- Tướng công phiền muộn vì điều gì vậy, sao không chia sẽ với thiếp.
Tử Khuê chưa kịp đáp thì trống canh ba từ huyện đường vọng lại, sau đó là tiếng mõ tre của những gã tuần đêm, nhắc nhở bách tính cài chặt then cửa, dập lửa trong bếp, đề phòng đạo chích cùng hỏa hoạn.
Phía dưới sân kia, đối phương đã thay ca gác, một già, một trẻ. Theo kế hoạch, Tử Khuê cùng Tái Vân đợi thêm ít khắc, chờ hai kẻ đã đi vào phòng ngủ thật say và hai kẻ ở ngoài cũng gật gù mới ra tay thần phục. Nhưng cặp mới thay ca lại lớn tiếng gọi bình trà thật đậm khiến Tử Khuê quyết định thay đổi chiến thuật.
Chàng nói nhanh ý mình rồi nhảy xuống đất, chạy vào khu nhà bếp. Thấy gã tiểu nhị của lữ điếm đang lui cui pha trà và chỉ có một mình, Tử Khuê liền điểm huyệt gã rồi lột áo mặc bên ngoài bộ hắc y. Người võ lâm nào cũng có trong tay nải một bộ y phục sẫm màu, thường là màu đen, may bằng lụa tốt, bó sát thân mình để dễ bề hành động trong đêm tối.
Khi rời nhà, Tử Khuê không mang theo "Hắc Long Tiêu" nhưng lại chẳng quên đôi bao tay "Ngư giáp miệt" cực kỳ quý giá. Đêm nay, chàng đã sớm đeo vào, tăng cường ưu thế để có thể kết liễu đối thủ thật bất ngờ và chóng vánh. Dưới ánh trăng mờ ảo này, người ngoài sẽ khó mà nhận ra việc chàng mang bao tay, nhất là khi chúng đã được quét lên một lớp sơn màu da người.
Tử Khuê chít dải khăn của gã tiểu nhị lên đầu, cố tình để một đầu khăn rũ xuống che bớt khuôn mặt.
Chàng đã để trường kiếm lại cho Tái Vân nên giờ đây hai tay rảnh rang, bưng khay đồng đựng ấm chén trà.
Khi Tử Khuê bước đến gần chỗ cỗ xe tù thì Tái Vân cũng lần tới mép mái ngói của dãy Tây sương, chờ phối hợp hành động.
Hai kẻ gác tù đang ngồi trên một mành chiếu, cách tù xa hơn trượng. Họ không dám ngồi gần vì xe tù rất hôi hám, sặc mùi nước tiểu. Tội nhân chỉ được phép xin dừng xe để đại tiện mỗi ngày một lần, còn tiểu tiện thì tại chỗ ngồi.
May thay, Dịch Quan San chưa ngủ, rầu rĩ ngửa cổ ngắm những vầng trăng mùa Hạ. Và khi liếc về hướng Tây, gã đã phát hiện một hắc y nhân trên rìa ngói. Người này giơ hai bàn tay trắng muốt như ra dấu với gã.
Dịch Quan San nhận ra đối phương cứ vẽ lên không trung một chữ "Vân" thì biết là bào muội mình. Gã vui mừng khôn xiết, gật đầu lia lịa tỏ vẻ đã hiểu ý. Rối gã bắt đầu ho lên sù sụ, liên miên như đứa trẻ bị ho gà. Những âm thanh ấy đã che giấu tiếng động mà Tái Vân sẽ gây ra khi nhảy xuống đất, phía sau hai gã Xoa Lạp Cốc. Cặp cai tù cùng ngồi quay về hướng Đông để có thể quan sát cỗ tù xa.
Cuối cùng, Tử Khuê cũng đã đến bên chiếc chiếu, còn Tái Vân thì cách chỉ gần một trượng.
Đêm hè oi bức nên hai vị cai tù đã lột bỏ tơi nón, tạm quên mình là người của Xoa Lạp Cốc. Nhờ vậy Tử Khuê nhận rõ dung mạo nạn nhân của mình. Đấy là Hán tử tuổi bốn mươi mà chàng đã gặp và một lão nhân tuổi lục tuần, không râu, mũi to, mặt xương xẩu, đanh ác.
Hai người ấy ngồi xếp bằng, kiếm tuốt trần gác lên đùi, và vì là kẻ lão luyện giang hồ nên họ đã sớm đặt tay lên chuôi gươm để đề phòng bất trắc, dù gã tiểu nhị kia không hề có khí giới.
Tử Khuê thản nhiên ngồi cạnh manh chiếu, đặt khay trà xuống, và chàng mỉm cười, hắng giọng như chuẩn bị nói vài lời nịnh nọt vậy. Nhưng không phải thế, đấy chính là ám hiệu để Tái Vân xuất thủ. Nàng đang ngồi thu lu sau một chậu hoa, nghe hiệu lệnh của tình lang thì búng mạnh đôi chân lao vút đến. Khi một kẻ bị định đánh lén từ phía sau lưng, trong một khoảng cách quá gần như thế thì rất khó toàn mạng. Lưỡi kiếm của Tái Vân đã tiện phăng cổ Hán tử trung niên, khiến tiếng rú bi thương không sao phát ra được.
Trước đó một khoảnh khắc nhỏ bé, Tử Khuê đã vươn tả thủ thọc vào yết hầu người còn lại. Lão ta thuộc hàng Hộ pháp của Xoa Lạp Cốc nên bản lãnh chẳng tầm thường, lại sớm vận khí phòng bị nên phản ứng rất mau lẹ. Thanh bảo kiếm trên đùi lão lập tức ngóc lên, chặt vào cổ tay Tử Khuê. Đồng thời, tay trái của lão xỉa thẳng vào ngực chàng theo thế cương đao.
Hai thế thức nọ đúng là công thủ vẹn toàn nhưng chỉ tiếc rằng vô hiệu đối với "Ngư giáp miệt". Lưỡi gươm sắc bén của lão ta không chặt đứt được uyển mạch Tử Khuê, còn tả thủ thì chạm phải lòng bàn tay phải cứng như thép nguội mà chàng đã thủ hờ.
Bốn ngón tay của Tử Khuê xuyên thủng cổ họng nạn nhân, phá nát cả khí quản lẫn thực quản nên những tiếng rên ằng ặc, tắc nghẹn không làm chấn động cảnh đêm trăng tĩnh mịch.
Sau khi đắc thủ, hai người lập tức chạy đến tù xa. Trong lúc Tử Khuê loay hoay tháo chốt gông cổ, Tái Vân ôm đầu bào huynh mà khóc:
- Đại ca! Đã hơn năm không gặp, nào ngờ đại ca lại rơi vào cảnh ngộ này.
Dịch Quan San cằn nhằn:
- Hồi nhỏ ngươi khóc lóc chưa đủ sao? Mau đưa ta rời chốn này kẻo không kịp nữa.
Tử Khuê đã tháo được hai mảnh gông, vươn vai nhấc bổng tù nhân ra ngoài, bồng xốc họ Dịch rồi cùng Tái Vân lướt về phía vườn hoa nhỏ sát tường sau lữ điếm.
Chàng thuận đà chạy nên có trớn lao vút qua bức tường cao gần trượng khiến Dịch Quan San vô cùng thán phục. Gã nằm ngửa nên nhìn rõ nét mặt trẻ trung, văn nhã của Tử Khuê, liền nghĩ thầm:
- Tiểu tử này là học trò của bậc dị nhân nào mà võ công lại cao cường đến thế nhỉ? Tướng mạo y đầy vẻ thuần hậu, thiện lương, sao lại xui xẻo đến mức bị em gái ta chài mồi lợi dụng. Ta phải bảo Vân muội buông tha cho gã mới được.
Dịch Quan San thừa biết bào muội mình là thạch nữ nên sẽ chẳng thực lòng với bất cứ nam nhân nào.
Nửa khắc sau, ba người về đến một tòa trang viện hoang phế gần cửa Tây thành. Tử Khuê và Tái Vân đã chọn nơi này làm chỗ trọ để dễ bề hành động. Họ không thể đưa Dich Quan San đến khách điếm được.
Đã lâu không có người chăm sóc nên tòa phế trang tiêu điều. Cỏ dại và bụi rậm mọc đầy sân. Tuy nhiên, tường và cổng trang còn nguyên vẹn nên người ngoài chẳng thể thấy ánh đèn phát ra từ một phòng ở dãy nhà hướng Đông. Nó tương đối tốt vì Tái Vân đã quét dọn rất sạch sẽ.
Nhà hoang chẳng có vật dụng gì cả song may thay những chiếc lu sành sau bếp lại đầy ắp nước mưa. Dẫu là anh em một thì trai gái cũng không thể tắm cho nhau nên Tử Khuê phải lãnh luôn nhiệm vụ cọ rửa cái xác thân hôi hám của Dịch Quan San. Gã đã kiệt lực chẳng còn sức đâu mà kỳ cọ. Chàng rất ngạc nhiên khi họ Dịch cẩn thận gỡ tấm mặt nạ da người, để lộ một dung mạo tuấn tú, khá giống Tái Vân.
Gần nửa canh giờ sau, họ Dịch sạch sẽ và tươi tỉnh trong y phục mới. Tái Vân đã mua sẵn cho bào huynh bốn năm bộ và đồ lót.
Món cháo gà hầm tam thất nóng hổi và vài chung rượu ngon đã làm cho gương mặt tái sanh của Quan San có sắc hồng. Trước đó, gã đã được Tử Khuê cho uống ba viên linh đan do mẹ chàng bào chế theo toa trong y kinh của Cửu Hoa Thánh y.
Dịch Quan San là kẻ thâm trầm, kín đáo, cơ trí còn tinh minh còn hơn cả Tái Vân. Cho nên, đến tận lúc này gã mới mở miệng, nghiêm trang bảo Tử Khuê:
- Này Quách công tử! Tại hạ thọ ơn cứu mạng nên chẳng thể lừa dối ân nhân của mình. Tại hạ xin nói thực rằng gia muội là người mắc quái tật không thể làm vợ, làm mẹ được. Do vậy, tốt nhất là công tử nên cắt đứt mối tình duyên này tìm một nữ nhân toàn vẹn hơn mà giá nghĩa.
Gã tưởng chàng sẽ nhảy dựng lên, nào ngờ Tử Khuê chỉ mỉm cười, hòa nhã đáp:
- Cảm tạ đại ca đã có thành ý. Nhưng thực ra tiểu đệ đã sớm biết việc này và vẫn yêu thương Tái Vân.
Đông Nhạc Tiên Hồ nhìn gương mặt ngơ ngác của bào huynh mà phá lên cười ngặt nghẽo. Rồi nàng ghé tai thì thầm khiến Dịch Quan San giật mình mừng rỡ, cười khà khà:
- Hay lắm! Đại ca xin chúc mừng cho hai người.