Bạch Hổ Tinh Quân

Chương 61: Chương 61


trước sau

Mãi tận cuối giờ Thìn sáng hôm sau, Tử Khuê mới về đến Vương phủ. Trông chàng có vẻ bơ phờ, mệt mỏi.

Cả nhà lo lắng suốt từ đêm hôm qua, giờ mới an tâm.

Thiên Kim nũng nịu trách: "Sao tướng công không cưỡi ngựa cho đỡ mệt? Chàng cứ như vừa phải chạy hàng trăm dặm vậy".

Ánh mắt Tử Khuê rất kỳ quái, chẳng khác gì kẻ ăn vụng bị bắt quả tang. Chàng chỉ gượng cười rồi vào nhà sau tắm gội, thay y phục.

Tái Vân lặng lẽ hầu hạ trượng phu, không hề vặn hỏi chuyện đêm qua. Trong lúc ấy, Tống Thụy sắp bữa điểm tâm để Tử Khuê dùng với Dịch Quan San và Lã Bất Thành. Hai gã này cũng chẳng yên lòng nên chờ chàng về mới ăn sáng.

Thấy Tử Khuê ăn ngấu nghiến, Quan San cười khà khà trêu chọc: "Phải chăng đêm qua hiền đệ bị đám kỹ nữ ngoại thành bám chặt nên sức lực hao mòn, bụng đói meo?"

Bốn nàng cũng ngồi chung bàn, ánh mắt sắc như dao khiến cho Tử Khuê lạnh gáy. Chàng lúng túng biện minh: "Làm gì có việc ấy! Tiểu đệ không vào thanh lâu mà điều tra những nơi khác".

Lã Bất Thành thực thà tin ngay, vui vẻ hỏi: "Thế công tử có tìm ra chút manh mối nào không?"

Câu nói bỡn của Quan San đã khiến bốn mỹ nhân rất hoài nghi đạo đức của chồng mình. Quả thực là Tử Khuê có dáng điệu của kẻ trác táng thâu đêm. Họ tưởng chàng sẽ nói không, trả lời cho qua chuyện. Nào ngờ, Tử Khuê bình thản gật đầu: "Có! Tại hạ nhờ may mắn nên đã điều tra ra sào huyệt của Diêm Vương Lệnh chủ. Tuy nhiên sự tình rất phức tạp, liên lụy đến cả vài vị quan to của phủ Tín Dương. Do đó, chúng ta phải bàn bạc chu đáo rồi mới hành động".

Quan San phấn khởi vỗ đùi: "Hay thực! Hay thực! Ngay từ đầu ta đã nghi ngờ rằng đối phương cấu kết với quan quân. Nếu không thì chúng đâu thể dễ dàng biến mất khi các cửa thành đều đóng chặt và quân binh truy lùng khắp nơi".

Bốn mỹ nhân đều nhìn trượng phu với ánh mắt ngưỡng mộ. Họ không ngờ chàng lại giỏi giang đến vậy, Thanh Chân cười khanh khách: "Tướng công là thần tiên giáng phàm nên không cần vào kỹ viên, chỉ việc gọi đám sơn thần, thổ địa, hoặc hồ ly tinh lên hỏi là xong!"

Một lần nữa Thanh Chân lại nói đúng, khiến Tử Khuê thiếu điều chết nghẹn. Chàng cố nuốt trôi miếng bánh hấp rồi giả vờ mời rượu. Quan San và Lã Bất Thành hân hoan hưởng ứng ngay.

Vương phủ tri ân Trung Thiên Tôn nên đã cung cấp cho các nàng những tiện nghi tốt nhất. Ngay những vò rượu cũng thuộc loại thượng hạng, cũ đến năm sáu chục năm. Rượu quý không làm nhức đầu, hoa mắt mà khiến tinh thần sảng khoái. Cho nên bọn Tử Khuê chằng ngại gì mà không chén tạc chén thù. Họ xem nhau là tri kỷ song lại ít khi được gần gũi.

Bốn mỹ nhân cũng hào hứng tham gia để mặt hoa phớt hồng, trông càng xinh đẹp. Bảy người vừa uống vừa bàn kế hoạch rất sôi nổi. Sau khi đã có chủ ý, Quan San bảo Tống Thụy đi mời Trương Thiên Sư, Bang chủ Cái bang và hai thủ lĩnh Phi Đao hội.

Càng có thời gian tiếp xúc, Du Vinh và Tuân Khánh càng kinh ngạc trước sự tương đồng dung mạo giữa Tử Khuê và Mẫn Hiên. Nhưng may mà Tiểu Hầu gia đang ở Trịnh Châu, nên hai lão không thể nhận ra sự thực. Tử Khuê cũng sợ lộ nên ít nói để Dịch Quan San trình bày sự việc và từng bước các kế hoạch.

Nghe xong, Thất Bổng Cái Thạch Kính Tường giơ ngón tay cái khen ngợi Tử Khuê: "Hiền điệt đúng là cứu tinh của võ lâm. Nếu không có ngươi thì phen này bọn lão phu khó sống sót dưới cơn thịnh nộ của Hoài Âm Vương".

Phần Trương Sách thì càng bội phần cảm kích trước những gì Tử Khuê đã làm và sắp làm cho Thiên Sư giáo. Ông tự nhủ rằng sau này sẽ sửa lại Đạo Tạng, đưa Khuê Tinh, tức Bạch Hổ Đế Quân lên hạng Thượng Đẳng Thần, chỉ thua có Tam Thanh, Tứ Ngự.

° ° °

Ngay cuối giờ Ngọ, các đại nhân vật của võ lâm Trung Nguyên đã tề tựu ở đại khách sạn của Vương phủ. Tử Khuê và Quan San cũng có mặt. Một lát sau, Tri phủ Tín Dương Tả Mục Chi, Tổng bổ đầu Từ Liêm Khê, cùng Tống binh Ngô Quân giá hạ.

Khi chạm mặt Lôi Đình Cung chủ, Tử Khuê thản nhiên vái chào, cứ như không biết lão là nhạc phụ của mình. Chàng có quyền làm thế vì Trác Ngạn Chi chưa hề xem Thanh Chân là con gái lão. Du Vinh và Tuân Khánh cũng giữ thái độ khách sáo như vậy. Trác Ngạn Chi tức lộn ruột song chẳng thể làm gì được.

Mười lăm con người ấy chia nhau ngồi quanh năm chiếc bàn bát tiên. Sáu vị chưởng môn nhân Bạch đạo chung bàn. Ba vị quan lớn một bàn. Hai thủ lĩnh Phi Đao hội làm bạn với Thần Đao bảo Tần Minh Viên. Tử Khuê, Quan San là bàn thứ tư. Phần Lôi Đình Cung chủ thì ngồi một mình. Năm chiếc bàn ấy được kê rất gần năm bậc thang dẫn lên phần nền hướng Bắc nơi đặt cỗ đại ỷ và án thư của Hoài Âm Vương.

Tuy sắp được diện kiến bậc Vương gia tôn quý nhưng chẳng ai lấy làm sung sướng cả. Hầu hết đều lo ngay ngáy, chuẩn bị đón chờ tai họa. Trước khi đến Tín Dương, các chưởng môn nhân đều đã để lại di chúc chọn ra người kế nhiệm.

Ngay Trúc Lâm Tử cũng phải làm thủ tục ấy, dẫu Lạc Mạo Chân Nhân đã lập công lớn với Chu Kiềm.

Trên bàn chẳng có gì để đãi khách, ngoài khay trà. Nhưng ai cũng uống để giết thời gian nên những bình trà rất mau can. May thay, khoảng gần giữa giờ Mùi thì Hoài Âm Vương xuất hiện. Mọi người vội đứng lên thi lễ.

Gương mặt thô kệch của Chu Kiềm hốc hác thấy rõ. Mắt gã đỏ ngầu vì mất ngủ càng khiến dung mạo thêm dữ tợn. Hoài Âm Vương xua tay, mệt mỏi phán: "Các khanh hãy bình thân!"

Gã cũng an tọa và đảo mắt quan sát đám người ở dưới. Khi nhìn thấy chàng trai râu rậm, gã lên tiếng hỏi: "Phải chăng khanh là Cầu Nhiêm Đại Hiệp Quách Tử Khuê, nghĩa tử của Trần tiên trưởng?"

Tử Khuê đã ngồi xuống giờ phải đứng lên, ôm quyền nói: "Khải tấu Vương gia! Chính là thảo dân!"

Chu Kiềm hai lần chịu ơn Trung Thiên Tôn nên dịu giọng với con cái Trần lão: "Quách hiền khanh quả có cốt cách của anh hùng, đáng mặt nghĩa tử lão thần tiên. Nếu sau này khanh muốn đem tài ra phục vụ triều ca thì bổn Vương sẽ hết lòng tiến cử"

Tử Khuê nói lời cảm tạ rồi ngồi xuống. Và Chu Kiềm lập tức đổi thái độ, gằn giọng bảo Trương Sách: "Trương hiền khanh là Thiên Sư, pháp lực cao cường sao lại có thể để cho Trần Thiên Tôn chết dần mòn bởi cờ ma như thế? Bổn Vương vô cùng thất vọng về khanh".

Nhiều người tưởng rằng Huyền Thiên Chân Quân sắp rơi xuống bùn, ô danh sau lần gặp vận đen này. Nhưng không ngờ Trương Thiên Sư bình thản đáp: "Khải tấu Vương gia! May mà bần đạo đã không nhục mệnh, đêm qua đã tìm ra lương sách. Bần đạo xin đem thanh danh ra đảm bảo rằng Trần tiên trưởng sẽ thoát nạn trước ngày rằm tháng hai sắp tới".

Chu Kiềm rất kinh ngạc trước lời tuyên bố ấy, song gã tin rằng Trương Sách chẳng dại gì mà nói vậy nếu không nắm chắc thành công. Gã vui vẻ phán: "Té ra bổn Vương đã trách lầm khanh. Thật đáng hổ thẹn. Nếu khanh làm được điều ấy tức là đã thi ân cho Chu mỗ".

Chu Kiềm quả là có cốt cách vương gia, nên lo cho an nguy của Trung Thiên Tôn trước, rồi mới hỏi đến hạ lạc của ái thê. Gã lạnh lùng bảo ba lão thuộc quan: "Giờ thì các khanh hãy báo cáo kết quả truy lùng tung tích bọn phản tặc. Đã hơn nửa tháng rồi, bổn Vương không còn nhẫn nại được nữa".

Ba ông quan to nhất phủ Tín Dương thiểu não quỳ thụp xuống sàn gạch dập đầu lạy như tế sao. Tả Tri phủ mếu máo nói: "Khải tấu Vương gia! Chúng thần bất tài, tuy đã làm việc bất kể ngày đêm song vẫn không thể tìm ra tăm hơi của bọn phản tặc. Nhưng nay đã có sự hỗ trợ của các phái võ lâm, hạ thần tin rằng sẽ có kết quả. Hạ thần dập đầu xin vương gia mở lượng hải hà chờ thêm vài ngày nữa".

Tả Mục Chi đã rất khôn ngoan khi bám víu vào các võ phái. Bởi Chu Kiềm triệu tập họ đến đây là để tham gia việc truy tìm.

Hoài Âm Vương gật đầu: "Thôi được! Hôm nay bổn Vương khoan vội bắt tội các khanh. Nhưng sau năm ngày nữa mà vẫn không có tin tức gì về Vương phi thì các khanh sẽ rơi đầu".

Ba viên quan dập đầu lạy tạ rồi về chỗ ngồi. Và đến lượt các nhân vật võ lâm phải đối mặt với họ Chu. Gã cười nhạt bảo họ: "Tai họa này xuất phát từ võ lâm thì Minh chủ và Hội đồng Võ lâm phải chịu trách nhiệm. Cho nên các khanh phải gắng sức phối hợp cùng các quan quân Tín Dương. Nếu thất bại, các khanh chớ trách bổn Vương là người ác độc".

Lôi Đình Cung chủ tức anh ách vì phải mang họa trong khi chưa chính thức nắm quyền Minh chủ. Song lão chẳng dại gì mà biện bạch, phân bua với một kẻ ngang ngược như Chu Kiểm. Trác Ngạn Chi còn nhân cơ hội này tính nước cờ cao. Lão đứng lên nói: "Khải tấu Vương gia! Thảo dân nguyện xả thân để tiêu diệt Diêm Vương Lệnh chủ, dẫu chết chẳng từ nan. Nhưng do ma lực Quỷ kỳ quá ư bá đạo, nên thảo dân e rằng phải nhờ đến pháp thuật của Trương Thiên Sư thì mới xong. Nếu không, Diêm Vương Lệnh chủ lại mang Vương phi phá vây chạy mất thì nguy to".

Trác Ngạn Chi định giở thủ đoạn "gắp lửa bỏ tay người". trút trách nhiêm cho Trương Sách. Nào ngờ Trương Thiên Sư thản nhiên đáp: "Trác lão thí chủ cứ yên tâm! Bần đạo đã có lá bùa ‘Linh bảo Hộ mệnh Thần phù’. Bảo bối này chống lại được tà khí của Quỷ kỳ".

Trác Ngạn Chi than thầm trong bụng, cố giữ vẻ điềm tĩnh mà hỏi lại: "Trương giáo chủ đã kiểm chứng lần nào chưa mà dám khẳng định? Lỡ đạo bùa ấy không có công hiệu, làm hỏng việc lớn thì sao?"

Trương Sách tủm tỉm cười chế giễu: "Tất nhiên là bần đạo chưa có dịp để thử, nhưng Đạo Tạng của bổn giáo chẳng thể sai. Nếu Trác lão thí chủ sợ chết thì thôi vậy. Hơn nữa, lá bùa nọ đã có người tin tưởng. Nghĩa tử của Trung Thiên Tôn sẽ mang bùa mà đối phó với Diêm Vương Lệnh chủ".

Hoài Âm Vương rất đẹp dạ, vẫy gọi Tử Khuê và tán thưởng: "Té ra Quách hiền khanh thật lòng trung nghĩa, nguyện vì bổn Vương mà lãnh ấn tiên phong. Đáng khen thay bậc anh hùng trẻ tuổi".

Rồi gã quắc mắt nhìn Lôi Đình Cung chủ, mỉa mai: "Chẳng lẽ Trác hiền khanh lại chịu làm kẻ hậu sinh? Hay là khanh cho rằng Chu mỗ kém đức, không đáng để khanh hy sinh?"

Lôi Đình Cung chủ thừa sức giết Chu Kiềm bằng một phát "Phách không chưởng" song chẳng dám. Lão còn luôn phập phồng, e sợ trước họ Chu. Trác Ngạn Chi tái mặt run giọng biện bạch: "Khải tấu Vương gia! Thảo dân già cả nên thận trọng thế thôi. Thảo dân nguyện sát cánh với Quách công tử để diệt trừ Diêm Vương Lệnh chủ".

Chu Kiềm gật gù chấp thuận: "Thế thì tốt. Trương Thiên Sư sẽ ban cho hai khanh bùa hộ mệnh. Hãy yên tâm tảo trừ tên phản tặc ấy".

Và gã buột miệng than: "Khổ thay, chúng ta lại không biết hang ổ của bọn cuồng đồ. Bổn Vương như người ngồi trên lò lửa, lo lắng cho ái thê nên một ngày dài tựa ba thu".

Chu Kiềm buồn bã gục đầu để che giấu dòng lệ thảm. Bỗng gã nghe có tiếng ai vang lên: "Khải tấu Vương gia. Thảo dân có việc xin mật báo".

Hoài Âm Vương ngạc nhiên khi nhận ra Quách Tử Khuê. Gã cau mày phán: "Được! Hiền khanh hãy lên đây!"

Tử Khuê chậm rãi rời bàn, vượt năm bậc gạch đến đứng bên Chu Kiềm, kề tai phụ nhĩ: "Xin vương gia hãy bình tâm! Thảo dân chỉ còn phải giải quyết vài nghi vấn là có thể tìm ra hang ổ bọn phản tặc".

Chu Kiềm cố nén nỗi hân hoan ngất trời, gật đầu bảo: "Khanh cứ hỏi!"

Tử Khuê liền nói: "Thảo dân muốn biết phải chăng Ngô tổng binh cũng là người trong hoàng tộc và sẽ được vương gia nương tay?"

Chu Kiềm giật mình xác nhận: "Đúng thế! Ngô Quân là cháu của Thái hoàng Thái hậu, tất nhiên ta không nỡ chem đầu y. Nhưng lẽ nào Ngô Quân lại phản bổn Vương".

Tử Khuê nghiêm trang đáp: "Vương gia phải tuyệt đối tín nhiệm thảo dân, trao toàn quyền hành động thì mới mong cứu được Vương phi. Thảo dân xin đem tính mạng toàn gia ra bảo chứng".

Nghe nhắc đến ái phi, Chu Kiềm không còn lưỡng lự nữa. Gã tháo ngay Kim bài trên cổ, trao cho Tử Khuê rồi dặn dò: "Đây là Vương tử kim bài, đại diện cho uy quyền của bổn Vương. Khanh cứ tùy nghi hành sự, miễn sao cứu được Vương phi. Nếu khanh thành công, bổn Vương sẽ xin Thánh thượng phong cho tước Bá".

Rồi gã đứng dậy, tuyên bố với mọi người: "Quách hiền khanh đã tìm ra sào huyệt của Diêm Vương Lệnh chủ. Do đó, bổn Vương trao kim bài để Quách khanh điều động đạo quân tiểu phỉ. Thấy kim bài như thấy bổn Vương, không một ai được kháng lệnh".

Cử tọa sửng sốt nhìn nhau, chẳng hiểu Tử Khuê đã làm thế nào mà có được thông tin, khi chỉ vừa đến đây chưa đầy hai hôm. Họ còn kinh ngạc hơn khi thấy Tử Khuê giơ cao kim bài và ra lệnh: "Mau bắt trói gã Ngô tổng binh!"

Tuân Khánh và Du Vinh đã chực sẵn, nhảy xổ đến khống chế Ngô Quân. Họ Ngô vẫn còn nói được, luôn miệng kêu oan. Hai vị quan kia thì run như cầy sấy, chỉ sợ vạ lây.

Chu Kiềm vỗ bàn nạt: "Ngô Quân! Ngươi là hoàng thân quốc thích, được hưởng bổng lộc cao cả, sao lại liên kết với phản tặc? Mau khai ra hang ổ của chúng để tránh cực hình tra khảo!"

Họ Ngô nhất mực phủ nhận tội lỗi, thề thốt rằng chẳng hề liên quan gì với bọn Diêm Vương Lệnh chủ.

Tử Khuê cười nhạt, bảo: "Lão đừng chối vô ích. Ta còn biết rõ Diêm Vương Lệnh chủ và đồng đảng đang ẩn náu tại mỏ đá hoa cương, phía Tây thành. Nơi ấy do bào đệ của lão là Viên ngoại Lang bộ công Ngô Luân quản lý, sử dùng tù khổ sai làm công nhân khai thác".

Hoài Âm Vương nghe Tử Khuê nói rõ ràng như thế thì vô cùng hoan hỉ, đứng dậy phán: "Vậy thì chẳng cần phải hỏi nữa, cứ chém quách gã cẩu trệ Ngô Quân rồi chúng ta khởi binh".

Ngô tổng binh biết thế đã cùng liền khóc lớn: "Tiểu nhân xin nhận tội. Mong vương gia nghĩ tình quyến thuộc mà tha mạng".

Nghe xong, Chu Kiềm càng điên tiết, phất tay áo quát: "Trảm!"

Du Vinh lập tức rút kiếm chém bay đầu họ Ngô.

° ° °

Đến khoảng giữa giờ Thân thì mỏ đá hoa cương cách thành Tín Dương sáu dặm đã bị hai ngàn quân triều đình và các đệ tử các phái vây chặt. Hoài Âm Vương giáp trụ sáng giới, đích thân thống lĩnh ba quân. Dĩ nhiên gã chỉ ở phía sau lược trận.

Mỏ đá sử dụng tù nhân nên được bao quanh bởi tường rào cao ngất, làm bằng những thân cây đầu vót nhọn. Những loài thảo mộc thân leo đã phủ đầy bức rào, trong ngoài chẳng thấy nhau.

Đạo quân kéo đến đây rất âm thầm, lặng lẽ phủ phục trong những bụi cỏ mùa xuân rậm rạp. Họ chờ đợi Cầu Nhiêm Đại Hiệp cứu được Tần Vương phi ra rồi mới tấn công.

Chàng trai họ Quách đã một mình đột nhập vào từ phía Đông, bằng cách phá một đoạn rào gỗ rệu rã. Cầu Nhiêm Đại Hiêp quả là thần thông quảng đại, chỉ sau gần khắc đã trở ra với người đẹp trên tay.

Hoài Âm Vương không hề nổi ghen tỵ vì lúc này ái phi của gã gầy ốm, lem luốc và hôi như cú. Chu Kiềm xúc động ôm lấy người ngọc rồi ra lệnh tấn công.

Giờ đây, tiếng trống trận vang lừng, binh lính phá sập hàng rào và ùa vào như thác lũ. Tử Khuê đã dặn dò phe mình không được giết những kẻ lam lũ bị xiềng xích vì họ là tù nhân. Còn bọn thủ hạ Diêm Vương Lệnh chủ thì được tự do và ăn mặc chỉnh tề, đẹp đẽ.

Mặc kệ cảnh máu xương, ở đây Chu Kiềm vỗ về, an ủi mỹ nhân và hỏi: "Thế bọn chúng có mạo phạm đến ngọc thể của nàng không?"

Gã đã bị điều ấy ám ảnh suốt thời gian qua. Gã sẽ không sống nổi nếu Hạnh Nga đã bị cưỡng bức.

Tần Vương phi bật khóc, trách móc Chu Kiềm: "Vương gia cho rằng thần thiếp sẽ chịu nhục để cầu sinh hay sao?"

Dứt lời, nàng rút trong tay áo ra một con dao nhọn hoắc và nghẹn ngào nói: "Thần thiếp nhờ vật này mà vẫn giữ được tiết hạnh. Nếu Vương gia không tin thì thần thiếp xin chết tại đây để chứng tỏ tấm lòng trinh bạch".

Chu Kiềm trút được gánh nặng ngàn cân trong lòng, đoạt ngay mũi tiểu đao và hết lời tạ lỗi người vợ thủy chung, trinh liệt. Gã lập tức đưa ái phi về Vương phủ, chẳng cần biết kết quả cuộc chiến trong kia.

Lúc này, phần thắng đã nghiêng hẳn về phía quan quân. Phe địch chỉ còn độ hai trăm và một nửa là lính gác tù. Gã viên ngoại lang Ngô Luân đã bị giết song Diêm Vương Lệnh chủ thì chưa thấy xuất hiện.

Mỏ đá này có diện tích rất rộng chạy dọc chân phía Nam của núi đá một đoạn dài hơn dặm. Trong phạm vi mỏ có cây cối, suối nước và những căn nhà gỗ. Nhưng hiện giờ trong đám kiến trúc xấu xí dơ bẩn ấy không có người. Hơn năm trăm tù nhân đều đang làm công việc đào bới, đục đẽo đá hoa cương. Họ đã khôn ngoan ngồi xuống tại chỗ, đặt hai tay lên đầu rồi mới vận khí


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!