Đại tư-mã Đào Kỳ phân Lĩnh-Nam thành ba trận tuyến để đối phó với tình
hình. Trận tuyến thứ nhất là vùng Lãng-bạc do Trưng Nhị chỉ huy. Trận
tuyến thứ nhì là vùng Cửu-chân do Đô Dương thống lĩnh, chỉ huy phòng vệ. Mặt trận Long-biên do chính Đào Kỳ điều quân, Phương-Dung thiết kế.
Quân Lĩnh-Nam được phân tán, âm thầm di chuyển, hôm nay đóng đây, mai
đóng chỗ khác. Vì vậy Mã Viện, Lưu Long, Vương Bá không biết rõ chủ ý
của quân Việt. Cả ba đã đem quân vào Lĩnh-Nam từ cuối năm Nhâm-Dần (42
sau Tây Lịch), nhưng cứ đóng quân chờ đợi. Mã Viện đóng ở vùng biên giới Bắc Việt, Quảng-tây ngày nay. Lưu Long đóng ở biên giới Bắc Việt với
Quảng-đông, và đảo Hải-nam. Vương Bá đóng ở biên giới Vân-nam với Bắc
Việt. Chúng cho Tế tác dò thám tình hình Lĩnh-Nam, nhưng mỗi đạo Tế tác
báo cáo một khác, vì vậy chúng không dám tiến quân. Thế nhưng chỉ dụ của Quang-Vũ bắt ba tướng phải tiến quân vào Giao-chỉ trước Tết. Mà gần hết tháng mười một rồi mà cả ba vẫn không dám tiến binh.
Tin tức Cu Bò gửi từ Lạc-dương về, đại lược:
"Quang-Vũ nổi lôi đình, định chặt đầu ba tướng. Triều thần can gián rằng Lĩnh-Nam anh tài nhiều, không dễ gì tiến binh được. Quang-Vũ quyết định gửi sứ giả mang cho Mã Viện thanh Thượng phương bảo kiếm, với chỉ dụ:
Được phép tiền trảm hậu tấu bất cứ tướng nào, đặt. Lưu Long, Vương Bá,
Lê Đạo-Sinh dưới quyền Mã. Nếu cuối tháng hai, không tiến quân vào
Long-biên, Mê-linh, thì Mã phải chặt đầu Lưu Long, Vương Bá, Lê Đạo-Sinh và chính đầu mình về nạp mệnh. Các tướng từ cấp Quân đoàn trở lên đều
bị cách chức hết.
Ngày 10 tháng 11 một, Mã Viện triệu tập các tướng hội họp ở Quế-lâm. Y
quyết định ngày 20 đồng tiến binh. Lấy đông thắng ít, dù phải chết hết
cũng phải chiếm bằng được Mê-linh, Long-biên.
Một mặt Trưng Nhị sai viết thư báo tin khẩn cấp cho Đại tư mã Đào Kỳ,
Cửu-chân vương Đô Dương biết rõ tình hình. Một mặt bà triệu tập tướng sĩ về Mê-linh nghị sư.ï Sau khi lễ trước bàn thờ Quốc Tổ, Quốc Mẫu, các
tướng theo thứ tự ngồi vào đại sảnh đường. Ngài phán:
– Từ hơn sáu tháng qua, Vương Bá, Mã Viện, Lưu Long đều dồn binh ở biên
giới. Không ai dám tiến quân vào Giao-chỉ vì chúng con sợ dư oai trận
Trường-an, hồ Động-đình, Nam-hải, Tượng-quận chưa hết. Bây giờ Quang-Vũ
ban chỉ dụ, một là tiến, hai là mất đầu. Ba đạo được giao cho Mã Viện
chỉ huy thống nhất. Chúng đang chuẩn bị tiến công. Ta để cho nhị muội
điều binh.
Trưng Nhị cầm ấn kiếm để lên án. Bà tóm lược tổng quát sách lược đã định với Đại tư mã Đào Kỳ, Tể Tướng Phương-Dung:
– Cửu-chân vương Đô Dương trấn giữ suốt một giải Nhật-nam, Cửu-chân tới
Hoa-lư, bảo vệ phía sau cho Long-biên, Mê-linh. Mặt này chúng ta không
lo, vì bờ biển gồ ghề, khó đổ bộ. Dù chúng có đổ bộ, cũng gặp phải sức
chống đối của các Lạc hầu, chúng cũng khó tiến quân được.
Bà ngưng lại cho các tướng theo kịp, rồi tiếp:
– Dù Mã có ngu, thì Lê Đạo-Sinh cũng cố vấn cho Mã. Hán sẽ tiến quân
theo ba mặt: Mã Viện từ Bắc đánh thẳng xuống Lãng-bạc. Trong khi Lưu
Long từ biển vượt Đông-triều hội với Mã. Từ Lãng-bạc chúng sẽ chia quân
làm hai, Lưu Long đánh Long-biên. Mã Viện đánh Mê-linh. Vậy chúng ta sẽ
nghênh địch cách nào?
Trong phòng hội im lặng. Các tướng đều biết Trưng Nhị từng làm quân sư
cho Đặng Vũ đánh Xuyên-khẩu, Bạch-đế, tiến vào Thành-đô. Sau khi phản
Hán, chỉ nửa tháng, bà đã đánh chiếm lại Ích-châu, Kinh-châu. Tài thao
lược không ai bì kịp. Cho nên họ đều phác họa kế hoạch trong tâm, chờ
đợi kế hoạch của Trưng Nhị, rồi mới có ý kiến.
Trưng Nhị tiếp:
– Trước hết Công chúa Nguyệt-Đức thống lĩnh các vị Trần Quốc-Hương, Vũ
Trinh-Thục, Trần Vĩnh-Huy, Tây-vu tiên tử, đốc suất các Lạc hầu dọc niên giới Tượng-quận, Quế-lâm lập phòng tuyến chống với Vương Bá, không cho
Vương tiến xuống hội với Mã Viện, Lưu Long. Nhược bằng Vương dám hy sinh toàn quân, ta hãy tạm rút vào rừng chờ chúng đánh xuống, rồi đêm đêm
đánh bịt hậu, cướp lương thảo. Đạo này có Phong-châu song quái. Tôi tin
rằng với bản lĩnh của sư bá Vĩnh-Huy, Quốc-Hương thừa sức đàn áp chúng.
Còn Thượng-dung lục hữu, ta không đáng sợ chúng..
Phùng Vĩnh-Hoa cùng các tướng khảng khái nhận lệnh.
Trưng Nhị tiếp:
– Các anh hùng còn lại, dự trận Lãng-bạc.
Được dự trận Lãng-bạc, các tướng vung chân múa tay vui mừng.
Trưng Nhị chỉ lên sơ đồ:
– Mã Viện có ba người em tên Huống, Anh, Dư đều giỏi dùng binh. Tuy võ
công chúng không cao lắm. Tế tác cho biết, Viện dùng ba người làm đại
tướng, chỉ huy ba cánh quân. Cao thủ có Phùng Đức, Sầm Anh. Thêm vào đó
Đinh Công-Thắng, Triệu Anh-Vũ. Viện dùng hai người này sẽ đi tiên phong. Tin của Công chúa Bát-Nạn cho biết, Mã Viện chia quân làm bốn đạo. Đạo
thứ nhất dùng thủy quân vượt hồ Lãng-bạc đánh thẳng về phương Nam. Thủy
quân vận tải lương thảo, đổ lên phía Nam hồ. Trong khi đó hai đạo khác
đánh vòng phía Đông, Tây hồ, hội lại với đạo thủy quân. Đường lối tiến
quân của Mã giống như hồi đánh hồ Động-đình. Song có điều hơi khác, phía sau hồ Động-đình là sông Trường-giang, tiếp viện khó khăn. Còn phía sau Lãng-bạc là đại quân của Mã.
Bà ngưng lại, nhìn các tướng, tiếp:
– Ta chia lực lượng làm bốn. Thứ nhất Hùng Xuân-Nương, Đặng Thi-Bằng,
Nguyễn Quý-Lan giữ thành Mê-linh. Dùng Thần ưng tuần phòng cẩn thận.
Hùng Xuân-Nương hỏi:
– Trong ba chúng tôi, ai là chủ tướng?
Trưng Nhị liếc mắt hỏi Trưng Đế. Ngài phán:
– Nguyễn Quý-Lan.
Trưng Nhị tiếp:
– Cánh thứ nhất do sư thúc Nguyễn Thành-Công, Đặng Thi-Kế thống lĩnh,
với đạo binh Nhật-nam của Hùng Bảo, Trần Năng, chặn đánh Mã Huống, Phùng Đức phía Tây hồ. So sánh lực lượng, Hán có ba vạn kị, bốn vạn bộ. Chúng ta có bốn vạn bộ, một vạn kị.
– Cánh thứ nhì do thái sư thúc Chu Tái-Kênh thống lĩnh cùng với đạo quân Quế-lâm của Minh-Giang, Trần-gia tam nương, chặn đánh Mã Anh, Sầm Anh
phía Đông hồ. So sánh lực lượng: Ta có bốn vạn bộ, một vạn kị. Hán có
bốn vạn bộ, ba vạn kị.
– Cánh thứ ba do sư muội Trần Quốc thống lĩnh năm vạn thủy binh. Có sư
thúc Cao Cảnh-Sơn, thần tiễn Âu-Lạc Cao Cảnh-Anh, Hùng, Kiệt, Khê, Nham
chặn đánh Mã Viện, với năm vạn thủy quân, bốn vạn bộ. Hoàng thượng, sư
phụ, sư mẫu với tôi theo đạo này.
– Quân Việt thiện chiến, sống chết bảo vệ đất nước. Trong khi quân Hán
không quen thủy thổ, lạ địa thế. Dĩ nhiên chúng ta thắng. Chỉ cần ta
đánh lui chúng trở về phía Bắc hồ là đủ. Sau khi thắng giặc đạo quân Chu thái sư thúc cùng Trần Quốc tiến về Long-biên giúp Bắc-bình vương.
Chúng ta hộ giá Hoàng-thượng và triều thần về Cẩm-khê.
– Mã Viện bị đánh lui, phải ngừng laị bổ xung. Trong khi dọc đường tiếp
viện bị các Lạc hầu chặn đánh. Phía sau bị đạo binh hùng mạnh của
Bắc-bình vương ép, tất y rút về Quế-lâm. Sang tháng ba tiết trời nóng
nảy, quân sĩ không chịu được thủy thổ, chúng phải rút lui. Bấy giờ ta
mới truy kích.
Như thường lệ, Trưng Nhị hỏi:
– Ai có ý kiến gì?
Nguyễn Quý-Lan thắc mắc:
– Tổng số quân của Viện là ba mươi vạn, của Lưu Long hai mươi vạn. Viện
mới dùng có mười chín vạn. Phía sau còn ba mươi mốt vạn trừ bị. Chúng ta đánh ba đạo quân của chúng. Chúng còn ba mươi mốt vạn tung vào. Bấy giờ ta lấy đâu ra quân trừ bị ứng chiến? Tôi lấy làm lo nghĩ điều này?
Trưng Nhị trả lời:
– Bắc-Bình vương xuất quân trước chúng ta mười ngày. Tất đánh tan quân
Lưu Long, tiến lên Đông-Triều chặn hậu Mã Viện. Dù ba mươi mốt vạn chứ
ba trăm mười vạn, Viện cũng bị bại. Các tướng lĩnh mặt Long-biên đều là
những tướng hét ra lửa mửa ra khói: Hiển-Hiệu, Quí-Minh, Đào
Phương-Dung, Trần Quế-Hoa, Trần Quỳnh-Hoa, chúa tướng cương quyết như
Thiều-Hoa, Đào Kỳ, Phương-Dung.
Chu Tái-Kênh hỏi:
– Tôi thấy Bắc-Bình vương tiến quân, mà phía sau là Thiên Trường, Hoa-lư trống trải. Lỡ ra Hán đổ một đạo quân vào đấy, quân Đô Dương không cứu
ứng được. Ắt quân của Bắc-bình vương lâm nguy. Tôi lo quá.
Trưng Đế cười:
– Thái sư thúc đừng lo. Lưu Long dễ gì tiến quân được như ở Quế-lâm,
Nam-hải. Vì đi đến đâu cũng gặp các trang ấp chiến đấu. Y muốn tiến từ
biển vào đến Long-biên cũng mất mấy năm. Quân tướng hao hụt chín phần
mười.
Quách A hỏi:
– Trước kia quân đoàn ba Tây-vu theo yểm trợ đạo Giao-chỉ của chị Đào
Phương-Dung. Bây giờ được chuyển qua yểm trợ cho đạo Nhật-nam của Hùng
Bảo. Hiện tại Lãng-bạc còn quân đoàn hai của Hoàng Hầu tướng yểm trợ đạo Quế-lâm của Minh-Giang. Tôi nghĩ hai đạo của sư bá Chu Tái-Kênh, Nguyễn Thành-Công đánh trên cạn, không cần dùng Thần phong, Thần ưng. Xin giao các sư này cho tôi đánh trên thủy.
Trưng Nhị mỉm cười:
– Ta chưa kịp nói điều này. Vậy em cứ tự tiện chuyển hai sư ưng, phong
của quân đoàn hai, ba tham chiến trên hồ. Các Sư trưởng, cùng tướng sĩ
ra sao?
Quách A ra ngoài một lúc, dẫn một số các tướng lĩnh Tây-vu vào bái kiến Trưng Đế. Nàng chỉ từng người một, trình:
– Sư trưởng Thần ưng quân đoàn Hai là Từ Giong. Quân đoàn ba là Trâu
Xanh Trần Ngọc-Tích. Sư trưởng Thần phong quân đoàn hai là Phùng Tứ,
Phùng Huyền, Thượng Cát. Quân đoàn ba là Đào Nương. Các tướng soái quân
đoàn ba đã từng dự trận Nam-hải. Còn quân đoàn hai chỉ mới dự trận rút
lui Quế-lâm mà thôi.
Các tướng sĩ lục tục lên đường. Trưng Đế, Trưng Vương được Đỗ Năng-Tế,
Tạ Thị-Cẩn, Quách A... hộ tống đến bộ chỉ huy của Trần Quốc đóng trên bờ phía Nam Lãng-bạc.
Công chúa Gia-hưng Trần Quốc tiếp giá vào soái thuyền. Trưng Vương nhìn
hạm đội Lĩnh-Nam san sát trên mặt hồ, hàng lối ngay thẳng. Tướng sĩ hùng tráng, kỷ luật, lòng ngụt lên ngọn lửa tự hào:
– Mới hôm nào đây Trần Quốc từ Thiên-trường theo Đào Kỳ, Phương-Dung về
Luy-lâu dự đại hội, còn là một cô bé ngỗ nghịch. Thời gian qua, tình thế đất nước khó khăn, kinh nghiệm chiến trường tạo cho nàng thành Đô-đốc
tài ba lỗi lạc. Hạm đội Lĩnh-Nam thế này, hèn gì hôm trước nàng chẳng
giết chết Đại Đô-đốc Đoàn Chí của Hán, đánh phá suốt bờ biển Nam-hải,
còn thuận thế định... đánh về Lạc-dương, diệt triều Hán.
Trưng Đế hỏi Công chúa Gia-hưng Trần Quốc:
– Em định nghênh chiến thế nào? Lực lượng của em có bao nhiêu?
Bà tâu:
– Em hiện có năm vạn thủy quân, chia làm năm đạo. Tiền đạo, Tả đạo, Hữu
đạo, Trung đạo và Hậu đạo. Mỗi đạo có hai mươi chiến thuyền lớn. năm
mươi chiến thuyền trung và trăm chiến thuyền nhỏ. Chiến thuyền lớn có ba trăm thủy thủ. Chiến thuyền trung có trăm thủy thủ và chiến thuyền nhỏ
có năm mươi thủy thủ. Vũ khí chiến đấu chính trên mặt nước là cung tên.
Vì vậy trên chiến thuyền lớn có ba dàn Nỏ thần. Chiến thuyền trung có
hai dàn. Còn chiến thuyền nhỏ chỉ có cung tên bắn bằng tay.
Trưng Vương hỏi:
– Em định kế sách phá Mã Viện ra sao?
– Mã Viện có bốn anh em. Võ công chúng ngang với Phong-châu song quái.
Tài dùng binh không kém gì Viện. Viện để Mã Dư ở nhà giữ hậu quân, tiếp
ứng. Mã Anh, Mã Huống đánh ở phía Đông, Tây hồ Lãng-bạc. Vì vậy trên mặt hồ chắc chỉ có mình y. Chiến thuyền Hán đều thuộc loại đi biển, lớn
kềnh càng. Bây giờ là tháng mười một, nước hồ đang cạn. Em dẫn quân đánh với y, rồi cho các chiến thuyền lớn rút về Nam. Còn chiến thuyền,
trung, nhỏ vừa đánh vừa rút vào khu lầy lội, nhử cho chúng đuổi theo.
Khi chiến thuyền của Hán vào khu nước cạn, sẽ mắc lầy. Bấy giờ em sẽ
dùng chiến thuyền lớn đánh bọc hậu. Các chiến thuyền trung, nhỏ dùng cỏ
khô đốt chúng. Còn bọn nào chạy, em dùng Giao-long binh đục thuyền. Có
điều em thưa trước, em mang Hoàng Thượng ra để dụ cho chúng đuổi theo
vào khu hồ cạn, đồng lầy.
Bà ngưng lại một lát, tiếp:
– Sau khi phá Mã Viện, em phải đem chiến thuyền ra biển Nam-hải đánh với Lưu Long. Vì thủy quân Lưu trên biển rất mạnh. Điều em lo lắng là sau
khi em đánh tan đội thủy quân của Viện. Y chỉ còn bộ, kị. Y sẽ dùng số
đông người tràn ngập Mê-linh.
Trưng Đế hài lòng. Ngài ban chỉ dụ:
– Ta dự chiến với em thì ta là tướng, em là soái. Ta chờ lệnh em.
Công chúa Gia-Hưng cầm ấn kiếm để lên trước trướng. Bà truyền lệnh:
– Tả đạo do lão sư Đỗ Năng-Tế thống lĩnh. Phó thống lĩnh là sư huynh Cao Cảnh-Kiệt. Trợ chiến có sư Thần phong hai với ba Quận chúa Phùng Tứ,
Phùng Huyền, Thượng Cát.
– Hữu đạo do lão sư Tạ Thị-Cẩn thống lĩnh. Phó thống lĩnh là sư huynh
Cao Cảnh-Kiệt. Trợ chiến có sư Thần phong ba với Công chúa Đào Nương.
– Tiền quân, đích thân tôi thống lĩnh. Phó thống lĩnh là sư huynh Cao
Cảnh-Hùng. Trợ chiến có sư Thần ưng ba của Trâu Xanh Trần Ngọc-Tích. Sư
muội Quách A đi trên đạo Tiền quân, phối hợp Ưng, Phong và Nỏ thần.
– Đạo Trung quân do sư tỷ Trưng Nhị thống lĩnh. Hộ tống Hoàng Thượng có
các sư huynh Cao Cảnh-Khê, Cao Cảnh-Nham, sư Thần ưng hai của Từ-Giong.
– Đạo Hậu quân do sư bá Cao Cảnh-Sơn thống lĩnh. Phó thống lĩnh là sư huynh Lê Doãn, chỉ huy đội Giao-long binh.
Đến đó có tiếng Thần ưng ré lên trên không. Trâu Xanh vội chạy ra ngoài
khoang thuyền. Một lát nó cầm vào một bức thư trình lên Trưng Đế:
– Tâu Hoàng Thượng, thư của Công chúa Nguyệt-Đức.
Trưng Đế tiếp lấy đọc qua. Ngài mỉm cười:
– Vương Bá cùng Thượng-dung lục hữu đem quân vượt biên đánh xuống. Công
chúa Phùng Vĩnh-Hoa cho quân phục trên các ghềnh núi, lăn đá, bắn tên,
làm tướng sĩ bị thương, chết rất nhiều. Chúng phải lui lại. Hôm sau
chúng đi men theo rừng lau sậy ven sông nhập Việt. Vĩnh-Hoa dùng hỏa
công đốt chúng. Hơn ba vạn quân Hán bị thiêu. Chúng phải rút trở về.
Công chúa Gia-hưng Trần Quốc tâu với Trưng Đế:
– Em đã cho tướng sĩ chuẩn bị. Xin chị ra hiểu thị, khích lệ họ, trước khi xuất quân.
Bà ra ngoài trước, đứng trên đài chỉ huy, cầm cờ xanh phất. Hơn trăm cái trống đồng cùng đánh lên. Ban nhạc cử bản Động-đình ca. Nhạc chấm dứt.
Bà nói lớn:
– Tướng sĩ chuẩn bị tiếp giá Hoàng-Thượng.
Trưng Đế cùng Trưng Vương từ trong khoang thuyền ra. Tướng sĩ hô vạn
tuế, vạn tuế rung động mặt hồ. Trên trời Thần ưng xếp hàng từng toán
trăm bay lượn vòng tròn. Ngài đứng lên nóc soái thuyền hướng vào tướng
sĩ, hiệu triệu. Đại ý ngài tóm lược dã tâm của Quang-Vũ, và cái thế một
mất một còn của Lĩnh-Nam. Cuối cùng ngài kêu gọi tướng sĩ phải quyết tâm thắng trận Lãng-bạc:
… Trưng Trắc, Trưng Nhị, Đào Kỳ, Phương-Dung chết đi, cũng không đáng
kể. Dù các tướng sĩ có mặt hôm nay chết đi cũng không đáng kể. Vì chúng
ta chết, mà Lĩnh-Nam vẫn còn. Điều quan trọng nhất, phải đánh tan giặc,
bảo vệ đất nước. Lĩnh-Nam mất, mất tất cả. Lĩnh-Nam còn, còn tất cả.
Tướng sĩ hoan hô rung động trời đất.
Đến đó, tiếng Thần-ưng reo trên không. Quách A nhìn lên trời nói:
– Hải quân Mã Viện đã từ biển vào tới Bắc hồ rồi! Chúng đang hướng xuống Nam. Chuẩn bị tác chiến!
Công chúa Gia-hưng Trần Quốc, cầm cờ phất lên. Trống đồng đánh vang dội. Tướng sĩ reo hò. Cờ phất nhịp nhàng. Tiếng mái chèo khua trên mặt nước, lẫn với tiếng Thần-ưng. Chỉ lát sau, các chiến thuyền đã nhổ neo, dàn
trận, từ từ ra giữa hồ. Cánh trái Đỗ Năng-Tế, cánh phải Tạ Thị-Cẩn, ở
giữa Công chúa Gia-Hưng. Thuyền dương buồm, cánh buồm căng, no đầy gió
thổi phồng lên. Đoàn chiến thuyền phăng phăng vượt sóng ra khơi.
Quách A, Trâu Xanh đứng trên chót cột cột buồm, theo dõi đoàn Thần ưng.
Một lát, mờ mờ xa, đoàn chiến thuyền Hán dần dần xuất hiện. Quách A phất cờ báo hiệu. Công chúa Gia-Hưng cầm tù và rúc lên một hồi. Năm đoàn
chiến thuyền từ từ chậm lại, dàn hàng.
Đoàn chiến thuyền Hán vẫn hùng hổ đi tới. Đội hình của thủy quân Hán
cũng giống đội hình Lĩnh-Nam, có năm đoàn. Trước ba, sau hai. Mã Viện
đứng đốc chiến trên soái thuyền trung ương. Cao Cảnh-Hùng bàn:
– Mã Viện bị thua nhiều trận, y cẩn thận hơn. Kìa trên các chiến thuyền
đều có phên tre, dắt rơm, tẩm bùn, vì sợ Nỏ thần. Trên sàn thuyền có mấy thùng đựng cỏ, sẵn sàng đốt lên chống Thần phong. Cứ sau mỗi phên chống Nỏ thần lại có một toán cung thủ phòng Thần ưng.
Trần Quốc mỉm cười:
– Mã đề phòng, tức là y đã bị ta dồn vào thế bị động rồi. Trận này Thần
ưng, Thần phong không phải lực lượng chính như các trận trước.
Cao Cảnh-Hùng thở dài:
– Hôm nay chúng ta giết giặc sướng tay. Song có điều chúng có năm vạn
thủy, chở bốn vạn bộ. Cộng chín vạn. Trong khi mình chỉ có năm vạn. Dù
thắng chúng mình cũng mất một hai vạn. Chúng mất chín vạn này, sẽ có
chín vạn khác. Còn mình thì...
Trần Quốc bảo Cao Cảnh-Hùng:
– Sư huynh nhớ tìm cách bắn Mã Viện, làm cho y vướng vít, khó khăn ra
lệnh. Trong khi tôi cứ đổi thế trận hoài. Như vậy mới dễ lừa y.
Bỗng có Thần ưng hướng từ Long-biên bay lại. Quách A gọi xuống. Nàng lấy thư trong ống tre dưới chân, kêu lên:
– Tấu chương của Tể Tướng Phương-Dung.
Bà đệ trình lên Trưng Đế. Ngài cầm đọc qua. Mặt hiện lên nét vui mừng không tả được. Ngài nói với tướng sĩ:
– Bắc-bình vương đại thắng. Lưu Long tiến quân làm năm cánh. Cánh thứ
nhất đích thân y chỉ huy, dùng chiến thuyền tiến vào cửa Thần-phù, bị
Công chúa Tử-Vân dùng hư binh lừa vào sông lạch nhỏ. Thuyền lớn mắc cạn, rồi dùng thuyền nhỏ tấn công. Phân nửa chiến thuyền Lưu Long bị đốt
cháy ở cửa Thần-phù.
Ngài ngưng lại đọc tiếp:
– Cánh thứ nhì do Chinh-Tây đại tướng quân Chu Long đem quân đánh vào
vùng cửa biển Đông-Triều, tiến về Long-biên, bị Đào Phương-Dung, Lê
Ngọc-Trinh phục binh đánh tan. Chu Long lui về bờ biển Nam-hải. Đạo thứ
ba do Chinh-Nam đại tướng quân Trịnh Sư, từ biển đổ vào vùng Lục-hải,
tiến về Hoa-lư. Bị Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa lừa vào rừng, dùng hỏa công đốt.
Quân Trịnh Sư còn phân nửa, vội rút về mặt Thiên-trường. Đạo thứ tư do
Uy viễn đại tướng quân Ngô Anh đổ bộ vào Thiên-trường. Bị Hoàng
Thiều-Hoa, Lê Thị-Lan, Lê Anh-Tuấn đánh thua, phải rút ra biển. Đạo thứ
năm do Vương Hùng tiến về Long-biên, bị Đào Hiển-Hiệu, Đào Quí-Minh đánh lui. Hiện Bắc-bình vương đang đuổi theo giặc. Tất cả quân của Lưu Long
đóng ở Đông-Triều, dàn trận chống với Bắc-bình vương.
Đến đó ngài ngưng lại, vì chiến thuyền Hán đã đến gần.
Chiến thuyền Hán cho đốt cỏ, khói bốc lên nghi ngút. Quách A biết khó mà dùng thần phong. Nàng cầm cờ phất. Các dàn Nỏ thần loại lớn từ chiến
thuyền Lĩnh-Nam bắt đầu bắn sang chiến thuyền Hán. Loại Đại nỏ bắn những mũi tên to bằng bắp tay, tầm bắn rất xa. Song mỗi lần một dàn chỉ bắn
được có mười mũi. Cứ mỗi mũi tên trúng giữa chiến thuyền Hán, lại làm
cho hơn chục binh tướng chết. Tác dụng của Đại-nỏ không nhiều. Song nó
là mối đe dọa cho thủy quân Hán.
Chiến thuyền Mã Viện tiến gần đến chiến thuyền Lĩnh-Nam. Cao Cảnh-Hùng
đưa mắt ra hiệu. Trâu Xanh rúc một hồi tù và. Đoàn Thần ưng lao vút
xuống tấn công Mã Viện. Mã rút kiếm quay tít trên đầu đề phòng. Trống
trận hai bên đánh vang trời. Cao Cảnh-Hùng chỉ đợi có thế. Chàng buông
tên, tên xé gió bay tới. Tiếng trống trận, tiếng ưng kêu, làm Mã Viện
không nghe thấy tiếng tên rú. Khi y nghe thấy, thì tên đã đến nơi. Y
nhanh mắt gạt được hai mũi. Tên, kiếm chạm nhau toé lửa, cánh tay y tê
chồn. Một mũi tên thứ ba hướng ngực y bay tới. Y kêu lớn lên:
– Mạng ta cùng rồi.
Một vệ sĩ đứng cạnh vội đưa mộc lên đỡ tên cho y. Mũi tên xuyên qua mộc, dư lực đâm vào miếng hộ tâm kính của Viện đến bộp một tiếng. Mặt Viện
tái mét. Trong khi đó Cao Cảnh-Hùng đã bắn đến loạt thứ nhì. Sáu vệ sĩ
của Viện đều bị trúng tên chết trên soái thuyền. Mã Viện đã quen với lối bắn tên của phái Hoa-lư. Y lui lại phía sau lá chắn. Hai bên, có hai vệ sĩ cầm mộc che cho y. Cao Cảnh-Hùng cầm tên chờ đợi, hễ thấy Mã Viện sơ hở là bắn.
Trần Quốc cầm cờ đỏ phất. Các chiến thuyền Lĩnh-Nam đồng loạt tiến lên.
Hai bên giáp trận. Tướng sĩ không còn dùng cung tên nữa, mà dùng gươm
đao. Đứng trên cột buồm Quách A bảo Trâu Xanh:
– Ê! Em cho Thần ưng xuống đi.
Trâu Xanh dạ một tiếng. Nó hú lên vang dội. Thần ưng lao xuống giữa trận chiến đôi bên. Chúng tấn công quân Hán.
Mã Viện thấy phía sau đội hình Lĩnh-Nam, cờ xí rợp trời, đích thân Hoàng Đế thúc trống. Y nổi giận truyền lệnh:
– Cho quân tiến lên. Bằng mọi giá, phải bắt được Hoàng Đế Lĩnh-Nam.
Y vừa truyền lệnh thì, nghe tiếng quân la hoảng. Y nhìn sang bên phải:
Một lão tướng Lĩnh-Nam, râu tóc bạc như cước, mặc quần áo theo lối dân
phu. Lão vừa phóng một chưởng, cây cột buồm soái thuyền cánh phải Hán bị gãy. Lão như thiên lôi, đi đến đâu, quân Hán bị đánh bay xuống hồ. Mã
Viện kinh hãi hỏi:
– Lão kia là ai?
Quân sĩ đáp:
– Lão là sư phụ của Hoàng Đế Lĩnh-Nam tên Đỗ Năng-Tế.
Đỗ Năng-Tế oai phong lẫm liệt. Ông đi trước, mỗi chưởng đánh ra, hơn
chục quân Hán nát thây. Phút chốc ông cướp được hơn hai mươi chiến
thuyền. Cánh phải của Mã Viện bắt đầu rối loạn. Song chiến thuyền này bị đánh cướp, một loạt chiến thuyền khác lên thay thế.
Đến lượt cánh trái quân Hán náo loạn. Mã Viện nhìn về phía đó: Một phụ
nữ mình hạc xương mai, tóc trắng như cước, đang tả xung, hữu đột vào
trận Hán. Nữ tướng đi đến đâu, quân Hán bị đánh dạt tới đó. Phút chốc
gần mười chiến thuyền bị tràn ngập. Mã Viện vội truyền lệnh cho hậu đội
đánh vào phía phải. Một tham tướng cho Mã biết:
– Vị nữ tướng tên Tạ Thị-Cẩn, sư mẫu của Trưng Trắc.
Mã Viện than:
– Lĩnh-Nam nhiều anh tài như vậy, không trách Thiên Tử đến mất ăn mất
ngủ với chúng. Ta chỉ có thể dùng quân đông bao vây chúng mà thôi.
Mã Viện cầm cờ chỉ về phía Đỗ Năng-Tế, Tạ Thị-Cẩn. Một đội Đoạn đầu quân xung tới. Chúng dùng lá chắn, thương dài bao vây hai người. Hai người
vung chưởng đánh bay được năm đội. Đến đội thứ sáu chúng chia làm hai.
Một đội nằm xuống sàn thuyền, một đội đâm vào người. Hai lão tướng vọt
người lên cao. Lập tức từ phía sau, hai đội quân cầm ống thụt, thụt phấn trắng lên trời. Hai vị lão sư biết sự chẳng lành, vội nín thở, đá gió
một cái, đáp xuống mặt hồ. Quân Hán hướng tên bắn theo. Hai vị dùng kiếm gạt đi, rồi lăn xuống nước.
Bỗng những tiếng tên rú lên xé gió. Cao Cảnh-Anh, Hùng, Kiệt cùng buông
tên bắn vào đội Đoạn đầu quân cứu hai lão sư. Chỉ một loạt tên, ba đội
Đoạn đầu quân bị giết sạch.
Thình lình Ầm, ầm, ầm, ba quái vật từ đáy hồ vọt lên cạnh Mã Viện. Cả ba cùng dùng dao đâm y. Mã Viện kinh hoàng vọt người lên cao. Các vệ sĩ
xúm vào tấn công ba quái vật. Bấy giờ họ mới nhìn thấy rõ, đó là ba
người. Chính thị Nguyễn Nhân, Nghĩa, Trí. Ba người thấy giết Mã Viện
không thành. Mỗi người chụp cổ một tướng Hán, nhảy ùm xuống hồ, lặn mất.
Quân Hán kinh hoàng, la hoảng.
Thình lình phía hậu quân Hán, quân sĩ rối loạn. Vì hơn trăm quái vật từ
dưới nước vọt lên. Chém giết chớp nhoáng, làm hơn hai trăm người chết,
rồi mỗi quái vật lại xớt một người nhảy xuống nước.
Trưng Hoàng-đế đứng trên nóc soái thuyền, nhìn đội Giao-long binh tung
hoành. Ngài khoan khoái trong lòng, cầm dùi trống thúc liên hồi.
Đội Giao-long binh cứ thế tiếp tục. Khi phải, khi trái, lúc sau, lúc
trước, từng người từ dưới nước vọt lên, xớt một tướng, quân Hán đem
xuống đáy hồ mất tích.
Trong khi Đỗ Năng-Tế, Tạ Thị-Cẩn cứ như Thiên lôi, thình lình từ dưới
nước vọt lên. Chưởng phóng ra, hơn hai mươi người mất mạng. Quân Hán
đông gấp đôi quân Việt, mà bị đội Giao-long binh làm cho lúng túng,
không tiến lên được.
Đánh nhau đến xế trưa.
Trần Quốc cầm tù và hú lên một hồi dài. Các chiến thuyền lớn của
Lĩnh-Nam từ từ lui lại. Chỉ có chiến thuyền bậc trung với nhỏ tham
chiến. Mã Viện còn chưa rõ ý định của Lĩnh-Nam, thì đoàn chiến thuyền
nhỏ, trung cũng rút đi. Các tướng hỏi Mã Viện:
– Lĩnh-Nam rút lui. Chiến thuyền lớn rút một ngả, chiến thuyền nhỏ rút một ngả. Phải đuổi theo đội nào?
Mã Viện quyết định:
– Đuổi theo chiến thuyền của Trưng Trắc, quyết bắt Hoàng Đế Lĩnh-Nam.
Hạm đội Hán dương buồm đuổi theo. Trong khi đó soái thuyền của Trưng Đế
vẫn chậm chạp, khi quẹo trái, khi quẹo phải, rồi dừng lại. Trưng Đế,
cùng các tướng Lĩnh-Nam ngồi trên mặt chiến thuyền ăn tiệc, nghe nhạc.
Tiếng nhã nhạc vang lừng mặt hồ. Mã Viện đuổi gần tới nơi. Y ngơ ngác:
– Không lẽ Trưng Trắc tự tử? Y thị chỉ có hai trăm chiến thuyền lớn, bất quá sáu ngàn quân. Trong khi ta có đến ba trăm chiến thuyền lớn hơn.
Thế mà y thị bầy trò ngồi ăn tiệc, nghe nhạc. Có lẽ y thị muốn dùng nghi binh chăng? Xưa nay chỉ có thể là kế nghi binh trên cạn, chứ làm gì có
nghi binh trên mặt nước?
Y thúc các chiến thuyền đuổi theo. Chỉ còn cách chiến thuyền Lĩnh-Nam
hơn dặm. Các chiến thuyền Hán đi vào vùng nước cạn, bùn lầy. Thuyền
không chạy được nữa.
Trước trận đánh hơn tháng. Công chúa Gia-Hưng Trần Quốc thân lấy thuyền
đi quan sát địa thế. Bà tìm thấy khu vực phía Nam hồ Lãng-bạc có một khu rất nông, bên dưới toàn bùn lầy. Chỉ thuyền nhỏ, thuyền trung đi được.
Thuyền lớn đi vào là mắc cạn ngay. Bà chú ý tìm kỹ, thấy trong đám sình
lầy đó, có những nguồn nước, thuyền lớn đi được. Bà mới nảy ra ý dùng
khu này làm bẫy. Bà cho chiến thuyền Lĩnh-Nam chạy vào. Cho nên các
thuyền trưởng Lĩnh-Nam biết tất rõ nguồn nước sâu trong vùng cạn, rồi
lái thuyền đi vào. Khi phải, khi trái, khi khuất khúc để dụ địch. Còn
thuyền trưởng Hán không biết, cứ cho thuyền chạy theo. Khi đã vào giữa
khúc sình lầy, thuyền mắc cạn, tiến không được, mà lui cũng không xong.
Mã Viện kinh hoàng. Nhưng y thấy các chiến thuyền lớn Lĩnh-Nam quẹo
phải, quẹo trái, bỏ chạy chứ không đánh trở lại y cũng yên tâm. Phút
chốc các chiến thuyền lớn Lĩnh-Nam mất hút về phía Nam.
Mã Viện ra lệnh cho thủy thủ kéo buồm, định dùng sức gió, đưa thuyền rời khu đầm lầy, nhưng vô hiệu.
Được một lúc, từ các lùm cây rậm tạp, hàng hàng lớp lớp chiến thuyền
trung, nhỏ của Lĩnh-Nam từ đâu chèo ra. Trong thúc, quân reo. Trần Quốc
đứng trên thuyền Lĩnh-Nam gọi sang:
– Mã Viện, ngươi trúng kế của ta rồi!
Quân Việt dùng cung tên, Nỏ thần bắn sang, Chiến thuyền Hán mắc cạn, quân sĩ hoảng hốt, họ chỉ còn biết dùng mộc che thân.
Từ bốn phía, Thần nỏ Âu-Lạc tam hùng, cùng Cao Cảnh-Khê, Cao Cảnh-Nham
đứng trên các chiến thuyền trung bắn sang. Mỗi lần buông tên, hàng chục
binh tướng Hán tử thương.
Mã Viện truyền các chiến thuyền, cố gắng đẩy, chèo, kết lại với nhau
thành một bè thực lớn, rồi cho quân sĩ đứng ở ven thuyền cầm mộc che,
như một bức thành. Ý định của Mã là chờ hai đạo quân bộ đánh xuống phía
Nam hồ thành công, sẽ đến cứu viện.
Trời dần dần về chiều, thấy quân Hán mệt mỏi, chết vì tên đã nhiều. Trưng Vương sang thuyền của Công chúa Gia-Hưng. Bà nói:
– Em sắp nướng chả Mã Viện chưa?
Công chúa Gia-Hưng cười:
– Chị chờ một chút.
Bà cầm cờ trắng phất lên. Cao Cảnh-Sơn cầm bốn mũi tên quấn vải, nhúng
vào dầu, tẩm lửa. Ông hướng thuyền Mã Viện bắn tới. Bốn mũi tên của ông
có nhiệm vụ chỉ điểm mục tiêu. Lập tức các chiến thuyền Lĩnh-Nam cho
Thần nỏ hướng bốn mục tiêu bắn Đại Nỏ sang. Mũi tên to bằng cổ tay. Mỗi
mũi tên mang một bó cỏ tẩm dầu rất lớn. Tên bay chậm. Khi các Đại Nỏ sắp tới thuyền Hán thì Cao Cảnh-Sơn, Cao Cảnh-Khê, Cao Cảnh-Nham, Thần-tiễn Âu Lạc tam hùng cùng châm lửa vào tên bắn theo. Tên nhỏ tẩm dầu, châm
lửa đi sau... đuổi kịp các mũi tên lớn chở cỏ. Tên nhỏ ghim vào cỏ. Mũi
tên lớn biến thành một khối lửa, rơi xuống thuyền Hán. Tuyệt ở chỗ, họ
chỉ có sáu người, bắn một loạt, mỗi người buông tám mũi tên, vào tám mục tiêu khác nhau, khiến cho bốn mươi tám khối lửa rơi xuống.
Mã Viện kinh hoàng, hô quân chữa lửa, Thần ưng từ trên trời đánh xuống. Nỏ liên châu bắn sang.
Đại Nỏ tiếp tục bắn các mũi tên lớn chở cỏ, anh hùng phái Hoa-lư bắn
tên, châm lửa. Phút chốc các chiến thuyền Hán biến một thành biển lửa.
Giữa lúc đó, một trận gió lớn thổi đến, lửa theo gió bốc lên ngùn ngụt.
Quân Hán ôm nhau chết cháy trên chiến thuyền. Phần còn lại, kinh sợ,
nhảy xuống hồ, bị tên Lĩnh-Nam bắn chết.
Đỗ Năng-Tế đứng cạnh Trưng Đế than:
– Vì sự nghiệp Lĩnh-Nam. Hôm nay Công chúa Gia-Hưng đốt cháy, bắn chết
năm vạn thủy quân, bốn vạn bộ binh Hán. Oán khí đầy trời. Thực đáng
thương cho họ. Người Hán có kẻ tốt người xấu. Chỉ vì Quang-Vũ tham vọng, đẩy họ vào chỗ chết.
Công chúa Gia-Hưng kính cẩn nói:
– Đức Thượng Đế hiếu sinh, tất hiểu rằng, Lĩnh-Nam ít người. Cháu không
dùng hỏa công không xong. Nhược bằng chính diện giao chiến, Hán chết
chín vạn, Lĩnh-Nam cũng phải chết bốn vạn.
Bỗng bà quăng cây cờ xuống sàn thuyền than:
– Than ơi! Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên.
Trưng Đế cùng các anh hùng nhìn về phía tay bà chỉ: Thì ra gió thổi lửa
bốc dậy đốt quân Hán. Gió cũng thổi vào cánh buồm soái thuyền Mã Viện,
khiến soái thuyền, cùng một số chiến thuyền thoát khỏi vùng lầy lội.
Chúng rời xa biển lửa.
Đỗ Năng-Tế, Tạ Thị-Cẩn nhảy sang chiến thuyền nhỏ Lĩnh-Nam. Hai ông bà
thúc thủy thủ chèo đuổi theo. Đuổi đến giữa hồ, thì từ phía Bắc, hơn
trăm chiến thuyền lớn Hán đến cứu viện. Quân Lĩnh-Nam ít. Hai ông bà
phải lui trở về. Đô-đốc Lĩnh-Nam, Công chúa Gia-Hưng Trần Quốc truyền
lệnh thu binh. Hạm đội Lĩnh-Nam kéo về phía Nam hồ.
Trưng Hoàng Đế, Trưng Vương, Công chúa Gia-Hưng, từ soái thuyền đi
xuống. Binh tướng Lĩnh-Nam hô lớn Lĩnh-Nam vạn tuế" vang dội. Điểm lại
trận đánh, Lĩnh-Nam mất gần một vạn người. Tướng soái vô sự. Bên Hán,
trọn chín vạn quân bị đốt cháy trên hồ.
GHI CHÚ CỦA TÁC GIẢ.
Trận đánh Lãng-bạc (sau gọi là Hồ Tây) xảy ra ngày 1 tháng giêng năm Quí Mão (43 sau Tây Lịch), nhằm niên hiệu Trưng Đế thứ ba. Bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Kiến-Vũ thứ mười tám. Hiện nay tại tỉnh Hà-bắc, xã
Đa-mai, Chản, Thọ-xương gần thị xã Bắc-giang, Ngăm-mặc huyện Gia-lương,
và rất nhiêầu nơi thuộc Quế-Võ, Yên-Dũng, Thuận-Thành còn nhiều bãi sông tên là Bãi xác Hán hoặc Mả giặc Mã Viện. Đó là mồ chôn xác năm vạn quân thủy, bốn vạn quân bộ Hán, sau trận Lãng-bạc.
Bản Ngọc-phổ tại đền thờ Giao-Long tiên nữ vùng cửa biển Hổ-Môn, thuộc tỉnh Quảng-đông ghi như sau:
Niên hiệu Kiến-Vũ thứ mười tám, tiết Đông-chí. Phục-ba tướng quân Mã
Viện đem ba mươi vạn quân đánh nhau với Vua Bà. Giao-long Tiên nữ cầm
quân ngăn đón ở hồ Lãng-bạc. Mã Viện đấu phép với Giao-long tiên nữ bị
thua. Lửa đốt cháy hết râu tóc. Mười vạn quân bị lửa Tam Muội của
Giao-long tiên nữ đốt cháy thành than. Chiến thuyền, xác chết trôi lềnh
bềnh, lấp kín cả mặt hồ. Oán khí bốc lên tới trời.
Dù đây là truyện hoang đường, song cũng chứng minh trận Lãng-bạc kinh
hoàng như thế nào? Từ huyền thoại đó, đến những địa danh Bãi xác Hán, Mả giặc Mã Viện hàng trăm gò đống khác nhau. Cho thấy trận đánh kinh hồn
táng đởm. Các sử gia Việt-Nam không nghiên cứu kỹ, chép sơ lược rằng Hai bà đánh trận Lãng-bạc bị thua rút về Cẩm-khê. Thực là vô lương tâm.
Trưng Hoàng-đế lên bờ, vừa lúc đó có tin báo: Trận đánh phía Tây
Lãng-bạc diễn ra khủng khiếp. Đặng Thi-Kế tử trận. Nguyễn Thành-Công bị
thương. Bên Hán Mã Huống bị giết, Phùng Đức bị thương. Quân Hán bị tiêu
diệt trọn bảy vạn, quân Việt chỉ mất hai vạn. Lê Đạo-Sinh thình lình
xuất hiện với mấy chục dàn Nỏ thần. Khiến quân Việt bị thua.
Đỗ Năng-Tế động lòng môn hộ. Ông nói với Trưng Đế:
– Hoàng Thượng cho phép chúng tôi trợ chiến với Thành-Công.
Đặng Thi-Kế là cha đẻ ra Đặng Thi-Sách. Nguyễn Thành-Công là sư thúc
Trưng Đế. Hai vị tuy địa vị, võ công cao. Song tinh thần võ đạo rất cao. Hai ông không hề ỷ địa vị lớn như thường tình. Trái lại, hai ông luôn
tỏ ra tuân phục Hoàng Đế, để nêu gương. Bất cứ việc gì khó khăn, hai ông đều tình nguyện đi đầu.
Trưng Đế chỉ dụ:
– Sư phụ, sư mẫu đi cứu sư thúc. Đệ tử không dám cản. Song hiện Bắc-bình vương phá tan hai mươi vạn quân Lưu Long. Chu sư thúc phá tan quân Sầm
Anh, giết Ma Anh. Gia-Hưng đánh tan thủy quân Mã Viện. Sư phụ lên, tất
quân Phùng Đức tan. Xin sư phụ, sư mẫu trở về ngay, cùng với đệ tử giữ
Mê-linh.
Đỗ Năng-Tế cùng Tạ Thị-Cẩn vọt mình lên ngựa. Hai ông bà hướng phía Tây Lãng-bạc phi như bay.
...
Nguyễn Thành-Công, Đặng Thi-Kế đều là sư huynh Trần Năng, Hùng Bảo. Hai
ông được lệnh dẫn đạo binh Nhật-nam của Hùng Bảo, với Quân đoàn ba
Tây-vu, chặn đánh đạo quân Hán do Phùng Đức, Mã Huống chỉ huy. Phía
Lĩnh-Nam chỉ khoảng hơn năm vạn người. Trong khi đạo quân của Mã Huống
tới tám vạn.
Nguyễn Thành-Công bàn:
– Quân Hán tinh nhuệ như quân Việt. Chúng lại được Quang-Vũ hứa cho tất
cả những gì cướp được. Trong khi chúng đông gấp đôi chúng ta. Vậy bây
giờ phải đánh thế nào?
Hùng Bảo nói:
– Quân Hán bị trúng kế Lĩnh-Nam quá nhiều. Bây giờ dùng kế gì chúng cũng biết hết. Hơn nữa Mã Huống dùng binh rất giỏi. Chúng ta đã biết chỉ dụ
của Quang-Vũ, bắt chúng tiến binh gấp. Vì vậy chúng ta chỉ nên lập đồn
chặn đường, lợi dụng địa thế, một người thủ, mười người khó đánh.
Trần Năng đồng ý:
– Từ Lãng-bạc tới Nam qua phía Tây hồ, có đồi Yên-sơn, rừng Yên-lãng.
Chúng ta lập ra hai đồn. Một đồn trên đồi. Một đồn ven rừng, làm thế ỷ
dốc. Chúng ta giao chiến một trận, rồi rút vào đồn. Mã Huống ắt đem quân bao vây. Chúng ta đợi đêm đến, dùng lực lượng Tây-vu cướp trại chúng.
Nguyễn Thành-Công đồng ý. Ông nói:
– Các chúa tướng Tây-vu cần phải cẩn thận, chớ có lại gần Phùng Đức. Võ công y cao thâm không biết đâu mà lường.
Ông hỏi Sún Lùn:
– Đào Tam-Gia, với đạo quân tám vạn người. Tất chúng mang theo nhiều
lương thảo. Nếu cướp trại, đốt hết lương. Cháu cần bao nhiêu binh?
Sún Lùn lắc đầu:
– Nếu chiếm đồn, bắt quân, thì cần binh tướng. Còn đốt trại, giết giặc, chỉ cần một sư Thần hầu cũng đủ.
Nguyễn Thành-Công hài lòng. Ông ra lệnh:
– Đào Tam-Gia dẫn sư Thần hầu, Thần ngao, Thần hổ, ẩn ở rừng Yên-lâm.
Đợi cho Mã Huống, Phùng Đức đi qua, rồi lập tức kéo ra phục trên đường,
bắt giết tất cả bọn Tế tác, bọn Lưu tinh đưa tin, cùng chặn đánh quân
tiếp viện. Cháu nhớ: Chúng ta giao chiến phía trước. Nếu cháu để Hán
tiếp viện cho Mã Huống đánh phía sau, tất chúng ta lâm nguy.
Sún Lùn khảng khái:
– Sư bá yên tâm. Trước đây sư bá Nguyễn Tam-Trinh đã cản hai đạo quân
Hán trên hồ Quân-sơn, để sư tỷ Thiều-Hoa đại phá thủy quân Hán trên hồ
Động-đình. Sư bá Tam-Trinh thà chịu chết, chứ không lui. Bây giờ cháu
cũng xin hứa đầu Sún Lùn có thể rơi, chứ chân không lùi một bước.
Nguyễn Thành-Công nói với Đặng Thi-Kế:
– Sư huynh với sư muội Trần Năng lĩnh hai vạn quân, cùng sư Thần-long,
Thần tượng lập đồn ở rừng Yên-lãng cản giặc. Nếu thấy lửa đốt lên trong
trại Hán, là lúc Đào Tam-Gia đốt lương. Xin mở cửa trại, đánh ra.
Ông nói với Hùng Bảo:
– Sư đệ với ta dùng sư Thần-báo, lập đồn trên đồi Yên-sơn, chống với
giặc. Chúng ta chỉ có hai vạn quân. Nếu Hán tập trung quân đánh
Yên-lãng, ta đổ quân đánh vào sau lưng giặc. Ngược lại giặc vây Yên-sơn, thì Đặng sư huynh đổ quân ra cứu viện.
Trước kia Đặng Thi-Kế làm chưởng môn phái Tản-viên. Võ công của ông chỉ
thua có Trần Đại-Sinh, Lê Đạo-Sinh. Gần đây vì Trần Năng được Khất đại
phu rồi Đào Kỳ, Tăng-Giả Nan-Đà liên tiếp truyền thụ võ công. Vì vậy võ
công Trần Năng cao hơn ông một bậc. Tuy vậy dư oai ngày cũ vẫn còn. Trần Năng tuyệt đối kính trọng người sư huynh. Song bản tính vui vẻ hồn
nhiên. Đến sư phụ, bà còn dám đùa. Vì vậy bà đùa với Đặng Thi-Kế:
– Sư huynh Nguyễn Thành-Công sai sư huynh với em trấn thủ rừng Yên-lãng. Vậy ai sẽ làm chúa tướng?
Đặng Thi-Kế cười:
– Ta già rồi! Ta là sư huynh. Ta làm chúa tướng.
Trần Năng không chịu:
– Nếu nói già làm chúa tướng. Vậy sao để tiểu sư thúc Đào Kỳ làm Đại tư-mã, mà không để người khác? Để em làm chúa tướng.
Trần Năng ít gần Đặng Thi-Kế, bà tưởng sư huynh sẽ cãi. Không ngờ ông chỉ cười:
– Sư muội muốn làm chúa tướng thì làm. Ta chỉ cần làm một tên quân cũng đủ. Thôi, ta nghe lệnh sư muội.
Trần Năng chưng hửng:
– Tuyệt! Võ đạo sư huynh cao như vậy, xứng đáng làm chưởng môn. thôi em tuân lệnh sư huynh.
Hai người cho quân lập đồn trong một ngày thì xong. Trần Năng hỏi Sư trưởng Thần-tượng Lê Hằng-Nghị:
– Sư đệ! Ta nghe nói Quân đoàn ba Tây-vu trước đây đã dự trận Nam-hải,
chiến thắng lẫy lừng, kinh nghiệm nhiều. Sư đệ nghĩ xem, dùng Thần-tượng tấn công tốt hay thủ tốt hơn?
– Tấn công tốt hơn. Tượng xung vào trận, khiến địch kinh hoàng. Còn thủ thì dùng Thần-long hay hơn.
Đặng Thi-Kế gật đầu:
– Vậy thế này: Chúng ta dàn quân đón Mã Huống. Giao chiến một trận, ta
rút chạy vào đồn. Mã Huống ắt đuổi theo, chúng ta dùng Thần-long phục
trong rừng đớp chúng. Ít nhất cũng hơn vạn quân chết vị nọc rắn.
Đồn vừa lập xong, thám mã báo: Quân Hán từ xa phi tới, bụi bốc lên mịt
mờ. Toán tiền đạo thấy quân Lĩnh-Nam dàn trận, thì dừng lại. Viên tướng
đi đầu chính là Phùng Đức. Y nhận được mặt Trần Năng. Phùng Đức cho quân dàn trận. Chốc lát quân bộ do Mã Huống thống lĩnh đã tới. Mã Huống cũng cho dàn trận. Y cùng Phùng Đức thủng thẳng tiến trước. Trần Năng
nghiêng mình thi lễ:
– Mã tướng quân, Phùng lão sư! Các vị vẫn mạnh khỏe chứ? Các vị đem quân đi đâu đấy?
Mã Huống đáp lễ:
– Tiểu tướng kính chào Y-tiên. Tiểu tướng tuân chỉ đem quân bình định
đất Giao-chỉ. Y-tiên đã có công trị bệnh cho Thiên-tử, nhận sắc phong
của Thiên-triều, cũng nên tránh đường cho tiểu tướng đi.
Trần Năng cười:
– Tôi là Y-tiên của triều Hán, song là đại tướng Lĩnh-Nam. Người
Lĩnh-Nam chúng tôi, chỉ biết bảo vệ đất nước, chứ không biết đến chức
tước của triều Hán. Mã tướng quân hẳn không quên hai trận đánh hồ
Động-đình. Trận thứ nhất Lưu Long với Mã Viện bị Phật-Nguyệt giết ba
mươi vạn quân. Trận thứ nhì sư nương của tôi là Thiều-Hoa, chôn mười lăm vạn quân Hán trên sông Trường-giang. Người lại dùng phục binh năm nơi,
cuối cùng đánh trận Hành-sơn, khiến mười vạn quân Hán phơi thây. Tôi vốn quen thân với lão sư, cùng Mã tướng quân, nên khuyên các vị mau rút về
Bắc.
Bà nói với Phùng Đức:
– Phùng lão sư! Trận Trường-giang, Thần-ưng làm lão sư mất một mắt, mặt
đầy thẹo. Không lẽ như vậy không đủ cho lão sư tỉnh ngộ ư?
Phùng Đức nổi lôi đình. Y không tự chủ được, vọt người lên cao, phóng chưởng hướng Trần Năng tấn công.
Phạm Thị-Hồng Sư trưởng Thần-long. Từ sau trận Nam-hải, được phong
Thục-Côn Công-chúa. Nàng đứng lược trận sau Trần Năng. Thấy chưởng của
Phùng Đức mạnh quá. Nàng huýt sáo. Hơn mười nữ tướng thuộc sư Thần-long
đứng sau cùng vung tay, mười con trăn vọt lên trời. Phùng Đức đang lơ
lửng trên không. Y thấy trăn hướng mình, thì kinh hoàng, vội quay tròn
tay một cái, đẩy trăn ra xa. Y lộn một vòng trên không, đáp xuống đất.
Công chúa Thục-Côn vẫy tay nữa, một loạt trăn, rắn hướng y bay tới. Y
kinh hoàng nhảy lùi về trận. Vừa lúc đó, con ngựa của y hí lên một tiếng thảm thiết, ngã vật xuống dãy đành đạch.
Y chạy lại xem, thì hỡi ôi, hai con trăn quấn cổ ngựa, đớp mất hai mắt
ngựa. Hơn mười con khác quấn khắp bốn chân ngựa. Ngựa đau quá, không dậy được.
Phùng Đức rút kiếm, định chém trăn. Một tiếng còi rúc lên. Toàn bộ hơn hai mươi con trăn phóng mình về trận Lĩnh-Nam.
Phùng Đức lùi lại, lấy ngựa của vệ sĩ, nhảy lên. Y hỏi Trần Năng:
– Ta nghe võ công Lĩnh-Nam kinh người. Thì ra chỉ biết dùng rắn rết hại người, chứ thực sự chẳng có gì.
Trần Năng chắp tay, nghiêng mình:
– Thưa lão sư, Trung-nguyên dân đông gấp hai mươi lần Lĩnh-Nam. Nước tôi mới phục hồi, phải lo chống đỡ với Trung-nguyên liên miên. Vì vậy chúng tôi phải dùng thú vật thay người. Lão sư vì Trung-nguyên, tôi vì
Lĩnh-Nam. Dù thịt nát xương tan, tôi cũng không từ nan.
Phùng Đức phóng chưởng tấn công. Trần Năng vận Lĩnh-nam chỉ điểm vào
giữa chưởng của y. Bộp, ngón tay Trần Năng ê ẩm. Còn tay Phùng Đức như
bị con dao đâm vào. Y phát chưởng thứ nhì. Trần Năng vận Thiền-công,
buông lỏng chân khí, xử dụng Phục-ngưu thần chưởng.
Đấu được trên hai trăm hiệp, Phùng Đức vẫn không thắng được Trần Năng. Mã Huống đứng ngoài lược trận. Y kinh hãi:
– Bọn Lĩnh-Nam thực lợi hại. Hồi đánh trận Xuyên-khẩu, võ công con nhỏ
này thua ta xa. Không ngờ mấy năm qua, công lực y thị đã đến trình độ
này. Ta e Sầm Bành, Phùng Dị có sống lại cũng thua. Song Trần Năng chỉ
có hai vạn quân, trong khi ta tới bảy vạn người. Ta há sợ sao?
Y cầm roi chỉ một cái. Quân Hán hàng hàng lớp lớp xông vào trận. Đặng
Thi-Kế đánh ba tiếng trống. Trận Lĩnh-Nam mở ra, Lê Hằng-Nghị đứng trên
bành voi chỉ huy. Hơn hai trăm thớt voi chia thành mười đội tiến lên.
Cạnh các thớt voi, có các dàn Nỏ thần. Nỏ thần bắn từng loạt. Quân Hán
đem lá chắn ra đỡ. Chúng núp sau lá chắn bắn vào voi. Gần mười thớt voi
bị thương. Song voi đã lẫn vào trận Hán.
Đánh nhau một lúc, Đặng Thi-Kế nổ ba tiếng pháo. Quân Lĩnh-Nam lui vào
rừng. Phùng Đức phất cờ, xua quân đuổi theo. Đuổi được một quãng, không
thấy bóng dáng quân Lĩnh-Nam đâu, rừng rậm âm u, tiếng quạ kêu, tiếng
chim Bắt cô trói cột thảm thiết.
Mã Huống nói với Phùng Đức:
– Phía trước kia là đồn Lĩnh-Nam. Ắt Trần Năng chạy vào đó. Chúng ta chiếm đồn.
Phùng Đức xua quân vây đồn. Quân Lĩnh-Nam từ trong đồn dùng Nỏ-thần loại lớn bắn ra. Cứ mỗi phát, một tướng Hán bị ngã ngựa. Mã Huống đốc quân
xung vào, dùng lá chắn chống Nỏ thần.
Bỗng quân Hán la hoảng, vì từ đâu đó, một đoàn voi xuất hiện, đánh vào
hậu quân. Người đi đầu là Đặng Thi-Kế, cạnh đó một tướng trẻ tuổi khoảng mười chín, hai mươi. Huống đã gặp trong trận đánh Nam-hải, chính là Lê
Hằng-Nghị, Sư trưởng Thần-tượng.
Trần Năng đứng trong đồn, thấy quân Hán rối loạn. Bà cho mở cổng đồn,
xuất quân đuổi theo. Mã Huống, Phùng Đức cho quân lùi lại, dựa lưng vào
bờ hồ lập trận. Y kêu lớn:
– Phía trước là giặc! Phía sau là hồ. Phải tử chiến.
Trong khi đó Mã Huống cầm mũi tên tẩm dầu, châm lửa bắn lên trời. Trần
Năng quen với lối điều quân của tướng Hán. Bà biết đó là tín hiệu gọi
quân tiếp viện tới.
Phút chốc đội Thiết kị Hán từ phía sau xuất hiện, bao vây hậu quân Lĩnh-Nam. Trần Năng bảo Phạm Thị-Hồng:
– Dùng Thần-long khẩn cấp.
Phạm Thị-Hồng cầm tù và rúc lên. Các Thần-long nữ tướng cầm tiêu để lên
miệng thổi. Tiếng tiêu tỉ tê nỉ non. Đoàn Thần-long từ trên các cây cao
vọt xuống tấn công vào đội kị mã. Lạ lùng thay, khi các Thần-long phóng
vào người kị mã rồi, không cắn như thường lệ, mà trái lại trườn xuống
đất, lẫn vào cỏ. Những con trăn lớn, thì quấn chặt trên cành cây, chui
đầu vào lùm lá. Phạm Thị-Hồng cầm tù và thổi, các Nữ tướng Thần-long
thúc thế nào, cũng không nhúc nhích.
Mã Huống cười khanh khách:
– Trần Năng! Ngươi quen thói cứ dùng rắn hại người. Chúng ta đã cho các
tướng sĩ thoa rượu với Hùng-hoàng. Trăn, rắn ngửi mùi Hùng-hoàng, hết
cựa quậy ngay.
Lê Hằng-Nghị biết tình thế nguy hiểm. Chàng cầm tù và rúc lên. Đoàn voi xung vào trận Hán cản hậu. Chàng nói với Trần Năng:
– Sư tỷ cho rút quân vào đồn mau.
Quân Việt đã vào đồn.
Quân Hán lại bao vây, tấn công.
Đặng Thi-Kế nói:
– Thần-long bị Hùng-hoàng, không dùng được nữa. Nỏ thần bị các tấm phên
che. Thần tượng bị các đội tiễn thủ làm bị thương khá nhiều. Bây giờ chỉ còn nước tử chiến.
Quân Hán hàng hàng lớp lớp tấn công vào đồn. Trong đồn dùng Thần nỏ bắn
ra. Quân Hán ngã lớp này thì lớp khác xung vào. Trận chiến kéo dài hơn
hai giờ. Xác quân Hán nằm la liệt ngoài hàng rào.
Bỗng quân Hán ngưng tấn công. Chúng kéo các xác người, ngựa chết, xếp thành mấy đống lớn. Lê Hằng-Nghị bàn:
– Chúng ta có hai vạn người. Chết gần năm ngàn. Trong khi quân Hán tới
chín vạn. Chúng chết hơn hai vạn. Người tuy không hèn, xong chúng ta
không đủ tên bắn. Khi hết tên thì nguy. Chi bằng bỏ đồn rút lên Yên-sơn. Em xin đi đoạn hậu.
Bỗng đâu tiếng quân reo, tiếng ngựa hí rung động rừng núi. Hậu quân Hán
náo loạn. Một đoàn kị mã Lĩnh-Nam xuất hiện. Bên trái Nguyễn Thành-Công, bên phải Hùng Bảo. Phía trước đoàn Beo gầm gừ.
Trần Năng lại sai mở cổng đồn, xua quân đánh ra. Quân Hán lui trở lại.
Mã Huống chỉ huy một đạo chống với Nguyễn Thành-Công. Phùng Đức chỉ huy
một đạo chống với Trần Năng. Tới lúc này Trần Năng mới thấy đám quân Hán sang đánh Lĩnh-Nam gồm toàn quân thiện chiến, kỷ luật. Từ sáng đến giờ, nào giao chiến, nào bao vây đồn hai lần. Bây giớ bị đánh hai mặt, mà từ tướng cho tới quân vẫn bình tĩnh đối phó.
Phùng Đức không nói, không rằng tấn công Trần Năng. Đặng Thi-Kế đốc quân tấn công. Võ công của ông rất cao cường. Ông đi đến đâu, các tướng Hán
ngã tới đó.
Phía trước, Nguyễn Thành-Công đấu với Mã Huống. Qua mười hiệp, ông thấy
võ công của Mã không kém gì bọn Phong-châu song quái. Đến hiệp thứ hai
mươi, Mã Huống chỉ còn thở dốc. Y cứ phải lùi dần.
Quân Việt chỉ có năm vạn. Song nhờ có Thần báo, Thần tượng trợ chiến,
khiến quân Hán bắt đầu dao động. Khi trời xế chiều, quân Hán bị đánh bật tới bờ hồ. Mã Huống cầm đao cản hậu, cho quân lùi lại. Y chỉ còn chống
đỡ. Nguyễn Thành-Công hô lớn:
– Mã tướng quân! Đầu hàng đi thôi. Ta thấy người tài kiêm văn võ, mà giết đi thực uổng.
Nói rồi ông thu kiếm về. Mã Huống lưỡng lự một lát. Y nói lớn:
– Nguyễn tướng quân! Đa tạ tướng quân tương tình. Các anh hùng Lĩnh-Nam
biết vì Trưng Đế mà tuẫn tiết. Mã Huống này quyết không để nhục sứ mệnh
quân vương giao phó. Xin chiến đấu tới chết.
Y cầm đao xung vào trận. Gặp Hùng Bảo, chỉ ba chiêu Hùng Bảo chém y đứt làm hai khúc.
Về phía Phùng Đức. Y bắt đầu dồn Trần Năng lui lại. Thình lình y vọt
người lên cao, nhảy lùi về trận. Từ phía sau một đội quân tiến lên. Tất
cả năm mươi người cùng bắn vào người bà. Trần Năng tỉnh ngộ:
– Trước đây Chu Đỗ-Lý, Chu Chiêu-Trung đã báo cho biết Lê Đạo-Sinh luyện cho Hán mấy ngàn đội Đoạn đầu quân. Khi lâm chiến chúng dùng cung tên
bắn vào tướng. Các tướng vọt người lên cao, sẽ bị chúng thụt một thứ
phấn độc. Khi hít phải phấn độc, lập tức người bải hoải. Đội cung thủ sẽ bắn theo. Trăm người như một, khó thoát khỏi.
Trần Năng kêu lên:
– Nguy quá!
Bà cầm kiếm quay tít một vòng gạt tên. Đội cung thủ bắn loạt thứ nhì.
Đặng Thi-Kế thấy sư muội lâm nguy. Ông xung vào trận. Kiếm vung lên, hơn mười cung thủ chết. Trần Năng cũng giết hơn mười tên.
Không ngờ đội này vừa bị vỡ. Đội khác xung đến. Trần Năng, Đặng Thi-Kế
vung chưởng đánh bay chúng ra xa. Lê Hằng-Nghị xua voi vào cứu chúa
tướng. Trận chiến đôi bên càng về chiều càng ác liệt.
Phùng Đức thấy Mã Huống chết. Y cố phá vòng vây, đánh thục mạng rút về phương Bắc.
Nguyễn Thành-Công tập trung quân lại. Ông hỏi Trần Năng:
– Sư muội! Em kinh nghiệm chiến đấu với Hán. Ý kiến em thế nào?
Trần Năng bàn:
– Tuy Mã Huống chết! Quân Hán có chín vạn, dù chết mất bốn, nhưng binh
lực vẫn còn. Chúng ta có năm vạn, chết gần vạn, mà không có bổ xung. Vậy hãy rút quân về đồn nghỉ qua đêm. Đợi Sún Lùn cướp trại Hán, lòng quân
giặc rối loạn, bấy chúng ta cùng đổ ra đánh.
Đặng Thi-Kế không đồng ý:
– Đêm nay tất Phùng Đức chuẩn bị cẩn thận. Cướp trại rất khó thành công.
Trần Năng trầm tư, chưa biết tính sao, thì có tin Thần ưng báo: Trên mặt hồ Lãng-bạc. Công chúa Gia-Hưng Trần Quốc đã lừa cho Mã Viện vào vùng
sình lầy. Chiến thuyền mắc cạn. Còn đạo quân của Chu Tái-Kênh, giao
chiến với Mã Anh, Sầm Anh chưa phân thắng bại. Minh-Giang bị tử thương.
Phía Hán, Mã Anh bị Chu Tái-Kênh giết chết. Hai bên tạm hưu chiến... ăn
cơm. Sáu đạo quân của Lưu Long bị Bắc-bình vương đánh tan.
Bỗng có Thần ưng từ rừng Yên-lãng mang thư lại. Nguyễn Thành-Công mở thư ra coi. Ông gật đầu:
– Đào Tam-Gia tính như vậy thực phải.
Ông nói với Trần Năng:
– Sún Lùn gửi thư cho biết: Đã bầy chướng ngại vật, dàn đội Thần hổ cản
đường tiếp viện của Mã Dư. Đêm nay sẽ dùng đội Ngao, Hầu quấy rối, làm
cho quân Phùng Đức không yên, sáng mai chúng ta dễ tiêu diệt y, chứ
không cướp trại như đã định. Sún Lùn định rằng: Canh một đội Thần tượng. Canh hai đội Thần báo. Canh ba đội Thần hầu. Canh bốn đội Thần ngao.
Canh năm, chúng ta cùng xua quân tấn công.
Nguyễn Thành-Công cho lệnh quân sĩ hai đạo lui về đồn nghỉ ngơi. Chỉ cho đội Báo, Tượng, chuẩn bị thi hành kế hoạch của Sún Lùn.
Quân Hán lui lại bãi đất trống lập trại, nấu ăn. Phùng Đức bồi hồi không yên. Vì y đã gửi đến năm đội Tế tác báo tin cho Mã Dư để xin tiếp viện
mà không thấy hồi đáp. Y sợ Lĩnh-Nam cướp trại, nên truyền cho quân sĩ
để nguyên giáp trụ mà ngủ. Vừa hết canh một, quân sĩ bắt đầu tắt đèn,
thì tiếng trống thúc liên hồi, tiếng voi rống kên inh ỏi. Y vọt người
dậy, đốc quân sĩ giữ trại. Y nhìn ra ngoài, thấy đội voi gần hai trăm
con, do hơn ba mươi thiếu niên điều khiển. Trong đó có sư trưởng Lê
Hằng-Nghị, y đã gặp trong trận Nam-hải. Đoàn voi xung vào tới tầm tên.
Phùng Đức ra lệnh buông tên, thì nhanh như chớp đoàn voi lùi lại. Chúng
rống lên, rồi đi vòng theo phía ngoài trại. Đoàn voi cứ đi như vậy hết
một vòng. Lê Hằng-Nghị phất cờ cầm loa gọi lớn:
– Phùng Đức! Ta định móc nốt một mắt của mi, để trả thù cho các tướng
Lĩnh-Nam trên hồ Động-đình. Song đêm đã khuya. Ta để ngày mai.
Đội voi biến mất trong đêm tối. Phùng Đức cho quân tắt đèn đi nghỉ.
Quân sĩ vừa thiu thiu ngủ, thì có tiếng gầm gừ, quân sĩ náo loạn. Vì một đoàn beo đã nhập doanh trại. Chúng xông vào cắn quân sĩ, vồ ngựa. Phùng Đức phải khó nhọc lắm mới giữ vững trận khỏi vỡ. Đèn đuốc thắp lên, thì đoàn Beo đã rút ra ngoài trại. Y nhìn ra thấy Phan Tương-Liệt đang cỡi
trên lưng con Bò tót. Nhớ lại trận Nam-hải, y nghiến răng thề:
– Ta nguyện phải bắt tên ôn con kia, xé ra từng mảnh cho hả giận.
Y cho quân sĩ đi ngủ. Quân sĩ mệt mỏi, đặt mình xuống là ngủ liền.
Một lát sau, lửa bốc dậy ở khu chứa lương thảo. Tiếng quân sĩ kêu la inh ỏi. Phùng Đức choàng dậy, chỉ còn kịp thấy một đoàn khỉ đã truyền các
cành cây ra khỏi trại. Một thiếu niên cũng đang đu như khỉ ở trên cây,
tay cầm tù và thổi tu tu. Y nhận ra đó là Phan Cung sư trưởng Thần hầu,
mà y đã thấy trong trận Nam-hải.
Quân Hán chữa cháy xong. Tắt đèn đi ngủ.
Vừa thiu thiu được một giấc. Quân Hán lại giật mình thức dậy, vì hàng
loạt tiếng chó sói tru lên dài thê lương trong đêm tối. Tiếng sói tru
mỗi lúc một gần, phút chốc tới sát hàng rào. Phùng Đức đốc thúc quân sĩ
p