Châu chấu đỏ

Chương 12: Chương 6 :4


trước sau

Hai hàng nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt đầy son phấn của bà Tứ, tờ giấy màu vàng rung rung trong tay bà. Bà muốn mở tờ giấy ra, nhưng hình như tờ giấy không chiều theo ý bà, cứ cuốn lại mãi như muốn bảo vệ một bí mật gì đó rất gớm ghê. 

Hai tay bà Tứ co giật mấy cái liền, tờ giấy đã bị xé nát và bị bà vo thành hai nắm. Đôi mắt bà sáng rực, nước mắt đã bị làn da mặt nóng như lửa của bà đốt nên đã khô queo, những vết hoen do phấn bị trôi đi đọng lại dưới cằm trông chẳng khác nào những giọt mưa đầu tiên điểm trên những lớp váng đất phèn khô quắt. 

- Chú Cửu! - Giọng bà Tứ nghẹn lại, - Chú đã nhận của tôi một bãi nước bọt. Năm ngoái chú đã ôm tôi, sờ sẫm tôi, bóp vú tôi, bây giờ trước mặt anh chú, chú thành thật nói thử xem, miệng tôi có mùi gì không? 

Rất khó khăn, ông Cửu nuốt bãi nước bọt qua cổ họng, đầu cúi rũ xuống. Hình như ông đang nhớ lại, đang vận dụng vị giác lẫn khứu giác để phân tích bãi nước bọt của bà Tứ, rồi ông ngẩng lên nói: 

- Không có mùi vị gì, kể cả mùi đồng gỉ! 

Bà Tứ vung tay ném những vụn giấy vào mặt ông 

- Đồ con lừa! Những kẻ ăn cỏ trong gia tộc các người đều là đồ con lừa! 

Nói xong, bà vung tay lên. Một cú tát như trời giáng đập thắng vào mặt ông Tứ, âm thanh khô khốc. Chiếc cổ ông Tứ lệch hẳn về một bên, một tràng âm thanh quái dị từ cuống họng ông phát ra như tiếng một quả bóng tròn lăn trên đất khô. Bà Tứ tiếp tục giơ tay lên định tát nữa nhưng hình như mọi sức lực của bà đã cạn kiệt, cánh tay bà đã tê dại nên những ngón tay của bà trượt dài trên cổ ông Tứ, trượt dài xuống bộ lễ phục màu lam mới mà ông Tứ mặc trên người để chuẩn bị tế thần rồi vạch một đường vòng cung trong không gian. Thân hình bà Tứ lảo đảo và ngã lăn ra đất. Những tưởng cú tát thứ hai của bà sẽ là một đòn đánh với sức mạnh kinh người của lòng căm hận nhưng lại biến thành một động tác vuốt ve dịu dàng trên thân thể ông Tứ. 

- Anh Tứ! Anh đừng bỏ chị ấy nữa! - ông Cửu kêu lên. 

Những thớ thịt trên cằm ông Tứ giật giật, ánh mắt phát ra những tia lửa màu xanh, ông lẳng lặng như những bước chân của loài hổ dữ đến trước mặt ông Cửu, hai tay thộp cổ ông Cửu, giúi một cái, lại lôi một cái, lắc bên phải, lại lắc bên trái. Trông bộ dạng ông Tứ lúc này có thể hiểu được là ông đang muốn nghiền thịt xương ông Cửu ra thành tương. Từ trong lồng ngực ông, những tiếng gầm gừ của loài hổ báo phát ra. Cổ ông Cửu bị hai bàn tay cứng như gọng kềm của ông Tứ thít chặt, không thở nổi, những tiếng khò khè nặng nhọc thi thoảng mới bật ra giống như tiếng kêu của loài chim hải âu đang tuyệt vọng quần đảo phía trên những ngọn sóng cao ngút trời giữa đại dương. Đầu óc ông Cửu sắp mụ mị, trước mắt ông màu đen đã ụp xuống. Trong những cơn giãy giụa cuối cùng, ông Cửu đạp loạn xạ vào bàn chân ông Tứ, đôi tay thì cào vào lưng ông ta. Hình như ông Tứ cũng đã tỉnh ra đôi chút, đưa miệng lên trán ông Cửu, cắn mạnh một miếng. Mười mấy vết răng xuất hiện trên trán ông Cửu làm thành một hình bầu dục rất đẹp và từ đường viền của cái hình bầu dục ấy, máu bắt đầu rịn ra. 

Ông Cửu rú lên đau đớn, hai tay ôm lấy trán, không còn đủ sức để quẫy đạp nữa. 

Một tiếng đồng hồ sau, ông Tứ xuất hiện ở buổi tế thần; ông Cửu dắt con lừa, ngồi trên lừa là bà Tử - đôi mắt sưng mọng vì khóc sướt mướt khi từ biệt những người đàn bà trong gia tộc. Con lừa chầm chậm lê những bước chân buồn thảm trên con đường đất đỏ, rời khỏi làng. 

Nãy giờ, bà Cửu có thân hình cao gầy, bà Ngũ với thân thể mập mạp và bảy tám bà thân thiết nữa tụ tập dưới gốc cây liễu, lặng lẽ quan sát ông Cửu với khuôn mặt đầy máu đỡ bà Tứ quần áo lộng lẫy lên lưng con lừa. Bà Cửu và bà Ngũ thút thít khóc, những người đàn bà còn lại tuy không khóc thành tiếng nhưng mắt ai cũng đỏ hoe. Ông Cửu đã vứt đôi giày vốn được buộc rất kỹ bởi một sợi dây thừng vào một góc sân nhưng bà Tứ lại bước đến nhặt lên.Ban đầu, bà treo đôi giày vào cổ con lừa, mỗi bên mỗi chiếc, hình như con lừa thấy mình bị làm nhục nên cúi đầu rụt cổ lại. Sau khi leo lên lưng lừa, có lẽ vì hai chiếc giày cọ xát vào đầu gối, cũng có thể là để giảm bớt sức nặng cho cổ con lừa nên bà Tứ cúi người xuống, kéo lấy sợi giây thừng và quàng đôi giày vào cổ mình. Hai chiếc giày to tướng như hai chiếc huy chương vinh dự treo lủng lắng trước khuôn ngực nhô lên rất cao của bà Tứ. Lúc này, bà Tứ mới quay người giơ tay vẫy chào từ biệt đám đàn bà đang đứng khóc dưới gốc cây liễu trên miệng nở một nụ cười rực rỡ tựa hoa cúc mùa thu, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt rất tươi của bà trông như sương sớm trang điểm thêm cho vẻ rực rỡ của hoa. Trên lưng lừa, bà Tứ quay đầu nhìn, có cảm giác cái nhìn của bà đã xuyên thấu hết tâm trạng của những người đàn bà kia. 

Bao nhiêu năm đã trôi qua, mẹ tôi lúc ấy chỉ là một cô dâu nhỏ bây giờ đã là một lão bà vẫn còn nhớ như in cái không gian chia ly đậm đặc chất bi hùng ấy, chín trăm chín mươi chín lần kể lại cảnh chia ly đậm chất điện ảnh ấy cho tôi nghe, khuôn mặt mẹ vẫn đầm đìa nước mắt, trong lời kể của bà lúc nào cũng phảng phất một niềm bái phục và yêu thương đối với bà Tứ. 

Nếu men theo bờ đê với những hàng cây hòe cành lá um tùm mà đi về phía đông, ông Cửu và bà Tứ hoàn toàn có thể giống như hai con cá theo dòng nước chảy về đông mà nhập vào cánh đồng hoang mênh mông đầy châu chấu và không ai có thể phát hiện ra họ. Nhưng khi ông Cửu vừa dắt con lừa lên đến mặt đê, cũng là lúc bà Tứ ngồi trên lưng lừa quay người lại lần cuối cùng để vẫy tay từ biệt những người đàn bà vẫn còn trông theo ở phía xa xa, trong chớp mắt ấy, con lừa với tính cách quật cường cố hữu bỗng nhiên giật mạnh một cái, sợi dây cương trong tay ông Cứu tuột ra, nó lao xuống bờ đê và chạy thắng về phía nam trở lại theo con ngõ hẹp, đuôi vểnh lên biểu thị một sự kích động đến độ điên cuồng khiến những người đàn bà đứng dưới gốc liễu bị bất ngờ đến độ lặng người đi. Ngồi trên lưng lừa, lưng bà Tứ vẫn thẳng đứng, thân hình lúc thì nhô lên lúc thì thụp xuống nhưng chẳng có một dấu hiệu nào của sự hoảng sợ, trông bà lúc này chẳng khác gì một kỵ sĩ lão luyện. 

- Cản nó lại! - ông Cửu gào lên. 

Bà Cửu là người gan dạ nhất trong đám đàn bà, vọt thẳng ra đứng giữa đường, định chặn đà lao tới của con lừa. Chỉ thấy nó nhe răng ra, xông thẳng đến, vừa chạy vừa kêu như có ý dọa là sẽ húc bể bụng bà Cửu. Theo bản năng, bà Cửu nhảy sang một bên, con lừa vọt qua người bà với khoảng cách chỉ là gang tấc. Đôi mắt bà Cửu trợn tròn, miệng lưỡi cứng lại, không phải vì con lừa làm cho bà sợ hãi đến như vậy mà là gương mặt như Quan âm Bồ Tát của bà Tứ trên lưng lừa, gương mặt toát lên một vẻ bí mật khó mà lý giải ấy như đang chiếu rọi vào con người vốn sống một cách hời hợt của bà Cửu khiến bà như muốn hôn mê. 

Trong lúc con lừa tưng vó chạy, hai chiếc giày to tướng liên tục đập vào đôi bầu vú của bà Tứ, chiếc xương sống nhô cao của con lừa chọi thẳng vào mông bà và những chiếc xương sườn va vào chân. Trong mấy mươi năm, những người đàn bà - trong đó có cả mẹ tôi - vẫn thường bí mật thì thầm với nhau một cách bí mật về cách lý giải những sắc thái thần bí trên gương mặt bà Tứ lúc ấy, tôi luôn luôn tỏ thái độ hoài nghi đối với vấn đề này. Những người đàn bà cho rằng, đúng vào trong cái chớp mắt khi bà Tứ đưa tay lên vẫy chào từ biệt mọi người chính là bà đã nhập vào cõi tiên, cho nên ngồi trên lưng lừa lúc ấy không còn là bà Tứ nữa mà là một vị tiên cô. Đã là một tiên cô thì không hoàn toàn cần thiết phải lén lén lút lút đi trên bờ đê rậm rạp như một người đàn bà bị chồng đuổi về nhà bố mẹ đẻ mà cứ đường đường chính chính đi giữa nơi đông người, trên đường cái quan. Ai trông thấy được bà ấy là một hạnh phúc; ai không trông thấy là một điều đáng tiếc. Để chứng minh cho những phán đoán của mình, những người đàn bà - có cả mẹ tôi trong số đó - đưa ra một số chứng cứ: Thứ nhất, bà Tứ từ nhỏ không rời khỏi nhà cha mẹ, lớn lên lấy chồng không rời khỏi cổng nhà chồng, đây là lần đầu tiên bà được ngồi lên lưng lừa, nó lại phi như điên cuồng như thế mà bà vẫn ngồi ổn định như Thái Sơn trên lưng nó, rõ ràng đây không phải là việc mà người đàn bà có thể làm được. Thứ hai, đôi mắt của bà Tứ lúc ấy phát ra một thứ ánh sáng rất lạ lùng, còn sáng hơn cả ánh tia nắng mặt trời, chỉ thoạt nhìn vào đó mà bà Cửu đã muốn hôn mê. Loại ánh sáng này rõ ràng không bao giờ xuất hiện ở người phàm trần. Thứ ba, căn cứ vào hồi ức của những người có mặt hôm ấy, khi con lừa chở bà Tứ trên lưng phóng qua trước mắt mọi người, ai ai cũng ngửi thấy một mùi hương. Mẹ tôi thì bảo đấy là mùi thơm của hoa lan, bà Cửu thì cãi: không phải mùi hoa lan, đó là mùi hoa quế, bà Ngũ thì do dự nói đó chẳng qua là mùi son phấn. Còn thím Thập Tứ thì bảo đó là mùi hoa nhài... Mỗi người ngửi thấy một mùi riêng. Chỉ có một thứ mùi phát ra từ thân thể bà Tứ nhưng trong cảm thụ của từng người lại rất khác nhau, chứng minh rằng đó không phải là mùi vị của chốn nhân gian. Chứng cứ thứ tư không mấy thuyết phục bởi nó liên quan đến âm nhạc và chỉ có mỗi một mình bà Cửu khẳng định là đã nghe một điệu nhạc du dương phát ra khi bà Tứ đi ngang qua người bà. Mẹ tôi và những người đàn bà khác nghi ngờ là lúc ấy bà Cửu nghe được tiếng nhạc tế từ miếu Ba Lạp vẳng tới, bởi khi bà Tứ cưỡi lừa bay trên đường cũng chính là nghi thức tế lễ ở miếu Ba Lạp bắt đầu lúc này ba nhạc công được ông Tứ thuê đến đã hòa tấu một khúc nhạc dân gian truyền thống. Mà ngày ấy cũng chính là lúc gió đông đang thổi. 

Nói tóm lại, bà Tứ là một hình tượng được khoác cho bộ áo vô cùng thần bí trong gia tộc của chúng tôi, riêng tôi thì vẫn cứ hoài nghi tính chân thực của những câu chuyện kể này nhưng lại hy vọng vào tinh thần thực sự cầu thị của mẹ cũng như những người đàn bà khác. Cả một thế hệ phụ nữ tiền bối đức cao vọng trọng trong gia tộc lại cùng nhau sáng tác một câu chuyện thần thoại tập thể hay sao? Huống hồ thần thoại lại không phải là cây không có gốc nước không có nguồn, nhất định nó phải có một căn cứ thực tế nào đó. Vả lại chuyện bà Tứ cưỡi lừa bay trên đường chỉ mới diễn ra có năm mươi năm, mẹ tôi và nhiều người đàn bà khác được chứng kiến tận mắt, mỗi khi nhắc đến chuyện này thì mặt ai cũng đều thể hiện một sự nghiêm túc chân thành, những lời kể của họ đã đạt đến trình độ nghiêm túc tuyệt đối, thống nhất tuyệt đối; nói cách khác là một quá trình lưu truyền nghiêm túc, tôi không đủ lý do để phủ định tính chân thực của câu chuyện này. 

Đương nhiên, xuất phát từ lòng tôn kính với người đã khuất xuất phát từ sự đồng cảm với số phận thê thảm của bà Tứ, xuất phát từ trạng thái tình cảm "thỏ chết chồn thương" mẹ tôi và những người đàn bà khác cũng có thể đã gia công điểm xuyết nghệ thuật thêm cho câu chuyện. Nhiệm vụ trước mắt tôi là phải loại trừ những hoàn tiết bên ngoài sự thật của câu chuyện, nắm chắc bản chất của vấn đề. Thứ nhất, con lừa giật khỏi dây cương chạy xuống khỏi bờ đê là chuyện không còn phải bàn cãi gì nữa; thứ hai, bà Tứ ngồi rất ổn định trên lưng lừa và gương mặt biểu thị một sắc thái vô cùng thần bí cũng là một chuyện không cần phải nói gì thêm. 

Con lừa được dắt lên mặt đê nhưng lại chạy như bay trở lại là vì mặt đê quá hẹp, nước sông lại quá trong khiến đầu óc nó trở nên hoảng loạn; còn bà Tứ sở dĩ ngồi một cách ổn định trên lưng lừa mà không rơi xuống là do những cơ năng trong tiểu não bà khá kiện toàn, có năng lực giữ vững thăng bằng hơn so với người bình thường. Chỉ có điều duy nhất cần phải tốn công lý giải là: Vì sao trên mặt bà Tứ lúc ấy lại có thể biểu hiện được sắc thái của một thiên thần? Chỉ cần nhắm mắt lại là tôi đã hình dung ra gương mặt bà Tứ lúc ấy: phóng túng, lãng đãng, mê mê, tỉnh tỉnh, tràn trề hạnh phúc. Tôi không thể không thừa nhận, những biểu hiện trên gương mặt bà lúc ấy có quan hệ mật thiết với giới tính. Kiểu lý giải này tôi không hề nói với mẹ cũng như bất kỳ một ai, nhưng rõ ràng là nó đã định hình trong tôi. Căn cứ vào những tài liệu có liên quan, tôi biết người đàn bà trong lúc thống khổ đến cực độ thì vô cùng mẫn cảm đối với chuyện kích thích tính dục và những phản ứng của nó biểu hiện rất rõ ràng. Con lừa đang chạy như bay, chiếc xương sống gầy gò nhô cao của nó không ngừng cọ xát và va đập với đùi và mông bà Tứ, hai chiếc giày lại không ngừng mân mê đôi vú vổng lên rất cao của bà. Lưng lừa thì cọ xát và va đập, đôi giày thì mân mê... Đây là những chỗ vô cùng mẫn cảm về mặt tình dục trên cơ thể người đàn bà. Bà Tứ đang đau khổ cùng cực vì bị chồng bỏ đột nhiên nhận được những kích thích rất mạnh trên toàn thân, những ức chế về tình dục, những nỗi đau đớn dằn vặt phức tạp trong lòng bà trong một thời gian ngắn đã được bù đắp được giải tỏa, do vậy mà nói gương mặt bà lúc ấy như phiêu diêu thoát tục như thể lên tiên cũng chẳng có gì là khoa trương phóng đại cho lắm. 

Khi con lừa chạy ra đến đường cái lớn thì bắt đầu đi chậm lại và nó cũng quay về với cái bộ dạng cúi đầu ủ rũ cố hữu mấy mươi năm giống như một ngày của nó, dây thừng treo lủng lẳng trên cổ giống như một con rắn. Ông Cửu thở hồng hộc nhào đến, khom người chụp lấy chiếc dây thừng rồi vung quyền lên, nhằm ngay vào ức con vật đấm liền mấy cái. Con lửa chẳng có một phản ứng gì. 

Ông Cửu lôi mạnh dây thừng muốn con lừa quay đầu lại để đi về phía bờ đê, men theo con đường nhỏ um tùm những cây hòe trên mặt đê lặng lẽ rời khỏi làng. Suy nghĩ này chứng minh ông Cửu cũng vẫn có lương tâm, là sự quan tâm đến danh dự của bà Tứ, nhưng ý tốt của ông ta không được đền đáp tương xứng. Khi ông đang dùng toàn lực để kéo con lừa điên điên khùng khùng và ngu ngốc ấy thì bà Tứ đã động đậy chân phải và bàn chân có mang chiếc giày thêu hoa đã vung mạnh lên, một cú đá như trời giáng bay thẳng vào mặt ông Cửu. Ông Cửu thấy đom đóm bay chấp chới trước mặt, trong tai như có tiếng trống đánh ầm ầm, thân thể lảođảo suýt chút nữa thì ngã nhào. May mà ông Cửu không thể nhìn thấy sắc mặt của chính mình lúc này. Nếu ông Cửu sớm ngẩng đầu lên để nhìn bà Tứ trước khi nhận lãnh cú đá như trời giáng: Bà ngồi trên lưng lừa mà như Phật Bà Quan âm ngồi trên tòa sen, thái độ ung dung trang trọng cùng với một mùi hương thanh khiết tỏa ra nực mũi; thì có đánh chết ông cũng không tin là bà Tứ thực tế đã đá một cú thật mạnh trúng vào giữa mặt ông. Sau khi cơn choáng váng đi qua, ông ngước mắt lên nhìn thì thấy bà Tứ khép hờ đôi mắt, gương mặt biểu hiện một cách mệt mỏi những trạng thái tinh thần phức tạp hỉ nộ ái ố, cũng chẳng hề hé miệng nói lấy một tiếng. Ông Cửu cho rằng, cú đá ấy là do trời giáng vào ông, do vậy mà con lừa cũng đã trở thành một linh vật có khả năng đối thoại với thần ma. Đã như thế thì ông Cửu không dám làm trái ý nó nữa, lo sợ lẫn tôn kính, ông cẩn thận cầm chiếc dây thừng nối từ cái đầu đầy trí tuệ một cách thần bí của nó và bước theo, lưng ông cong xuống, phía dưới vết thương do ông Tứ cắn hình bầu đục nằm ngay giữa trán vẫn đang rỉ máu lại thêm một vết bầm tím ngay giữa chỗ giao nhau của đôi lông mày do gót giày bằng gỗ của bà Tứ để lại, ông Cửu xiêu xiêu vẹo vẹo đi về hướng đông...


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!