Châu chấu đỏ

Chương 13: Chương 7 - 8:


trước sau

Chương 7

Ý thức của tôi đang theo dõi theo bước chân của con lừa chở bà Tứ, cùng vời bước chân của ông Cửu dắt con lừa trên con đường lớn lặng lẽ rời làng năm mươi năm về trước nhưng thân thể của tôi thì đang theo sau bà Cửu trong hiện tại trên con đường này. Tôi trông thấy mặt trời lóng lánh như thủy tinh treo trên nền trời xanh lam đang chuyển động, những giọt nắng màu vàng nhảy múa trên đường bao quanh lấy những chú gà trống mỏi mệt nấp trong bóng râm của những cây hòe già nhưng vẫn đang tính chuyện giở trò lưu manh với những cô gà mái. Lông gà trống sặc sỡ, lông gà mái xù xì... Năm ấy, khi chống chọi với nạn châu chấu, sao tồ tiên chúng tôi lại không nghĩ đến chuyện nuôi cho thật nhiều gà nhỉ? Quan hệ giữa gà và châu chấu có khác nào giữa gấu trúc và cây trúc, giun và đất? Tôi đem những suy nghĩ này ra hỏi bà Cửu, thấy bà liếc xéo nhìn tôi. Bỗng nhiên tôi nhớ ra, bà Cửu vốn có đôi mắt giống mắt gà, tròng mắt đen đến độ khiến người ta nghi ngờ đó là mắt giả bằng thủy tinh đen. Nhưng lúc này bà đang mở miệng chọc tôi: 

- Ôi thằng cháu học nhiều biết rộng của bà, cháu đọc sách nhiều quá đến độ lú lẫn mất rồi, không biết gì hết. Thằng cháu ngốc nghếch ơi, thịt lợn rất ngon, nhưng bắt cháu ăn liền một tháng, liệu cháu còn có thấy ngon nữa không? Cháu ăn ngán thịt lợn là sẽ thèm thịt dê thịt cừu, đang ăn món trong bát của mình nhưng lại nhìn món khác trong bát của người, đàn ông các người đều như thế cả! Xem cái mặt non choẹt bóng nhẫy như con trâu nghé chưa thiến của cháu kìa, lời lẽ của cháu cũng ngọt ngào lắm, e rằng mai kia cũng sẽ trở thành một kẻ chửa đầy một bụng nước thối cho mà xem. Nhìn ông Cửu nhà cháu đó, bây giờ thì đã già, trông có vẻ thật thà lắm nhưng thời trẻ, ngay cả chị dâu mình mà cũng không bỏ sót... 

Lúc ấy ông Cửu đang xách chiếc lồng trong đó có con cú mèo, đứng tần ngần bồi hồi trên đám cỏ; tôi và bà Cửu đang đứng trên con đường của quá khứ, của hiện tại và cả của tương lai ngắm nhìn từ xa bóng dáng xiêu xiêu của ông Cửu dưới ánh mặt trời trắng lạnh. Tôi không thể nói rõ vì sao ngày ấy mặt trời lại phát ra những luồng ánh sáng trắng lạnh lẽo như một ánh kiếm sắc đến ghê người như vậy, cũng không hiểu vì sao đáng ra ông Cửu phải gào thét những câu hát vô nghĩa khi chăm sóc con cú mèo nhưng hôm ấy ông lại không thèm hé miệng gào lấy nửa câu. Ông Cửu như một con vượn mới học được dáng đi bằng hai chân của loài người, ngây ngô và vụng về lặng lẽ bước ở phía xa xa, tôi đoán là dưới ánh sáng chói chang đến độ lạnh lẽo của mặt trời như thế, ông Cửu không dám mở mắt, do vậy mà dáng đi của ông mới liêu xiêu như thế, vừa thần thánh vừa nghiêm trang, vừa cụ thể vừa trừu tượng; vừa giống như một điệu nhạc thê thiết vừa giống như một bãi phân, bãi phân này đang trong thời kỳ hóa thạch... Trong thứ ánh sáng trắng bàng bạc bao phủ lấy ông Cứu ấy, đường chân trời cũng đang dao động, những con châu chấu lần thứ ba xuất hiện trong lịch sứ cận đại của Đông Bắc Cao Mật lúc này đã to bằng viên đạn súng trường, không những thế, chúng giống như những viên đạn vừa căng vừa thẳng từ bốn phương tám hướng lao thẳng về ông Cửu. Ông Cửu đang vung đôi tay lên rất cao - chiếc lồng chim và trong đó có một con cú mèo đang học nói, đồng thời tạo ra một ký hiệu màu đồng xanh xanh có tính chu kỳ lặp đi lặp lại và hướng về phía trước. 

Có tiếng hô khẩu lệnh tập hợp từ phía doanh trại bộ đội nằm đối diện với đầm lầy màu đỏ sậm. Một lát sau, tôi và bà Cửu trông thấy khoảng hơn một trăm binh sĩ tay cầm gậy chạy thẳng ra đồng cỏ. Những bộ quân phục màu cỏ của họ được ánh sáng trắng lạnh của mặt trời chiếu rọi nên đã biến đổi màu, thành một thứ màu xanh đen của lá dâu già, trên toàn thân họ như được dát bởi một lớp băng mỏng và trong suốt. Họ đang hô, đang quát vang trời. Tôi nói với bà Cửu rằng, một đơn vị bộ đội đến giúp dân làng diệt trừ châu chấu đã đến, tôi còn nói là trong chiến đấu chống lại tai họa thì bản chất anh hùng của quân đội mới có điều kiện bộc lộ. Bà Cứu hỏi, họ hò hét ầm ĩ như vậy, phải chăng họ chính là thuộc hạ của tướng quân Lưu Mãnh? Tôi nghiêng đầu chăm chú quan sát đôi mắt của bà, đột nhiên tôi nhận ra rằng ngôn ngữ giao tiếp giữa tôi và những bậc trưởng bối trong gia tộc có một chướng ngại rất khó có thể vượt qua. 

Đúng lúc ấy, bầu trời đã biến dạng, trở thành một nửa của quả cầu pha lê màu xanh lục, mặt trời cũng sáng đến độ mất đi hình tròn vốn có, chu vi vòng tròn trở nên mờ mờ ảo ảo. Những chiến sĩ đi vòng qua bờ đầm và triển khai đội hình trên đồng cỏ, trông họ lúc này chẳng khác những chú ngựa non đang tung tăng đầy hoan lạc trên đồng. Họ đang đứng ở phía đối diện với ông Cửu, cách chúng tôi một quãng khá xa. Bởi ông Cửu đứng gần với chúng tôi hơn nên tôi có cảm giác họ trở nên nhỏ bé hơn ông Cửu nhiều. Không biết bà Cửu có cảm nhận được như tôi hay không, bà có đôi mắt đặc biệt của loài gà, liệu rằng những gì bà trông thấy trước mắt có đặc biệt hay không? 

Bà Cửu kêu tên cúng cơm của tôi ra mà bảo: 

- Can Ba! Không phải là cháu không biết tính tình của ông Cửu, khi lành thì ngoan ngoãn như một con cừu, khi trở chứng thì hung hãn như một con sói. Năm ấy, mỗi khi ăn cơm cùng với ông Tứ, ông Cửu vẫn đặt khẩu súng Pặc-hoọc trên đùi của mình...

 

Chương 8

Một tiếng đồng hồ sau, không biết vì sao mà tôi và bà Cửu đã đi trên con dường đỏ quạch vì đã được một lớp châu chấu phủ lên trên. Hình như giữa tôi và bà đã nói rất nhiều về một vấn đề gì đó, mà hình như cũng chẳng hề nói gì cả. Tôi mơ hồ nhớ lại rằng, bà Cửu đã nói là cho dù có con gà tham ăn nhất cũng chỉ có thể ăn được ba ngày châu chấu, đúng thế, sự thật thắng hùng biện: Những chú gà trống đang mỏi mệt tha thẩn trong những lùm cây dâu tỏ ra hứng thú với những con gà mái gấp nhiều lần so với chuyện ăn châu chấu; cũng như vậy, những con gà mái có vẻ hứng thú đào bới rác và đất hơn là chuyện ăn châu chấu. Mấy trăm con chim sẻ no căng bụng đang nằm úp trên mặt đất xốp đập đập đôi cánh, mấy con mèo thật nhanh chộp được chim sẻ cắn chết, liếm vài giọt máu rồi bỏ đi. Hàng nghìn hàng vạn con châu chấu đang nhảy nhót không ngừng trên mặt đất xốp nóng hầm hập, có con trông như rất mỏi mệt, có con trông như rất hưng phấn, hình như mặt đất đã làm da bụng và chân chúng bị bỏng. Trên đường, trên đồng cỏ, ngay cả trên tường nhà, mái nhà cũng đầy châu chấu, những kiểu nhảy nhót của chúng tạo nên những âm thanh rào rào bất tận. Gà không ăn châu chấu nữa cho dù chung quanh chúng, trước sau, phải trái, trên dưới la liệt là châu chấu đang bò, đang nhảy. Năm mươi năm đã qua, con đường này vẫn là con đường thuở ấy,khác hơn một tí là nó được đắp cao hơn một chút; con người bây giờ cũng vẫn là những con người của ngày xưa, cho dù có già hơn rất nhiều. Con đường tràn ngập châu chấu ngày ấy bây giờ cũng ngập tràn châu chấu, ngày ấy gà cũng ăn châu chấu - theo lời bà Cửu thì những con gà thuở ấy theo chân con người ăn châu chấu một cách điên cuồng trong vòng ba ngày, ăn đến độ nứt cả diều, ăn phải châu chấu độc cho nên đi ngoài liên tục mấy ngày, nhóm lông trắng đằng sau đít dính bê bết một chất phân lầy nhầy màu đỏ bầm thối không chịu được. Bọn chúng đang lảo đảo xiêu vẹo bước đi trên một lớp châu chấu dày cộp, lông cánh ủ rũ xác xơ như con gái nhà lành vừa bị những tay lưu manh hiếp dâm. Không chỉ đi ngoài, bọn chúng còn nôn mửa, những tiếng kêu quái dị liên tục phát ra từ trong những chiếc cổ cong vẹo, có khi gấp thành từng khúc. Trên những chiếc mỏ nhọn luôn luôn bám một vài sợi máu nhỏ dẻo quánh, trong những con ngươi màu vàng thấy thấp thoáng bóng dáng của cái chết - Năm mươi năm trước, tất cả gà trong thôn đều trúng độc châu chấu nằm rũ như những xác chết dưới các tán lá trong vườn, con nào còn có chút sức thì lảo đảo xiêu vẹo đi lại trên các con đường trông chằng khác những diễn viên Kinh kịch sắm vai người say trên sân khấu. Con người mỗi ngày một phát triển, gà mỗi ngày mỗi tinh khôn hơn, nên trên con đường không khác năm mươi năm trước bao nhiêu, cũng đầy châu chấu, cũng có rất nhiều gà nhưng năm nay hình như chẳng có con nào đoái hoài đến châu chấu, cũng như con người năm nay cũng tỏ ra vô cùng lãnh đạm trước việc châu chấu xuất hiện trở lại. 

Tôi đang nghĩ về cái chết, nhưng lập tức tôi lại cảm thấy sợ hãi trước cái chết. Tôi chăm chú nhìn con lừa đang được buộc vào một chiếc cọc bên bờ tường, trên thân thể nó lớp lông già cỗi đã được thay bằng một lớp lông mới, bóng mượt hơn. Đột nhiên tôi nhớ lại: Sáu mươi năm về trước, trong gia tộc chúng tôi có một người đàn ông cực kỳ xấu xí đã giao phối với một con lừa cái. Người đàn ông này có cái đầu cực to đôi chân vừa nhỏ vừa ngắn nhưng đôi cánh tay lại vừa to vừa dài; hành trạng rất quái dị, nói cà lăm; toàn thân ông ta bốc nên một mùi hôi đặc biệt khiến ai ngửi thấy cũng phải nôn oẹ. Đàn bà trong làng đều tránh mặt ông ta, ai cũng nghĩ gặp ông ta là một sự xúi quẩy. Ông ta đứng trên một chiếc ghế vuông để giao phối với con lừa, lúc ấy ông ta là nô bộc trong nhà của đại lão gia có uy quyền như một ông vua trong gia tộc chúng tôi. Sau khi sự việc phát sinh, đại lão gia nộ khí ngất trời, triệu tập đến mười mấy đại hán trong gia tộc lại, mỗi người cầm một chiếc roi được bện bằng da trâu đánh chết con lừa và người đàn ông bất hạnh ấy cùng một lúc. Cho đến nay, chuyện ô nhục ấy vẫn âm thầm được truyền tụng ở làng tôi. Tôi cảm nhận một cách sâu sắc rằng, cả con lừa và người đàn ông kia đều vô tội, cả hai chẳng qua đều là vật hy sinh một cách bi thảm của chế độ áp bức giai cấp. Ô, tôi nhớ ra rồi, người ta gọi người đàn ông ấy là "Cái chuông lớn", nếu trí tưởng tượng được phát huy thêm tí nữa, tôi đã có thể trông thấy hình bóng của ông ta qua bóng dáng của con lừa ở trước mặt tôi bấy giờ. Lịch sử của một gia tộc có khi lại là lịch sử của một vương triều thu nhỏ; một vương triều hay một gia tộc trong bước đường suy thoái đều có những kẻ dâm ô trác táng, đều có cảnh nồi da nấu thịt, cha con anh em tranh đoạt... nhưng trên bề mặt của nó vẫn cứ là nhân nghĩa đạo đức, thân ái từ nhượng, công bằng nghiêm minh... 

Ôi chao! Dùng hình phạt tàn khốc để trung hưng, dùng roi da để duy trì gia đạo cũng đều giống như nước chảy mây bay thoắt hiện thoắt biến thôi. Thời kỳ hoàng kim của gia tộc ăn cỏ tranh ở vùng Đông Bắc Cao Mật đã một đi không quay trở lại, tôi đứng nhìn hình bóng thoắt ẩn thoắt hiện giữa đồng cỏ mênh mông của ông Cửu - một hậu duệ thuần chủng của gia tộc ăn cỏ tranh - mà một nỗi buồn thấm thía bỗng dưng trào dâng trong lòng. 

Lúc này, con lừa cái đang đứng bên bức tường đất thấp tè sắp đổ chính là môi giới để tôi nhớ lại những gì xấu xa nhất của gia tộc tôi. Lẽ nào nó lại là hậu duệ của con lừa cái xinh đẹp nhưng bất hạnh năm xưa? Nó đứng im lìm, một chiếc dây thừng đen xỉn buộc chặt nó vào chiếc trụ gỗ sát ngay bên chiếc tường đất mục, chiếc đuôi gần như không còn lông buông thõng một cách bạc nhược theo hai gờ xương nhọn sắc giữa hai đùi; trên mông đầy những lằn ngang vết dọc, nhất định đó là những vết roi da ô nhục mà suốt cả cuộc đời nó không thể nào tẩy xóa được; trên cổ nó đầy những vết chai sần dày như một tấm thép, đến cả một sợi lông cũng không thể mọc nổi trên ấy; móng sắt của nó đã mòn vẹt và bị toác, đôi mắt của nó khô khốc, ánh mắt lờ đờ nhu nhược; cái đầu cúi đến sát đất... Năm mươi năm trước, có lẽ cũng một con lừa như thế này đã chở bà Tứ trên lưng trang trọng đi trên các con đường trong làng, con lừa này chính là bản thể của con lừa năm xưa hay chỉ là ảo ảnh? Nó đang đứng bên bức tường, khô gầy như một pho tượng gỗ, những con châu chấu màu đỏ sậm nhảy tâng tâng trên thân thể, nó vẫn điềm nhiên bất động. Chỉ đến khi nào có những con châu chấu to gan chui vào mũi hoặc tai, nó mới lười biếng phe phẩy đôi vành tai rất to và rất cao, và chun chun lỗ mũi. Đất trét trên tường đã bị lở loét gần hết, nham nhở và thê lương vô cùng; những bụi cỏ mọc trên đầu tường cũng đã cận kề với cái chết trông giống như một đầu tóc vừa rối vừa bạc phơ. Một con thạch sùng với bộ da loang lổ đang rón rén tiến đến gần một con sâu màu xanh lục trong bụi cỏ trên đầu tường, mà cũng chẳng thèm quan tâm gì đến châu chấu nằm sắp lớp chung quanh. Chắc chắn đây không thể là con lừa đã chở bà Tứ năm nào, bởi trên những chiếc móng màu nâu sậm của nó tuy đầy những sẹo lằn ngang lằn dọc nhưng những chỗ chưa bị sứt sẹo lại biểu hiện những nét thanh xuân lấp lánh. Một con châu chấu nhảy bám lên mu bàn tay tôi, tôi cảm nhận được những chiếc chân đang cố gắng bám vào da thịt đã khơi gợi cho tôi một khát vọng. Rất nhẹ nhàng, rất chậm rãi, rất từ tốn, tôi đưa bàn tay lên ngang mặt và bằng cặp mắt rất thân thiện, tôi chăm chú nhìn con vật nhỏ bé nhưng thần kỳ trên mu bàn tay mình...Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra... - Can Ba! - Bà Cửu dùng đôimắt của loài hồ ly chăm chú nhìn tôi một cách nghi hoặc - Cháu khóc đấy à? Nước mắt chảy ra rồi kìa. Tôi đưa con châu chấu lên, nói: - Không phải nước mắt đâu, cháu không khóc. Mặt trời quá sáng khiến cháu hơi nhức mắt đấy thôi! Bà Cửu kêu một tiếng "ôi chao!" rồi giơ tay lên đập mạnh vào mu bàn tay tôi, con châu chấu biến thành một mảnh bẹp dí. Để che đậy cảm giác giận dữ lẫn ưu phiền, tôi lôi chiếc kính đen ra và đeo lên sống mũi mình. 

Cả trời đất âm u, một màu xanh lục bao phủ, mặt trời như một mảnh pha lê hình cầu màu xanh được ngâm trong nước đục. Toàn thân ông Cửu cũng nhuốm một màu xanh đang dò bước tiến thẳng về phía những chiến sỹ diệt châu chấu. Toàn là những chàng trai trẻ khỏe như rồng như hổ, khí thế hừng hực vung gậy như gió cuốn khiến bọn châu chấu cất cánh bay nháo nhào. Họ cười, họ nói, họ gào, họ hét... trông thật vui vẻ. Tôi cũng đã từng là lính, kỷ luật huấn luyện tàn khốc vô tình bất kể xuân hạ thu đông, bò lăn chạy nhảy đều đã nếm đủ, cho nên chuyện tiêu diệt châu chấu để bảo vệ hoa màu cho nông dân trở thành một kỳ dã ngoại vô cùng hứng thú đối với những người lính. Họ nhảy nhót trên đồng cỏ trông chẳng khác nào một bầy khỉ lanh chanh. Tiếng kêu quái dị của ông Cửu vang đến tai tôi, chuyện ghi chép lại những tiếng kêu của ông là chẳng có ý nghĩa gì, bởi vì trên quả địa cầu này, có thể nghe thấu và hiểu được những tiếng kêu tùy hứng của ông Cửu, e rằng chỉ có con cú mèo trên tay ông. Nó cũng đang phát ra những tiếng kêu quái dị như muốn phụ họa với chủ, việc ghi lại tiếng kêu của nó lại càng khó hơn đối với bất kỳ nhà ngôn ngữ học nào, và cũng chẳng có ý nghĩa gì vì thực ra tiếng kêu của nó và tiếng kêu của ông Cửu chẳng qua là bên hô bên ứng mà thôi. Do vậy, tôi không còn nghi ngờ gì về việc rồi sẽ có một ngày, con cú mèo này có thể mở miệng nói tiếng người. Có mười mấy người lính quây tròn chung quanh ông Cửu khiến bà Cửu có vẻ lo sợ - Bà à, đừng lo lắng gì cả, cứ yên tâm đi. Quân đội và nhân dân vốn là người cùng một nhà, họ đang tán thưởng con cú mèo trong lồng của ông đấy thôi! - Tôi nói với bà Cửu. Những người lính đang cúi khom lưng và chuyển động thành vòng tròn chung quanh ông Cửu và con cú mèo, con cú mèo trong lồng cũng xoay thân hình theo vòng tròn ấy. Một người lính huýt gió rồi nhặt một con châu chấu đã chết lên đưa sát đến miệng con cú mèo, nó khinh miệt chẳng thèm nhìn rồi ngoác miệng kêu to một tiếng khiến người lính nọ hoảng sợ vội vàng rút tay về. 

Sau đó, nhóm nghiên cứu viên của Phòng nghiên cứu châu chấu thuộc Viện Khoa học nông nghiệp đã rời khỏi chiếc lều vải màu trắng dựng bên cạnh đầm lầy, bước thấp bước cao đi thẳng ra đồng cỏ. Cỏ trên đồng gần như đã trơ trụi và bọn châu chấu đã bắt đầu di cư sang vùng khác. Sau một năm không có lấy giọt mưa lại là một tháng cũng không có giọt mưa nào, chỉ có mỗi buổi sáng sớm, trên những cọng cỏ có thể tìm thấy một vài giọt sương long lanh một cách dáng sợ. Dưới mặt trời như thiêu như đốt, độc địa chẳng khác nào những cú tát tai của bà mẹ kế, những giọt sương ấy trong một vài phút nhanh chóng biến thành một làn hơi trắng. Lúc này chỉ còn có màu đỏ sậm của châu chấu bao phủ trên mặt đất màu đen, không còn màu xanh nữa. Khi mới đến, áo của những nghiên cứu viên này có màu trắng vô cùng thanh khiết thì nay đã biến thành màu đỏ sậm rất gần với màu của châu chấu, bọn châu chấu bám trên quần áo và thân thể họ có cảm giác rất an toàn. Những đám lửa lớn trên đồng cỏ - thực ra gọi là đồng cỏ trên danh nghĩa - đã được những người lính đốt lên. Chân họ đạp lên châu chấu, gậy trong tay họ vung lên đập vào châu chấu, những chiếc gậy vẽ nên những vòng tròn loang loáng trong không gian. Những chiếc máy quay phim trên vai của những nghiên cứu viên ghi nhận cảnh chiến đấu giữa những người lính và châu chấu. Và những con châu chấu trên đồng cỏ chẳng khác nào một trận lũ đỏ quạch làm vỡ đê chảy thẳng vào làng.


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!