ĐẾ QUỐC THIÊN PHONG
Tác giả: Duyên Phận
Quyển 4: Huyết Hương Tế Đại Kỳ
Chương 74: Phong hỏa tình cừu (Phần 1)
Người dịch: Hạo Thiên
Sưu tầm bởi Tiểu Dê - 4vn
Khi kỵ binh của Hổ Báo Doanh đuổi tới dưới thành Đại Lương, suốt trên con đường mà bọn họ đã đi qua, không còn sót lại một tên binh sĩ nào của Lâm Trung Hưng nữa.
Mà dưới thành Đại Lương, binh sĩ Hổ Báo Doanh gầm rống diễu võ dương oai, tay bọn họ vung cao thủ cấp một tên tướng lĩnh cực kỳ thân cận với Lâm Trung Hưng.
Đại chiến ở chiến trường phía Tây vừa kết thúc, đại chiến ở chiến trường phía Nam lại đang triển khai với khí thế hừng hực.
Từ lúc Thiển Thủy Thanh bắt đầu triển khai chiến dịch tấn công thành Đại Lương lần thứ hai, cánh quân của Mộc Huyết chính là cánh quân thứ nhất gặp phải quân của địch nhân truy kích, bọn họ cũng gặp phải nhiều trận chiến kịch liệt nhất.
Vùng biên hoang ở phía Nam là vùng núi đồi có nhiều cánh rừng râm rạp, vùng này có địa hình phức tạp, núi liền với núi, núi chồng lên núi, đồi núi chập chùng, nơi nơi đều là núi và những cánh rừng nguyên thủy, cây cối rậm rạp, chỉ có những con đường nhỏ ngoằn ngoèo như ruột dê, bởi vì nơi đây là biên giới của Chỉ Thủy. Thẳng về hướng Tây chính là dãy núi Đoạn Long uốn lượn kéo dài, về hướng Nam chính là Liên minh các thành thị tự do.
Địa hình phức tạp, đường núi gập ghềnh, kẻ bị đuổi thì giảo hoạt, kẻ đuổi theo lại hung tàn, kẻ bị đuổi và kẻ đuổi theo triển khai những trận chiến giáp lá cà tàn khốc tại nơi này.
So sánh với đại chiến đẫm máu ở chiến trường phía Nam vốn ban đầu dịu dàng đằm thắm, sau đó mới trở mặt với nhau, đại chiến ở nơi này ngay từ đầu đã triển khai những trận chiến thám báo với quy mô nhỏ hung tàn lãnh khốc.
Ngày nào giữa quân của Mộc Huyết và quân của Thạch Dung Hải cũng xảy ra chiến sự, tuy quy mô chiến sự không lớn nhưng lại vô cùng thảm thiết. Vì muốn tìm kiếm hành tung cánh quân Mộc Huyết trong vùng rừng núi này, Thạch Dung Hải phái quân trinh sát, thám báo tỏa ra khắp cả núi đồi, tìm kiếm khắp nơi. Ở một vùng có địa hình như vầy, không có gì tin cậy bằng thám báo, cũng không có gì quan trọng bằng thám báo. Chẳng qua một bên cho thám báo dò tìm hành tung của địch để đề phòng bị tập kích, bên kia muốn cho thám báo của mình đi giết chết thám báo của đối phương.
Phập!
Tên bay như sao xẹt toát ra một vệt sáng chói mắt, một mũi tên nhỏ màu đỏ mang theo ánh chết chóc lạnh lùng bắn trúng vào cổ một tên thám báo của địch, Vô Song nằm lẫn giữa đám cây cối như mèo chậm rãi đứng lên, vẻ mặt hắn vô cùng đắc ý.
Đường đường là Doanh Chủ của Trường Cung Doanh, lúc này Vô Song đã tự hạ thấp chức quan của mình, trong hoàn cảnh tự nhiên nơi nơi đều là dã thú và cây cối như ở nơi này, quả là vô cùng thích hợp cho hắn làm một tên thám báo.
Đi đến bên cạnh thi thể của địch nhân, Vô Song cẩn thận kiểm tra xem hắn đã chết chưa, sau đó hủy diệt toàn bộ vũ khí, khôi giáp của hắn, lại thuận tay cho một đao giết chết ngựa của hắn. Cuối cùng Vô Song cẩn thận quan sát bốn phía, xoay người nhảy vọt vào rừng sâu.
Với Vô Song mà nói, những động tác máy móc này đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần.
Nếu như nói trận chiến ở chiến trường phía Tây là một trận chiến so sánh về tài chỉ huy và kiến thức cơ bản của binh sĩ hai bên, như vậy trận chiến trên chiến trường phía Nam này, chuyện so sánh giữa thám báo với nhau đã thể hiện tầm quan trọng của nó ngay từ đầu.
Rất hiển nhiên, quân Đế quốc Thiên Phong đã hạ quyết định tàn nhẫn đánh vào thám báo của Thạch Dung Hải.
Thám báo có thể nói là binh chủng vất vả nhất, nguy hiểm nhất trong các loại binh chủng, nhưng đồng thời cũng là binh chủng tinh anh nhất.
Bọn họ là một binh chủng toàn tài, am hiểu cỡi ngựa bắn cung, phục kích, trinh sát địa hình, am hiểu cách ẩn nấp, che giấu hành tung, giỏi về ám sát, phân tích tin tức, thị lực rất tốt. Bọn họ có thể công tác trong bất cứ điều kiện thời tiết và địa lý nào, công tác của bọn họ chính là xông lên trước nhất trong cuộc chiến, sưu tập tin tức cho đại quân, theo dõi địch nhân. Thậm chí khi cần bọn họ còn phải lẻn ra sau lưng địch, dò hỏi thực hư, bắt sống vài tên tra khẩu cung.
Lúc đại quân nghỉ ngơi bọn họ phải công tác, lúc đại quân chiến đấu bọn họ cũng phải tham gia chiến đấu. Bọn họ gặp phải chiến sự nhiều nhất, đối mặt với những địch nhân mạnh nhất, đa số thời điểm còn phải chiến đấu với thám báo của địch. Bọn họ tiếp cận chiến trường gần nhất, gặp phải nguy cơ lớn nhất, nhiệm vụ cũng gian khổ nhất.
Bởi vậy phàm là thám báo của một cánh quân đều do những phần tử tinh anh nhất trong cánh quân ấy đảm nhiệm. Bọn họ không chỉ phải có kinh nghiệm chiến đấu dồi dào, kỹ thuật chiến đấu giỏi, can đảm hơn người, đồng thời đòi hỏi bọn họ phải có trí thông minh nhạy bén, tầm quan sát sâu sắc, cùng với thân thể cường tráng khỏe mạnh.
Trên sa trường, những binh sĩ xông lên tuyến đầu đôi khi có thể là những dũng sĩ trong quân, đôi khi cũng có thể là vật hy sinh. Nhưng về chiến thuật đòi hỏi phàm những người đảm nhận nhiệm vụ thám báo nhất định phải là tinh anh trong quân, càng là tinh anh trong tinh anh.
Nếu như chúng ta so sánh quân đội với một con người, như vậy hệ thống chỉ huy là hệ thần kinh của người đó, hệ thống thám báo chính là tai mắt của người đó. Cánh quân của Thạch Dung Hải nói về quy mô chỉ có hơn chứ không kém cánh quân của Lâm Trung Hưng, còn nói về sự linh hoạt trong chỉ huy thì hơn xa cánh quân của Lâm Trung Hưng. Bởi vì cánh quân của hắn phần lớn là quân chính quy của Chỉ Thủy.
Cánh quân trong tay hắn cũng có thể nói là cánh quân mạnh nhất hiện tại của Hộ dân quân.
Trước mắt trong tay Hộ dân quân chỉ có không đến bốn vạn người được xây dựng hoàn chỉnh theo quân chính quy.
Trong đó Thạch Dung Hải và Lâm Trung Hưng, mỗi tên có năm ngàn người vốn là thuộc hạ cũ, cộng thêm ba vạn hàng binh của Chu Chi Cẩm.
Trong trận chiến tấn công thành Đại Lương, quân của Thạch Dung Hải và Lâm Trung Hưng đều bị tổn thất nặng nề, trong đó Lâm Trung Hưng bị tổn thất về số lượng, phần lớn quân của hắn đều tử trận trong trận công thành chiến kia, còn Thạch Dung Hải lại bị tổn thất về chất lượng, hắn mất đi số kỵ binh giỏi nhất của mình, năm trăm trọng giáp thiết kỵ.
Sau khi bọn Hà Văn, Phương Huy đầu nhập vào Hộ dân quân, Dịch Tinh Hàn từng tranh chấp một trận với Thạch Dung Hải vì quyền sở hữu bọn chúng. Cuối cùng dưới nỗ lực tranh chấp của Thạch Dung Hải, thêm vào bọn chúng tỏ thái độ muốn đi theo Thạch Dung Hải, hiển nhiên khinh thường sự lãnh đạo của một tên tiểu bối kém cỏi bất tài như Dịch Tinh Hàn, coi như Thạch Dung Hải đã giành được phần thắng. Sau đó Dịch Tinh Hàn không nhắc tới chuyện này nữa, nhưng trong lòng hắn vẫn khó chịu vô cùng.
Dù sao hắn cũng còn trẻ tuổi, Thạch Dung Hải vốn lão luyện sa trường, tuổi lại lớn hơn hắn, đương nhiên sẽ không cam tâm thần phục hắn. Chỉ là đại đa số Hộ dân quân là do Dịch Tinh Hàn tập trung lại gầy dựng nên, lại thêm Dịch Tinh Hàn tin tưởng Thiển Thủy Thanh nhất định sẽ chiếm được thành Đại Lương, cho nên làm chim sẻ* ở phía sau phản công thành Đại Lương, do đó làm nên thắng lợi trong trận chiến này, vì vậy Thạch Dung Hải cũng chỉ có thể tạm thời ẩn nhẫn.
(*Lấy từ câu: Bọ ngựa mải mê rình mồi, không ngờ sau lưng có chim sẻ cũng đang rình bắt mình.)
Thế nhưng bất kể như thế nào, hắn cũng không muốn giao binh quyền ra.
Sau khi Thiển Thủy Thanh chia quân ra dụ địch, Dịch Tinh Hàn biết địch nhân không dễ đối phó như vậy, mới khuyên Thạch Dung Hải để lại cánh quân của Thiệu Hoa Phi, đề phòng đại quân chủ lực của Thiển Thủy Thanh trở lại cướp thành, lúc này Thạch Dung Hải mới đồng ý.
Nhưng dù là như vậy, năm vạn đại quân trong tay Thạch Dung Hải vẫn có một nửa nguyên là quân chính quy của Chỉ Thủy.
Một cánh quân như vậy, cho dù là Bích Không Tình bằng vào cánh quân tinh nhuệ trong tay hắn cũng không dám nói sẽ thắng được một cách dễ dàng. Cho dù là Thiển Thủy Thanh dẫn dắt Thiết Phong Kỳ trong thời kỳ hùng mạnh nhất cũng không dám nói sẽ thắng được Thạch Dung Hải.
Bởi vậy muốn đánh vào sự linh hoạt trong hệ thống chỉ huy của cánh quân Thạch Dung Hải, rất hiển nhiên là một chuyện vô cùng khó khăn.
Thế nhưng trách nhiệm của thám báo vốn là mỗi ngày đều phải chạy ngược chạy xuôi, có khi phải chạy trên quãng đường xa hàng chục dặm, trinh sát hoàn cảnh chung quanh, bởi vậy cho nên phần đông thám báo đều xuất thân từ kỵ binh, tám mươi phần trăm thám báo tài giỏi đều xuất thân từ kỵ binh. Vì vậy, người Đế quốc Thiên Phong vốn có kỵ binh hùng mạnh nhất trong thiên hạ, cho nên tới bây giờ không ai có thể so sánh về năng lực thám báo với họ. Nếu so về sự linh hoạt trong hệ thống chỉ huy, năng lực thám báo của Thạch Dung Hải rõ ràng còn kém một quãng xa. Năng lực binh sĩ của hắn trong chiến trận không kém người Đế quốc Thiên Phong bao nhiêu, nhưng nói về phương diện thám báo cá nhân, quả thật còn kém rất nhiều.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp cho người Đế quốc Thiên Phong thắng người Chỉ Thủy trên sa trường hết trận này đến trận khác. Thám báo chính là xúc giác bên ngoài của quân đội, chỉ có nhờ vào bọn họ mới có thể hiểu biết được tình huống mới nhất của quân địch. Nếu thiếu lực lượng thám báo, sự hiểu biết về tình thế chiến trường luôn luôn kém hơn địch, do đó cơ hội để chiếm được tiên cơ cũng sẽ ít đi.
Mà tính đặc thù của địa hình vùng biên hoang toàn là rừng núi đầy cây cối này càng làm cho năng lực thám báo trở nên quan trọng hơn. Nó không chỉ yêu cầu binh sĩ phải cỡi ngựa thật giỏi, còn phải có sự quen thuộc nhất định với địa hình chung quanh, còn phải quen thuộc tác phong chiến đấu giữa một địa hình đầy cây cối như vậy.
Chẳng những Thiển Thủy Thanh tập hợp được những thám báo Đế quốc Thiên Phong có năng lực hùng mạnh, hắn còn có trong tay một thợ săn xuất sắc là Vô Song. Với tài bắn thiện nghệ, giỏi chiến đấu trong rừng, giỏi che dấu hành tung, phát hiện tung tích địch nhân của Vô Song, quả thật hắn chính là thám báo trời sinh giỏi nhất.
Có hắn, Thạch Dung Hải sẽ rất dễ dàng trở thành một kẻ vừa mù vừa điếc.
Thạch Dung Hải truy kích cánh quân của Mộc Huyết tới nay đã hơn mười ngày, tuy hắn dùng mọi cách liều mạng đuổi theo, nhưng thủy chung vẫn không tìm được vị trí cụ thể của cánh quân Mộc Huyết, rất nhiều lần đến thời điểm gần phát hiện ra thì cánh quân Mộc Huyết lại biến mất dạng, nguyên nhân là vì như vậy.
Đây là một trận chiến mà phe ít người có thể quyết định vận mệnh của phe nhiều người.
Trong khoảng thời gian này, Mộc Huyết không tiếc bất cứ giá nào, cho rất nhiều thám báo tỏa ra chung quanh, không đánh trực diện cùng đối phương mà liều mạng đánh thám báo. Không tiếc dùng sinh mạng của thám báo bên mình đổi lấy sinh mạng thám báo đối phương, chính là vì muốn tên khổng lồ Thạch Dung Hải biến thành một người vừa mù vừa điếc, muốn làm cho hắn không thể tìm được quân mình, khó có thể tiêu diệt quân mình.
Quân sĩ vẫn đang hành quân không ngừng, thám báo tỏa ra khắp chốn núi đồi, thường thì buổi sáng quân sĩ còn đang nấp ở một góc hẻo lánh nào đó trong rừng già, buổi chiều đã chạy đi nơi khác. Những thám báo phái ra ngoài làm nhiệm vụ, Mộc Huyết cũng coi như bọn họ sẽ không thể trở về, trước khi đại chiến thật sự bắt đầu, vì muốn kế hoạch thành công, hy sinh tất cả là một chuyện tất yếu phải làm.
Đã có hàng ngàn chiến sĩ chết đi trong những trận chiến ở quy mô nhỏ trước khi đại chiến bắt đầu, chuyện này trong những cuộc chiến thám báo từ trước tới nay là vô cùng hiếm có. Cho dù bọn họ tử trận, bọn họ cũng không biết là vì nguyên nhân gì, bởi vì nhiệm vụ của bọn họ rất đơn giản, cũng rất trực tiếp: tìm thám báo của địch, giết chết bọn chúng, hoặc là bị bọn chúng giết chết.
Vì để cổ vũ và nâng cao tính tích cực khiến cho chiến sĩ chiến đấu hăng hái, thậm chí Mộc Huyết đưa ra một cái giá làm cho người ta phải than thở đúng là giá chỉ trên trời mới có: Mỗi cái đầu của thám báo địch mang về, được thưởng năm mươi lượng vàng!
Đây là một kỷ lục thưởng cho việc săn đầu quân địch từ trước tới nay chưa từng có, về sau chưa chắc đã có, vượt qua mức thưởng cao quý nhất trên chiến trường chừng mười lần hơn.
Nói theo lý thuyết, nếu giết chết năm vạn đại quân của Thạch Dung Hải, quân Đế quốc Thiên Phong sẽ trả thưởng tất cả là hai trăm năm chục vạn lượng vàng!
Con số này có thể khiến cho một quốc gia phá sản ngay lập tức!
Vì thế, trước khi trận đại chiến trên chiến trường phía Nam bắt đầu, vùng rừng núi phía Nam cũng đã ngập tràn mùi gió tanh mưa máu.
Ở nơi đây, những cảnh tượng chết chóc diễn ra hàng ngày, vốn anh hùng xuất thiếu niên, nên các chiến sĩ vô danh tiểu tốt đều ra sức tỏa sáng.
Nhân vật anh hùng không phải quân Đế quốc Thiên Phong mới có, trong Hộ dân quân cũng có một đại biểu kiệt xuất…