HÃY LÀM ĐIỀU GÌ ĐÓ TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN
Một người đàn ông dừng lại ở cửa tiệm bán hoa để đặt hoa tặng mẹ của mình. Mẹ của ông ở xa cách đây hơn 200 dặm và ông sẽ nhờ cửa tiệm giao hoa đến tận tay cho bà. Khi ông bước ra khỏi xe, ông đột nhiên chú ý đến một cô gái trẻ đang khóc thút thít bên lề đường. Ông hỏi cô gái có sao không, cô trả lời, “Cháu muốn mua hoa hồng tặng mẹ. Nhưng cháu chỉ có 75 cent nhưng hoa hồng thì đến 2 dollar.
Người đàn ông mỉm cười và nói, “Đi với chú. Chú sẽ mua cho cháu một bông hồng.” Ông mua cho cô bé hoa hồng như đã hứa và đặt hoa giao đến tận nhà mẹ mình. Khi họ rời khỏi, ông ngỏ ý chở cô bé về nhà. Cô bé đồng ý để ông chở đến chỗ mẹ của mình. Cô chỉ cho ông đến một nơi vắng vẻ, phải đến khi dừng xe lại người đàn ông mới nhận ra đó là một nghĩa trang. Và cô gái đã đặt bông hoa ấy lên một ngôi mộ sạch sẽ.
Người đàn ông trở về cửa tiệm hoa, hủy gói giao hoa và ông ta đã mua hẳn một bó hoa to, lái xe đến thẳng nhà của mẹ mình, ngôi nhà cách nơi đấy hơn hai trăm dặm đường đi nhưng cuộc gặp gỡ cô gái đã cho ông hiểu rằng, nếu hôm nay ông không đến, có khi ngày mai ông sẽ chẳng còn cơ hội để đến nữa.
Bài học: Cuộc đời rất ngắn ngủi bạn ạ. Hãy dành nhiều thời gian để yêu thương và quan tâm đến những người mà bạn quý mến. Hãy tận hưởng những khoảnh khắc với họ trước khi mọi chuyện đã quá muộn màng. Không có thứ gì trên đời quan trọng hơn gia đình cả, bạn nhé.
CHỈ NĂM PHÚT NỮA THÔI
Ở một công viên nọ, một người phụ nữ ngồi cạnh một người đàn ông trên một băng ghế gần sân chơi. “Con trai tôi đó,” người phụ nữ chỉ vào một cậu bé đang chơi cầu trượt vận chiếc áo len màu đỏ. “Cậu bé nhìn mới đáng yêu làm sao” người đàn ông nói. “Còn kia là con gái của tôi, cô bé đang chạy xe đạp vận một cái đầm màu trắng đấy.”
Sau đó, người đàn ông nhìn vào đồng hồ và gọi cô bé. “Con chơi xong chưa Melissa?”. Melissa nài nỉ, “5 phút nữa thôi nha bố. Nha? Chỉ 5 phút thôi.” Người đàn ông gật đầu và cô bé lại tiếp tục chơi đùa cùng chiếc xe như cô đã mong muốn. Thời gian trôi qua và người đàn ông lại gọi con gái của mình: “Đi được chưa con?” Melissa lại nài nỉ, “Chỉ 5 phút nữa thôi nha bố. 5 phút thôi mà.” Người đàn ông lại mỉm cười và nói, “Được rồi"
“Ông quả thật là một con người kiên nhẫn.”, người phụ nữ nói. Người đàn ông mới tiếp lời, “Tommy, anh trai của con bé đã mất trong một vụ tai nạn giao thông vì một gã tài xế say xỉn khi nó đang đạp xe ở một chỗ khá gần nơi này. Tôi đã không dành nhiều thời gian cho Tommy và bây giờ tôi sẵn sàng từ bỏ tất cả chỉ để có được 5 phút ở cạnh nó. Tôi đã thề sẽ không lặp lại sai lầm đó với Melissa. Con bé cứ nghĩ nó may mắn có thêm 5 phút để chơi. Nhưng sự thật đúng ra phải là, tôi mới là người may mắn khi có được thêm 5 phút để nhìn ngắm con bé hạnh phúc.
Bài học: Cuộc sống luôn cần những lần đánh đổi và sự ưu tiên lớn lao nhất luôn luôn phải là gia đình. Hãy tận dụng thời gian quý báu của mình với những người mình thương yêu nhất bạn nhé.
ĐẾN KHI NÀO NGÓN TAY CON MỚI MỌC LẠI
Một người đàn ông đang đánh bóng chiếc xe hơi mới mua của mình thì cô con gái 4 tuổi của ông lại dùng đá để viết lên chiếc xe ấy. Điên tiết, ông ta cầm lấy bàn tay của đứa trẻ và đánh rất nhiều, và ông không nhận ra mình đang đánh bằng một cái mỏ lết. Lúc đến bệnh viện, cô bé phải cưa bỏ tất cả những ngón tay của mình vì vết thương quá nghiêm trọng.
Khi đứa trẻ nhìn thấy cha, cô bé tuyệt vọng hỏi “Cha ơi, đến khi nào thì ngón tay con sẽ mọc lại?”. Người cha đau đớn trong lặng câm. Ông trở lại chiếc xe hơi và tức giận đá vào nó. Phải đến lúc thấm mệt ông mới nhìn vào chỗ có những vết rạch mà con gái ông đã viết nên, cô bé đã viết.
“Con yêu cha.”
Bài học: Hãy hiểu một điều rằng, cả sự tức giận lẫn tình yêu thương đều không có giới hạn. Nên nhớ, “Đồ vật là để sử dụng, nhưng con người là để yêu thương”. Đừng để sự nóng nảy tức thời làm bạn cả đời phải hối hận.
TRỒNG RĂNG GIẢ CHO MẸ
Có một anh chàng đại gia, mẹ anh đã già, răng đã rụng cả, thế nên anh lái xe đưa mẹ đi trồng răng. Khi vào phòng mạch nha sỹ, người ta bắt đầu giới thiệu các loại răng giả, nhưng người mẹ lại muốn loại rẻ nhất.
Nha sỹ không chịu thế, ông ấy vừa nhìn người con trai đại gia, vừa kiên nhẫn so sánh răng giả chất lượng tốt và răng giả chất lượng thấp. Thế nhưng điều khiến nha sỹ vô cùng thất vọng đó là người con trai giàu có này lại rất thơ ơ, chẳng đả động gì, chỉ lo gọi điện thoại, hút thuốc lá, hoàn toàn không quan tâm tới những gì ông nói.
Nha sỹ không thuyết phục được người mẹ nên đã đồng ý yêu cầu của bà. Lúc này người mẹ run run lấy từ trong túi áo ra một cái túi vải, mở từng lớp từng lớp ra, lấy tiền đóng tiền đặt cọc, một tuần sau chuẩn bị đến trồng răng.
Sau khi họ đi, những người ở phòng mạch bắt đầu mắng chửi người con trai giàu có kia, nói anh ta ăn mặc bóng loáng, hút thuốc đắt tiền, mà không nỡ bỏ tiền trồng một bộ răng tốt cho mẹ.
Khi họ đang chỉ trích thì không ngờ người con trai giàu có kia quay trở lại, anh nói: “Nha sỹ, phiền ông trồng cho mẹ tôi loại răng sứ tốt nhất, phí tôi sẽ trả, bao nhiêu tiền không quan trọng. Nhưng ông đừng nói sự thật với bà ấy, mẹ tôi là một người cực kỳ tiết kiệm, tôi không muốn làm bà không vui.”
Cả căn phòng chìm trong im lặng.
ĐỒNG HỒ BÁO THỨC
Khi cậu con trai lên giường đi ngủ là 11 giờ tối, bên ngoài cửa sổ tuyết đã rơi. Cậu rúc vào trong chăn, cầm đồng hồ báo thức, nhận ra đồng hồ đã bị đứng rồi, cậu lại quên không mua pin. Trời lạnh thế này, cậu không muốn dậy. Cậu gọi điện thoại đường dài cho mẹ:
“Mẹ ơi, đồng hồ báo thức của con hết pin rồi, ngày mai con phải dậy sớm đến công ty đi họp, 6 giờ sáng mẹ gọi điện thoại đánh thức con nhé.”
Giọng của mẹ cậu ở đầu dây bên kia có hơi khàn khàn, có thể là bà đang ngủ dở giấc thì bị cậu đánh thức lúc nửa đêm, mẹ cậu nói: “Được rồi, con ạ.”
Khi đồng hồ reo lên, cậu đang mơ một giấc mơ đẹp, bên ngoài trời vẫn còn mờ tối. Đầu dây bên kia mẹ cậu nói: “Con này, con mau dậy đi, hôm nay phải đi họp đấy”. Tôi nhấc tay lên xem giờ, mới có 5 giờ 40. Cậu khó chịu kêu lên: “Chẳng phải con nói là 6 giờ sao ạ? Con còn muốn ngủ thêm một lúc nữa, bị mẹ làm tỉnh rồi!”. Đột nhiên mẹ cậu không nói gì nữa, cậu gác máy.
Cậu thức dậy đánh răng rửa mặt rồi ra ngoài. Trời lạnh thật, khắp nơi trên trời dưới đất đâu đâu cũng đầy tuyết. Đứng ở trạm xe buýt, cậu không ngừng dậm dậm chân cho ấm. Bên cạnh cậu có hai cụ già tóc đã bạc trắng. Cậu nghe thấy ông cụ nói với bà cụ: “Bà xem cả đêm bà chẳng ngủ được, sáng sớm đã bắt đầu giục tôi rồi, bây giờ lại phải đợi lâu như thế này”.
Đúng vậy, chuyến xe đầu tiên phải 5 phút nữa mới đến. Cuối cùng xe cũng đến, cậu lên xe. Người lái xe là một tài xế trẻ tuổi, anh ấy đợi cậu lên xe rồi từ từ lái đi. Cậu nói: “Này, tài xế, ở dưới còn có hai cụ già nữa đấy. Trời lạnh như vậy, người ta đợi xe lâu lắm rồi, sau anh không đợi họ lên xe rồi hẵng lái đi?”.
Anh chàng tự hào nói: “Không sao, đó là bố mẹ tôi! Hôm nay là ngày đầu tiên tôi lái xe buýt, họ đến xem tôi đấy!”
Đột nhiên tôi khóc, tôi thấy bố gửi tin nhắn đến: “Con à, mẹ nói là mẹ không tốt. Mẹ cứ ngủ không yên, dậy từ rất sớm, lo con bị trễ họp”.
BA BỎ MẸ CON MÌNH ĐI RỒI
Gửi ba,
Có lẽ, khi mà ba cầm lá thư này trên tay, thì cũng là thời khắc con nắm tay cô ấy bước vào lễ đường. Con đã không thông báo tin này đến ba mặc dù chúng ta ở chung một thành phố, con cũng chẳng điện thoại hay nhắn tin đến ba vì vốn dĩ con không biết đến số điện thoại của ba. Địa chỉ của ba là do nội nói cho con, và con muốn vào thời khắc đặc biệt của cuộc đời con, thì ba sẽ được nhận tận tay lá thư này.
Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống rồi ba nhỉ, và còn gì hạnh phúc khi cái giây phút đặc biệt ấy có đấng sinh thần của mình chứng kiến, có ba nắm tay con đặt lên tay cô ấy, có mẹ nắm tay cô ấy vỗ nhẹ chúc phúc. Nhưng con thì không ba à. Mẹ đã xa con hơn hai năm rồi, và ba thì cũng không biết tin con cưới.
***
Hai mươi năm trước, khi ấy, con là đứa nhóc mười tuổi, một ngày, buổi chiều đi học về, con thấy mẹ ngồi thẫn thờ, mắt hoe đỏ. Không phải là những câu hỏi như "hôm nay con mẹ học giỏi không nào", "Có bắt nạt bạn nào trong lớp không đấy",... mà là im lặng. Cơm tối hôm ấy, món tủ của mẹ là thịt kho tàu nhạt lắm, nước canh thì mặn không thể tả, món rau xào nó còn sống nữa.
"Con không ăn được, lát ba về mẹ nói ba đi mua bánh bao cho con đi"
Mẹ khẽ lắc đầu
"Ba bỏ lại hai mẹ con mình rồi, từ giờ chỉ còn mẹ và con trong nhà này thôi"
Rồi mẹ lặng lẽ ăn, trông mẹ lúc đó rất lạ, con chưa bao giờ thấy mẹ như thế trước đó, con không dám nói gì thêm, chỉ ngồi cố nuốt cho trôi những thức ăn trên bàn.
Mẹ buồn, mẹ không nói gì, cứ đi đi lại lại như người không hồn, nhiều lúc ngồi một mình trong phòng rồi khóc. Rồi mẹ trầm cảm ba à, cái đứa trẻ mười tuổi thì biết trầm cảm là cái gì đâu, chỉ biết rằng từ ngày mẹ bị như vậy thì ông bà ngoại lên ở hẳn nhà mình, bà ngoại làm hết mọi việc hằng ngày mà mẹ vẫn làm, ông ngoại thì chỉ cho con học bài, đưa con đi chơi mỗi chiều, lúc rảnh lại chỉ con chơi cờ.
Bữa cơm nhà mình cá thay cho thịt, rau nhiều hơn. Đồ chơi của con cũng không được thêm cái nào kể từ ngày ba đi. Ba biết không, con còn được cô giáo đọc tên giữa lớp vì nộp học phí không đúng hạn. Con chỉ biết dỗi mẹ thôi, lúc nào cũng gào lên đòi mẹ phải nói ba về với con.
Năm mười hai tuổi, con không đòi ba nữa, con biết giúp ông bà quét nhà, biết rót nước, lấy thuốc cho mẹ uống, mỗi chiều con không chạy đi chơi khắp nơi mà ở nhà giúp bà ngoại làm bánh, ngoại làm bánh ít ba à, ngoại nói không làm thì có mà cả nhà chết đói, ruộng vườn ở quê ngoại bán hết để chữa bệnh cho mẹ và sinh hoạt trong gần hai năm ba đi khỏi. Con nghe người ta xì xầm "Con Hằng lo cho nó từ khi nó còn là thằng bất tài vô dụng, ấy vậy mà khi có được tiền của cùng chút tiếng tăm lại bỏ vợ, bỏ con đi theo gái trẻ", "ông đi đâu mà tối mịt mới về, chắc lại mèo mã như ba của thằng Tuấn phải không?"... và không biết từ bao giờ, "ba của thằng Tuấn" trở thành cái câu cửa miệng của mấy bà, mấy chị gần nhà mỗi khi càu nhàu chồng.
Năm con mười lăm tuổi, mẹ khỏi bệnh, tuy không hay cười giống như lúc trước, nhưng mẹ đã hỏi thăm ông bà, căn dặn con, và mỗi khi con kể chuyện ở trường thì mẹ cũng cười cùng ông bà. Mẹ vay mượn người quen để mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ ngay trong nhà, mẹ nói con vô cấp ba nên khó khăn, mà mẹ không thể cứ để ông bà ngoại có tuổi rồi lại phải nuôi cả hai mẹ con con.
Mười tám tuổi, con đỗ Ngoại Thương, mẹ mừng lắm, mẹ nắm lấy tay con mà không cầm được nước mắt:
"Cả đời này, mẹ chỉ hạnh phúc khi thấy con của mẹ nên người"
Ba à, ông bà ngoại, mẹ và con, bốn người sống vui và hạnh phúc lắm ba biết không, không có cảnh cả nhà ngồi chờ cơm ba, hoặc cả đêm mẹ thức chờ ba về. Chừng ấy năm, cả nhà tuy hơi chật vật nhưng hiếm khi vắng đi tiếng cười. Duy chỉ một điều, là tên của ba chưa bao giờ được nhắc đến trong nhà.
Con quen cô ấy, một cô gái không quá xinh xắn, tính tình hơi vụng về, nhưng con yêu cô ấy nhiều lắm ba à, cô ấy cũng yêu gia đình của con nhiều lắm, cuối tuần cô ấy hay đến nhà, nấu cơm cho ông bà và mẹ ăn, đôi lúc con đi công tác dài ngày, cô ấy còn ở hẳn để trò chuyện với ông bà và mẹ cho đỡ buồn. Cô ấy mồ côi, nên con luôn cố cho cô ấy một cảm giác gia đình thực sự, mặc dù con cũng không có một gia đình trọn vẹn. Chúng con định cưới nhau, sinh cho mẹ đứa cháu thật bụ bẫm, nhưng không may, mẹ lại sớm rời xa con. Con vẫn nhớ như in cái đêm đông lạnh lẽo ấy, ông bà ngoại, con và cô ấy ngồi xung quanh mẹ. Mẹ mỉm cười nhìn một lượt khắp mọi người rồi chậm rãi nói:
"Dài ngắn có số, tươi héo bởi trời, con đi trước cha mẹ, âu cũng là số phận. Cha mẹ cứ vui vẻ tuổi già bên cháu. Tuấn và Huyền, mẹ không thể chờ tới ngày hai đứa cưới và bế con của hai đứa được rồi, hai đứa hãy sống thật hạnh phúc, mãi luôn yêu thương và nhường nhịn nhau, cùng chăm sóc ông bà ngoại nhé con.
Rồi mẹ nắm chặt lấy tay con:
"Hãy là người đàn ông tốt con nhé, đời này của mẹ không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, con đã thấy đấy, vì thế hãy đối xử tốt với người đàn bà đầu ấp tay gối với mình"
"Và nếu được, con hãy tha thứ cho ông ấy..."
Hơi thở mẹ yếu dần và tắt đi, nhưng gương mặt mẹ mãn nguyện lắm ba à!
Thật ra bao nhiêu năm nay con không hề hận ba, nhưng thực sự là dường như trong con đã không còn hình bóng của ba mất rồi, chỉ khi nội nói thì con mới sực nhớ ra là mình có một người ba đã bỏ lại gia đình hai mươi năm nay:
"Ông bà nội già rồi, không biết có đủ sức để đến dự cưới con không, phía nội cũng không có ai thân thích, hay con thử nói ba con đến, chứ đám cưới mà lại không có lấy được mấy người thân"
Con suy nghĩ nhiều lắm ba à, nhưng cuối cùng, con quyết định viết thư này và nhờ người quen gửi đến tận tay của ba.
Con không biết hai mươi năm nay, có giây phút nào ba nghĩ đến mẹ con con chưa?
Con có nghe bà nội kể về ba, nội có nói ba mong muốn gặp lại hai mẹ con con, nhưng mẹ thì mất rồi, còn con thì vẫn chưa đủ dũng khí để nói lời tha thứ.
Con hy vọng, trong tương lai, con sẽ thực hiện được lời của mẹ trước lúc ra đi đó là tha thứ cho ba.
Thôi, con phải chuẩn bị cho ngày cưới của con, con sẽ sống thật hạnh phúc, sẽ yêu thương vợ con thật nhiều, sẽ khiến người phụ nữ bên cạnh con không phải thấy hối hận vì đã chọn con để gắn bó.
Tạm biệt ba,
Tuấn