BIẾT BẰNG TRÁI TIM
Tôi đã từng nghe rất nhiều người nói: “Những gì bạn làm cho người khác là bạn cũng làm cho chính mình”.
Lúc đầu tôi rất bối rối, vì câu nói đó khiến tôi cảm thấy mình ích kỷ. Ý tôi là, tôi thích giúp đỡ người khác, nhưng gia đình tôi gần đây có nói rằng tôi luôn đặt người khác lên trước. Họ còn nói rằng đó là một trong những điểm yếu của tôi.
Tôi thích đến thăm những viện dưỡng lão. Tôi thích dành thời gian cho người già. Họ là những mỏ vàng. Họ đã đi trước tôi rất nhiều trên con đường cuộc sống và tôi muốn biết những gì họ đã được học, để chính tôi cũng học được những lựa chọn đúng.
Tôi đã từng nghe một buổi thuyết trình vào nhiều năm trước. Trong đó khán giả được hỏi: “Các bạn nghĩ rằng bất động sản ở đâu trên thế giới là giá trị nhất?”.
Nhiều cánh tay giơ lên và đưa ra tên những thành phố lớn, những khu nghỉ dưỡng và cả những vị trí đắc địa trên thế giới.
“Các bạn nghĩ tốt lắm” – diễn giả nói – “Bất động sản giá trị lớn nhất là những nghĩa trang. Được chôn ở đó là những giấc mơ có thể đã thay đổi được thế giới, thậm chí có thể chữa được những căn bệnh khủng khiếp. Những người đó đã có thể chữa được những căn bệnh khủng khiếp. Những người đó đã có thể tạo nên sự khác biệt cho thế giới nhưng chưa bao giờ nắm lấy cơ hội. Rất có thể vì đã không ai lắng nghe họ”.
Tôi đã nghe. Nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn hiểu được giá trị của những gì mình làm, hoặc hiểu được tác động của những điều đó.
Chỉ đến một chuyến thăm viện dưỡng lão gần đây, tôi mới nhận ra những nỗ lực của mình đã tạo nên những khác biệt đối với những người mình đã gặp.
Sau một buổi giúp đỡ dọn vệ sinh và lấy thức ăn cho những người già, tôi đứng nghỉ ngơi hóng gió ở hành lang.
- Anh khỏe không? – Tôi chợt nghe có ai đó hỏi.
- Tôi ngó quanh nhưng ko thấy ai.
- Ai ở đâu vậy? – Tôi vừa mỉm cười vửa hỏi.
Thế rồi tôi nghe thấy một tiếng cười yếu ớt trong góc hành lang.
Đó là một bà cụ ngồi trên chiếc ghế bành kiểu cổ. Mái tóc bà bạc trắng và được chải gọn, phản chiếu ánh sáng từ cửa sổ.
- Rất vui được gặp anh – bà ấy nói – Tôi rất vui vì anh đến thăm
Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe bà ấy nói vậy. Trước đây tôi chưa từng tới viện dưỡng lão này. Có thể bà ấy được chuyển tới từ một nơi nào khác và bà ấy nhớ tôi?
- Anh luôn làm cho tôi cảm thấy vui hơn – bà cụ nói thêm.
Tôi im lặng một chút, cố vắt óc nhớ xem chúng tôi từng gặp nhau ở đâu. Thường thì tôi rất thích nhớ những cái tên. Khi bạn nhớ tên người khác, bạn sẽ khiến họ thấy thích thú.
Thế rồi tôi hỏi:
- Cháu gặp bà lần gần nhất là lúc nào ạ?
- Ồ, chúng ta chưa từng gặp nhau – bà c đáp – nhưng tôi biết anh bằng trái tim.
Lạ chưa. Chúng tôi chưa từng gặp nhau, nhưng bà ấy biết tôi bằng trái tim. Hẳn là khuôn mặt lung túng của tôi khiến bà cụ quyết định giải thích rõ hơn:
- Có một điểm chung rất dễ nhận thấy ở những người như anh. Đó là những người sẵn sàng đón nhận thế giới. Khi anh bước vào một căn phòng, anh sẽ khiến những người trong phòng muốn mỉm cười và cảm thấy trái tim ấm áp. Những người như anh thường mang tới ánh nắng và âm nhạc. Ngay cả khi anh không mang theo gì thì anh cũng để lại rất nhiều điều.
- Cảm ơn bà vì đã nói như vậy – tôi ngại ngần đáp – Khi bà bảo “tôi biết anh bằng trái tim”, cháu lại tưởng cháu đã từng gặp bà.
- Những người giống nhau thường nhận ra nhau bằng trái tim – bà cụ nói – Tôi cũng là người luôn đặt người khác lên trước.
- Cháu từng nghe nói “Những gì bạn làm cho người khác là bạn cũng làm cho chính mình” – tôi chia sẻ.
- Tôi là một bằng chứng sống đây – bà cụ đáp – Anh thấy đấy, sau tất cả thời gian của cuộc sống, sau tất cả những quan tâm mà tôi dành cho mọi người, bây giờ lại có những người như anh tới thăm tôi. Và tôi nhận ra anh bằng trái tim. Điều quan trọng là cách nhìn nhận của mỗi người. Nếu anh chỉ nhìn những gì mình cho đi, thì anh sẽ thấy cuộc sống thật bất công. Nhưng nếu anh nhìn những gì mình được nhận, thì anh lại sẽ thấy những điều mình làm là xứng đáng.
Tôi đến viện dưỡng lão để giúp đỡ những người già ở đó. Nhưng hôm ấy, chính tôi lại là người được giúp đỡ và được học một bài học lớn.
BOB PERKS
Đặng Mỹ Dung (Dịch)