Chương 32: Kết nối với thần chết
Đêm tối. Có một người theo dõi Na Lan đi vào cổng sau đại học Giang Kinh, tiếp tục bám theo cô đến trước khu nhà văn phòng, thấy cô trèo qua ô cửa sổ ở tầng trệt.
Cô bé này đã quá thành thạo những trò phi thân trèo tường, thực tế cuộc sống khiến con người thay đổi ghê gớm thật!
Cô ta vào đó làm gì?
Nhưng dù làm gì thì cô ta cũng tuyệt đối không mù quáng vô lối, chắc cô ta đang tìm kiếm thứ gì đó. Vấn đề là cô ta có làm nổi không, cái mà cô ta tìm thấy có thật là thứ “chết người” không.
Hãy kiên nhẫn! Người ấy tự nhủ mình.
Có một điểm ít ra cũng khiến người ấy rất khoái trá: Na Lan đáng thương vẫn tưởng trò chơi “mất tích” của mình có thể che mắt được thiên hạ!
Khác với lần trước cứ phải nơm nớp rón rén từng bước, lần này đi trong bóng tối Na Lan thấy rất bình thản. Chắc là cái trò “mất tích” đã giúp cô có cảm giác an toàn hơn. Hoặc có lẽ là do cô tự an ủi rằng mình đang nỗ lực làm chút việc gì đó sau khi Vũ Hân bị hại, và cũng đang đi đến gần sự thật – điều này thì còn phải chờ xem sao – nhưng ít ra đến giờ cô cũng đã biết thêm được nhiều bí mật của khá nhiều người.
Ngày khai giảng sắp đến nên văn phòng cũng có nhiều thay đổi. Rõ rệt nhất là bàn làm việc của Ninh Vũ Hân đã chuyển tới sát cửa ra vào, khung ảnh và cuốn vở soạn bài vốn đặt trên bàn nay không còn nữa. Cô nhận ra chúng nằm trong ngăn kéo. May mà tối nay mình vào, nếu không rất có thể cái bàn này sẽ bị dọn sạch thậm chí bị chuyển đi.
Cô lần lượt xem xét các thứ trong ngăn kéo: mấy tập vở, từng trang giấy, không bỏ sót một chữ nào. Bút tích của Ninh Vũ Hân không nhiều, chưa đến một tiếng đồng hồ cô đã xem bằng hết.
Cô kéo nốt ô ngăn kéo cuối cùng. Cô đã biết trong này chỉ có vài cái áo. Việc dự phòng một bộ quần áo để thay, là hành động không ngoan của các cô giáo, nhưng với Ninh Vũ Hân thì có lẽ chủ yếu là vì định đi Quảng Đông nên cần nó để cải trang ngay từ trong trường rồi mới xuất phát.
Na Lan kiểm tra cái mũ che nắng, cái áo phông dài tay, không thấy có gì lạ. Cuối cùng là chiếc quần bò bốn túi.
Trong một bên túi sau, Na Lan thấy một tấm danh thiếp: Ninh Vũ Hân, nhà văn, nhà báo tự do, chủ biên tạp chí “Mỵ ảnh tình mê”, hội viên Hội Nhà văn Giang Kinh.
Cô thở dài, chuẩn bị cất vào chỗ cũ, nghĩ sao bỗng lâị phía sau tấm danh thiếp.
Có hai dòng chữ nhỏ, ghi hộp thư điện tử 163 và một dãy số di động.
Là số máy Ninh Vũ Hân đã liên lạc trước khi chết. Số máy mà Lý Thân nhìn thấy trước khi chú em họ Lý Viễn Hâm mất tích!
“Tôi Na Lan, là bạn của Ninh Vũ Hân. Muốn liên lạc với anh (chị). Số máy của tôi là 13564523763”
Đó là nội dung bức thư điện tử mà Na Lan gửi cho người ấy. Cô không biết nhiều, cũng không muốn vội tự giới thiệu thêm, sợ người ấy sinh nghi. Đồng thời cũng không úp mở so dè, khiến họ càng dễ sinh nghi.
Nhấp “send” xong, cô lập tức gọi điện cho Tần Hoài.
Tần Hoài im lặng một lát rồi hỏi: “Cô nghĩ xem làm thế có ổn không? Có nên báo trước cho Ba Du Sinh không?”.
Na Lan: “Tôi cũng hơi do dự, nhưng vì Ba Du Sinh đã có số di động ấy từ lâu, cũng từng gọi điện cho họ nhưng đối phương không tiếp. Rõ ràng vì một lý do nào đó mà người ta không muốn tiếp xúc với cảnh sát.”
“Ví dụ, từng có tiền án.”
“Rất có thể. Thậm chí giữ vai trò chẳng hay hớm gì trong vụ án năm xác chết.”
Tần Hoài nói: “Thế thì, cô liên lạc riêng với kẻ ấy sẽ rất lắm rủi ro.”
Na Lan thấy ấm lòng vì nhận ra Tần Hoài thật sự lo lắng cho cô. Cô dịu dàng nói: “Tôi đang không nấp ở trên đảo, nhưng vẫn an toàn, vả lại cũng chỉ là gửi cho người ấy số máy của tôi, chưa chắc đối phương có đủ tài để từ đó lần ra tôi.”
Tần Hoài lại nghĩ ngợi, rồi nói: “Giả sử liên lạc được với họ, thì dù gấp đến mấy cô cũng đừng một mình đi gặp họ, cứ chờ tôi về đã. Cô phải hứa với tôi điều này, nếu không…”
“Nếu không thì sao?” Na Lan cố ý trêu anh ta.
“Nếu không tôi sẽ nuốt lời hứa, sẽ không đưa cô đi đảo Hải Nam bơi lặn nữa!”
Na Lan cười: “Chỉ có chiêu này thôi à? Được, tôi hứa… à, chờ đã.”
Hộp thư điện tử bảo có thư mới. Hồi âm của một nhân vật bí hiểm kia.
“Tôi biết cô. Cô đang ở đâu?”
Chỉ vỏn vẹn ngần ấy chữ. Không ký tên, không hỏi han gì hết.
Na Lan nói: “Đã trả lời.”
Tần Hoài: “Họ nói gì?”.
“Nói là có biết tôi, và hỏi tôi đang ở đâu.”
Có thể nghe thấy tiếng thở gấp của Tần Hoài ở đầu bên kia: “Liệu hắn có phải hung thủ đã giết Vũ Hân không? Hắn vội vã muốn biết về cô, cũng nhằm trừ khử cô?”.
“Nhưng, tại sao phải thế? Nếu hắn đúng là hung thủ giết Vũ Hân, tại sao hắn không chờ tôi ở nhà Vũ Hân rồi tấn công luôn? Cần gì phải chờ đến bây giờ?”
“Có thể lúc đó hắn thấy thương hại cô. Bây giờ đã khác, vì cô đã biết quá nhiều.”
Na Lan than thở: “Nhưng tôi có cảm giác, ngoại trừ một chuyện bát nháo lộn xộn, thì vẫn chưa biết thêm tình tiết nào về vụ án năm xác chết, vụ việc Diệc Tuệ, vụ án Vũ Hân cả!”.
“Chuyện này không mấy liên quan đến việc cô thật sự biết những gì, mà vấn đề là người ta cho rằng cô đã biết đến đâu. Cô nên nhớ, buổi tối hôm nọ cô lén vào văn phòng của Vũ Hân, đã thu hút mấy tên ma quỷ bám theo.”
“Khiến tôi đành phải làm con ma bí mật!”
“Cô định trả lời họ ra sao?”
“Còn biết làm gì nữa? Tôi được nhiên sẽ hẹn gặp họ.”
“Tôi Na Lan đây.” Chưa đầy ba phút sau khi gửi thư trả lời, di động cô đã đổ chuông, một số máy lạ hoắc gọi đến.
“Tôi đã biết cô.” Nam giới, đặc chất giọng miền Nam, rất trầm và nặng nề, có vẻ như thừa nhận mình có lỗi.
Na Lan định hỏi: sao anh biết tôi? Nhưng cô cho rằng điều này chưa cần thiết. Đối phương nói tiếp luôn: “Ninh Vũ Hân có nói với tôi về cô.
“Trước khi cô ấy chết?”
“Đúng, trước khi chết.” Giọng người ấy trầm trầm hơi run run. Vì đau buồn hay vì sợ hãi?
“Anh quen Vũ Hân à?”
“Không quen, hai bên chỉ liên lạc với nhau thôi. Cô ấy nói mình mắc sai lầm tương đối nghiêm trọng, cho nên không thể gắn bó với Tần Hoài nữa, và cô sẽ sang thế chỗ. Cô ấy còn nó mình sẽ trao đổi kỹ với cô, sẽ cảnh báo cô. Tôi nói như thế, cô có thể yên tâm rồi chứ?”
Vũ Hân đã mắc sai lầm gì? Vì điều tra vụ án năm xác chết? Hay vì yêu Tần Hoài?
“Nhưng tại sao cô ấy tìm ra anh?”
“Không phải cô ấy tìm tôi, mà tôi chủ động tìm cô ấy! Tối biết cô ấy đã đi gặp Điền Uyển Hoa… tôi cũng thừa biết Uyển Hoa đến Giang Kinh rồi liên lạc với Vũ Hân: Uyển Hoa cho tôi biết Vũ Hân đã đến gặp cô ấy. Có điều, Uyển Hoa không biết toi là ai, mà chỉ biết tôi có quen Trảm Quân… Đúng, tôi có quen Trảm Quân và cả Lý Viễn Hâm nữa.”
“Xem ra, anh đúng là người biết rõ mọi tình tiết! Chắc anh đã sớm liên lạc với công an…”
“Không được!” Giọng đối phương bỗng ré lên đến vài quãng tám: “Hế tiếp xúc với cảnh sát là tôi đi đời. Hiểu không? Tôi… có rất nhiều vấn đề, cho nên luôn phải giấu mặt, trốn tránh cảnh sát và trốn tránh cả các vị nữa.”
Na Lan cảm thấy “vấn đề thật sự” đang nằm ở logic của anh ta, nghe không xuôi tai, nhưng trước khi biết rõ sự thật thì cô có căn cứ gì mà phán đoán?
“Bọn chúng là ai?”
“Sao này cô sẽ biết. Tôi và cô cùng điều tra cho rõ, sau đó tôi sẽ đi, còn cô cứ việc giao thiệp với cảnh sát. Nếu tôi chạm trán cảnh sát thì đời tôi coi như tàn.” Na Lan nghe rõ tiếng thở hổn hển ở đầu bên kia, cứ như cảnh sát đang ập tới. “Đôi lúc tôi nghĩ mình bị báo ứng thật, ý tôi là mấy người bị chết kia, và cả tôi nữa, tròn ba năm nay tôi lang thang như cô hồn ở rừng hoang, cũng chỉ vì một buổi tối uống quá chén… nhưng bọn chúng thật sự quá quắt, chúng mới đáng bị trừng phát, bàn tay nhốm đầy máu mà chúng vẫn sống rất ung dung!”
Na Lan nghe ù cả tai, trong đầu cô hiện lên hình ảnh năm cái xác nổi lềnh bềnh. Báo ứng? Tham chén rượu? “Anh có thể tin tôi không?”
“Tôi không thể tin ai. Cho nên tôi không thể nói với cô mọi điều qua điện thoai. Khi Ninh Vũ Hân gặp nạn, tôi bị sốc mạnh… Mẹ kiếp, chúng quá tàn độc… Tôi bám theo cô mấy ngày, thấy cô vào nhà Vũ Hân, rồi nói chuyện với một cậu thiếu niên. Sau đó cô thật sự mất hút, tôi ngờ cô cũng bị chúng khử rồi. Tôi chú ý nghe tin tức các vụ án ở Giang Kinh, đoán rằng có lẽ cô chỉ tạm mất tích mà thôi. Chắc cô đi ẩn nấu, và biết rằng ít ra cô cũng rất thông minh.”
“Chúng ta sẽ gặp nhau như thế nào?”
“Trước hết cô phải hứa rằng chỉ một mình cô đến.”
Hệ thống tàu điện ngầm ở Giang Kinh cứ ba năm lại hoàn thành một tuyến đường, phát triển rất nhanh, đến nay đã có ba tuyến vòng tròn và bốn tuyến đan nhau, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là tuyền vòng một của nội thành xây dựng vào giữa thập nên 80. Đông nhất tuyến này là ga số 1 – có tên là ga đại lộ Nhân Dân. Nó là nút giao thông của cả bốn tuyến đường. Vào những giờ cao điểm – giờ đi làm, thì hành khách chẳng khác gì những làn sóng nối tiếp nhau tràn vào ga.
“Phải công nhận rằng Phùng Cát thật thông minh!” Tần Hoài tặc lưỡi nhìn biển người trôi qua trước mặt. Anh chưa từng dậy sớm chen lên tàu điện ngầm để đi làm, nên không hình dung nổi trong một ngày bình thường ở Giang Kinh lại có thể nhìn thấy lắm dân thành phố như thế này.
Phùng Cát – người mà hôm nay Na Lan sẽ gặp – là nhân vật đã xuất hiện một cách bí hiểm bên Lý Viễn Hâm khi lâm nạn, và cũng được ghi dấu ấn một cách bí hiểm trong những ngày Ninh Vũ Hân sắp lâm nạn.
Ngay sau đây anh ta sẽ xuất hiện bân Na Lan lúc này đang giấu mình, phải chăng cũng là dấu hiệu của cơn vận hạn dành cho “trợ lý thứ ba” là cô?
Na Lan nói: “Tôi nhớ đến câu nói của một thanh niên có chí khí: cao nhân ở ẩn, sẽ ở ẩn ngay tại chốn đông người.”
Tần Hoài nhìn sang cô, ngờ ngợ, rồi hiểu ra ngay: “Đặng Tiêu?”.
Na Lan đánh trống lảng: “Khi bàn với Phùng Cát về địa điểm gặp nhau, tôi đề xuất những nơi vắng vẻ như bờ sông, bờ hồ… nhưng anh ta nhất định đề nghị ở nơi đông đúc nhất; nói rằng nơi đông người là nơi an toàn nhất. Nếu ‘chúng’ nhìn thấy, thì an hta có thể đi lẫn vào đám đông hành khách rồi vào cửa này ra cửa kia… sẽ chuồn mau lẹ. Nhưng với tôi thì lại không an toàn.”
Tần Hoài nói: “Mong sao anh ta sẽ cho cô biết ‘chúng’ là ai, để đỡ phiền hà. Có vẻ như ‘chúng’ luôn có mặt ở khắp nơi, đâu đâu cũng chui vào được.”
“Vấn đề là chắc gì anh ta đã biết ‘chúng’ là ai? Rất có thể mới chỉ là một đầu mối mà thôi.”
“Nhưng tôi vẫn không mấy yên tâm… vì không yên tâm nên tôi đi theo cô, chứ đừng nói là cô đi một mình đến gặp.”
Thực ra Na Lan không muốn thất tín, cô đã nhận lời gặp Phùng Cát, và muốn đi một mình. Nhưng Tần Hoài nhất định không tán thành, ngay hôm đó anh bỏ cả việc làm ở công trường bay về để hộ giá Na Lan, anh vào nghỉ ở khách sạn. Tối qua Na Lan bơi từ đảo sang bên này thì Tần Hoài đã đứng chờ bên bên ô-tô, nói rằng đã thuê phòng khách sạn cho cô. Sáng sớm hôm nay cả hai xuất phát, đến gần cửa sổ 4 ga tàu điện ngầm đại lộ Nhân Dân, sớm trước giờ hẹn ít ra nửa tiếng rồi bắt đầu quan sát. Đã giao hẹn điện thoại: Phùng Cát sẽ mặc áo phông Kappa màu trắng, quần ngắn màu tro, đeo tai nghe; Na Lan sẽ mặt áo sơ-mi cộc tay màu vàng nhạt, quần bò. Lúc này cô khoác thêm chiếc áo chẽn màu trắng, đứng sau quầy bán sách báo và bánh trái để quan sát.
Phùng Cát đến sớm mười phút, ăn mặc giống như đã hẹn, trông không khác gì Lý Thân đã miêu tả, tuổi chưa đến 40, mặt hóp, cằm nhọn, đôi mắt to hơi lồi, anh ta rất cảnh giác. Vẻ mặt thì trên cả mức căng thẳng, nên nói là căng như mũi tên trên dây cung, tuy đeo tai nghe nhưng rõ ràng là nghe nhạc lúc này chẳng hay ho dễ chịu gì.
Na Lan và Tần Hoài kiên nhẫn quan sát thêm vài phút nữa, chỉ thấy Phùng Cát tỏ ra sốt ruột chứ không ra hiệu thông báo gì với ai khác, chứng tỏ anh ta đến một mình. Na Lan nói nhỏ với Tần Hoài: “Được rồi! Anh yểm hộ tôi!” Cô cởi áo chẽn ra đưa cho Tần Hoài rồi đi về phía Phùng Cát.
Đôi mắt Phùng Cát vẫn không ngừng nhìn khắp, và nhanh chóng hận ra Na Lan, anh hơi sững người. Na Lan nhớ rằng anh ta đã nói, sau khi Vũ Hân chết, anh ta từng bám theo cô, khi đó cô để tóc dài, hiện nay sau đợt “chăm sóc sắc đẹp” lại đeo kính râm nữa, anh ta thấy ngờ ngợ là phải. Phùng Cát đã chắc chắn đây là Na Lan, vẻ mặt anh ta đã nhẹ nhõm hơn.
Có một người vẫn căng mắt nhìn Na Lan đi trong biển người, rồi người ấy cũng rảo bước nhan hơn.
Hai mục tiêu, cá và tay gấu (1).
Tuy nhiên có thể khẳng định điều này: Na Lan đang đi vào chỗ chết.
Cả hai rảo bước giữa đám đông đang vội đi làm, nên tạm thời lọt khỏi tầm mắt của người ấy. Khi Na Lan nhìn lại Phùng Cát thì hỡi ôi!
Phùng Cát tay ôm ngực, lảo đảo, một vết máu trên áo trắng đang loang rộng khắp, một con dao cắm trên người anh.
Na Lan đã từng tự chọn học môn giải phẫu, dù không chuyên nghiệp cô cũng nhận ra vết dao đâm trúng tim Phùng Cát.
Cấp cứu!
Xung quanh la hét inh ỏi, Na Lan gọi Tần Hoài: “Mau gọi 110!” rồi chạy đến đỡ Phùng Cát.
Lập tức có cả trăm ngàn người vây quanh, xôn xao bàn tán.
Tại sao lại thế này? Ai đã để lộ thông tin? Có phải “chúng” ra tay không?
Đầu óc Na Lan rối loạn cùng đám đông đang rối loạn, cô cố trấn tĩnh. Đôi mắt hơi lồi của Phùng Cát dần mờ đi. Cô hỏi: “Là kẻ nào?”.
Phùng Cát cố mấp máy, anh bỗng hộc ra hàng vốc máu. Na Lan đoán rằng mũi dao đã xuyên qua phổi cắm vào tim, Phùng Cát đang thập tử nhất sinh.
Anh ta cố nói một điều gì đó nhưng rồi chỉ lắc đầu, môi vẫn động đậy. Na Lan ấp tai nghe, không nghe rõ. “Anh nói lại được không?”.
Tiếng quá nhỏ không thể nghe thấy, nhất là khi đang ở giữa đám đông huyên náo.
“Tôi không nghe rõ.” Na Lan áp tai vào miệng anh, chẳng khác gì đôi nam nữ đang đắng cay vĩnh biệt. Phùng Cát gắng hết sức để nói, nhưng cô chỉ nghe được hai tiếng “hộp thư”.
Hộp thư. Đó là hai tiếng cuối cùng của Phùng Cát.
Chú thích
(1): Cá và tay gấu: ý một câu của Mạnh Tử “cá và tay gấu đều là món ngon, không được cả hai, chỉ có thể chọn một.”