nhanh hơn rất nhiều. Biên giới hai nước Khương, Trần là một mạch núi chạy dài. Vì dân bản địa thường đào được ngọc bích trong núi nên gọi là Bích sơn. Chúng tôi nghĩ, nếu là nguyên nhân đó tại sao không gọi là Ngọc sơn? Hỏi những cư dân trong trấn, mọi người đều đoán là có thể vì chữ “Bích” nhiều nét hơn, nghe có vẻ rất văn hoa.
Chúng tôi đến đúng vào mùa đông, cả dãy Bích sơn phủ tuyết trắng xóa, ở đây thường xuyên có tuyết lở. Ngoài những thợ săn có kinh nghiệm, hầu như không ai dám vượt núi vào mùa đông. Lúc này, chúng tôi men theo những con đường nhỏ trên núi, vừa đi vừa thưởng thức cảnh đẹp hai bên đường, thực là vui tai vui mắt. Trên núi có những con suối nhỏ chảy róc rách, tôi dùng ống bương đang cúi xuống định múc nước, chợt dừng lại. Quân Vỹ ngồi bên cạnh vục nước suối rửa mặt, lấy tay áo lau xong, nhìn thần sắc của tôi, thấy lạ hỏi: “Sao thế?”.
Tôi chỉ tay về phía trước, sau bụi tường vi dại: “Kia kìa, huynh nhìn đi, nhìn kỹ đi, xem người ta hoa nguyệt thế nào, tích lấy ít tư liệu mà viết tiểu thuyết”. Quân Vỹ nhíu mày nhìn theo hướng tay tôi.
Đó là một đôi trai thanh gái tú đang yêu đương nồng nàn. Nam vận áo chùng gấm, nữ diện váy vân mây. Vì khoảng cách khá xa, nên không nhìn rõ mặt, chỉ thấy dáng hình, nam mạnh mẽ như cây trong gió, nữ yểu điệu như liễu dưới trăng. Phía sau họ là một rừng hoa không rõ tên, một con ngựa béo tốt buộc dưới gốc cây cổ thụ bên cạnh. Chúng tôi phải để mắt trông chừng Tiểu Hoàng, hai mắt nó sáng quắc, hau háu nhìn con ngựa, quả nhiên nó đã thèm rỏ dãi, Quân Vỹ chộp gáy nó ấn xuống, nó đành đứng yên. Chàng trai cúi xuống hái một bông tường vi, cài lên tóc cô gái. Cô gái vươn tay ôm lấy chàng, hai người dán vào nhau…