Làm Dâu Nhà Phú Ông

Chương 78:


trước sau

Hai canh giờ sau khi gây lộn với cậu, mợ vẫn thấy mợ đúng. Từ canh giờ thứ ba trở đi thì bắt đầu hơi hơi hối hận. Ôi chao đúng kiểu giận quá mất khôn!

Chuyện là trưa nay ngoài Trấn đường cậu cùng các quan thảo luận phương án phòng chống lũ lụt thì ở nhà mấy bà vợ tụ họp liên hoan. Đang ăn uống vui vẻ bỗng con Thư đỡ mợ Quyên loạng choạng đi ra, tự dưng không đâu mợ ba lại hỏi mợ đọc xem thơ mợ ấy viết có hay không?

Trước mặt bao nhiêu khách quý mợ đành giả bộ suýt xoa ca ngợi, nào có ngờ cả bàn ăn cười phá lên rồi thì thụt nói xấu mợ, cư nhiên mợ thành kẻ thừa, ngây ngốc như một con dở. Mãi tới khi người làm bê tổ yến lên, rồi nom thấy dáng mợ Thuỳ thanh mảnh đi tới họ mới thôi đùa cợt. Đến trưa mấy đứa phòng quản gia thì thụt méc mợ chẳng có thơ thẩn gì sất, chỉ có hàng chữ viết gọn lỏn.

"Mợ hai nửa chữ bẻ đôi cũng không biết. Mợ hai ngu như bò đội nón."

Mợ hận dễ sợ, chỉ muốn lao vào băm vằm cắn xé mợ ba, mỗi tội nghĩ tới vụ mới bị phạt quỳ nên đành kiềm nén hít một hơi thật sâu cho đỡ bực, rồi hừng hực khí thế rủ con Quế xuống phòng học chữ.

Cả cái trấn này chắc có mỗi phủ của cậu dạy chữ cho kẻ hầu người hạ, là đề xuất của mợ Thuỳ, cậu thấy hợp lý nên ưng chuẩn ngay. Ban đầu có mợ ở đấy tụi nó hơi khép nép ngại ngùng, nhưng xong thấy tính mợ xởi lởi dễ gần chứ không xa cách như mợ cả mợ ba thì thả lỏng hơn hẳn, mấy cái chiếu trải kín nền nhà, người làm với chủ ríu rít như cá mè một lứa.

-"Cái nét này đẹp ghê ý, mày viết sao mày chỉ mợ với?"

 

-"Mợ phải cầm bút cho chắc vào, rồi dứt khoát đưa một đường từ trên xuống dưới."

Mợ lân la hỏi han chữ vừa học là chữ gì, có đứa ghé tai mợ giảng giải rất nhiệt tình, mợ thích chí vỗ vai nó tán thưởng. Mải mê quá nên mãi sau mới biết người ngồi cạnh mình chính là trưởng nam nhà Thái phó. Cậu này tính mê gái mợ ấn tượng suốt từ đợt gạ mợ làm bà năm, đến giờ vẫn còn gạ đó, chả đường hoàng gì sất.

Cậu Nguyễn Minh từ nhỏ sống nơi phồn hoa nhộn nhịp đâu có thiếu gái, ngặt nỗi chưa từng thấy ai đẹp như Trâm cả, đẹp lạ lùng luôn. Chẳng mảnh dẻ như bà cả nhà cậu, cũng chẳng eo ót như bà tư hay yểu điệu thoát tục như Minh Thuỳ, người nó cứ nần nẫn ấy, khúc nào ra khúc nấy nom chỉ muốn nổ mắt. Vẫn biết là vợ hai của em rể rồi, cơ mà cứ liếc qua thôi lại chực nhỏ nước dãi.

Cái thứ gì đâu, cuốn hút cả thân hình lẫn tính cách. Khi còn chưa nhận ra cậu thì hồ hởi quấn quít, hỏi nọ hỏi kia. Khi ngoảnh sang biết biết rồi, nghe cậu tỉ tê dụ dụ ngay lập tức nổi trận lôi đình.

Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ mới có người dám chửi cậu, dám lớn tiếng nhiếc cậu phận nam nhi mà chẳng đứng đắn, nhân cách thua xa em gái. Ôi, cậu nghe sao mà bùi tai đến thế! Giá kể cậu gặp Trâm sớm hơn vài ba năm, nhất định cậu sẽ bắt về bằng mọi giá.

Mợ mắng chán thì ôm giấy bút bỏ về. Con Quế chạy theo thì thà thì thụt.

-"Ban nãy con thấy cậu hai đứng ngoài cửa phòng, tay còn cầm theo túi dưa lê, con định qua gọi mợ mà thế nào ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng thấy bóng cậu đâu."

Dưa lê á? Hồi xưa thi thoảng con Trang hay đem sang cho mấy quả, đất thôn bên đó tốt, trồng được giống dưa thơm lừng, cắn một miếng ngọt lịm cả người. Khi ấy mợ cứ ăn dưa là cười tít mắt, mợ thích ghê lắm, không ngờ cậu vẫn còn nhớ. Lòng mợ chợt ấm áp lạ thường, hớn hở đem giấy qua thư phòng cậu, tíu tít khoe khoang.

-"Chữ đẹp chưa nè cậu hai nè, mới học buổi đầu tiên thôi đấy, thấy tôi giỏi không? Dưa đâu thưởng cho tôi đi!"

Mợ hí hửng đợi chờ, ai ngờ dưa thì chả thấy đâu, chỉ thấy mặt cậu đen ngòm, cau có cầm giấy xé vụn. Mợ biết so với mợ Thuỳ thì chữ mợ cũng chỉ là giun là dế. Nhưng khen một câu mất gì đâu? Không thì nói chưa được tròn trịa thanh thoát lắm, lần sau cố gắng hơn.

Chẳng phải vừa xong đi tìm mợ hay sao? Vì đâu chưa đến một canh giờ thái độ đã quay ngoắt, nổi cơn tam bành hung hãn? Ơ mà nghĩ lại hung hãn phải chỉ mợ mới đúng, còn cậu, thực chất chưa từng nặng tay với mợ. Nhưng thế mới khiến mợ nổi đoá, tại cậu kiệm lời, tại cậu lạnh nhạt, hại mợ trốn sau bụi chuối khóc rưng rức.

Con Quế xót ruột đem cho mợ quả xoài xanh an ủi. Càng ở lâu với mợ Trâm nó càng quý, càng phục. Mợ kiên cường ghê lắm, hôm trước thấy mợ ba đem người tới bắt mà không hề nao núng, còn nhanh trí đảo ngược tình thế. Có bữa mợ buồn, mợ kêu đắng miệng, nhưng mợ vẫn cố ăn, mợ bảo sợ gầy nhom xấu xí cậu chê. Mợ còn kể nhiều lúc muốn bỏ đi, ngặt nỗi chả ưng ai nhiều như ưng cậu, sợ đi rồi đêm đêm lại khóc vì nhớ cậu thì khổ, một phút dại khờ uổng bao nhiêu ngày chờ mong.

 

Với cả nghĩ tới bu cùng các em ở quê sống sung túc hơn nhờ tiền mợ gửi về hàng tháng nên thôi. Mình chán cuộc sống của mình nhưng nếu cuộc sống đó có thể giúp người thân của mình hạnh phúc thì lại thấy có ý nghĩa, lại tiếp tục cố gắng.

Mợ cười gượng, khệ nệ đứng dậy rủ Quế ra ngoài trấn chơi. Mợ cố ý mặc vải nâu cho người ta bớt nhận ra vợ Trấn thủ. Vừa ra khỏi cổng thì gặp kiệu của cậu Minh, mời mọc nhiệt tình kinh lắm, nhưng mợ còn lâu mới thèm ngồi. Mợ cùng Quế lang thang khắp chợ nọ chợ kia, cầm theo cả đống bạc mua sắm điên cuồng. Chiều tối nghĩ cậu bên mợ cả nên mợ chẳng về nữa, thuê hẳn phòng trọ khang trang nhất, đặt tiệc thịnh soạn, thỏa thích thưởng thức.

Mợ mải vui, mợ nào có biết ở nhà Húng phải chịu trận lôi đình. Cậu hỏi mợ đang làm gì? Nó chỉ còn nước tỉnh bơ giả ngốc.

-"Dạ bẩm cậu, mợ cả đang thêu yếm, còn mợ ba chơi chuyền với tụi con Thư."

Tay cậu đập bàn đánh rầm, nó giật mình thon thót. Cậu đập thêm phát nữa, nó sợ toát mồ hôi hột, lặng lẽ nhìn theo vệt máu ban sáng đã ngả nâu thẫm. Đó, thành quả của mợ hai đó. Thử hỏi có ai ác ôn như mợ, chồng trọng thương mà cứ đấm rầm rầm như quân thù quân hằn.

Khoảng một khắc sau con Phượng đem thuốc mới sắc xong qua phòng, khép nép đặt trên bàn cậu, cậu hỏi thì nó dại mồm khai thật rằng lúc chiều vừa thấy mợ nói gì với cậu Minh ngoài cổng, xong đi đâu thì không biết. Nó vừa dứt lời, bát thuốc bị ném bay ra ngoài cửa sổ, máu trên áo cậu cũng lan dần thành mảng lớn, đậm một màu đỏ sẫm.


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!