Bạch Hổ Tinh Quân

Chương 9: Chương 9


trước sau

Cuối thượng tuần tháng tư, Tử Khuê và Thiết Đảm Hồng Nhan TốngThụy rời La Sơn. Trong hơn tháng qua, Trung Thiên Tôn ra sức tài bồi kiếm thuật cho Tử Khuê.

Khác với Vu Mộc Chân Nhân, sở trường của Trần Ninh Tĩnh là nghề đánh kiếm. Ông luyện kiếm đã gần tám mươi năm, tiến đến cảnh giới thượng thừa của kiếm đạo. Có thể nói rằng Vu Mộc Chân Nhân là ma quyền thuật còn Trung Thiên Tôn chính thị bậc kiếm vương.

Ông không dạy Tử Khuê kiếm chiêu mà chỉ giảng giải về cái thần khí của kiếm thuật, tức là lẽ biến hóa. Yếu quyết này cực kỳ vi diệu, cao siêu, chỉ những bậc đại trí tuệ, bẩm sinh ngộ tính thượng đẳng mới có thể hiểu được.

Trung Thiên Tôn đã sớm thu Tống Thụy làm đệ tử và truyền thụ yếu quyết này. Nhưng tiếc thay, nàng chỉ thuộc hàng tiểu thông minh nên không thể tiếp thu được. Nay thấy Tử Khuê dễ dàng hiểu thấu những điều mà mình mù tịt thì Tống Thụy vô cùng thán phục. Và vì nàng là một nữ nhân mang bản chất nam nhi nên không hề ganh ghét, đố kỵ.

Được thụ giáo bậc kỳ nhân, Tử Khuê vô cùng phấn khởi, vui vẻ gánh vác sứ mạng mà Trung Thiên Tôn giao cho. Chàng sẽ phải so tài với hai truyền nhân của Bắc Thiên Tôn và Nam Thiên Tôn vào ngày rằm tháng mười sang năm. Tử Khuê đã có sư phụ nên không thể gọi Trung Thiên Tôn là thầy. Chàng bèn lạy chín lạy, xưng nghĩa tử. Với danh phận ấy, chàng mới được quyền đại diện Trần Ninh Tĩnh.

Mối duyên phụ tử này do Tử Khuê tự nguyện đề xuất vì Trung Thiên Tôn đã có ý định bỏ cuộc phó ước giữa tam tôn. Ông là bậc Chân Nhân đạt đạo, chẳng còn xem trọng hư danh nữa. Ông dạy kiếm đạo thượng thừa cho Tử Khuê là vì không muốn tâm huyết một đời bị mai một, thất truyền.

Nhưng khi tình cờ nghe Tống Thụy kể lại cái hẹn rằm tháng mười, Tử Khuê cho rằng mình có nghĩa vụ phải thành toàn ý nguyện nhỏ nhoi ấy để đáp đền ơn truyền tuyệt học.

Trung Thiên Tôn rất ngạc nhiên và vô cùng cao hứng khi cuối đời có được đứa con nuôi thông tuệ, khôi ngô, cốt cách anh hùng cái thế.

Lúc này, Tử Khuê mới khai rõ lai lịch, tính danh, tuổi tác thực. Thời gian qua, Thiên Tôn không hỏi nên chàng không có dịp nói ra. Và khi Tử Khuê định gọi Tống Thụy là sư tỷ thì Trần lão không cho. Ông cười mát bảo:

- Ngươi đúng là một ngốc tử. Ta lớn hơn lão Tống Nhiên mấy chục tuổi thì ngươi phải ở vai anh mới hợp đạo lý. Hai là, nữ nhân chẳng bao giờ muốn được gọi bằng chị, nghe già nua lằm. Hãy cứ để Thụy nhi xưng tuổi muội như cũ hay hơn.

Rồi lão nheo mắt hỏi Thiết Đảm Hồng Nhan:

- Sư phụ quyết định như thế có đúng ý con không hở?

Tống Thụy cố tỏ vẻ thản nhiên song ánh mắt không giấu được nỗi thẹn thùng. Nàng giả vờ hờ hững đáp xuôi:

- Đồ nhi đã quen phận làm em, chẳng cần phải thay đổi nữa.

Và nàng ôm quyền vái:

- Tiểu muội vui mừng có được một sư huynh như Quách công tử.

Tử Khuê lúng túng đáp lễ:

- Ngu huynh trẻ người non dạ,quả không xứng làm anh. Nhưng oan gia đã dạy thế thì mong rằng sư muội đừng buồn. Sau này, ngu huynh còn phải học hỏi sư muội rất nhiều.

Tống Thụy chưa kịp nói vài lời khiêm tốn thì Trung Thiên Tôn đã cười ha hả, cao hứng bảo:

Đúng thế! Đúng thế! Sau này Thụy nhi phải luôn sát cánh với Khuê nhi mà hành hiệp. Giang hồ hung hiểm tuyệt luân, xảo quyệt khôn lường, nếu để một mình gã vừa ngây thơ vừa xui xẻo đi một mình thì lòng già này chẳng yên tâm.

Nói xong, ông nháy mắt với Tông Thụy, hàm ý tác thành duyên nợ cho đôi trẻ.

Thiết Đảm Hồng Nhan hiểu ý ân sư, lòng ngập tràn nỗi xuyến xao và bối rối. Dẫu biết rằng phận nữ nhi là phải xuất giá, nhưng bao năm qua trái tim này vẫn chưa hề rung động mãnh liệt trước một nam nhân nào. Ngay cả đối với Tử Khuê cũng vậy, sau gần tháng tiếp cận, nàng chỉ thấy mến mà thôi. Phải chăng tình yêu cần có thời gian để đơm hoa kết trái? Nàng mến Tử Khuê hơn bất cứ nam nhân nào đã từng gặp nên hy vọng rằng sẽ yêu được chàng.

Ý nguyện này xem ra có cơ hội thành tựu, lúc hai người xuống núi thì tình cảm của Tống Thụy dành cho Tử Khuê đã thắm đượm hơn môt bậc. Nhưng nếu gọi là yêu thì chưa hẳn.

Giờ đây, đôi trai gái đồng hành trên đường thiên lý, lòng ngổn ngang những cảm giác mơ hồ, chẳn thể xác định được.

Trong tình yêu, nam nhân không tinh tế, nhạy cảm bằng nữ nhân. Họ thường hồ đồ, thiếu sáng suốt, chẳng hiểu rõ lòng mình cũng như lòng bạn gái. Có nhiều chàng trai ngốc đến nỗi khi mất nhau rồi mới biết mình đã yêu tha thiết.

Nhưng tục ngữ có câu: "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén". Chúng ta cứ để thời gian và hoàn cảnh làm cônng việc của mình. Giờ chúng ta sẽ bám theo đôi nam thanh nữ tú ấy, trên con đường ngàn dặm từ La Sơn đến Nghiệp thành.

Trước tiên, họ phải qua Tín Dương ở phía tây La Sơn. Sau đó đi chếch hướng tây bắc để đến Nam Dương và từ Nam Dương họ sẽ thẳng đường về đất Nghiệp.

Cuối tháng tư, Tử Khuê và Tống Thụy có mặt trong thành Nam Dương ghé vào Bạch Hà đại tửu lâu dùng bữa trưa. Sông Bạch Hà chảy qua mạn hướng Đông Thành, là một bộ phận gắn liền vời đất Nam Dương, nên tên của nó được nhiểu lâu quán ưa chuộng. Đối diện Bạch Hà đại tửu lâu còn có Bạch Hà đại lữ điếm, Bạch Hà lạp vị gia.

Ở vùng Hoa Trung, bốn mùa rõ rệt, Hạ về đúng hẹn nên nắng vàng chói chang và hoa lựu nở khắp nơi, rực rỡ ánh hồng.

Tầng trệt của Bạch Hà đại tửu lâu đông nghẹt thực khách vì dưới này mát mẻ hơn lầu trên, và người ta có thể vừa ăn nhậu vừa ngắm cảnh vườn hoa xung quanh qua những khung cửa sổ rộng.

Trưa nay, trong tầng dưới tửu lâu có khá đông khách võ lâm, chứng tỏ rằng Nam Dương đã xảy ra một biến cố lớn hoặc một đám gì đó. Người Trung Hoa rất hào sảng, rộng rãi và thích ồn ào. Dẫu đám ma, đám cưới, đám giỗ, đám thượng thọ, họ cũng cố tổ chức ăn nhậu và mời mọc khắp nơi, tuy chỉ có một chút dây mơ rễ má hoặc sơ giao.

Người được mời không thể không đi và sau này có dịp thì mời lại. Kết quả là mỗi năm họ phải đi dự hàng chục, hàng trăm đám tiệc vừa tốn kém ngân lượng vừa mất thời giờ. Giàu thì không sao, chỉ tội cho những người nghèo mà có chút thanh danh ở địa phương, văn võ gì cũng vậy. Nhiều khi vợ con đói meo mà một vị tú tài hay ngài đại hiệp nào đó phải cầm cố, vay mượn để có tiền đi đám.

Tử Khuê và Tống Thụy vào đến một bàn trống, cạnh tường Đông, lột nón rộng vành và an tọa. Lúc này, bọn hào khách trong quán mới nhận ra Thiết Đảm Hồng Nhan Tống Thụy. Có nhiếu người quen biết nàng, khấp khởi mừng, song không vội hô hoán. Họ khá bỡ ngỡ khi thấy nàng nữ liều mạng kia đồng hành với một Hán tử râu ria, oai võ, thân thể cao to. Tống Thụy tính tình cởi mở, quảng giao nhưng ít khi đi chung với nam nhân.

Nhưng có một kẻ hoặc đã hơi say hoặc vì quá ái mộ Thiết Đảm Hồng Nhan nên không thể nén lòng, lập tức đứng lên bước đến chào hỏi.

Đấy là một nam nhân tuổi độ hai mươi bảy, hai mươi tám, người mảnh khảnh, tầm vóc trung bình, mặc trường bào gấm màu nâu, hông mang kiếm, tay cầm quạt lụa…

Trông ra dáng một kẻ xuất thân kim ốc. Dung mạo khá anh tuấn dù cằm hơi lém và mắt hơi lớn, điểm chút nữ tính.

Gã là kẻ có thanh danh chốn võ lâm nên phong thái không khỏi có phần tự mãn. Lư Công Đán là ái tử duy nhất của Lư Tài Thần đất Dụ Châu, nằm giữa Nam Dương và Nghiệp thành. Gã còn là đệ tử tục gia ưu tú của phái Hoa Sơn, võ nghệ cao cường hai mươi tuổi đã nổi danh Tây Nhạc Kiếm Khách.

Giới cao thủ lớp trẻ đương đại có năm người xuất sắc, được giang hồ võ lâm gọi là "Võ lâm Ngũ Tú". Tây Nhạc Kiếm Khách Lư Công Đán ở trong số ấy.

Ngũ Tú gồm: Võ Đương Thần Kiếm Mộ Duy Lộ, Nga Mi Nhất Kiếm Lạc Y Thường, Tây Nhạc Kiếm Khách Lư Công Đán, Đông Nhạc Tiên Hồ Dịch Tái Vân, Thiếu Lâm Thần Côn Lã Hoa Dương.

Cách xếp đặt thứ tự trên chẳng phải dựa vào bản lĩnh võ công, những người này chưa hề tỷ thí với nhau.

Trở lại với Lư Công Đán, ta sẽ thấy gã hớn hở ôm quyền thi lễ và ngọt ngào nói với Thiết Đảm Hồng Nhan:

- Tống cô nương! Đã hơn năm trời cách biệt, lòng tại hạ xiết bao nhung nhớ. Nay tình cờ được tái ngộ cố nhân, Lư mỗ cao hứng phi thường. Các huynh đệ Hà Nam cũng nóng lòng muốn được cùng Thiết Đảm Hồng Nhan uống chén tương phùng, nên cử tại hạ qua đây mời Tống cô nương và vị đại huynh này sang bàn bên ấy.

Rồi gã vái Tử Khuê, tươi cười bảo:

- Tiểu đệ là Lư Công Đán, bằng hữu của Tống nữ hiệp, xin đại huynh chớ ngại.

Tử Khuê bị bộ râu rậm rì làm cho già đi nên dung mạo trông như đã gần ba mươi. Do đó, Lư Công Đán mới gọi chàng là anh và xưng tiểu đệ. Việc này khiến Tử Khuê rất ngượng ngùng, lúng túng đáp:

- Tại hạ họ Hàn, tên Thiếu Lăng. Xinh cảm tạ Lư thiếu hiệp đã có lời mời mọc nhưng việc này…

Chàng chưa dứt lời thì Tống Thụy xem vào, nàng ôn tồn bảo họ Lư:

- Lư huynh cứ về bàn trước đi. Tiểu muội ăn vài chén với Hàn sư huynh xong sẽ sang cùng chư vị đối ẩm. Đói bụng thì uống rượu sẽ mau say.

Lư Công Đán lộ vẻ kinh ngạc:

- Té ra Hàn đại huynh đây là sư ca của cô nương đấy sao? Lư mỗ thật là thất lễ.

Gã đi rồi, Tử Khuê dịu giọng bảo Tống Thụy:

- Sư muội không cần phải ăn chung với ta, cứ sang với họ đi!

Và chàng mỉm cười:

- Sư muội chớ nên phụ lòng ưu ái của Lư công tử. Ta đoán rằng gã đã say mê muội từ lâu rồi.

Tuy làm ra vẻ thản nhiên song trong thâm tâm Tử Khuê lại rối bời một cảm giác khó gọi tên. Chàn thầm mong Thiết Đảm Hồng Nhan sẽ không sang với Tây Nhạc Kiếm Khách mà ở lại với mình.

Tống Thụy nhìn sâu vào mắt chàng, điềm đạm đáp:

- Cố tri tái hội tất phải uống vài chén tương ngộ. Hơn nữa, bọn họ hầu hết đều quen biết với tiểu muội chứ chẳng phải mình Lư Công Đán. Nhưng nếu sư huynh không muốn dồn bàn với họ thì tiểu muội cũng đành chờ dịp khác vậy.

Tử Khuê nghe câu nói tế nhị hợp tình hợp lý ấy thì đâm ra hổ thẹn. Chàng tự trách mình:

- Bậc trương phu sao lại có thể hẹp hòi như thế được? Dẫu ta và Tống tiểu thư đã là một đôi tình lữ thì cũng không thể cấm nàng vui với bạn bè, huống hồ song phương chẳng có một mối dây luyến ái.

Nghĩ thế nên lòng chàng thanh thản lại, cười rất tươi:

- Ta cũng muốn cùng sư muội sang đấy cho vui song chỉ sợ làm họ mất tự nhiên.

Tống Thụy rất hài lòng, dịu dàng nói:

- Bọn họ đều hào sảng, khoáng đạt, hảo tửu, tất sẽ rất vui khi có mặt sư huynh. Chúng ta đi thôi.

Hai người thu nhặt tay nải và nón tre, bước về phía khu vực trung tâm tửu quán, nơi bọn Lư Công Đán đã bày tiệc mới.

Bàn bát tiên thường có mặt hình vuông, chân hơi cong. Nhưng ở các lâu quán, bốn chân bàn được làm rất thẳng để khi cần có thể ghép nhiều bàn lại với nhau.

Giờ đây sáu chiếc bàn kề vai sát cánh, thừa chỗ cho hai chục người ngồi quanh. Chén đũa, thức ăn đều mới dọn lên, nghi ngút khói và thơm ngậy. Bọn Lư Công Đán hân hoan đứng cả dậy đón chào cố hữu.

Thiết Đảm Hồng Nhan là bậc anh hùng trong giới quần thoa, tính tình cương nghị, sảng khoái như đàn ông, nhưng ngôn từ, cử chỉ lại chẳng kém phần thùy mị, tinh tế.

Về nhan sắc thì Tống Thụy xứng danh mỹ nữ, mắt bồ câu đen lay láy, mũi dọc dừa thẳng tắp môi anh đào mong mỏng có đường viền gọn ghẽ. Bình thường, gương mặt trái xoan kiều diễm ấy hơi phảng phất nét buồn. Nhưng khi nàng cười thì dung nhan rực rỡ khách thường và làm say đắm lòng người. Răng nàng không đều, có một hai chiếc răng khểnh, song chẳng hiểu sao những nụ cười hồn nhiên kia lại có nội lực mê hồn đến thế?

Cho nên không chỉ Lư Công Đán mà khá nhiều nam nhân hiện diện ái mộ Tống Thụy. Sau một thời gian tiếp cận họ đều thất vọng, bỏ cuộc vì hiểu rằng trái tim nàng xa lạ với tình yêu nam nữ. Nàng chỉ xem họ như những hảo bằng hữu trên chốn giang hồ, có thể cùng nhau hàn huyên và uống rượu giải khuây, hoặc sánh vai đối phó với kẻ thù nào đó.

Tuy từ bỏ ước mơ giai ngẫu song những người ấy rất vui khi gặp Tống Thụy. Họ hân hoan cười nói, đón chào và bắt cố nhân phải cạn chén trùng phùng.

Tử lượng của Tống Thụy khá cao, dẫu uống nhiều mặt hoa cũng chỉ phớt hồng chứ không đỏ rực. Nhưng dầu sao nàng cũng là nữ nhân được bọn đàn ông khoan nhượng không ép uổng.

Riêng đối với Tử Khuê thì khác, chàng phải cạn liên mười tám chung với những kẻ mới quen. Uống xong, sắc diện Tử Khuê chỉ hơi tái đi và vẫn hoàn toàn tỉnh táo, khiến bọn hào khác Hà Nam phục lăn.

Trong bàn ăn nhậu, kẻ có tửu lượng cao cường, phong thái trầm tĩnh thư thái vui vẻ rất dễ tạo được hảo cảm. Vì vậy, dẫu Tử Khuê chỉ mỉm cười và nốc rược mà vẫn được mếm mộ.

Chàng thực lòng cao hứng khi tham gia bữa tiệc này chứ không hề gượng ép. Điều ấy đã khiến cho Tống Thụy rất vui, nhìn chàng với ánh mắt cảm kích. Nếu chàng khách sáo hoặc ngượng ngùng thì nàng sẽ mất mặt với bạn bè cũ.

Sau vài tuần rượu, Thiết Đảm Hồng Nhan dò hỏi:

- Lư huynh! Vì sao chu vị lại tề tựu ở đây đông đủ như vậy?

Lư Công Đán nhướng mày, làm ra vẻ quan trọng:

- Thụy muội không biết gì sao? Tại phủ Nam Dương sắp xảy ra cuộc chiến khốc liệt để tranh giành vật chi bảo của võ lâm là cây "Diêm Vương Quỷ Kỳ". Vật ấy hiện ở trong tay một thổ hào đất Bảo Bình, cách Nam Dương hai chục dặm về phía Tây.

Thiết Đảm Hồng Nhan cau đôi mày liễu chẳng hề được tỉa tót, tô vẽ mà vẫn xanh đen, hỏi lại:

- Lư huynh! Cây "Diêm Vương Quỷ Kỳ" ấy quý giá ở chỗ nào?

Lư Công Đán đắc ý kể lể:

- Theo truyền thuyết của võ lâm thì vào thời đầu Nam Tống, cách nay hơn ba trăm năm, giang hồ xuất hiện một đại ác ma là Quỷ Chân Nhân Đơn Ngạn Hòa. Lão ta chỉ có mười đệ tử nhưng đã trở thành tai họa khủng khiếp nhất cho võ lâm và bách tính. Quỷ Chân Nhân đã đánh cướp hàng trăm nhà đại phú ở cả hai vùng lãnh thổ Nam Tống và nước Kim. Số nạn nhân của lão lên đến hàng ngàn, cả dân thường lẫn khách giang hồ và quan quân.

Quỷ Chân Nhân có thể hoành hành bá đạo như vậy là nhờ có cây "Diêm Vương Quỷ Kỳ". Cây cờ này ban đêm sai khiến được âm binh, tạo ra những luồng quái phong làm tê liệt bất cứ ai chạm phải. Ban ngày thì tác dụng kém đi, quái phong chỉ công hiệu trong bán kính hơn trượng. Song như thế cũng quá đủ để Quỷ Chân Nhân Đơn Ngạn Hòa thành kẻ bất bại.

Cuối cùng, tổ sư phái Toàn Chân là Vương Trùng Dương đã lan tin khắp giang hồ, khiêu chiến với Quỷ Chân Nhân. Vương Tổ sư chấp nhận so tài cả vào ban đêm, lúc "Diêm Vương Quỷ Kỳ" có uy lực cao nhất.

Quỷ Chân Nhân đã nhận lời vì cho rằng Vương Trùng Dương chẳng thể nào hơn được Phật Như Lai. Lão đã từng đánh cướp Tàng kinh các của chùa Thiếu Lâm mà Phật Tổ vẫn lặng thinh, chẳng làm được gì.

Nhưng để chắc ăn, Quỷ Chân Nhân chọn giờ Hợi đêm rằm tháng bảy đêm của vong hồn. Còn địa điểm là bãi đất hoang cạnh bờ sông Bạch Hà cách thành Nam Dương này hơn chục dặm về hướng bắc.

Đêm ấy, trước sự chứng kiến của mấy người, Quỷ Chân Nhân vũ lộng Quỷ kỳ, tạo nên luồng quái phong mãnh liệt, chập chờn ngàn bóng u linh ghê rợn, làm cho cát bụi mịt mù. Nào ngờ , Vương Tổ sư thản nhiên xông thẳng qua trận bão ma ấy, chỉ một chiêu kiếm đã đâm thủng tâm thất họ Đơn.

Tuy trúng đòn trí mạng như thế mà Quỷ Chân Nhân vẫn còn đủ sức tung mình xuống sông Bạch Hà mất dạng, mang theo "Diêm Vương Quỷ Kỳ". Nhưng sau đó lão không hề xuất hiện nữa nên mọi người đoán rằng Đơn Ngạn Hòa đã chết.

Nghe xong Thiết Đảm Hồng Nhan mỉn cười khen ngợi:

- Lư huynh quả là người uyên bác và có tài kể chuyện!

Được mỹ nhân tán dương, Tây Nhạc Kiếm Khách cực kỳ khoan khoái hai cánh mũi phập phồng và nở lớn. Gã hắng giọng nói tiếp:

- Tống hiền muội biết không, ngay cả việc tái xuất của "Diêm Vương Quỷ Kỳ" cũng rất éo le, lý thú. Số là thổ hào đất Bảo Bình kia tên gọi Kỹ Tòng Thư, tuổi độ sáu mươi bẩy. Lão ta quê quán Tứ Xuyên, mười hai năm trước đến Bảo Bình sang lại hơn ngàn mẫu cây ăn quả, sống đời nhàn hạ, sung túc.

Kỹ lão sính văn chương, thường đến Trích Tiên lâu ở cửa Tây thành Nam Dương này ngâm vịnh. Gia phụ cũng có thú ấy nên hai người đã trở thành bằng hữu.

Ngu huynh thường theo phụ thân đến chơi Kỹ gia trang nên mới biết Kỹ Tòng Thư rất giỏi võ. Ông ta vốn là đệ tử tục gia của phái Thanh Thành. Kỹ đại thúc đã dạy dỗ, huấn luyện ba trăm tráng đinh trong trang thành những tay kiêu dũng, giỏi cả kiếm lẫn cung. Ông cũng truyền cho ngu huynh vài trăm chiêu kiếm rất tuyệt diệu.

Kỹ đại thúc không có con trai nên hai năm trước nạp một người tiểu thiếp tuổi mới hăm lăm, tên gọi Lâm Cổ Hoàn. Nào ngờ Lâm thị là người phóng đãng, lẳng lơ, âm thầm thông dâm với một đệ tử của Kỹ đại thúc.

Đầu xuân năm nay, Lâm Cổ Hoàn đã cùng với tên đốn mạt ấy lấy trộm ba ngàn lượng vàng rồi trốn đi. Biết rằng Kỹ đại thúc sẽ không bỏ qua, truy đuổi đến cùng, nên Lâm Cổ Hoàn và gã Đinh Văn Kiệt đã rêu rao suốt đường đi rằng "Diêm Vương Quỷ Kỳ" đang ở Kỹ gia trang. Họ muốn Kỹ Tòng Thư phải chết.

Thế là cả võ lâm chấn động, ùn ùn kéo nhau về Bảo Bình. May thay, tổng binh thành Nam Dương Từ Hậu lại là bạn thi văn với Kỹ đại thúc và gia phụ, nên đã mang ngàn quân đến bảo vệ Kỹ gia trang, khi nhận được lời cầu cứu của bạn già. Do đó, suốt nửa tháng nay, Kỹ gia trang vẫn bình yên.

Nhưng thiên hạ lại đồn rằng Minh chủ Võ lâm Âu Dương Mẫn đang trên đường đến Bảo Bình. Với cương vị của mình, lão có quyền thu hồi cái vật có thể gieo tai họa cho giang hồ và bách tính.

Tống Thụy ngắt lời gã:

- Nếu thế thì sự việc sẽ diễn ra suôn sẻ, làm gì có đánh nhau mà Lư huynh bảo rằng khốc liệt.

Lư Công Đán khoan đáp, nâng chén mời cả bàn uống cạn rồi mới lên giọng:

- Ngu huynh chẳng hề dám phóng đại, hiện nay, uy quyền của Âu Dương Mẫn đã giảm sút rất nhiều. Từ cuối năm ngoái, giới giang hồ đã rỉ tai nhau một chuyện động trời, rằng Âu Dương Mẫ chính là tên ác ma Huyết Mai Hội chủ năm xưa. Tin này lan nhanh như gió, tới cả tai Đô Sát viện ở Bắc Kinh. Thế là triều đình ra lệnh cho Tam Ty Hà Nam điều tra sự việc và tước bớt quyền hành của Âu Dương Mẫn. Lão ta vẫn là Minh chủ Võ lâm nhưng không còn được quyền huy động nhân thủ hoặc can thiệp vào nội bộ các phái.

Tất nhiên là cũng chẳng ai thèm đóng góp cho ngân quỹ tổng đàn như trước nữa. Không những thế, có hai bang hội mới thành lập mà chẳng cần xin phép Minh chủ, và cái tên của họ cũng hàm ý khiêu khích Âu Dương Mẫn.

Phái thứ nhất là Chiết Mai Bang ở núi Lĩnh Sơn vùng đất cực tây Hà Nam, giáp với Thiểm Tây. Phái thứ hai là Bích Huyết Bang ở huyện Tân Thái cách đây chừng hai trăm dặm về phía đông.

Với vị trí như thế, vô hình trung hai bang ấy muốn cùng Âu Dương Mẫn tạo thành thế ba chân vạc trên đất Hà Nam, tâm điểm của võ lâm.

Âu Dương Mẫn rất cay cú song phải lờ đi vì e ngại những đại nhân vật đang đỡ đầu cho hai bang hội ngạo mạn kia. Hậu thuẫn của Chiết Mai Bang là Bắc Thiên Tôn Phùng Thịnh Đoan, của Bích Huyết Bang là Nam Thiên Tôn Từ Tôn Chiến.


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!