Đến cuối tháng chạp thì cậu bé Quách Tử Chiêm hoàn toan bình phục , khiến niềm vui của Quách gia trang được trọn vẹn
Kỹ nương đã có căn bản về y học, nay được thêm quyển sách thuốc của Cửu Hoa Thánh Y nên đã cứu được con thơ.
Tử Chiêm biết mình thoát chết nhờ ai nên vô cùng yêu mến Tam ca, quấn quýt chẳng rời.
Tử Khuê đã dâng lên song thân hai viên "Trường thọ đan" nhưng chỉ mình Quách trang chủ sử dụng, Kỹ nương nhỏ hơn chồng mười mấy tuổi lại có công lực thâm hậu nên rất trẻ trung tráng kiện. Bà mà uống "Trường thọ đan" thì e rằng Quách lão chịu không thấu.
Hương xuân của năm Giáp Dần chưa tan thì Tử Khuê đã phải lên đường. Tiếng rằng đi du ngoạn song thực ra là chàng chính thức dấn thân vào chốn giang hồ.
Việc trước tiên Tử Khuê phải thực hiện là đến núi La Sơn, cạnh bờ sông Trúc Can Hà một phụ lưu của sông Hoài.
Sứ mạng ấy xuất phát từ chiếc ghế gãy của Hồng Vận đại phạn điếm đất Nghiệp, chứ chẳng phải do Cửu Hoa Thánh Y giao phó.
Số là thế này, trong hàng ngũ bô lão võ lâm có ba nhân vật cực kỳ lợi hại, tuổi đã gần chín mươi, được người đời xưng tụng là Võ Lâm Tam Tôn. Họ gồm Bắc Thiên Tôn ở phủ Đại Đồng tỉnh Sơn Tây, Nam Thiên Tôn đất Thiệu Dương , tỉnh Hồ Quảng và Trung Thiên Tôn núi La Sơn, tỉnh hà Nam.
Ba vị Kỳ Nhân này võ công cái thế, song từ lâu đã không màng đến sự đời nên Âu Dương Mẫn mới có thể hoành hành được.
Và giờ đây, Tử Khuê đến La Sơn là để bái kiến Trung Thiên Tôn Trần Ninh Tĩnh. Lão ta hiện đang giam giữ ái nữ của chủ nhân Hồng Vận đại phạn điếm Tống Nhiên.
Cô ả này tên gọi Tống Thụy, tuổi đã hai mươi sáu mà vẫn chưa chồng. Không phải vì nàng ta quá xấu nên ế ẩm. Ngược lại, Tống Thụy khá xinh đẹp và lại còn rất thông minh mẫn tiệp nữa.
Chẳng qua, cô con gái út nhà họ Tống có máu giang hồ, thích phiêu bạt đó đây mà hành hiệp chứ không cam tâm làm một ả hoàng hoa khuê nữ.
Năm hai mươi tuổi, Tống Thụy đã học hết nghề của cha và các nghĩa thúc, liền mang gươm xuất đạo ngay. Chỉ sau bốn năm, Tống tiểu thư đã lừng danh với cái xú hiệu Thiết Đảm Hồng Nhan. Tuy là gái nhưng nàng có cái lối đánh nhau cực kỳ liều lĩnh, táo bạo khiến đám nam nhân phải xanh mặt.
Mỗi năm, Tống Thụy chỉ về nhà một tháng tết, nhân dịp giỗ mẹ hiền. Tống lão có rầy la quở mắng thì nàng chỉ mỉm cười ôn nhu chẳng hề biện bạch. Tống lão chịu thua vì chẳng nỡ đánh đập hay xiềng xích đứa con gái mang dung mạo của người mẹ quá cố. Tống Thụy mất mẹ từ nhỏ, lại giống Tống phu nhân như đúc nên được cha cưng chiều nhất nhà.
Tống Nhiên vốn là một cao thủ Hắc đạo hoàn lương. Ông có ba nghĩa đệ, hai người đã so tài quyền kiếm với Tử Khuê, người thứ ba chính là Ngụy Công Tử Tề Thúc Như. Tống Thụy cũng là học trò của ba kẻ ấy.
Đầu năm ngoái, Thiết Đảm Hồng Nhan tình cờ lạc bước đến núi La Sơn mà không biết đấy là chốn ẩn cư của Trung Thiên Tôn Trần Ninh Tĩnh.
Phong cảnh La Sơn lúc Xuân về cực kỳ diễm lệ, hoa tháng hai tưng bừng nở rộ. Tống cô nương say sưa dạo chơi và thò tay định ngắt vào đóa hoa thì bị một con chim ưng tấn công lén, mổ vào đầu đau điếng. Tống Thụy nổi giận thi triển ngay tuyệt kỹ của cha già, phóng một mũi "Yến Vỹ châm" giết chết con chim xảo quyệt.
Nào ngờ, nó lại là vật nuôi yêu quý của Trung Thiên Tôn và tiếng kêu lìa đời thảm thiết của thần ưng đã đánh động chủ nhân. Trần lão liền chạy ra, tóm cổ Thiết Đảm Hồng Nhan đem vào thạch động giam giữ.
Sau đó, Trung Thiên Tôn gởi thư cho Tống Nhiên kể rõ sự tình, bảo rằng sẽ cầm tù Tống Thụy cho đến khi nào họ Tống tìm được mốt con chim ưng khác để bồi thường.
Chim ưng thì chẳng thiếu, song khổ nỗi Trần Ninh Tĩnh lại đòi một con biế nhậu và tửu lượng không dưới 1 thăng ( lít).
Tống điếm chủ thương con vô hạn, liền tìm mua mấy chục chú chim ưng rồi tập cho chúng uống rượu. Kết quả là chẳng con nào chịu uống cả và nếu miễn cưỡng đổ vào họng chưa đến nửa thăng thì chúng lăn ra chết toi.
Tống Nhiên cùng ba vị bài đệ đành bó tay cứ nghĩ đến Tống Thụy là lòng đau như xé. Mỗi ngày phải uống hơn thăng rượu thì hai năm sau Thiết Đảm Hồng Nhan sẽ biến thành bạch cốt dạ xoa, dung nhan tàn tạ va sức lực mỏi mòn. Thể chất của nữ nhân hoàn toàn không thích hợp với rượu. Họ uống chơi vài chung thì được chứ cứ nốc tràn thường xuyên thì yểu mạng.
May thay, hồi đầu tháng mười một năm ngoái, sứ giả của Trung Thiên Tôn đến Nghiệp thành để trao thư. Trong thư ấy, Trung Thiên Tôn yêu cầu Tống Nhiên xếp đặt cái bẫy mà Tử Khuê đã sa vào. Và nếu cái kẻ xui tận mạng ấy chịu đến La Sơn hội kiếm với Thiên Tôn thì Tống Thụy sẽ được thả ra ngay.
Bởi thế cho nên, Tống điếm chủ cùng ba người đệ tử khẩn khoản van nài Tử Khuê giúp đỡ. Ngụy Công Tử Tề Thúc Như còn dùng việc làm giả Viên "Tỵ Lôi thần châu" để uy hiếp Tử Khuê. Nếu chàng không chịu nhận lời đi La Sơn thì gã cũng sẽ chẳng thèm trổ tài xảo thủ. Thế là Tử Khuê đành phải gật đầu.
Người Trung Hoa rất coi trọng chữ tín nên vợ chồng Quách trang chủ đành phải gạt lệ tiễn con, dù lòng chẳng hề muốn xa. Cậu bé Tử Chiêm thì sụt sùi khóc lóc khi tống biệt Tam ca, khiến Tử Khuê phải hết lòng an ủi.
Chỉ mình Băng Tâm Ma Nữ Kỹ Thanh Lam biết rằng lần ra đi này sẽ đưa đến những lần xa nhà khác. Ân oán giang hồ vốn dây dưa không dứt, người hiệp khách có thể chẳng cần hư danh song lòng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân đã khiến vó câu bôn ba chẳng mỏi. Ngày xưa bà cũng đã từng là một người như thế. Nhưng nữ nhân dễ rút chân khỏi chốn giang hồ khi xuất giá, còn nam nhi thì khác hẳn. Khi đã thành danh, bọn đàn ông sống chết vì nó, mặc cho thê tử lo lắng, nhớ thương.
Do tin tưởng rằng con mình là thần tiên giáng phàm tất chẳng thể sống một cuộc sống tầm thường, Kỹ nương cắn răng chấp thuận cho Tử Khuê xuất đạo.
Nhưng nếu Âu Dương Mẫn chính là Huyết Mai Hội chủ thì việc đối đầu với lão ta sẽ nguy hiểm khôn lường cho cả Tử Khuê lẫn người thân. Do đó, bà đã luôn nhắc nhở con trai mình phải thận trọng, không được sính cường hay sơ xuất. Và chàng phải tuyệt đối giữ kín lai lịch, không làm liên lụy đến Quách gia trang.
Kỹ nương đã khóc khi dặn dò khiến Tử Khuê mủi lòng, vội nặng lời thề thốt để trấn an. Chàng hứa vời mẹ rằng sẽ sống sót trở về bằng mọi giá.
oOo
Đầu tháng ba, dưới chân núi La Sơn xuất hiện một kỵ sĩ. Người này mặc đạo bào xanh, đầu đội nón tre rộng vành, thân hình khá lực lưỡng và mặt thì đầy râu nên người ngoài sẽ phỏng đoán rằng gã độ hăm lăm, hăm sáu tuổi.
Chàng đạo sĩ ấy dừng cương trước một nhà tiều phu, xuống ngựa hỏi thăm chủ nhà:
- Bẩm lão thí chủ! Dám hỏi đường nào lên Trung Thiên động?
Người tiều phu đã già, tuổi quá sáu mươi nên khi hỏi đường, gã đạo sĩ phải lột nón xuống. Nhờ vậy mà chúng ta nhận ra chàng trai số mạng xui xẻo đất Hứa Xương, dù dung mạo kia đã khác đi nhiều?
Lý do là vì Tử Khuê đã nặng hơn xưa đến ba chục cân. Món mặn luôn hơn món chay, nếu không thì thiên hạ đã đi tu cả. Suốt mấy tháng qua, ngày nào Tử Khuê cũng ăn toàn sơn hào hải vị, vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng nên tăng trọng rất nhanh. Chàng ăn vì khoái khẩu và cũng vì muốn làm vui lòng từ mẫu. Kỹ nương đã đích thân xuống bếp trổ tài thánh thủ nên Tử Khuê phải ăn cho hết. Quách lão cũng luôn miệng ép con trai ăn thật nhiều để bủ đắp cho ba năm chay tịnh, kiêng khem. Ông quan niệm rằng với chiều cao hiện nay thì Tử Khuê quá gầy.
Riêng Kỹ nương thì còn một lý do khác. Sau lần bán "Tỵ Lôi thần châu" cho Minh chủ Võ lâm Âu Dương Mẫn, bà càng chú trọng đến việc ăn uống của ái tử. Bà hiểu rằng khi Tử Khuê mập lên mấy chục cân và có một gương mặt đầy râu thì Âu Dương Mẫn sẽ khó nhận ra vì chỉ gặp gỡ một lần. Trong quyển y lão Cửu Hoa Thánh Y có sẵn toa thuốc mọc râu vô cùng thần hiệu.
Bởi thế cho nên giờ đây gương mặt Tử Khuê đầy đặn, phương phi và râu thì phủ kín nửa mặt, bó cằm trông rất oai võ.
Do yêu cầu của Trung Thiên Tôn nên hôm nay Tử Khuê mới mặc lại đạo bào. Còn sau này, khi cần chàng có thể dùng võ phục và mang cái lai lịch Hàn Thiếu Lăng, hai mươi bảy tuổi, quê quán Tuần Châu, một huyện thuộc phủ Hứa Xương.
Hàn Thiếu Lăng thực là một gã lính lệ trong dinh Tổng binh Quách Tử Xuyên, biểu đệ của Tử Khuê. Nguồn cơn là vậy , giờ chúng ta quay lại La Sơn để xem Quách Tử Khuê rơi vào cảnh ngộ như thế nào.
Chàng nghe lời chỉ dẫn của lão tiều phu , theo đường sơn đạo cách đấy vài chục trượng mà lên núi. Trung Thiên động nằm trên một bình đài cao gần trăm trượng, lưng chừng núi La Sơn. Ngựa vốn có bốn chân song không thể leo núi được, Tử Khuê đành phải gởi lại nhà lão tiều phu.
Lên đến nơi, Tử Khuê chỉ thấy một vùng toàn hoa cỏ ngào ngạt sắc hương và chẳng hề có bóng dáng nhà cửa, mút tầm mắt cũng chỉ có một màu xanh mơn mởn của loài Mộc cẩn. Có lẽ Trung Thiên động nằm ở chân vách đá, phía sau hàng rào Mộc cẩn nọ?
Mộc cẩn còn có tên là cây vông vang, chị em ruột với hai loài dâm bụt và phù dung, loài cây bụi nhỏ hoặc thân gỗ nhỏ thuộc họ cẩm quỳ.
Mộc cẩn là loài thân gỗ cao từ hai đến sáu thước, cánh nhỏ màu xám nâu, vỏ dai, khó gãy. Lá hình trứng hoặc hình trứng xẻ thùy, hoa đơn
có màu tím, trắng, đỏ, tím nhạt. Kỳ hoa rất dài, năm đến mười tháng hoa nở liên miên, sáng nở tối tàn nên còn có tên "Hoa sáng nở chiều tàn "từ đầu Hạ đến tận tiết Sương giáng, ngày nào hoa cũng nở .
Bởi vậy, người ta gọi nó là loài cây hoa "Nở không dứt, bứt không hết". Trong lúc các loài hoa khác đã thưa thớt thì Mộc cẩn lại nở rộ, sắc màu rực rỡ. Hoa Mộc cẩn dạng như cái bát, giống hoa phù dung, vỏ lại giống cây đay, vì thế còn gọi là "đay hoa bát" hoặc "đay phù dung"!
"Đoạn mô tả lê thê trên dành cho những độ giả có vợ mê phim Hàn Quốc, người Triều Tiên trồng loài cây hoa này ở khắp nơi, xem nó là tượng trưng của sự xinh đẹp và hạnh phúc vĩnh hằng, ca tụng nó như quốc hoa của Triều Tiên".
Còn trong bộ truyện này, Mộc cẩn chính là chiêu bài của Trung Thiên Tôn Trần Ninh Tĩnh lúc vừa xuất đạo giang hồ. Hơn sáu mươi năm trước, họ Trần tự xưng là Mộc Cẩn Tú Sĩ. Nhờ võ công tuyệt thế, danh hiệu ấy mau chóng lẫy lừng Trung Thổ. Song người đời lại lén gièm pha rằng Trần Ninh Tĩnh hơi thiếu chất đàn ông. Họ Trần chuộng những bộ y phục có màu tím hoặc tím nhạt, tính tình lại bất thường, sáng nắng chiều mưa.
Trần Ninh Tĩnh nghe được lời đàm tiếu ấy liền chứng minh phẩm chất đại trượng phu bằng cách lấy lúc hai người vợ. Và trong ba năm có liền sáu đứa con.
Nhưng sau đó, thê tử của lão bị bọn ác ma giết sạch. Báo thù xong thì đầu họ Trần đã bạc và được đời xếp vào hàng ngũ "Võ lâm tam tôn".
Thanh danh chẳng thể khiến Trần Ninh Tĩnh bớt chán đời, lão trở thành đạo sĩ, chọn La Sơn làm chốn tu tiên.
Gốc gác, lai lịch của Trung Thiên Tôn thì Tử Khuê chẳng lạ, chàng đã từng được nghe ân sư kể lại. Chàng chỉ tự hỏi rằng sau mấy chục năm tu hành liệu tính nết lão ta có còn cổ quái, nóng nảy như xưa hay không? Và chàng sẽ phải làm gì để đổi lấy tự do cho Thiết Đảm Hồng Nhan Tống Thụy?
Rút kinh nghiệm của cô ả liều mạng họ Tống, Tử Khuê chẳng dám hái hoa bắt bướm từng bước thận trọng tiến vào. Đến trước hàng Mộc cẩn rậm rạp, chàng dừng chân vận công gọi lớn:
- Đệ tử là Vu Diệp, từ Nghiệp thành đến xin cầu kiến Trần tiền bối.
Từ trong vọng ra tiếng người già nua:
- Mời vào!
Tử Khuê mừng rỡ tiến lên. Nhưng khi vừa vượt qua hàng cây đầu tiên, chàng lập tức rơi vào một biển sương mù dày đặc, chẳng còn thấy được gì nữa. Tử Khuê thất kinh hồn vía, hiểu rằng đã lọt vào một trận kỳ môn.
Chàng hoang mang thét lên:
- Mong tiền bối chỉ giáo cách qua trận.
Trung Thiên Tôn cười nhạt đáp:
- Đúng là đồ bị thịt. Chỉ một trận thế "Điên đảo ngũ hành" mà cũng không biết. Tiến ngũ, tả tam, tiến tam, hữu ngũ!
Tử Khuê nói lời cảm tạ rồi bước theo thứ tự ấy, lát sau vào đến khoảng đất trống trước cửa một thạch động ở chân vách đá.
Trung Thiên Tôn đứng chắn cửa động, tay xách bầu rượu, tay cầm vật gì đấy đưa lên miệng gặm. Tử Khuê chưa kịp thi lễ thì phát hiện ngực áo đạo bào trắng của Trần lão bê bết máu tươi và cái khúc dài dài mà lão đang cắn chính là mốt đoạn cẳng tay người đủ năm ngón dài, trắng trẻo. Chàng rùng mình, rợn tóc gáy, sợ đến mức tứ chi bủn rủn, chẳng nói nên lời và không tin vào mắt mình.
Trong lúc ấy, Trung Thiên Tôn lộ nét hân hoan, quẳng khúc xương cẳng tay đi và cười khanh khách:
- Ái chà! Thằng bé này to béo thực. Chắc ta phải xẻ thịt ướp muối mà ăn từ từ chứ không thể chén sạch ngay trong một ngày được.
Cái miệng rộng và hàm răng trắng nhỡn của lão cũng đầy máu tươi, trông rất đáng sợ.
Tử Khuê thôi dụi mắt, hiểu rằng Trung Thiên Tôn đã hóa thành quái vật ăn thịt đồng loại. Và có lẽ nạn nhân đầu tiên của lão chính là Thiết Đảm Hồng Nhan Tống Thụy. Trong tiềm thức người đàn ông, mỹ nhân luôn là một cái gì yếu đuối, mỏng manh cần được bảo vệ. Từ cổ chí kim, nữ nhân và bọn nhi đồng là hai đối tượng mà người hiệp sĩ phải bênh vực giúp đỡ.
Nay nghĩ đến cảnh Tống Thụy bị ăn tươi nuốt sống, Tử Khuê vô cùng thương xót và bất giác nổi cơn thịnh nộ. Chàng chẳng còn màng đến sinh tử, quyết liều thân giết lão ác ma.
Tử Khuê trợn mắt rống vang trời, rút kiếm xông đến, dồn hết lòng căm hận vào chiêu "Kiếm quải thu phong".
Cái tên đầy thi vị ấy không biểu hiện được hết nội dung chiêu thức. Kiếm kình chẳng hề nhu hòa, hây hây như gió thu mà rít lên rợn người, xé nát không gian. Còn kiếm quang thì chớp loang loáng dưới nắng xuân, sát khí bức người.
Trung Thiên Tôn biến sắc trước chiêu kiếm tuyệt luân, định thần múa tít bầu rượu trên tay để chống đỡ. Quả là danh bất hư truyền, chiếc bầu rượu dài hơn gang kia lập tức tạo nên một bức tường kiên cố và kín đáo, đón lấy đạo kiếm quang vũ bão của đối phương.
Khi hai loại vũ khí chạm nhau, tiếng thép ngân lên oang oang, chứng tỏ bầu rượu được Trung Thiên Tôn làm bằng kim loại và khá dày.
Bảo kiếm của Tử Khuê bị chấn động mãnh liệt vì công lực của lão quái thai họ Trần thâm hậu hơn chàng gấp bội.
Cảm giác đau rát ở hộ khẩu đã làm cho Tử Khuê tỉnh táo lại. Chàng thức ngộ rằng chẳng thể dùng sức mà thắng đối phương.
Tử Khuê liền cố tĩnh tâm thi triển yếu quyết "Nhược liễu tùy phong", đường kiếm mềm mại, nhu hòa song cực kỳ nhanh và hiểm ác. Mũi kiếm của chàng bám chặt lấy cổ tay cầm bầu rượu của Trung Thiên Tôn chẳng chịu rời, khiến lão nhất thời lúng túng như gà mắc tóc. Và thỉnh thoảng, Tử Khuê điểm những nhát thần tốc làm cho lão ta phải rụng rời, mau mau thoái hậu hoặc nghiêng mình né tránh.
Trung Thiên Tôn bực bội tăng thêm lực đạo, đánh những đòn nặng như núi đổ, bầu rượu bay vun vút tựa dải lụa đen mờ. Lúc ấy, Tử Khuê khôn ngoan hoán vị tránh chiêu và lựa thế mà phản kích.
"Tránh voi chẳng xấu mặt nào" và trường kiếm vốn dĩ mỏng manh, nhẹ nhàng, không phải loại vũ khí chủ về lực đạo. Trong trường hợp này, Tử Khuê có ưu thế về chiều dài binh khí nên những đòn phản công của chàng rất đáng sợ. Tất nhiên phải kể đến tài nghệ cũng như bản chất của pho "Thanh Long kiếm pháp".
Tử Khuê có đến mười hai năm khổ luyện võ nghệ, lần lượt do Kỹ nương rồi Vu Mộng chân nhân dạy dỗ thành tựu, kiếm thuật của chàng cao hơn quyền chưởng vì được sự hỗ trợ của "Thao Quang thần thức". Với khả năng phát xạ tia chân khí để điểm huyệt và nhũng chiêu thức chuyên biệt dành cho tay tả, chàng đã trở thành một trong những kiếm thủ hiếm hoi sữ dụng cả hai tay.
Hôm nay trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh này, Tử Khuê phải dốc hết vốn liếng ra mà chiến đấu. Ít phút sau, Tử Khuê phiên thân tránh một đòn cuồng nộ của Trung Thiên Tôn rồi phản công bằng chiêu "Nguyệt phùng thiên lý" (Bóng trăng dập dờn ngàn dặm). Từ khoảng cách hơn trượng, Tử Khuê ẩn mình trong kiếm quang, thân ảnh chập chờn trôi nổi, ập vào đối thủ.
Khi chạm mặt nhau, trường kiếm của Tử Khuê thọc nhanh hàng trăm thế, dồn dập tựa mưa sa, phong tỏa đường chùy của kẻ địch. Chiếc bầu rượu bằng thép ròng của Trung Thiên Tôn được sử dụng như một loại chùy cán ngắn. Và chàng bất ngờ vươn tả thủ xạ liền hai tia chân khí vào song nhãn Trần lão quái.
Tử Khuê chọn mắt làm mục tiêu vì biết Trung Thiên Tôn có hơn hoa giáp công lực, lớp cưong khí hộ thân rất dày, chỉ có đôi mắt là yếu nhất.
Nhưng Trần Ninh Tĩnh là bậc kỳ nhân quán thế, chẳng dễ thất cơ trước một kẻ hậu sinh. Lão hoàn toàn bị bất ngờ trước đòn ám tập song vẫn kịp lách người né tránh nên chỉ có vầng tráng rộng đầy nếp nhăn trúng đòn và hơi đau đớn.
Tuy nhiên, việc này cũng khiến cho Trung Thiên Tôn hoảng vía. Lão không ngờ một chàng trai trẻ măng lại sở đắc thủ pháp "Cương ty phất huyệt" thất truyền.
Trần lão quỷ vừa chống đỡ những chiêu kế tiếp của Tử Khuê vừa thét lên, gọi ơi ới:
- Cha chả! Tiểu tử này lợi hại thực! Đồ đệ mau mang kiếm ra cho sư phụ thì mới mong có thịt mà ăn.
Tử Khuê giật mình lo ngại vì hiểu rằng nếu có thêm học trò của Trung Thiên Tôn nữa thì chàng khó mà thoát chết, đừng nói đến việc giết lão ta.
Nhưng may thay, tên đồ đệ của Thiên Tôn không xuất hiện mà chỉ từ trong hang đá tối tăm kia ném kiếm ra ngoài cho sư phụ.
Trần Ninh Tĩnh quét mạnh một đường chùy, đẩy lùi Tử Khuê rồi vươn tay tả chụp lấy bảo kiếm.
Lão ném bầu rượu xuống bãi cỏ, vung kiếm thị uy và cười khà khà:
- Này con trâu nước rậm lông kia! Lúc nãy lão phu không có kiếm trong tay nên ngươi mới được dịp sính cường. Giờ thì ngươi đừng hòng ra oai nữa.
Dứt lời,Trung Thiên Tôn lướt tới tấn công ngay. Lạ thay, kiếm pháp của lão hiền hòa quảng đại chứ chẳng hề hung hãn.
Tử Khuê đã nghe tôn sư kể lại rằng sở trường của Trần lão là kiếm thuật nên càng ngao ngán, thận trọng đón chiêu và chỉ sau gần khắc, chàng biết ngay mình chẳng phải là đối thủ, khi mất ưu thế về vũ khí.
Đường kiếm của Trung Thiên Tôn nhẹ nhàng, lưu loát tựa nước chảy mây trôi nhưng biến ảo vô song và cực kỳ hùng hậu. Nghĩa là lão đã đạt đến cảnh giới thượng thừa tùy tâm nhi phát, thuận tay mà đánh.
Nhìn nụ cười ngạo nghễ và ánh mắt giễu cợt của đối phương, lòng Tử Khuê rực cháy niềm bi phẫn. Chàng quên cả lời giáo huấn của ân sư và từ mẫu, nghiến răng xuất chiêu "Hoàng thiên bất tiếu ", chiêu đầu tiên trong pho "Oán Thiên kiếm pháp". Trong mấy tháng ở nhà, Tử Khuê đã ráo riết luyện tập và đạt đến mức tinh túy của hai chiêu đầu.
"Oán Thiên kiếm pháp" độc ác phi thường vì nó đem máu của người thi triển đổi lấy máu hoặc mạng kẻ thù. Và nó xảo quyệt ở chỗ dùng hàng trăm thế thức đẩy đưa xếp đặt, từng bước, cuối cùng bắt buộc đối phương phải tấn công vào chỗ sơ hở đã lộ ra. Nạn nhân sẽ mắc bẫy, hân hoan hạ thủ và trúng đòn ở một vị trí ác nghiệt hơn.
Giờ đây, Trung Thiên Tôn cũng bị chiêu thức quái dị kia lường gạt . Đang chạm kiếm, lão chợt nhận ra rằng mình chỉ cần vươn tay là dễ dàng đâm thủng huyệt Thái Ất trên bụng trái đối phương. Nhưng chẳng hiểu sao lão quái vật ăn thịt người ấy lại bỏ qua và lập tức thoái hậu. Nhờ vậy, lão tránh được việc thủng yết hầu bởi một nhát gươm kín đáo của Tử Khuê.
Da cổ mát lạnh vì hơi thép quá gần, Trung Thiên Tôn rợn da gà quát lớn:
- Thì ra là "Oán Thiên kiếm pháp". May mà bần đạo chẳng có ác ý với ngươi, nếu không thì đã toi mạng rồi.
Tử Khuê đang say máu, chẳng để ý đến câu nói ấy, tiếp tục xông đến xuất chiêu thứ hai là "Tặc Thiên Manh Nhãn "
Kiếm thuật ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của người kiếm sĩ nên lúc này ánh mắt của Tử Khuê tràn ngập sát khí, đôi môi mím chặt khiến nét mặt trở nên tàn nhẫn, ác độc.
Trung Thiên Tôn hoảng vía bỏ chạy la bải hải:
- Thụy nhi mau ra đây! Tiểu tử này nổi điên rối!
Từ trong hang, một nữ nhân áo hồng lao vút ra chặn đường Tử Khuê, mỉm cười :
- Xin đạo huynh bớt cơn thịnh nộ. Tiểu muội là Tống Thụy đây. Việc gia sư ăn thịt người chỉ là trò đùa thôi.
Trong lúc Tử Khuê còn bàng hoàng, ngơ ngác thì Trung Thiên Tôn quay lại, đưa cho chàng xem cái cẳng tay người mà lão quăng đi lúc nãy. Trấn Ninh Tĩnh cười khanh khách bảo:
- Nó bằng gỗ ngô đồng đấy, đồ ngốc ạ. Còn máu trên miệng và áo bần đạo là mực son.
Tử Khuê hiểu ra, ngượng ngùng ấp úng:
- Nhưng sao tiền bối lại bày trò chọc ghẹo vãn bối làm gì?
Thiên Tôn vỗ vai chàng, nheo mắt tinh quái:
- Phải khích cho ngươi bừng lửa giận thì bần đạo mới có thể biết được chân bản lĩnh chứ.