Nó kêu khóc thảm thương, mợ hai nghe chuyện bịa điên người định lao tới đập cho nó một trận vì tội lếu láo nhưng bị lính cản. Mợ dạo này nghén nên người yếu hẳn, lại hay khó thở, bu Trinh nom con gái tức tím tái mặt mày xót quặn từng khúc ruột, bu cố gắng bình tĩnh trình bày thay mợ.
-"Bẩm quan lớn, bữa nay trời oi, tôi đưa Trâm đi loanh quanh tản bộ. Lúc ra tới chỗ nhà kho có cây khế chua, mợ kêu thèm nhưng xung quanh toàn bùn bẩn, tôi sợ mợ trượt chân nên dặn mợ đợi, tôi xắn quần lội qua bứt khế cho mợ. Lội được vài bước gì đó thì nom thấy mợ ba cầm dao hung hăng định lao tới chỗ mợ Trâm gây sự, tôi lúc đó cuống quá liền giật vội con dao, mợ mất đà bị trượt chân nhưng chỉ ngã chút thôi, sau đó mợ vẫn đứng dậy về phòng được..."
Chẳng để bu kể hết, quan đã chửi bu láo rồi đập bàn đánh rầm kết luận.
-"Thôi đi, đừng nguỵ biện, chính bà đẩy chết mợ ba. Bay đâu, nhét gông vô cổ bà ta lôi về nhà lao đợi ngày xử trảm đền tội. Vụ án đến đây kết thúc!"
Ôi chao Trấn phó xứ Đoài, xử án còn nhanh hơn thần thám. Vừa mới liếc mắt cái đã nhìn ra thủ phạm, kẻ hầu người hạ ai nấy cũng trầm trồ nhưng không thán phục. Lính thì chả dám cãi lệnh, mợ hai khóc ngất, mặc lính cản, mợ cứ cố nhoài người bò theo bu mợ, vừa bò mợ vừa uất ức chửi lớn.
-"Đánh bỏ cha cái thằng Trấn phó bất lương, mày không đáng làm Trấn phó. Mày có giỏi thì mày đừng bắt bu bà, mày bắt bà mày đây này, bà thách cả tổ cả lò nhà mày đấy!"
Khiếp hồn mợ hai của Trấn thủ, có khác quân đầu đường xó chợ? Trấn phó ngao ngán lắc đầu, nhổ bãi nước bọt đánh phẹt tỏ vẻ chán nản. Bu Trinh lo mợ uất quá nói năng hồ đồ nên quay lại dặn dò con gái.
-"Mợ ngoan, mợ nghe bu về nghỉ đi. Bu không có tội, bu chả sợ, cùng lắm bu tới đoàn tụ với thầy mợ."
Mợ gào lên cấm bu không được tới đó, thầy đi nhiều năm rồi, giờ chắc tái kiếp rồi chứ đợi gì bu? Lính đưa bu lên xe ngựa kéo, chúng nhốt bu mợ trong cái cũi gỗ như cũi lợn, mợ nhìn bóng bu khuất dần mà đau tưởng như có dao găm xẻo từng miếng thịt. Chân mợ tê cứng, mợ đi không nổi, người làm khuyên như nào mợ cũng lắc đầu không chịu vào nhà, mợ nằm vật vã ngoài cổng phủ lẩm bẩm kêu đợi cậu về.
-"Mợ Thuỳ đã tỉnh, mợ đang chuẩn bị hậu sự cho mợ ba, mợ kêu con dìu mợ vào thắp cho mợ ba nén nhang, thôi thì xoá bỏ ân oán kiếp này, chúc mợ ba lên đường may mắn."
Con Quế chạy tới thủ thỉ, mợ Trâm buồn bực sai nó dìu đến gian của mợ ba. Vú Oanh đang xếp váy áo cho mợ để chuẩn bị thiêu, mợ ba thường ngày tính tình trái khoáy nhưng dẫu sao vú nhìn thấy mợ lớn lên từ nhỏ, thi thoảng hay qua phủ Thái phó nhõng nhẹo mợ Thuỳ nên không tránh khỏi thương tâm. Vẫn biết mợ hai còn lo cho bu mợ, nhưng chỗ tang gia nhà người ta mà mợ làm ầm ĩ quả thật không thể chấp nhận được.
-"Mợ ba, mợ chết không phải do bu tôi hại, mợ biết rõ hơn ai hết. Mợ có muốn đầu thai kiếp khác suôn sẻ thì mợ mau hiện hồn về giải oan cho bu tôi, còn không thì mợ chỉ có nước xuống địa ngục thôi, mợ nghe rõ chưa?"
Chưởng cơ ở ngoài biên ải còn chưa kịp về, bu mợ Quyên cùng họ hàng thân thích nghe mợ Trâm bố láo bố toét thì bốc hoả ngùn ngụt, nóng máu đứng dậy chửi bới. Đôi bên lời qua tiếng lại đinh tai nhức óc, mợ Thuỳ phải huy động đội ngũ mấy chục người làm đang chuẩn bị cỗ dưới bếp lên dẹp loạn. Mợ Trâm tuy bên ngoài cứng miệng nhưng thực tình trong tâm hoảng loạn bất an, mợ nôn rất nhiều rồi đuối sức lịm mất, lúc mợ tỉnh dậy đã là năm ngày sau đó.
Cu Trí với con Dung tới thăm mợ từ lúc nào? Con Trang thằng Toàn cũng có mặt ở đây, từ các em mợ đến các cháu mợ đều chít khăn trắng toát, đứa nào đứa nấy mắt mũi sưng húp. Trên bàn còn phần cho mợ một chiếc khăn, tụi nó chỉ vào chiếc hũ nhỏ bên cạnh, kêu bu ở trong đó.
-"Thằng Trấn phó sợ giam bu ở trấn đường thì cậu hai sẽ cướp người nên trong đêm đó âm thầm giải bu lên quan trên, đi giữa đường cả đoàn xe gặp nạn bị rơi xuống vực sâu, bu...chắc giờ này bu đang nấu cơm cho thầy ở nơi chín suối."
Cu Trí vừa kể vừa gạt nước mắt, con Trang con Dung khóc thút thít, thằng Thóc con Lúa thấy vậy cũng nức nở theo. Trong nhà chỉ có thằng Toàn bình tĩnh nhất, nó trầm giọng hỏi ý kiến chị vợ.
-"Tụi em tính đưa bu về quê, ý bác như nào?"
-"Đã tìm thấy bu đâu mà đưa về!"
Mợ Trâm thẫn thờ cảm thán, cu Trí thở dài buồn bã, bu ra đi oan uổng quá, Trấn phó tử nạn nên đâu còn ai để báo thù, giờ mợ Trâm lại lẩn thẩn như vậy, mình mợ ở nơi này nó chẳng an tâm.
-"Để con Dung với chị Trang ở đây với mợ tới khi nào sinh nhé!"
Trí đề xuất nhưng Trâm không chịu. Mợ biết thằng Toàn còn ông Trần bà Thanh dưới quê, cu Trí xa nhà lâu lễ chạp cũng chẳng có người thờ cúng tổ tiên, rồi vườn tược lợn gà trâu chó nhờ dì Hồng thím Vân sang cho ăn mãi cũng ngại. Còn con Dung con Trang, ai bắt tụi nó xa chồng?
Mợ ăn với các em các cháu bữa cơm chiều, xong xuôi kêu Quế lấy túi bạc, dúi cho mỗi đứa một ít rồi đuổi về quê hết. Người nhà vừa ra khỏi phủ thì mợ thấy bóng cậu từ trấn đường trở về, mợ vội đi lùi vào trong, trốn chui trốn lủi sau đống rơm ôm đầu gối ngồi bần thần một mình.
Cái hũ nhỏ đó là tro cốt của bu mợ sao? Bu thực sự không còn nữa? Là do ai? Do mợ, tại mợ thèm ăn khế, tại mợ không đứng ra nhận tội thay bu, đáng nhẽ mợ nên quyết liệt hơn, cứ thế một dao đâm chết Trấn phó mới đúng, nếu như vậy hắn đã không đem bu đi rồi. Mà không, ngay từ đầu mợ đã sai, mợ nghe lời bu dịu dàng như mợ cả thì biết đâu mợ ba quý mợ, cơ sự sẽ không tới nông nỗi này?
Nhưng mợ ba, rốt cuộc do ai giết?
Ai mà to gan đến vậy? Ai mà dám gắp lửa bỏ tay người, ai có thù với mợ sao không giết mợ luôn đi? Sao lại tính kế với bu mợ? Bu mợ cả đời hiền lành chẳng hãm hại ai bao giờ, quanh năm có gánh bún nhỏ tần tảo sớm hôm chăm chồng nuôi con, chồng mất một thân bu vừa ba đứa nheo nhắt vừa nai lưng ra trả nợ. Mợ với con Trang đi lấy chồng, bu chẳng khấm khá gì nhưng lần nào về cũng thịt gà, bu lên với mợ mới được vài bữa mà mợ thấy bớt nhớ quê hẳn. Bu chiều mợ như cục vàng, còn mợ, mợ hại bu vào chỗ chết.
Người mợ vô thức run lên, mợ nhớ bu quá, mợ muốn khóc mà nước mắt cạn khô. Mợ tự hổ thẹn biết bao, mợ vùi mình vào đống rơm, chỉ mong được trở về những ngày thơ bé, được bu ôm vào lòng hát ru con cò bay lả bay la. Bàn tay thô ráp nào đó khẽ chạm lên má mợ, mợ vội tránh đi, tiếng trách cứ đầy chua chát.
-"Nếu như tôi nghe bu tôi, đừng lấy cậu hai..."
Cả tuần liền sau đó, mợ chỉ nằm bẹp trong giường, ngoài con Quế thì mợ không muốn nom thấy ai hết. Nó hết chạy loăng quăng hóng hớt lại rẽ vào phòng buôn chuyện, có bữa nó báo cậu đã xin được quan trên cho phép tra lại án của bu mợ, có bữa mợ đang mơ màng thì nghe nó kể vụ cậu cho gọi con Thơ.
-"Cậu đích thân xuống bên dưới đối diện với nó mợ ạ, còn chẹp miệng cảm thán xinh xắn như này mà làm người ở thì đáng tiếc quá. Con nhỏ mặt đỏ phừng phừng, chắc nó quên mất tiêu luôn việc tới trấn đường để vạch tội mợ, nó cứ ngây người ra ngắm cậu. Cậu xem xét vết dây thừng trên tay nó, trìu mến đưa lọ thuốc xong bảo gốc mít có tổ kiến lửa, mợ hai độc ác trói Thơ lâu như vậy chắc kiến cắn Thơ đau lắm, nó cứ như bị bỏ bùa gật đầu lia lịa, nước mắt tràn trề bịa tùm lum đau nhức mấy đêm chả ngủ được. Cậu đề nghị để tối cậu sang chăm nó, hỏi nó có chịu không?"
Quế đang hồ hởi buôn dưa bắt gặp mợ Trâm nhíu mày liền sợ sệt phân bua.
-"Ối mợ đừng tưởng thật, cậu bẫy nó mà, thực tình gốc mít đâu có tổ kiến lửa nào đâu. Con này ngốc bỏ xừ đi được, luống cuống khai tinh tinh loạn xạ hết cả lên. Cậu hỏi sau đó ai cởi trói cho nó, nó bịa thằng Húng, nhưng gọi thằng Húng lên lại thành ra nó nói điêu. Rồi đúng tình đúng lý mợ ba bị hại thì nó phải gọi người tới cứu chứ đâu có chuyện cứ ngồi im trong phòng đợi quan đến. Dân tình đứng xem chửi nó như chó, cậu hai lật mặt nhanh hơn lật bánh tráng, vừa nãy còn tình cảm ngọt ngào, ngay sau đó đã lấy khăn chùi tay, doạ dìm nó xuống hồ."
-"Rồi sao nữa?"
Mợ Trâm mệt mỏi hỏi, Quế hứng khởi báo cáo.
-"Nó hãi quá khai thật hết luôn đấy mợ, thì ra vết dây thừng do nó tự siết vào tay cho giống thật, còn vụ khai giả do mợ ba dặn nó có ai hỏi thì nói như vậy, thư gửi tới trấn đường hình như cũng do mợ ba nhờ người viết nặc danh, nhưng sau đó vì sao mợ tự nhiên lăn đùng ra chết thì nó chịu. Nói chung đã minh oan được cho bu mợ, con Thơ bị giam, mợ ba nếu không làm chuyện bất lương thì sao kết cục lại bi thảm như vậy? Đúng là ác giả ác báo mợ bớt buồn nha."
Quế ngọt nhạt an ủi, mợ Trâm cười đắng. Những thứ đó, quan trọng sao? Đối với mợ đã chẳng còn nghĩa lý gì nữa rồi. Công bằng trả cho bu mợ, thế còn bu mợ, ai trả bu cho mợ? Mợ sống dật dẹo ngày qua ngày như một cái xác vô hồn, hễ cậu đến thăm mợ liền quay mặt vào góc tường, nếu cậu dám lại gần hơn nữa mợ sẽ cào cấu cậu hoặc với gối đánh đuổi.
Con Quế chứng kiến mà xót cả cậu lẫn mợ, nó thương mợ sốc nặng nên thần trí bất ổn, thương cậu phải nghe mợ càu nhàu tối ngày. Mợ chửi cậu đỗ quan to làm gì để rước thêm hai mợ lận, chửi chính mợ khi xưa dại dột lấy cậu, lúc cậu có thêm hai vợ vẫn cố nán nại phủ, cố lấy mấy đồng bạc gửi về cho bu làm gì đâu, giờ bu đâu có còn nữa? Biết vậy, mợ sớm bỏ quách đi cho rồi!
Những lúc như thế, cậu hai chỉ ôm mợ, xin mợ chứ không hề dám cãi mợ nửa lời. Cậu nhọc tâm chăm bẵm mợ bao nhiêu thì những cái lúc cậu ở ngoài trấn đường, vú Oanh sang lại khiến tinh thần mợ xuống dốc bấy nhiêu. Cái mụ vú Oanh sao mà vô duyên dễ sợ, mang tiếng tận tâm hầm canh gà ngọt nhưng miệng lưỡi độc địa đắng ngắt.
-"Ôi mợ thông cảm, bữa nay mợ Thuỳ còn bận cùng cậu đi quyên góp giúp đỡ dân nghèo, chẳng sang thăm mợ được."
Vú còn kể cậu hai dạo này hay thích bồng mợ cả âu yếm lắm, chân tình tâm sự tháng này thấy mợ Thuỳ cũng nghén ăn chua, có khi năm sau sinh con cùng năm với mợ hai thì vui cửa vui nhà phải biết. Lần nào vú về mợ hai cũng đập đồ, mợ mang bầu tính khí thất thường, lại bị mô kích nên hung dữ hơn rất nhiều. Có bận mợ Thuỳ mới ghé qua thăm, mợ hầm hầm ném chén trà sưng vếu trán người ta, chẳng hiểu sao cậu hai chỉ bảo mợ cả qua thư phòng cậu lấy thuốc bôi mà máu ghen của mợ hai đã dâng trào như sóng cuộn mùa bão.
-"Cậu cũng cút nốt đi, biến theo mợ cả về thư phòng của cậu đi, để mợ ấy đẻ cho cậu cu tí, khỏi cần con của tôi nữa."
Cậu hai khổ sở siết chặt mợ hai, mặc mợ cắn, mặc mợ đánh cũng kệ chẳng buông. Mợ bị khống chế nên sinh cảm giác ngột ngạt, càng muốn phát rồ.
-"Cậu lấy tôi cậu được tất cả, danh vọng tiền tài vợ lớn vợ nhỏ. Còn tôi ngu tôi mới lấy cậu, để giờ tôi chẳng có gì cả, bu mất đằng bu chồng mất đằng chồng."
-"Mợ không mất ai cả, ngoan, nghe tôi húp thêm thìa cháo nữa, đợi mợ khoẻ tôi dẫn mợ đi gặp bu."
Tin mừng cậu cũng vừa mới nhận được thôi, hoá ra bữa đó chiếc cũi nhốt bu Trinh mắc kẹt ở lùm cây chứ không rơi hẳn xuống vực, bu may mắn được thầy cứu. Thầy dẫu sao vẫn hơn cậu một bậc, làm việc kín kẽ chẳng để lại sơ hở gì, mãi đến khi cậu giải oan cho bu rồi thầy mới lộ diện. Nghe đâu thầy còn đích thân hộ tống bu về quê, Dung Trí Trang Toàn gặp bu khóc như lũ về, có mỗi mợ Trâm cậu dỗ như nào mợ vẫn không chịu tin, dần dần mợ sinh bệnh trầm mặc, lười nhìn cậu, lười nói chuyện với cậu, đến chửi cũng lười.
Rồi đến một buổi sáng nọ, khi mợ soi mình qua chậu nước, mợ giật mình tưởng đang nhìn ma nữ. Con ma khô khốc mặt mũi xanh lè, mợ nhìn qua cậu đang vắt khăn lau chân tay cho mợ, cậu càng ngày càng phong độ, nhớ tới mợ Thuỳ vẫn trẻ trung xuân sắc, mợ bỗng thấy họ xứng đôi ghê quá. Cậu cho mợ ấy cu tí là phải thôi, cu tí của mợ Thuỳ rồi sẽ giỏi hơn cu tí của mợ, sẽ được cậu cưng hơn, cu tí của mợ nhất định sẽ tủi thân lắm, mợ thương con khoé mắt rơm rớm. Đàn bà mang bầu nhạy cảm khác thường, mợ hai chẳng ngoại lệ, mợ chán chường thu gói đồ đạc, chỉ để lại cho cậu vài chữ vỏn vẹn.
"Cái danh mợ hai của Trấn thủ tôi không thèm nữa, tôi bỏ cậu."
Trước khi về quê mợ ghé qua gian mợ Thuỳ, mợ muốn xin lỗi vụ ném cái chén. Mợ vội nên chẳng gõ cửa, mà nếu như gõ, chắc cả đời mợ sẽ không trông thấy chiếc vòng của mình lần thứ hai. Chiếc vòng đá đỏ cậu khắc tặng mợ. Bận trước ở gia trang bên ngoài cậu từng đưa mợ tới chỗ mợ Thuỳ chỉ để chuộc lại, nhưng không gặp được tiểu thư Minh Châu. Mợ Thuỳ có chiếc vòng đó từ bao giờ? Sao không đem sang trả cho mợ mà ngồi mân mê lau chùi tỉ mẩn đến thế? Vì đâu mợ giả bộ gõ cửa, mợ cả lại hoảng hốt nhét vội trong hộc bàn, phủi phủi váy áo quay ra tươi cười với mợ? Tất cả, chỉ có một đáp án thôi, là bởi mợ khờ! Mợ lừ lừ tiến tới chiếc bàn, nhanh như cắt cầm lấy chiếc vòng của mình, đoạn mỉa mai.
-"Người trong lòng mợ là ai, cả cái trấn này có thể nhầm lẫn, nhưng đừng hòng qua mắt tôi. Từ con gái trưởng thôn tới con nhà bán cám lợn, con nào mê cậu hai tôi liếc qua là biết liền. Nhưng loại gái như mợ, cho tới bây giờ là loại tôi khinh nhất!"